Vào tháng 03/2016, hơn 100 tàu cá Trung Quốc bị Cơ quan An ninh quốc gia Malaysia phát hiện đang đánh bắt trái phép ngoài khơi bãi cạn Luconia (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia). Ngay lập tức, chính phủ Malaysia đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Malaysia đến để phản đối, đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra từ Cơ quan Chấp pháp biển (MMEA) và Hải quân hoàng gia Malaysia (RMN) đến vùng biển trên. Những phản ứng gay gắt và gần như tức thời của chính phủ Malaysia trong sự kiện này được dư luận quốc tế và khu vực nhìn nhận như một bước chuyển biến “đột ngột” từ nhân nhượng sang cứng rắn của Malaysia trước những vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.

Tuy nhiên, quan điểm của giới chức Malaysia khẳng định nước này chưa bao giờ nhân nhượng trước các hoạt động khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản trái phép từ bên ngoài. Đô đốc Ahmad Puzi, người đứng đầu Cơ quan Chấp pháp biển Malaysia khẳng định có hơn 826 tàu cá nước ngoài đã bị bắt giữ vì các hoạt động khai thác trái phép trong thời gian qua, và trường hợp lần này sẽ không phải ngoại lệ. Điều này đặt ra câu hỏi: lập trường của Malaysia trên Biển Đông thực sự là như thế  nào?

Nhiều quan điểm cho rằng Malaysia tuy có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông (quần đảo Trường Sa) nhưng luôn theo đuổi “ngoại giao an toàn”, thậm chí bỏ qua các động thái lấn lướt của Trung Quốc. Có 2 nhóm thông tin chính được truyền thông cũng như các học giả quốc tế dùng làm căn cứ để diễn giải cách hành xử “an toàn” của Malaysia. Thứ nhất, nhóm thông tin cho rằng Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động quân sự tại bãi cạn James (Trung Quốc gọi là bãi Tăng Mẫu) nhưng Malaysia không có phản ứng cụ thể. Thứ hai là nhóm thông tin khẳng định việc Malaysia nhường cho Trung Quốc một số ưu đãi về cảng biển có vị trí chiến lược trên Biển Đông, tạo điều kiện cho hải quân Trung Quốc tăng cường hiện diện tại vùng biển này.

Bài viết này thảo luận về tính chính xác của hai nhóm ý kiến trên nhằm làm rõ bối cảnh và tính chất của các nhóm thông tin này. Từ đó làm rõ khả năng gây nhiễu dư luận của các sự kiện được đề cập, cũng như sự thiếu chính xác khi sử dụng các thông tin trên để viện dẫn cho khả năng thỏa hiệp giữa Malaysia với Trung Quốc trên Biển Đông.

Sự kiện bãi ngầm James

Bãi ngầm James nằm cách bờ biển của Malaysia chỉ có 80km (nghĩa là nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế - EEZ của Malaysia), trong khi đó Trung Quốc vẫn tuyên bố đây là điểm cực nam trên đường “đứt khúc chín đoạn” dù bãi cạn này nằm cách đất liền về phía Trung Quốc đến 1800 km. Năm 1969, Malaysia và Indonesa đã đàm phán ký kết Hiệp định về thềm lục địa, trong đó Indonesia thừa nhận chủ quyền của Malaysia ở bãi cạn James.

Năm 2009, Việt Nam và Malaysia đã ký bản ghi nhớ và xây dựng Báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa (vượt quá 200 hải lý), cùng trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp Quốc. Trong bản báo cáo này, Việt Nam ghi nhận bãi ngầm James không thuộc phạm vi ranh giới ngoài thềm lục địa của mình, cũng như không nằm trong phạm vi tuyên bố chủ quyền của quần đảo Trường Sa. Như vậy, theo luật pháp quốc tế, bãi cạn James thuộc chủ quyền của Malaysia, và chỉ còn Trung Quốc là quốc gia còn lại tuyên bố đơn phương chủ quyền với bãi cạn này dựa trên đường đứt khúc chín đoạn từ năm 2009.

