Bộ Quốc phòng (MND) Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đã tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không tại Biển Hoa Đông (ADIZ) vào ngày 23/11. MND cũng đưa ra Quy tắc nhận dạng máy bay cho ADIZ, trong đó bao gồm cảnh báo “biện pháp phòng thủ khẩn cấp” có thể được áp dụng để đối phó với máy bay từ chối làm theo chỉ dẫn. Vùng này chồng lấn với ADIZ vốn có của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. ADIZ của Trung Quốc bao trùm Quần đảo Sensaku/Điếu Ngư được yêu sách bởi Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Một ngày sau tuyên bố, Trung Quốc tiến hành hai cuộc tuần tra trên không trong khu vực bằng máy bay Tu-154 và Y-8, khiến cho Lực lượng Phòng không Nhật Bản phải gửi hai máy bay chiến đấu F-15 để ngăn chặn. Ngay lập tức, tuyên bố này vấp phải phản ứng từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Úc và Đài Loan.

Câu hỏi 1: Mỹ và các đồng minh khu vực đã phản ứng như thế nào?

Trả lời: Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đưa ra những tuyên bố riêng biệt bày tỏ mối quan ngại của Mỹ. Kerry gọi động thái của Trung Quốc là “nỗ lực để thay đổi hiện trạng tại Biển Hoa Đông” và cảnh báo rằng “hành động leo thang của nước này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng tại khu vực và tạo ra những rủi ro sự cố”. Hagel cũng cho biết rằng động thái “làm tăng thêm nguy cơ hiểu lầm và những tính toán nhầm lẫn”. Ông cũng tái khẳng định chính sách của Mỹ như Điều 5 trong Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật được áp dụng cho những hòn đảo tranh chấp và tuyên bố của Trung Quốc không có ý nghĩa gì đối với các hoạt động của Mỹ. Vào ngày 26/11, hai chiếc B-52 của Mỹ từ Guam đã bay qua khu vực tranh chấp để khẳng định đặc quyền của Mỹ.

Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản lên án tuyên bố của Trung Quốc như một nỗ lực nguy hại để thay đổi hiện trạng tại Biển Hoa Đông thông qua ép buộc, ông cũng cho biết sẽ bảo vệ vùng trời và vùng biển Nhật Bản, và yêu cầu Bắc Kinh “thu hồi bất kỳ biện pháp nào có thể xâm phạm quyền tự do hàng không trong không phận quốc tế”. Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida phát biểu rằng Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc, và những bên khác để yêu cầu thu hồi biện pháp ADIZ. Thứ trưởng Ngoại giao Akitaka Saiki đã mời Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa tới Bộ Ngoại giao Nhật Bản và kháng nghị chính thức chống lại tuyên bố ADIZ, lặp lại yêu cầu của Thủ tướng về việc Trung Quốc nên thu hồi các biện pháp và bác bỏ hiệu lực của tuyên bố này khi mà quan điểm của Nhật cho rằng Quần đảo Sensaku là một phần lãnh thổ cố hữu của Nhật. Bộ trưởng Quốc phòng tuyên bố Lực lượng Tự vệ Nhật Bản sẽ làm việc với quân đội Mỹ để phối hợp trong hoạt động giám sát.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu tập Cố vấn Trần Hải của Trung Quốc vào ngày 25/11 để bày tỏ những dè dặt của nước này đối với việc Trung Quốc vạch ra ADIZ, cũng như Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông qua tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Trung Quốc. Thứ trưởng Quốc phòng về Chính sách Yoo Jeh Seung của Hàn Quốc cũng lưu ý rằng Seoul không thể công nhận ADIZ và tuyên bố Hàn Quốc sẽ giữ nguyên quyền tài phán của mình đối với vùng nước xung quanh Đảo đá Ieodo/Tô Nham Tiêu.

Hôm nay, Úc cũng triệu tập Đại sứ Trung Quốc để lên tiếng về mối quan ngại của nước này, và Ngoại trưởng Julie Bishop đưa ra lời tuyên bố. Cho đến nay, không có chính phủ Đông Nam Á nào lên tiếng phản đối như các nước trên. Các hãng Hàng không như Singapore Airlines, Qantas và hai hãng Hàng không Nhật Bản cho biết họ sẽ thông báo trước cho Trung Quốc về kế hoạch bay qua vùng này.

Câu hỏi 2: Tại sao ADIZ của Trung Quốc lại vấp phải những phản ứng tiêu cực như vậy?

