Trong bài trả lời phỏng vấn tờ "Stars and Stripes" mới đây, Tướng Hodges cho biết Mỹ chuẩn bị bố trí các trang thiết bị quân sự, bao gồm xe bọc thép và các thiết bị hậu cần khác ở Latvia, Litva, Estonia, Ba Lan, Romania, Bulgaria và một số ở Đức. 

Trong Chiến tranh Lạnh, việc bố trí trước các loại trang thiết bị quân sự đóng vai trò cốt lõi trong chiến lược của Mỹ. Mỹ bố trí trước các trang thiết bị quân sự ở châu Âu. Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, binh sỹ tới châu Âu bằng máy bay dân sự và quân sự, sau đó sử dụng các trang thiết bị đã được bố trí trước để chiến đấu. Như vậy, nhiều đơn vị quân đội Mỹ có hai bộ trang thiết bị quân sự, một đặt tại các căn cứ ở Mỹ để huấn luyện, một đặt ở châu Âu. Do việc vận chuyển trang thiết bị mất thời gian nên bằng cách này sẽ giúp Mỹ tiết kiệm thời gian hơn để đối phó với bất kỳ động thái nào từ Liên Xô.

Những đợt triển khai mới này không thể có quy mô lớn như trong Chiến tranh Lạnh và không phải là bố trí khả năng tấn công vì chỉ hỗ trợ cho một lực lượng nhỏ. Tuy nhiên, việc triển khai này sẽ giúp Mỹ có khả năng cơ động cao hơn và thể hiện sự hiện diện quân sự thường trực. Ở những quốc gia cho phép Mỹ bố trí trang thiết bị, trong trường hợp xảy ra xung đột, các lực lượng của Mỹ có thể triển khai nhanh chóng tới đây với các thiết bị sẵn có. Nga sẽ cần phải tính toán kỹ hơn trước bất kỳ động thái nào chống lại một trong những quốc gia cho phép Mỹ đặt trang thiết bị quân sự. Việc triển khai trang thiết bị quân sự này của Mỹ nhằm mục đích ngăn chặn nhiều hơn. Khi đưa quân vào Gruzia, Nga đã không vấp phải bất kỳ thách thức nào do không có sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này. Ngoài ra, việc bố trí trước trang thiết bị quân sự cũng là biện pháp xây dựng lòng tin với các quốc gia sở tại. Những nước này phụ thuộc vào cam kết hỗ trợ của Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Việc bố trí trước các trang thiết bị và lực lượng hỗ trợ khẳng định Mỹ sẽ tham gia ngay từ đầu, dù ở quy mô nhỏ. Mặc dù điều này không loại bỏ được hoàn toàn những nghi ngờ về khả năng của Mỹ song sẽ giúp xóa bỏ suy đoán rằng Mỹ không có thời gian hoặc không có khả năng di chuyển và bố trí nhanh chóng các trang thiết bị để sẵn sàng chiến đấu.

Trong bối cảnh Nga tăng cường sức mạnh, việc Mỹ bố trí một lực lượng nhỏ binh sỹ là điều dễ hiểu. Khu vực Mỹ bố trí trang thiết bị trải rộng từ các nước Baltic qua Ba Lan tới Romania và Bulgaria trên Biển Đen. Qua việc bố trí này, Mỹ muốn bắn đi tín hiệu với người Nga rằng bất cứ điều gì xảy ra ở Ukraine và các quốc gia lân cận là kích hoạt một liên minh. Việc bố trí trước trang thiết bị này rõ ràng không phải là một trong những định hướng của NATO, dù tất cả các nước tham gia đều là thành viên NATO. Hiện cũng không rõ liệu cơ cấu chỉ huy cho hệ thống này sẽ thông qua Brussels hay tự động vận hành. Nhiều điều hiện vẫn chưa rõ ràng và sẽ còn thay đổi song 2 yếu tố đã rõ ràng. Thứ nhất, Mỹ đã quyết định - dù là bước nhỏ và có thể đảo ngược - tái bố trí hệ thống vận hành kiểu Chiến tranh Lạnh ở Đông Âu. Thứ hai, việc bố trí trước một lực lượng nhỏ của Mỹ là chiến lược hợp lý ở châu Âu, nơi không quan tâm đến việc bảo vệ Đông Âu - khu vực luôn phải tự bảo vệ mình nhờ sự cam kết của một cường quốc lớn nào đó. 

Theo mạng tin "Stratfor"

Thuỳ Anh (gt)