Dựa trên tuyên bố phi lý về chủ quyền, Trung Quốc lần đầu tiên thông báo tiến hành tập trận hải quân tại bãi cạn James (Trung Quốc gọi là bãi Tăng Mẫu - Zengmu Reef) vào tháng 03/2013 với 4 tàu hải quân. Đến tháng 01/2014, truyền thông Trung Quốc lại tường thuật sự kiện hải quân Trung Quốc tiến hành tuần tra bãi Tăng Mẫu - điểm cực nam của đường lưỡi bò - với 3 tàu hải quân. Tuy nhiên, trên thực tế, theo các nguồn tin của truyền thông uy tín quốc tế và truyền thông Malaysia, không có bất kỳ cuộc tập trận cũng như tuần tra nào của hải quân Trung Quốc vào hai thời điểm trên tại bãi cạn James.

Sự kiện Trung Quốc cho 4 tàu hải quân tập trận ở bãi cạn James vào 26/03/2013 được cho là lần đầu tiên truyền thông chính thống của Trung Quốc đăng tin về hoạt động quân sự của hải quân tại “mốc lãnh thổ cực nam”. Phản ứng của Malaysia với sự kiện này được cho là rất thận trọng khi phải đến đầu tháng 04/2013, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Malaysia mới khẳng định: cả Hải quân Hoàng gia lẫn lực lượng Cảnh sát biển Malaysia đều không thấy dấu hiệu của các tàu hải quân Trung Quốc. Đặt trong bối cảnh cụ thể, đây là khoảng thời gian Malaysia tổ chức bầu cử toàn quốc nhằm xây dựng chính phủ mới. Khoảng thời gian này, Quốc hội được giải tán sau tuyên bố của Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 03/04/2013 với sự chấp thuận của Quốc vương Malaysia, nhằm tạo điều kiện cho tổng tuyển cử và quá trình chuyển giao quyền lực. Do đó, sự chậm trễ trong các phản ứng của chính phủ Malaysia giai đoạn này với vấn đề xâm phạm bãi cạn James là có thể giải thích được.

Tuy nhiên, ngay sau khi ổn định chính phủ mới, Malaysia được xem là đã “đáp trả” Trung Quốc khi Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia vào tháng 10/2013 tuyên bố tiến hành thiết lập đơn vị cảnh sát biển và xây dựng căn cứ hải quân Bintulu thuộc bang Sarawak, trên bờ biển chỉ cách bãi cạn James 100km. Mặc dù lý do chính khi lập căn cứ được nhắc đến là để kiểm soát tốt hơn an ninh đối với lực lượng ly khai ở Philippines, nhưng khả năng kiểm soát vùng biển bao quanh bãi cạn James cũng gia tăng đáng kể. Có thể nói đây là cách xử lý tình huống khéo léo của chính phủ Malaysia.

Đối với thông tin 3 tàu Trung Quốc tuần tra tại bãi cạn James (bãi Tăng Mẫu) được đăng lần đầu trên trang Tân Hoa Xã (Xinhua News - cơ quan ngôn luận chính thức của Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa), cả bản tiếng Anh và tiếng Trung vào ngày 26/01/2014. Các hãng truyền thông quốc tế và khu vực đều đăng lại tin nãy dẫn nguồn từ Tân Hoa Xã. Ngay sau đó, ngày 29/01/2014, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Malaysia Abdul Aziz Jaafar đã bác bỏ thông tin trên, và khẳng định các tàu Trung Quốc thực tế đã tuần tra ở một vị trí rất xa so với vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Điều đáng ngạc nhiên là trước sự phủ nhận của phía Malaysia, truyền thông cũng như chính phủ Trung Quốc không hề có bất kỳ thông tin đính chính hoặc tái xác nhận sự hiện diện hạm đội của họ trên bãi cạn James - dù việc tái xác nhận là một trong những phản ứng truyền thống của Trung Quốc trước những dư luận bất lợi cho các hành động liên quan đến tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông. Các thông tin này cũng không bị xoá đi trên internet (như những thông tin đăng về phản ứng của Malaysia với cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc tại bãi cạn James năm 2013).

