Bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ năm 2008, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng khiến nhiều người dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường tiếp theo của thế giới vào năm 2050. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố cản trở con đường tiến lên của Trung Quốc, trong đó có lẽ quan trọng nhất chính là dầu khí.
Cách đây gần 3 thập kỷ, Trung Quốc là nước xuất khẩu dầu khí lớn nhất Đông Á nhưng giờ đây họ là nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Nếu tính tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc và các nước và vùng lãnh thổ láng giềng của họ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Đài Loan và Indonesia, thì con số này vượt xa nhu cầu của Mỹ. Điều này giải thích xu thế tranh chấp tài nguyên năng lượng ngày càng gay gắt tại không gian bao quanh Trung Quốc.

Trong giai đoạn 2006-2011, khối lượng tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc tăng tới hơn 40%, cao nhất thế giới, trên mức tăng của Ấn Độ (gần 40%) và cao hơn nhiều so với mức tăng toàn cầu (xấp xỉ 5%), trong khi lượng tiêu thụ của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thậm chí còn giảm (từ 10% tới 20%). Nhiều chuyên gia trên thế giới cũng chia sẻ dự đoán rằng mức nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc còn tiếp tục tăng dần đều trong những năm tới và sẽ vượt ngưỡng 11 triệu thùng/ngày vào năm 2020.

Đối với Trung Quốc, dầu khí là tài nguyên cơ bản cho nền công nghiệp chế xuất và xây dựng đồ sộ của họ và việc thiếu hụt tài nguyên này từng gây ra những đợt cắt điện trên diện rộng tại các tổ hợp công nghiệp rộng lớn và ảnh hưởng tới nguồn cung các sản phẩm “Made in China” ngày càng được tiêu thụ rộng rãi trên toàn thế giới. Do đó, việc đảm bảo nguồn cung loại nhiên liệu hóa thạch này là nội dung chủ chốt trong các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và các nước Trung Đông, châu Phi và vùng Andes. Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đã đa dạng hóa các chiến lược tiếp cận nguồn cung của mình, từ việc tiến hành mua bán thông thường với các nước bị Liên hợp quốc trừng phạt như Iran và Iraq – trong một số giai đoạn nhất định, cho tới việc thu mua toàn bộ mỏ như tại Sudan hay mua trả trước như trong trường hợp của Ecuador.

Để tiến hành các nhiệm vụ này, Bắc Kinh đã thành lập 3 công ty xuyên quốc gia khổng lồ là Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Công ty dầu khí và hóa chất Trung Quốc (SINOPEC). Cùng với đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tiến hành thương lượng nhiều khoản cho vay kèm điều kiện và thu mua dầu lửa tại các nước cần vốn đầu tư nhưng trong nhiều trường hợp không thể hoặc không muốn tiếp cận các nguồn tín dụng của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế. Dĩ nhiên, việc kiểm soát nguồn tài nguyên chiến lược này không bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng và bản thân Trung Quốc cũng có nhiều tranh chấp tại các vùng biển lân cận lãnh thổ của mình, mà Washington thường tận dụng để ngăn chặn đà bành trướng của Bắc Kinh. Tình trạng chia cắt căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên cũng luôn là mối đe dọa đối với các mỏ dầu khí quan trọng của Trung Quốc tại vùng Đông Bắc do Mỹ luôn duy trì sự hiện diện quân sự hùng hậu gần các khu vực này. Theo hướng thuận lợi, Trung Quốc đã xây dựng mối quan hệ liên minh chiến lược với Nga về dầu khí và thỏa thuận mới đây giữa hai bên có thể trở thành hợp đồng dầu khí có giá trị lớn nhất trong lịch sử thế giới. 

Mỹ Latinh và sự phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên 

Trong phần lớn lịch sử phát triển của mình cho tới tận ngày nay, Mỹ Latinh luôn phải cam chịu “thân phận” phải xuất khẩu tài nguyên với giá rẻ và chịu sự chi phối về chính trị và kinh tế của Mỹ - siêu cường số một thế giới và là điểm đến của đa phần dòng tài nguyên trên. Tuy nhiên tình trạng này dường như đã có một vài biến chuyển trong những năm gần đây. 

