Cuối cùng thì vào ngày 20/7 ASEAN cũng thay thế được sự im lặng và lúng túng của mình bằng một sự đồng thuận 6 điểm. Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong đã thông báo Nguyên tắc 6 điểm tại Phnôm Pênh sau khi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN trước đó vài ngày không ra được thông cáo chung, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử 45 năm tồn tại của ASEAN.

Không có thông cáo chung do sự bất đồng trong ASEAN về việc liệu có nên, nếu có thì cách thức đề cập như thế nào, về những tranh chấp gần đây giữa Trung Quốc và Philíppin ở bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Ngoại trưởng Philíppin Albert del Rosario đổ lỗi cho Ngoại trưởng Hor Namhong về việc không ra được thông cáo chung, còn ông Namhong thì cho rằng lỗi là do ông del Rosario cứ cố chấp trong ngôn từ. Dù vì lý do gì thì sự cố ASEAN không có thông cáo chung sau hội nghị đã phát đi thông điệp: ASEAN thậm chí không thể thống nhất về nguyên nhân bất đồng. 

Sau đó, Ngoại trưởng Inđônêxia Marty Natalegawa đã tiến hành cuộc giải cứu uy tín ASEAN. Trong hai ngày ngoại giao con thoi, ông Natalegawa đã xúc tiến được Nguyên tắc 6 điểm mà Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong đọc hôm 20/7. Nguyên tắc 6 điểm tái khẳng định cam kết của các ngoại trưởng về tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); tuân thủ các quy định thực thi DOC; sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS); tất cả các bên tiếp tục kiềm chế và không sử dụng vũ lực; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. 

Tuy nhiên, thỏa thuận 6 điểm này bản thân nó không thể giải quyết được sự chia rẽ trong ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Cùng với Trung Quốc và Đài Loan, bốn nước Đông Nam Á, gồm Brunây, Malaixia, Philíppin và Việt Nam, đều tuyên bố chủ quyền trên phần lớn hoặc một phần Biển Đông. Trung Quốc thường xuyên gây sức ép để ASEAN không nói gì về vấn đề này. Vì lý do đó, khi Ngoại trưởng Hor Namhong đổ lỗi cho “hai nước” về việc không ra được tuyên bố chung sau hội nghị, tức là ông Hor Namhong đang thay mặt Trung Quốc chia rẽ ASEAN. Không khó để nhận thấy hai nước đó là Philíppin và Việt Nam, cũng không khó để nhận thấy phần lớn các nước ASEAN đều công khai phản đối hành vi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Hor Namhong cũng phàn nàn về Nguyên tắc 6 điểm, cho rằng ông đã nêu tất cả các điểm đó tại hội nghị, nhưng hai nước vẫn phản đối “có thể là do họ có âm mưu chống Campuchia”. Đây là cách hóa giải bất đồng quá tồi tệ. 

Vấn đề nữa là Nguyên tắc 6 điểm không đề cập tới sự đối đầu tại bãi cạn Scarborough. Mặc dù đó là thỏa hiệp cần thiết để ASEAN tìm lại được sự đồng thuận, song việc bỏ sót vấn đề bãi cạn Scarborough có thể tạo tiền lệ nguy hiểm trong suy nghĩ về khả năng tự chủ, rằng ASEAN thậm chí không thể nói bóng gió tới trường hợp sai phạm của Trung Quốc. Quan sát, nghe và nói những lời tốt đẹp có thể câu giờ nhằm đạt được một giải pháp, nhưng cũng có thể trì hoãn vô thời hạn kết quả đó. 

Trong khi đó, không có một phương hướng giải quyết chính thức, những nước ASEAN liên đới trong vấn đề Biển Đông có thể tự hành động. Vào cái ngày ông Hor Namhong đọc những nguyên tắc hòa bình của ASEAN, Trung Quốc thông báo sẽ thành lập khu vực cảnh bị ở Tam Sa để tiến hành các hoạt động quân sự tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa. 

Có điều gì đó không ổn trong nguyên tắc: tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Luật Biển đề ra các quy định phân biệt giữa vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời xác định quyền tài phán của các nước liên quan. Tuy nhiên, UNCLOS không trả lời câu hỏi chủ quyền - chúng là đường ranh giới và quyền của ai - vì vậy Trung Quốc đã dứt khoát bác bỏ những điều khoản giải quyết tranh chấp được ghi trong Luật Biển. Trong loại tranh chấp lãnh thổ này, sự nhập nhằng là kẻ thù của sự tiến triển, vì vậy việc tham khảo UNCLOS đang được khuyến khích nhằm nhắc nhở các nước liên quan rằng họ cần phải định rõ, về vĩ độ và kinh độ, đường biên giới trên biển của họ nằm ở đâu. Tầm quan trọng của trích dẫn UNCLOS là nó có thể giúp những nước liên quan tới tranh chấp tránh xa chính sách mị dân để hướng tới nghiên cứu bản đồ, tức là hướng tới một sự thấu hiểu nguyên nhân tranh cãi, vấn đề tranh cãi và phương hướng giải quyết, trong đó có việc cùng thăm dò trong những vùng tranh chấp. 

Sứ mệnh của ông Natalegawa để cứu vãn bộ mặt của ASEAN cho thấy khối này cần có chung tiếng nói, một cách xây dựng ngay từ thời điểm này và ổn định theo thời gian. ASEAN chưa khuyến khích được thiện chí đồng thuận, lại có xu hướng tạo đặc quyền cho Chủ tịch luân phiên. Một giải pháp về thể chế là cần thiết, kéo theo việc nâng cấp cơ quan thư ký ASEAN, mở rộng ngân sách và phương thức điều hành. Tuy nhiên, cải cách thể chế không thể thực hiện trong thời điểm này, vì vậy một giải pháp chính trị là biện pháp duy nhất. ASEAN đang rất cần được dẫn dắt một cách thầm lặng và “từ đằng sau” bởi một nước thành viên có trách nhiệm, đáng tin cậy và có khả năng thuyết phục trong các cuộc tranh chấp.

Inđônêxia đã chứng tỏ cho các đồng nghiệp Đông Nam Á và ngoài khu vực thấy rằng ASEAN không thể đồng thuận nếu không được chỉ đạo. Sắp tới sẽ là thời gian khó khăn của ASEAN.

Donald K Emmerson là người điều hành Diễn đàn Đông Á, Đại học Stanford.

Theo East Asia Forum

Trần Quang (gt)