1. Chương trình ngày 1/6 phát bình luận của chuyên gia về Việt Nam Lý Quốc Cường tại Nghiên cứu viên Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

- Hỏi: Vừa qua Trung Quốc đã huy động 03 tàu hải giám ngăn chặn Việt Nam tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí. Đây có phải lần đầu tiên phía Trung Quốc thực hiện hành động này hay không?

Lý Quốc Cường: Có thể nói rằng trong mười mấy năm qua (Trung Quốc) chưa từng thực hiện hành động tương tự như vậy. Về điểm này, cá nhân tôi cho rằng Trung Quốc lâu nay vẫn luôn thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của một nước lớn. Mặc dù một số nước trong khu vực Biển Đông xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc trên tinh thần gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, vì hòa bình và phát triển của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, vẫn thực hiện trách nhiệm của một nước lớn; đối với hành động gây hấn của một số nước xung quanh, Trung Quốc luôn tỏ thái độ kiềm chế và nhẫn nhịn. Nhưng mọi sự việc theo tôi đều phải có giới hạn, nếu như các nước tiếp tục xem thường chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền lợi hải dương của Trung Quốc tại Biển Đông, thì Chính phủ Trung Quốc dứt khoát sẽ có biện pháp mạnh.

- Hỏi: Trong vụ việc vừa qua, phía Việt Nam kiên quyết cho rằng địa điểm mà họ tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí nằm hoàn toàn trên thềm lục địa Việt Nam, trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc 1982; phía Trung Quốc không có quyền can thiệp. Sự thật có đúng như vậy không thưa Ông?

Lý Quốc Cường: Luận điệu này (của phía Việt Nam) có thể nói là hết sức hoang đường. Bởi vì phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà họ (Việt Nam chủ trương vốn đã xâm phạm vào phạm vi “đường đứt đoạn” mà Trung Quốc chủ trương, như vậy tự nó đã là không hợp pháp. Tiếp đó, dưới tiền đề hành vi xâm phạm bất hợp pháp, họ lại vận dụng Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc để đưa ra chủ trương quyền lợi của mình. Đây là điều mà chúng ta (Trung Quốc) không thể chấp nhận được. Đồng thời, việc Việt Nam thường xuyên xâm phạm khu vực “9 đường đứt đoạn”, xâm phạm vùng biển của Trung Quốc vốn đã là những hành động đi ngược lại và không tôn trọng “Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông” (DOC).

2. Chương trình ngày 2/6 thực hiện phỏng vấn qua điện thoại truyền hình với Tiến sỹ Hứa Khả, Chuyên gia về hải dương thuộc Đại học Hạ Môn, với tựa đề “Việt Nam đang thăm dò hay thách thức Trung Quốc”.

- Hỏi: Trong sự việc vừa qua, chúng ta chú ý tới một vấn đề là phía Việt Nam liên tiếp tỏ ra “ngang ngạnh” với Trung Quốc trong phương diện ngoại giao. Có thể nhìn nhận như thế nào về những phản ứng này của Việt Nam?

Hứa Khả: Chúng ta đều biết, trong số các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Việt Nam là một nước chủ chốt. Hiện nay, Việt Nam đang chiếm đóng thực tế gần 30 đảo bãi ở Trường Sa. Việt Nam nhận thấy Trung Quốc luôn giữ kiềm chế trong vấn đề Biển Đông, vì vậy tỏ ra hết sức hung hăng. Gần đây lại tăng cường thăm dò khai thác dầu khí. Tuy nhiên từ năm 2010 đến nay, kể từ khi Mỹ tuyên bố “sẽ can dự vào vấn đề Biển Đông”, Trung Quốc đã lựa chọn những biện pháp khá thực tế, ví dụ như tiến hành hoạt động bảo vệ chủ quyền thông qua lực lượng Hải giám. Việc này khiến cho phía Việt Nam cảm thấy áp lực rất lớn, bởi vậy tỏ phản ứng khá quyết liệt. Điều này càng cho thấy chúng ta đã đánh đúng vào chỗ đau của họ.