Một số quốc gia Mỹ Latinh giành được mức độ tự chủ lớn hơn về chính trị - ít nhất là trước Mỹ, đồng thời đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu của mình. Theo Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh (CEPAL), trong giai đoạn 2006-2011, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Mỹ Latinh vào Trung Quốc tăng gấp ba lần, mặc dù hoạt động nhập khẩu sản phẩm từ nền kinh tế thứ 2 thế giới còn tăng với tốc độ chóng mặt hơn. 

Xu thế này diễn ra trong giai đoạn Mỹ lâm vào khủng hoảng, cũng giống như thời kỳ trước và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi nhiều nước Mỹ Latinh tranh thủ việc Mỹ buộc phải gián đoạn cơ chế kiểm soát của mình tại “sân sau” để áp dụng chính sách thay thế nhập khẩu hướng tới công nghiệp hóa. Cũng cần nhắc lại rằng để kìm hãm quá trình tự chủ hóa đó, Washington đã phát động nhiều cuộc đảo chính tại khu vực trong giai đoạn 1948-1952 đồng thời với việc tái lập chính sách can thiệp trong khu vực, dù sau đó Mỹ cũng đã cho phép một mức độ công nghiệp hóa nhất định để tránh đối đầu với các thế lực tư bản bản địa. Dù rằng quá trình này không tạo ra những thay đổi về căn bản tại Mỹ Latinh, nó cũng tạo ra một số phát triển công nghiệp nhất định, cho phép các nước trong khu vực có thể tự sản xuất tủ lạnh, bếp điện và lắp ráp ô tô, nhưng khi và chỉ khi chúng không cạnh tranh trực tiếp và ảnh hưởng tới lợi ích của các nhà công nghiệp Mỹ.

Rốt cục, chính những tầng lớp xã hội bị thiệt thòi lại dẫn đầu trong việc đòi các yêu sách đáng lẽ thuộc về các cuộc cách mạng tư sản, như phát triển công nghiệp và tự chủ kinh tế. Phong trào này lan rộng tại châu lục sau thắng lợi của Cách mạng Cuba năm 1959. Đáp lại là làn sóng đàn áp thứ hai do Mỹ và các đồng minh là giới quân sự và tư bản bản địa, đặc biệt là các giới nhập khẩu và địa chủ, tiến hành nhằm củng cố quyền thống trị của Washington. Làn sóng đàn áp này làm làm suy yếu các tổ chức công đoàn, các liên đoàn sinh viên, đảo ngược các thành quả xã hội đạt được trong những năm trước đó và mở đường cho chủ nghĩa tự do mới. 

Tại Mỹ Latinh, chủ nghĩa tự do mới chính là cú đòn chí mạng giáng vào quá trình phát triển tự chủ khi các chính sách theo định hướng này đã hủy hoại phần lớn các nền công nghiệp nội địa. Mỹ là nước được đặc biệt hưởng lợi từ quá trình sụp đổ đó, nhất là trong bối cảnh họ không còn đối trọng đáng kể nào sau khi Liên Xô tan rã. Dù vậy, chủ nghĩa tự do mới cũng có những hạn chế của mình (đối với Mỹ): sự bất lực của các Nhà nước trung ương – với vai trò bị giảm tối đa – trong việc đảm bảo các điều kiện tối ưu cho việc tích lũy tư bản, sự phụ thuộc quá lớn vào ổn định kinh tế và chính trị của Mỹ, cũng như phản kháng ngày càng mãnh liệt của quần chúng. 

Với cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính hiện tại, bộ máy kiểm soát của Mỹ tại Mỹ Latinh đang tạm thời bị tổn thương, nhất là tại khu vực Nam Mỹ. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi cho rằng Washington đã mất kiểm soát tại khu vực sân sau của mình, khi đa phần các nước trong khu vực vẫn có nhiều dự án kinh tế quan trọng và quan hệ mật thiết với Mỹ. 

Như vậy, chính sự kìm hãm của Mỹ đã khiến Mỹ Latinh không thể phát triển một cách tự chủ nền công nghiệp của riêng mình để thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên rẻ mạt. Thật trớ trêu là hiện tại, tình trạng này lại đang làm lợi cho sự thâm nhập của Trung Quốc vào khu vực. 