Trả lời: Hành động của Bắc Kinh là gia tăng thêm căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhạt Bản tại thời điểm khi mối quan hệ song phương đã căng thẳng nghiêm rọng và làm gia tăng nguy cơ đụng độ. Cũng có sự chồng lấn giữa ADIZ của Trung Quốc và ADIZ của Nhật Bản. Khi máy bay của bất kỳ nước nào bay vào vùng chồng lấn này, phía bên kia sẽ có thể triển khai máy bay chiến đấu và ngăn chặn xâm nhập. Nếu như hành động ngăn chặn không được thực hiện một cách an toàn và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, một vụ đụng độ hoàn toàn có thể xảy ra. Nhắc lại sự việc vào năm 2001, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thực hiện ngăn chặn thô bạo và va chạm với một máy bay do thám của Mỹ, dẫn đến sự thiệt mạng của phi công Trung Quốc, máy bay EP-3 của Mỹ bị buộc hạ cánh trên đảo Hải Nam nơi 24 thành viên phi hành đoàn bị giam giữ trong vòng 11 ngày, và một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Trung – Mỹ.

Hơn nữa, Quy tắc nhận dạng máy bay của Trung Quốc không có sự phân biệt giữa máy bay bay song song với bờ biển Trung Quốc qua ADIZ và những máy bay bay về phía lãnh thổ không phận của Trung Quốc. Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh vấn đề này trong tuyên bố của mình, cho biết Mỹ “không áp dụng thủ tục ADIZ của mình đối với những máy bay nước ngoài không có ý định đi vào vùng không phận quốc gia của Mỹ”, ngụ ý rằng Mỹ sẽ không công nhận những quyền đã được Trung Quốc tuyên bố để hành động chống lại máy bay không có ý định bay vào vùng không phận quốc gia. Bộ trưởng Hagel cho biết Mỹ sẽ không thay đổi cách nước này tiến hành hoạt động quân sự trong khu vực. Một số người Trung Quốc có thể tin rằng hành động động lực chống lại một máy bay Nhật Bản trong vùng không phận tranh chấp gần Sensaku sẽ không gây ra phản ứng từ Mỹ vì Washington trung lập trong vấn đề chủ quyền đảo. Việc Bộ trưởng Hagel khẳng định lại cam kết của Mỹ với Nhật Bản theo Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật là hết sức quan trọng trong vấn đề này và nên hỗ trợ để ngăn cản tính toán nhầm lẫn của Trung Quốc.

Vấn đề đối với Hàn Quốc đó là ADIZ của Trung Quốc chồng lấn với ADIZ của Hàn Quốc ngoài khơi đảo Jeju, không phận đã được Lực lượng Không quân Hàn Quốc tiến hành tuần tra. Nằm trong vùng của Trung Quốc là đảo đá chìm nằm dưới quyền kiểm soát của Hàn Quốc được gọi là Ieodo (theo tiếng Hàn) mà Trung Quốc và Hàn Quốc tranh chấp chủ quyền. Hàn Quốc đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Đại dương Ieodo, một trạm khoa học được điều khiển tự động, trên đảo này từ năm 2003, dù vấp phải phản đối dữ dội từ phía Trung Quốc. Hải quân Hàn Quốc cũng gộp Ieodo vào khu vực hoạt động của mình, làm gia tăng khả năng xung đột biển giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.

Câu hỏi 3: Tại sao Trung Quốc lại thiết lập ADIZ ở Biển Hoa Đông?

Trả lời: Phát ngôn của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) khẳng định hành động của nước này là “một biện pháp cần thiết được thực hiện bởi Trung Quốc trong việc thực hành quyền tự vệ” và rằng “không trực tiếp chống lại bất kỳ nước hay mục tiêu cụ thể nào”. Tuy nhiên, quyết định tuyên bố ADIZ tại Biển Hoa Đông dường như nhằm củng cố yêu sách của Bắc Kinh đối với những đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông. Động thái này tiếp nối Đệ trình của Trung Quốc tháng 9/2012 lên Liên Hợp Quốc về đường cơ sở để phân định lãnh thổ biển xung quanh các đảo tranh chấp.

Trung Quốc cũng có thể đang đáp trả lại cảnh báo gần đây từ phía Nhật Bản rằng nước này có quyền bắn hạ máy bay do thám không người lái gây đe dọa không phận Nhật Bản. Bằng việc vạch ra ADIZ bao gồm cả Quần đảo Sensaku/Điếu Ngư, Bắc Kinh có thể tin rằng nó đã thiết lập nền tảng cho thách thức và nếu cần, sẽ hành động chống lại máy bay Nhật Bản hoạt động trong vùng này.

