Theo bài báo, trang mạng của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 31/7 cho biết, cùng với tiến trình rút quân khỏi Ápganixtan của Mỹ thì địa điểm để di chuyển một lượng lớn đồ quân dụng tại đây đang là vấn đề lớn. Lầu Năm Góc hoàn toàn không muốn mang số đồ quân dụng kể trên về Mỹ, do đó đã đề xuất chuyển đến đặt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương để phục vụ cho công tác cứu hộ khẩn cấp cũng như các sự việc đột xuất. Hiện nay, Bộ Quốc phòng Mỹ cùng Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương và Cơ quan Phát triển Quốc tế của nước này đang nghiên cứu và tính toán để đi đến quyết định địa điểm bố trí các loại đồ quân dụng nói trên. Liên quan đến vấn đề này, quan chức phụ trách hậu cần thuộc Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương tiết lộ, Xinhgapo và Philíppin đang là những cái tên nằm trong danh sách địa điểm được lựa chọn để cất giữ đồ quân dụng của quân đội Mỹ gồm lều bạt, chăn màn và máy phát điện… vì giá kho bãi tại đây rẻ, các cơ sở hạ tầng khác như sân bay và bến cảng rất tiện lợi.

"Quang Minh Nhật báo" cho biết, thông tin về ý định di chuyển đồ quân dụng của Mỹ ban đầu không mấy thu hút sự quan tâm cũng như chú ý của dư luận nhưng sau đó đã trở thành tâm điểm của dư luận sau khi báo chí Philíppin đồng loạt đăng tải. Đáng chú ý, Chính phủ Philíppin công khai hoan nghênh kế hoạch trên của Mỹ. Người phát ngôn quân đội Philíppin Arnulfo Marcelo Burgos ngày 14/8 nói với báo giới: “Kế hoạch bố trí đồ quân dụng của Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ là sự việc rất đáng hoan nghênh, đặc biệt với một quốc gia thường xuyên phải gánh chịu thiên tai như Philíppin. Trang bị hậu cần của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ đã hỗ trợ đắc lực cho quân đội Philíppin hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ và cứu nạn thiên tai”.

Trong khi đó, Xinhgapo chưa phản ứng gì trước kế hoạch của Mỹ. Tuy nhiên, quốc gia này từ hơn chục năm trước đã từng là đại bản doanh đảm bảo hậu cần cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ. Đặc biệt, sau khi Mỹ đóng cửa căn cứ hải quân tại Vịnh Subic (Philíppin) năm 1992 thì vai trò của Xinhgapo lại càng nổi bật hơn nên việc đưa đồ quân dụng đến quốc đảo này hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, "Quang Minh Nhật báo" cho rằng, phát biểu của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Cecil D. Haney mới là vấn đề đáng quan tâm. Tư lệnh Haney khẳng định: “Mục tiêu của quân đội Mỹ không giới hạn ở Philíppin và Xinhgapo, Mỹ hy vọng bố trí đồ quân dụng tại nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác, thậm chí là bố trí luân phiên để nhanh chóng tiếp cận khu vực xảy ra thiên tai này hoặc khi có nguy cơ đột xuất”. Thêm vào đó, quan chức phụ trách hậu cần của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cũng phát biểu cho rằng, một số nước mặc dù không muốn để Mỹ bố trí quân đội trên lãnh thổ của mình nhưng với trang thiết bị và đồ dùng quân sự thì có xu hướng “mở cửa” hơn bởi vì chúng dùng để cứu trợ nhân đạo và được khóa chặt trong kho.

Theo "Quang Minh Nhật báo", mục đích của Mỹ trong việc chuyển đồ quân dụng đến bố trí tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương được thông báo công khai là dùng để cứu trợ thiên tai khẩn cấp hoặc ứng phó với các sự việc đột xuất. Cả Mỹ và Philíppin khi trả lời phỏng vấn của báo giới đều “không hẹn mà gặp” khi nhấn mạnh mục đích cứu trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, đây chưa hẳn đã là bản chất của sự việc. Cũng giống như cái gọi là “tự do hàng hải tại Biển Đông”, cái gọi là “cứu nạn” kể trên chỉ là một lý do để Mỹ thực hiện chiến lược "quay trở lại" châu Á-Thái Bình Dương. Quân đội Mỹ thông qua các hiệp định “bố trí quân đội luân phiên” với Ôxtrâylia, Philíppin và Xinhgapo đã bước đầu thực hiện được việc cơ động và kéo giãn quân tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Kế hoạch bố trí đồ quân dụng tại khu vực có khả năng xảy ra xung đột và thậm chí có thể là chiến trường trong tương lai, nếu được thực hiện, sẽ giúp nâng cao thêm một bước khả năng phản ứng nhanh của Quân đội Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Cũng có ý kiến cho rằng “đây chính là chiến lược quân sự mới của Quân đội Mỹ. Họ đưa đồ quân dụng cùng trang thiết bị đến đặt sẵn ở khu vực chiến lược, khi xuất hiện tình huống khẩn cấp chỉ cần đưa quân đến là xong. Chi phí cho chiến lược này rẻ hơn rất nhiều so với việc đặt căn cứ quân sự cố định".

Lê Sơn (gt)