Địa chính trị dầu khí của Trung Quốc tại vùng Andes 

Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Andes, và xét về khía cạnh kinh tế nói chung, các nước như Colombia, Ecuador, Peru và Bolivia đang được hưởng lợi từ điều này với mức tăng trưởng khả quan. 

Vào những năm 1990, công ty dầu khí quốc gia của Brazil, Petrobras, đã mở rộng đáng kể hoạt động của mình tại đây. Tuy nhiên, với việc phát hiện ra các mỏ dầu khổng lồ tại vùng biển sâu ngoài khơi Brazil, Petrobras đã chuyển giao nhiều chi nhánh của mình tại đây cho các công ty Trung Quốc. Quá trình này thậm chí diễn ra tại chính Brazil, khi vào cuối năm 2013, tập đoàn CNPC của Trung Quốc cũng giành được hợp đồng thực hiện 40% hoạt động khai thác tại các mỏ nước sâu ngoài khơi Brazil – thỏa thuận bị nhiều người chỉ trích là một hình thức tư nhân hóa trá hình của Petrobras. 
Sau Ecuador, một số lô khai thác dầu khí của Petrobras tại Peru cũng lọt vào tay các doanh nghiệp Trung Quốc vào năm 2012, đặc biệt là các dự án ngoài khơi và tại vùng Amazon gần biên giới với Ecuador. Tháng 11/2013, CNPC đã thâu tóm toàn bộ công ty Petrobras Peru bất chấp sự không hài lòng của các quan chức Peru. Thương vụ này bao gồm các các mỏ đang khai thác dở và các liên doanh của Petrobras với công ty dầu khí Tây Ban Nha Repsol. 

Tại Colombia, quốc gia có lịch sử dầu khí lâu đời hơn Peru, sự hiện diện của các doanh nghiệp của Trung Quốc vẫn khá khiêm tốn và họ chủ yếu tập trung vào việc cung cấp dịch vụ đơn thuần; tuy nhiên, hiện trạng này hoàn toàn có thể đảo ngược nếu các cổ phần của Petrobras tại đây cũng rơi vào tay các tập đoàn dầu khí của Bắc Kinh. 

Bolivia cũng đang tìm cách mở cánh cửa dầu khí tại vùng Amazon trong lãnh thổ của mình. Cũng giống như Ecuador, các điểm có đầu tư của Trung Quốc thường nằm trong các khu vực đã có lịch sử khai thác dầu khí và để mở rộng lãnh địa của mình, các công ty Trung Quốc thường thu mua cả các giếng dầu từng bị các nhà đầu tư trước đây “bỏ hoang”. Có thể, quá trình mở rộng hoạt động dầu khí của Trung Quốc tại Bolivia sẽ phụ thuộc vào khả năng chính phủ quốc gia Nam Mỹ này có thể mở rộng mạng lưới đường giao thông tới đâu trước sự phản đối của các cộng đồng thiểu số, như trong trường hợp của dự án TIPNIS đầy tranh cãi. (Dự án cao tốc xuyên qua khu vực rừng Amazon nơi có nhiều cộng đồng thổ dân sinh sống, từng dẫn tới xung đột và các cuộc tuần hành dài ngày tới thủ đô La Paz vào các năm 2008, 2009). 

Một trong những yếu tố cho phép Bắc Kinh mở rộng hoạt động dầu khí của mình tại vùng Andes – ít nhất thì điều này cũng rõ ràng trong trường hợp của Ecuador – chính là các khoản cho vay. Các ngân hàng Trung Quốc đã dành tới 61% các khoản tín dụng của mình trong khu vực cho Ecuador và Venezuela và đây là một tỷ lệ rất cao nếu biết rằng hai quốc gia này chỉ chiếm 8% dân số khu vực. 

Làn sóng tín dụng của Trung Quốc đổ vào Mỹ Latinh trong bối cảnh vai trò của Ngân hàng thế giới và nhiều thể chế tài chính quốc tế khác đang xuống dốc tại đây. Năm 2007, các khoản tín dụng của Trung Quốc cho khu vực này vẫn là không đáng kể nhưng tới năm 2010, các ngân hàng Trung Quốc đã cho các đối tác tại Mỹ Latinh vay tổng cộng gần 37 tỷ USD, cao hơn cả tổng số tín dụng mà hai nguồn cung tài chính truyền thống và chủ chốt trước đây là Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển Liên Mỹ (BID) cấp cho khu vực trong cùng năm (gần 30 tỷ USD). 