- Hỏi: Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam không chỉ đã chiếm đóng nhiều đảo bãi trên thực tế, hơn nữa còn ngày càng tỏ ra hung hăng. Vậy Trung Quốc cần làm gì để bảo vệ quyền lợi hải dương của mình?

Hứa Khả: Trên thực tế, vấn đề lớn nhất hiện nay trong tranh chấp Biển Đông là Trung Quốc cho rằng “Biển Đông là vùng biển lịch sử” của mình, dựa trên cơ sở một tấm bản đồ từ thời Dân quốc; khi đó trên thực tế Việt Nam còn chưa hình thành. Sở dĩ Việt Nam bây giờ có thể hung hăng như vậy, là vì từ khi có Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982, họ cho rằng có thể viện dẫn luật mới này để đòi hỏi chủ quyền. Thực tế, đối với Trung Quốc mà nói, cách hiệu quả nhất là thông qua biện pháp dứt khoát của hải quân, đoạt lạt những đảo bãi bị chiếm đóng này. Chỉ có như vậy mới giải quyết triệt để được vấn đề tranh chấp Biển Đông. Tôi từng trao đổi với các chuyên gia về biển của nước ngoài, nhiều người hỏi rằng nếu như đây đã là lãnh thổ của Trung Quốc, thì tại sao Trung Quốc không cho hải quân chiếm lại, tại sao chỉ tuyên bố rằng đây là lãnh thổ của mình.

- Hỏi: Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam mới đây tuyên bố hải quân Việt Nam sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vậy xin ông cho biết hải quân Việt Nam là lực lượng như thế nào?

Hứa Khả: Có thể nói rằng hải quân Việt Nam cơ bản không phải cùng đẳng cấp với hải quân Trung Quốc. Nếu so sánh tương quan sức mạnh thì hải quân Trung Quốc chiếm ưu thế tuyệt đối. Như vậy về mặt kỹ thuật mà nói thì sẽ không có vấn đề gì lớn lắm, vấn đề mấu chốt chỉ là quyết tâm của lãnh đạo mà thôi. Hiện nay Trung Quốc đang đứng trước tình thế “lưỡng nan”, nếu như chọn biện pháp giải quyết dứt điểm (bằng vũ lực) thì đương nhiên là rất dễ, nhưng cân nhắc trên góc độ toàn cục, thì giải pháp này tất yếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng vô cùng lớn đối với quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng.

- Hỏi: Trong sự kiện lần này, có phân tích cho rằng Việt Nam thực chất chỉ là một “quân cờ”, còn Mỹ mới là thực sự kẻ đứng đằng sau đi nước cờ. Vậy quan điểm của ông là thế nào?

Hứa Khả: Nói như vậy cũng được. Tuy nhiên, thực tế nếu nói về phía Mỹ, có thể nhắc lại phát biểu của Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hà Nội năm 2010, cho rằng “an ninh ở Biển Đông có liên quan tới lợi ích quốc gia của Mỹ”. Cái gọi là lợi ích quốc gia của Mỹ nằm khắp nơi trên thế giới, sở dĩ Mỹ nêu ra một cách rõ ràng như vậy là nhằm tiếp sức cho Việt Nam. Có Mỹ làm hậu thuẫn, Việt Nam cho rằng chỉ cần họ dám thực hiện một hành động quá khích nào đó, là sẽ nhận được sự ủng hộ của Mỹ, hoặc sự ủng hộ của một số quốc gia láng giềng cũng có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, để hình thành một sức mạnh tổng hợp. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các nước này trước hết vẫn cân nhắc lợi ích quốc gia của mình, lấy lợi ích của mình làm trọng.

 

NCBĐ (tổng hợp)

 

 

 

Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết này, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.