Bắc Kinh cũng mong muốn thu thập và công bố dữ liệu về số lần máy bay phản lực của Trung Quốc cố gắng ngăn chặn máy bay chiến đấu Nhật Bản bay vào ADIZ của nước này. Nhật Bản đã công bố dữ liệu về “sự xâm nhập” của máy bay từ Trung Quốc và Nga; Trung Quốc có thể tìm kiếm lợi ích trong việc chứng minh cho nhân dân trong nước thấy rằng Đảng và quân đội đang làm hết sức mình để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc.

Câu hỏi 4: Hành động này có phù hợp với bối cảnh chính sách đối ngoại mới và chiến lược quân sự dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình?

Trả lời: Đầu tiên có thể thấy, việc thiết lập ADIZ có vẻ mâu thuẫn với tầm nhìn chính sách đối ngoại mới của chính quyền Tập Cận Bình. Từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình chủ yếu tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trong khu vực. Trung Quốc đã cố gắng làm dịu căng thẳng với ASEAN trong tranh chấp Biển Đông bằng cách thực hiện, ít nhất là trong lời nói, những biện pháp mang tính xây dựng hơn đối với việc quản lý các vấn đề thông qua đối thoại nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Bộ đôi lãnh đạo mới của Trung Quốc - Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tăng cường chiến dịch “tấn công quyến rũ” bằng một loạt tuyên bố và hành động hồi tháng 10 của Chủ tịch Tập tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (APEC) và của Thủ tướng Lý tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), ký kết những dự án trị giá hàng tỷ USD như trong một cuộc tấn công kinh tế chớp nhoáng làm chúng ta liên tưởng đến chính sách “ngoại giao nụ cười” có hiệu quả khá cao của Trung Quốc bắt đầu thực hiện từ cuối những năm 1990. Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý dường như đã nắm vững cách tiếp cận mới bằng cách tổ chức một cuộc họp kín hiếm hoi bàn về chính sách trong nước vào cuối tháng 10 vừa qua, tập trung vào chiến lược nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ngoại vi.

Tất nhiên, người ta có thể đưa ra lập luận rằng, quan hệ Trung – Nhật là một trường hợp đặc biệt và những hành động của Bắc Kinh phù hợp với truyền thống lâu đời là tránh căng thẳng trên nhiều mặt trận cùng một lúc. Nếu nhìn từ góc độ đó, các biện pháp mềm mỏng hơn với các quốc gia Đông Nam Á có thể được mô tả như bước đầu tiên cần thiết để Trung Quốc sau đó thực hiện những biện pháp chính sách cứng rắn với Nhật Bản. Nhưng Trung Quốc sẽ sai lầm khi đưa ra vùng ADIZ để chơi trò chơi mèo-đuổi-chuột với Nhật Bản. Thay vì đó, vùng ADIZ cần được phân tích trong bối cảnh các nhà lãnh đạo mới nhìn nhận những thách thức an ninh mà Bắc Kinh phải đối mặt trong khu vực.

Bị phân tâm bởi quá trình chuyển giao lãnh đạo sau một thập kỷ và một nền kinh tế khó khăn, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc năm vừa qua đã chưa xem xét một cách tường tận các hệ lụy của chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ đối với an ninh Trung Quốc. Nay khi việc chuyển giao lãnh đạo đã hoàn tất, Tập Cận Bình đã có đủ thời gian tập trung sâu hơn vào các đánh giá an ninh. Những tài liệu chính thức gần đây của Trung Quốc như Sách trắng Quốc phòng năm nay đã tiếp tục khẳng định giá trị của đánh giá môi trường đối ngoại chiến lược chủ yếu của Trung Quốc, rằng “giai đoạn thời cơ chiến lược” của Trung Quốc sẽ kéo dài đến năm 2020, trong đó một môi trường an ninh bên ngoài thuận lợi cho phép Trung Quốc tập trung vào phát triển nội bộ. Đồng thời, những tài liệu này cũng chỉ ra rằng “giai đoạn thời cơ chiến lược” đang vấp phải “căng thẳng chưa từng có” và sự căng thẳng này bắt nguồn từ chiến lược tái cân bằng của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình thường xuyên nhắc nhở Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc luôn chuẩn bị “chiến đấu và giành chiến thắng”. Cùng với những gợi ý vừa mới được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 3, lãnh đạo Trung Quốc đã cân nhắc cải cách cơ cấu quân sự nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, điều này khiến các nước nghĩ rằng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy nguy cơ xung đột trong khu vực có thể gia tăng. Do đó, việc thành lập vùng ADIZ có thể coi như là động thái tạo nên không khí khẩn trương mà Chủ tịch Tập đang muốn thúc đẩy nhằm hình thành phản ứng của thể chế đối với các đánh giá an ninh. Điều này cũng cho thấy rằng, tuy là mối quan ngại chủ yếu nhưng khả năng xảy ra đụng độ trong khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư không chỉ là nguy cơ leo thang duy nhất trong Biển Hoa Đông mà các nhà hoạch định an ninh Mỹ cần tập trung vào.