Chưa tính tới những cái được và mất của các khoản vay này, điều đáng chú ý là trong rất nhiều trường hợp chúng thường được bảo đảm bằng dầu khí. 

Trường hợp đặc biệt: Ecuador 

Trên khía cạnh tương quan giữa đầu tư Trung Quốc và kiểm soát tài nguyên thiên nhiên, Ecuador là một trường hợp đặc biệt, kể cả ở tầm thế giới. Ecuador không phải là một quốc gia giàu tài nguyên mỏ, nhưng đa phần các khu mỏ quan trọng nhất của quốc gia Nam Mỹ này đều nằm trong tay Trung Quốc, chưa kể hai nhà máy thủy điện lớn nhất. Phần lớn các dự án dầu lửa quan trọng nhất của Ecuador cũng nằm trong tay các công ty Trung Quốc; ngoài ra, công ty quốc doanh Petroamazonas khai thác bằng công nghệ Trung Quốc và chuyển thẳng lượng dầu khai thác được cho người khổng lồ châu Á này để trang trải các khoản tín dụng của Bắc Kinh cấp cho Quito. 

SINOPEC và CNPC đã có mặt từ khá lâu tại Ecuador, và như trên đã nói, một trong những điểm đáng chú ý là họ thường đầu tư vào các lô dầu khí mà các đơn vị khai thác trước đó của Mỹ, Anh và Tây Ban Nha coi là có vấn đề, nhưng lại nằm trong các vườn quốc gia thiên nhiên của Ecuador. Các khoản đầu tư đầu tiên của SINOPEC nhắm vào Khu dự trữ động vật Sumaco và sau đó tới các mỏ dầu tại Yasuni (vùng rừng tự nhiên quan trọng nhất của Ecuador, nằm trong vùng Amazon). Từ năm 2007, hai công ty này liên tục mở rộng đầu tư và dần thâu tóm toàn bộ các lô dầu khí trong khu vực rừng Amazon thuộc Ecuador. 

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Ecuador, với tổng giá trị tín dụng khoảng gần 10 tỷ USD (tính tới hết năm 2014), và chắc chắn khoản nợ này sẽ được trang trải bằng dầu khí. Bên cạnh đó, còn có các khoản nợ khác, không phải là tín dụng trực tiếp mà liên quan tới việc cung cấp công nghệ Trung Quốc trong các nhà máy thủy điện lớn của Ecuador. Các nhà kinh tế đã nhiều lần chứng minh rằng các khoản tín dụng của Trung Quốc có lãi suất cao hơn nhiều so với Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế. Đổi lại, chúng có lợi thế là không kèm các điều khoản ràng buộc về chính sách mà chỉ “đơn thuần” liên quan tới dầu khí và sử dụng công nghệ.

Một nghịch lý đáng chú ý là rất nhiều lần, lượng dầu khai thác tại Ecuador không được các công ty Trung Quốc chuyển về nước mà lại được bán lại cho Chevron tại California để kiếm lời nhanh, bất chấp sự khó chịu của Quito do chính phủ nước này đang kiện Chevron vì những thiệt hại về môi trường mà công ty Mỹ này gây ra tại khu vực rừng Amazon. 
Trong hoạt động của các công ty dầu khí của Trung Quốc tại Ecuador cũng tồn tại nhiều vấn đề rất nghiêm trọng về lao động và việc đối xử với các cộng đồng thổ dân bản địa, ở đây chỉ xin nêu ra một vài ví dụ điển hình: bất mãn trước điều kiện lao động, một số công nhân địa phương thuộc sắc tộc Marialba đã bắt giữ vài kỹ sư Trung Quốc nhằm buộc công ty dầu khí chủ quản phải thương lượng. Câu trả lời của công ty Trung Quốc, theo đúng nguyên văn, là: “Nếu muốn, các vị cứ giữ các kỹ sư đó, chúng tôi có hàng triệu kỹ sư tại Trung Quốc và chúng tôi sẽ không thương lượng gì với các vị về bảo vệ môi trường hay tăng lương”. Không những bỏ mặc các kỹ sư đồng hương trong tay người Marialba, doanh nghiệp Trung Quốc này thậm chí còn đuổi việc họ với lý do vắng mặt nhiều ngày. Rốt cục, nhóm thổ dân trên phải giao trả lại các kỹ sư, xin lỗi công ty Trung Quốc và van nài họ cho những người bị bắt giữ quay lại làm việc. 