Sự im lặng từ phía Trung Quốc đối với phản ứng chính thức từ Malaysia cho thấy Malaysia không bị ràng buộc bởi bất kỳ vấn đề nào (kể cả việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 10/2013) với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền. Đồng thời, Malaysia đã phản ứng ở mức độ phù hợp, và truyền thông Trung Quốc đơn phương đăng thông tin, thậm chí không có sự thừa nhận từ chính phủ nước này.

Sự kiện trên vì thế không thể dùng để viện dẫn về sự “nhân nhượng” của Malaysia với Trung Quốc trên Biển Đông. Những phản ứng gay gắt của chính phủ Malaysia với những xâm phạm của tàu chấp pháp và tàu cá Trung Quốc tại bãi cạn Luconia vào các năm 2015, 2016 cho thấy rõ chính phủ Malaysia không hề muốn có bất kỳ nhân nhượng gì về vấn đề chủ quyền với Trung Quốc.

Có không một cách đối xử đặc biệt với Trung Quốc?

Nhiều dẫn chứng được đưa ra cho thấy Malaysia cho phép Trung Quốc được hưởng những quyền lợi biển đặc biệt hơn. Ví dụ như việc Malaysia cho phép hải quân Trung Quốc sử dụng hải cảng của Malaysia ở gần quần đảo Trường Sa và ngay sau đó tiến hành tập trận song phương với Trung Quốc. Nhóm các thông tin này được nhiều bài viết sử dụng để chứng minh các hành động nhằm tạo điều kiện cho việc gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng.

Khi gộp chung cả hai thông tin này vào một nhóm để diễn giải, dễ tạo ngầm hiểu cho rằng Malaysia đang từng bước nhân nhượng với Trung Quốc. Vì cả hai lĩnh vực về cảng biển và tập trận song phương đều là các lĩnh vực mà Trung Quốc đang tìm kiếm đồng thuận từ nhiều quốc gia Đông Nam Á nói riêng và các quốc gia nằm trong Dự án Con đường tơ lụa trên biển (MSR) của Trung Quốc nói chung. Tuy nhiên, khi tách riêng từng thông tin và phân tích các nội hàm rõ ràng sẽ có một nhận định khác.

Việc chính phủ Malaysia cho phép các tàu hải quân Trung Quốc được “sử dụng” hải cảng Kota Kinabalu (11/2015) rõ ràng là một trong những thành công tiếp theo của chính phủ Trung Quốc trong việc tiếp cận các hải cảng trên tuyến vận tải dọc theo con đường tơ lụa trên biển (MSR). Trước đó, hải quân Trung Quốc đã có chuyến thăm hữu nghị cảng Kota Kinabalu lần đầu tiên vào tháng 08/2013. Đây là cách tiếp cận dựa trên việc đối chiếu với những hoạt động mở rộng hiện diện quân sự tại “chuỗi ngọc trai” - hệ thống các cảng biển quan trọng của các quốc gia nằm trên con đường hàng hải nối liền Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong tháng 11/2015, Trung Quốc cũng đạt được quyền sử dụng cảng Gwadar của Pakistan ở Nam Á và chính thức hiện diện quân sự tại cảng Djibouti ở Đông Phi. Đây đều là các cảng có vai trò trọng yếu trên tuyến hàng hải đi từ Á sang Âu, góp phần kiểm soát tuyến ra vào ở eo Hormuz và khu vực Sừng Châu Phi.

Tuy nhiên, xét về mức độ ảnh hưởng, thì quyết định của chính phủ Malaysia có tính chất khác với các thoả thuận của hai chính phủ Pakistan và Djibouti với Trung Quốc. Đầu tiên, cảng Kota Kinabalu không hề có sự góp vốn của Trung Quốc trong quá trình xây dựng và quản lý, trong khi cảng Gwadar và cảng Djibouti cũng như toàn bộ hệ thống cảng trên “chuỗi ngọc trai” đều có nguồn vốn lớn do Trung Quốc đổ vào theo chính sách “ngoại giao cảng biển”. Thứ hai, việc cho phép hải quân Trung Quốc “sử dụng” cảng Kota Kinabalu chỉ giới hạn ở việc dừng và tiếp nhiên liệu, chứ không đạt các quyền sử dụng cơ bản khác (như cập bến lâu dài, quản lý hay vận hành cảng) như quy chế đồng thuận ở các cảng Gwadar và Djibouti.