Câu hỏi 5: Những tác động từ hành động này của Trung Quốc đối với Mỹ và các nước trong khu vực là gì?

Trả lời: Từ quan điểm của Mỹ, việc thiết lập ADIZ được xem như là một phần của chiến lược có tính toán để củng cố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, bên cạnh các hoạt động thăm dò vùng trời và trên biển ở Biển Hoa Đông, giờ Trung Quốc sẽ bao gồm cả vùng xung quanh trên không. Mỹ sẽ tìm cách khuyến khích sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, đồng thời cũng cần thể hiện sự nhất quán trong chính sách đối với các đảo. Phối hợp chặt chẽ và hợp tác quốc phòng với Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khác trong khu vực cũng như một chiến lược rõ ràng để duy trì sự hiện diện của Mỹ là những nhân tố cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc theo đuổi những chính sách có thể gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực.

Các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản dường như xem xét các động thái leo thang này như một “phép thử” cho quyết tâm của Nhật Bản và độ gắn kết của liên minh Mỹ - Nhật. Tuy nhiên, sự gây hấn của Trung Quốc lại có thể tăng cường sự ủng hộ trong nước và khu vực cho chương trình nghị sự an ninh quốc gia của Thủ tướng Abe, củng cố những nỗ lực thắt chặt liên minh Mỹ - Nhật và đẩy mạnh hợp tác song phương và khả năng phối hợp hành động chung giữa hai nước. Các quốc gia Đông Nam Á có thể ủng hộ quan điểm của Nhật Bản khi họ lo ngại về một động thái tương tự ở Biển Đông như thiết lập vùng ADIZ của Trung Quốc trong vùng tranh chấp quần đảo với nước họ.

Các phản ứng tiêu cực tại Hàn Quốc là một sự ngạc nhiên đối với rất nhiều người, nếu xét đến mối quan hệ tích cực ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và Hàn Quốc kể từ khi Tổng thống Park Geun-hye nhậm chức vào tháng 2 năm nay. Chỉ mới tuần trước, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã thực hiện chuyến thăm tốt đẹp kéo dài 3 ngày tới Seoul, tại đây, ông gặp Tổng thống Park và các quan chức cấp cao Hàn Quốc bao gồm cả người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia Kim Jang-soo và Bộ trưởng Ngoại giao Yun Byung-se để thảo luận về những bước tiến đạt được trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Hàn Quốc – Trung Quốc mà Tổng thống Park và Chủ tịch Tập đã tuyên bố hồi tháng 6. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Baek Seung-joo của Hàn Quốc dự định sẽ hội kiến Phó Tổng tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Vương Quảng Trung tại Seoul vào ngày 28 tháng 11. Cuộc họp đã được lên lịch trước này sẽ là một dấu hiệu ban đầu cho sự tổn thương mà Bắc Kinh đã gây nên trong mối quan hệ với Seoul nhiều đến thế nào.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới thăm Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc và vấn đề ADIZ sẽ được ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông. Phối hợp phản ứng với các đồng minh và đối tác trong khu vực sẽ là việc làm quan trọng đối với Mỹ để khiến Bắc Kinh nhận ra các hành động đơn phương của họ đang đi ngược lại với lợi ích của chính mình.

Michael J. Green là Phó Chủ tịch và nắm giữ cương vị Chủ tịch Nhật Bản tại CSIS. Christopher K. Johnson là cố vấn cao cấp và nắm giữ cương vị Quyền Chủ tịch Nghiên cứu Trung Quốc tại CSIS. Victor Cha là Phó Cố vấn cao cấp và nắm giữ cương vị Chủ tịch Hàn Quốc tại CSIS. Bonnie S. Glaser là Cố vấn Cao cấp Châu Á và Quyền Chủ tịch Nghiên cứu Trung Quốc của CSIS. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang CSIS.

Người dịch: Linh Lan

Hiệu đính: Kim Minh