Một trường hợp khác, một công ty dầu khí Trung Quốc đã xây dựng lán trại cho khoảng 500 nhân công của mình tại giữa khu vực sinh sống của cộng đồng người Siekopai và những người làm thuê này gây ra hàng loạt vụ việc đánh lộn, say rượu, cưỡng hiếp và hăm dọa. Phải nói rằng đây là những vấn đề vẫn thường diễn ra tại các địa điểm khai thác dầu, nhưng nhìn chung sau đó các công ty khác thường giữ gìn cẩn thận hơn và cho tới thời điểm đó, cũng chưa có công ty dầu khí nào tại Ecuador xây lán trại giữa làng người thổ dân. Một nhân chứng bản địa đã phải thốt lên: “Đây là điều tồi tệ nhất trong những điều tồi tệ. Các công ty Trung Quốc làm những điều mà chưa ai từng làm, kể cả Petroecuador hay Petroamazonas”. Đa số người lao động bản địa phàn nàn rằng các doanh nghiệp Trung Quốc trả lương rẻ mạt, bóc lột thậm tệ và phân biệt đối xử với họ, còn các doanh nhân Trung Quốc đáp lại rằng công nhân địa phương lười biếng, tay nghề kém, và nếu không bị ràng buộc bởi thỏa thuận giữa các chính phủ, họ đã sử dụng toàn bộ nhân công Trung Quốc. 

Bên cạnh vô số vấn đề về lao động, các công ty Trung Quốc cũng có “thành tích” ấn tượng về phá hoại môi trường. Đơn cử, tại Ecuador, vườn quốc gia Yasuni luôn là một đề tài rất nóng bỏng: khu vực rừng này giữ vài kỷ lục thế giới về đa dạng sinh học, nơi có nhiều cộng đồng thổ dân sinh sống khép kín một cách tự nguyện với thảm động thực vật rộng lớn và vô cùng phong phú. Một trong những cam kết quan trọng mà xã hội dân sự Ecuador đã đạt được, cùng với sự ủng hộ của Chính phủ của Tổng thống cánh tả Rafael Correa, là không khai thác hay chí ít là tìm kiếm lựa chọn kiểu khai thác khác tài nguyên dầu mỏ tại khu vực rừng này. Tuy nhiên, những báo cáo gần đây mà báo chí Ecuador đã phanh phui cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đã liên tục gây sức ép và luôn đi tiên phong trong các cuộc vận động để mở cửa khu bảo tồn thiên nhiên này cho hoạt động khai thác dầu khí ồ ạt, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều so với các công ty phương Tây. 

Tóm lại, các công ty dầu khí Trung Quốc nhìn chung rất ít quan tâm tới vấn đề quyền của các cộng đồng thiểu số, tới môi trường hay điều kiện lao động, và thậm chí là cả Hiến pháp của quốc gia nơi họ hoạt động. Còn về các điểm tích cực, họ có tôn trọng chủ quyền của quốc gia nhận đầu tư hơn (so với các công ty phương Tây) và đưa ra ít ràng buộc về chính sách hơn trong các hợp đồng kinh tế. Nhưng chỉ chừng đó có lẽ là chưa đủ. Khi bắt đầu những nghiên cứu của mình về hoạt động của các công ty Trung Quốc tại vùng Andes, người viết từng cho rằng một liên minh năng lượng với Bắc Kinh sẽ đem lại điều kiện phát triển tốt hơn và khả năng tự chủ lớn hơn cho Mỹ Latinh. Tuy nhiên, để thay lời kết, xin được trích lại câu nói nổi tiếng của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, người đặt nền móng cho con đường phát triển tư bản ngày nay của Trung Quốc: “Không quan trọng là mèo đen hay mèo trắng, miễn là bắt được chuột”. Và giữa hai con mèo có tham vọng đế quốc là Mỹ và Trung Quốc, chuột có thể chính là các nước Mỹ Latinh chúng ta./. 

Bài viết của Omar Bonilla, nhà nghiên cứu người Bolivia của tổ chức Oilwatch.

Duy Anh (gt)