Thứ ba, như lời của Abdul Aziz Jaafar (lúc này là cựu Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Malaysia), cảng Kota Kinabalu vẫn mở cửa cho các tàu quân sự nước ngoài (như Mỹ và Pháp đã từng cập cảng) chứ không chỉ cho riêng Trung Quốc. Tàu Lassen của Mỹ (trước khi thực hiện chuyến tuần tra khu vực 12 hải lý quanh đá Subi ở quần đảo Trường Sa) đã cập cảng Kota Kinabalu vào tháng 11/2015. Cuối cùng, nằm trên thủ phủ của bang Sabah - khu vực trọng điểm về quốc phòng của Malaysia, cảng Kota Kinabalu được thiết kế chuyên về cảng  bốc dỡ container, và được bảo vệ, giám sát bởi cảng Sepanggar Bay Container Port (SBCP) do Hải quân Hoàng gia Malaysia đóng giữ. Quân cảng Bintulu được xây dựng ở phía bắc bang Sarawak (giáp bang Sabah về phía tây) cũng góp phần tăng cường kiểm soát an ninh ở khu vực Đông Malaysia nói chung. Hoạt động cập cảng của tất cả các tàu nước ngoài ở Kota Kinabalu đều nằm trong sự theo dõi chặt chẽ của quân đội Malaysia.

Như vậy, việc hải quân Trung Quốc được phép dừng và tiếp nhiên liệu tại cảng Kota Kinabalu không chứng minh được bất kỳ chính sách nhân nhượng nào từ chính phủ Malaysia.  

 

“Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc trên con đường hàng hải quốc tế. Nguồn: The Economist.com

Đối với cuộc tập trận song phương gần đây giữa Malaysia và Trung Quốc tại eo biển Malacca (tháng 09/2015), trang thông tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã viện dẫn các bình luận cho rằng sự kiện này đại diện cho việc Malaysia xem quan hệ với Trung Quốc quan trọng hơn các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hiện nay, thậm chí đã “lôi kéo thành công quân đội Malaysia về phía Trung Quốc”. Sự kiện này đúng là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Malaysia và Trung Quốc trên eo Malacca - nút thắt trọng yếu trên tuyến đường hàng hải quốc tế từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, và được truyền thông Trung Quốc miêu tả là cuộc tập trận lớn nhất giữa Trung Quốc với một quốc gia trong khối ASEAN.

Nhưng ngay sau đó, vào tháng 11/2015, quân đội Malaysia tiếp tục tham gia cuộc tập trận chống khủng bố Malus APHEX 15 cùng với lực lượng Thuỷ quân Lục chiến Mỹ (USMC) ngay tại bờ biển bang Sabah của Malaysia. Cả hai hoạt động diễn tập quân sự này đều nhằm vào các mục tiêu an ninh phi truyền thống, hướng đến tăng cường quan hệ quốc phòng song phương giữa Malaysia với Trung Quốc và Mỹ, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh trên tuyến hàng hải chung. Các hoạt động ngoại giao quốc phòng của Malaysia thể hiện rõ tính chất cân bằng trong quan hệ với các cường quốc.

Ngoài Trung Quốc và Mỹ, Malaysia cũng đã từng tiến hành tập trận quân sự song phương với nước láng giềng Indonesia, Ấn Độ; và tập trận đa phương với khối FPDA (Five Powers Defence Arrangements) gồm Singapore, New Zealand, Úc, Anh;  và khối ASEAN. Cũng trong tháng 11/2015, Thủ tướng Malaysia và Thủ tướng Ấn Độ đã gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á (EAS) để ký các Bản ghi nhớ (MoUs) về việc tăng cường hợp tác quốc phòng song phương. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin cũng nhân Hội nghị EAS này để tiến hành gặp bên lề với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản G. Nakatani. Do đó, Trung Quốc chỉ là một trong những đối tác quốc phòng quan trọng của Malaysia, chứ không phải duy nhất hay quan trọng nhất.

Cần lưu ý là trong giai đoạn 2015 - 2016, Trung Quốc tiến hành hoạt động tập trận với một loạt các quốc gia Đông Nam Á như: Singapore (05/2015), Indonesia (10/2015) (nhưng bị Indonesia từ chối), Thái Lan (11/2015), Cambodia (02/2016), Brunei (05/2016).. Do đó, đây là giai đoạn Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động ngoại giao quốc phòng song phương để gia tăng ảnh hưởng với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói chung. Phản ứng của chính phủ Malaysia đồng ý tiến hành tập trận song phương với Trung Quốc cũng là phản ứng chung của phần lớn các quốc gia ASEAN. Động thái này phù hợp với nguyên tắc cân bằng quan hệ giữa các cường quốc, khi ngay sau đó Malaysia cũng như các nước Đông Nam Á còn lại đều có hoạt động thắt chặt quan hệ quốc phòng với các cường quốc khác trong và ngoài khu vực.

 Ngoại giao an toàn” không phải lựa chọn của Malaysia

Sau khi đã bác bỏ hai nhóm thông tin về những sự kiện được viện dẫn phổ biến cho rằng Malaysia đang nhân nhượng Trung Quốc, có thể nhận thấy, lập trường đối ngoại của Malaysia vẫn giữ quan điểm cân bằng quan hệ giữa các cường quốc. Do ảnh hưởng từ các nhóm thông tin trênđặc biệt trong bối cảnh chính phủ Malaysia vừa trải qua giai đoạn tổng tuyển cử (2013) và khủng hoảng hàng không sau hai sự kiện MH370 và MH17 (2014), nên dư luận dễ ngả theo quan niệm cho rằng Malaysia “phải nhân nhượng” Trung Quốc trên nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Ngay cả với các nhóm thông tin cho rằng do vừa nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (10/2013) và quan hệ kinh tế phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc dẫn đến sự nhân nhượng của chính phủ Malaysia, cũng không chính xác. Vì trên thực tế, từ năm 2003 - 2012, Malaysia chỉ nhận được 3% tổng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Do đó, không chỉ riêng Malaysia, Trung Quốc còn là đối tác thương mại hàng đầu với các quốc gia Đông Nam Á.

Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á (2003 - 2012). Nguồn: Tổng hợp từ Trung tâm quản lý dữ liệu CEIC

Sự xuất hiện của các thông tin không chính xác, và những diễn giải từ các học giả có quan điểm chia rẽ lập trường các nước trong khu vực Đông Nam Á, được viện dẫn trên truyền thông Trung Quốc, là một trong ba bộ phận quan trọng của chiến lược “tam chủng chiến pháp” nhằm định hướng mặt trận thông tin theo cách tiếp cận của chính phủ Trung Quốc.

Malaysia cũng như nhiều quốc gia khác đều đang tăng cường tính địa chính trị trong chính sách đối ngoại: tập trung hội nhập khu vực, đa dạng hoá quan hệ với cường quốc. Trong năm 2015, khi đang đảm nhiệm chủ tịch Hiệp hội ASEAN, Malaysia lần lượt nâng cấp và củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản (05/2015), Úc (11/2015) và Ấn Độ (11/2015).

Các phản ứng của Malaysia với Trung Quốc tuỳ thuộc vào những diễn biến trên thực địa. Đối với những thông tin gây nhiễu, chính phủ Malaysia chính thức xác nhận là không tồn tại, nhưng vẫn có những bước chuẩn bị nhằm củng cố khả năng đảm bảo an ninh và giám sát khu vực như đã phân tích. Đối với những thông tin được xác thực như hành động xâm phạm của tàu cá và lực lượng hải cảnh của Trung Quốc ở bãi cạn Luconia từ giữa năm 2015, Malaysia đã phản ứng mạnh và tăng dần trên tất cả các kênh về ngoại giao, cũng như hoàn thiện những bước chuẩn bị về quốc phòng. Có thể thấy Malaysia đang theo đuổi một chính sách nhất quán và nghiêm túc về các vấn đề chủ quyền, và lựa chọn các phản ứng linh hoạt tùy theo mức độ các diễn biến trên thực địa.

ThS. Lục Minh Tuấn hiện là nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp.HCM.

Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.