2THAAD_Launcher.jpg

Điểm quan trọng nhất được Tòa Trọng tài kết luận là: "các đảo nhân tạo không tạo ra quyền trên biển" và "những yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại những khu vực tranh chấp không được thừa nhận". Cả hai kết luận này cần được xem xét trong mối liên quan đến chính sách của Israel đối với tương lai của Bờ Tây và Dải Gaza ở Trung Đông. Báo chí quốc tế gần đây đăng tải nhiều thông tin cho biết Israel có kế hoạch kêu gọi xây dựng một hòn đảo nhân tạo ở ngoài khơi Gaza (bao gồm một cảng biển và một sân bay) bởi nước này cho rằng đây là một cách để giải quyết khủng hoảng kinh tế ở Gaza, cũng như liên kết dải Gaza với phần còn lại của thế giới. Israel và Ai Cập đã phong tỏa khu vực này kể từ khi phong trào Hamas nắm quyền kiểm soát năm 2007. Đề xuất này của Bộ trưởng Giao thông vận tải Israel, Yisrael Katz, đã được hoan nghênh, coi như một cách để giảm bớt những khó khăn của những người dân đang sinh sống ở Gaza. Tuy nhiên, nếu dựa theo phán quyết Biển Đông mới đây của Tòa Trọng tài thì bất cứ suy tính nào về chủ quyền của Israel trên các vùng biển xung quanh một hòn đảo nhân tạo cũng sẽ bị phủ nhận.

Tòa Trọng tài cho rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền hàng hải của Philippines khi đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của quốc đảo này. Tương tự, Israel có thể cũng sẽ bị cho là "xâm phạm quyền trên biển của Palestines" nếu Israel có ý định tiến hành tuần tra an ninh và kiểm tra xung quanh hòn đảo nhân tạo nói trên. Về điểm này, Bộ trưởng Yisrael Katz lập luận: hòn đảo đó sẽ được xây dựng ở vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, với nguồn dự trữ khí đốt ít ỏi mới được phát hiện ở phía Bắc bờ biển Israel, dư luận không loại trừ khả năng có thể phát hiện ra các nguồn tương tự ở ngoài khơi Gaza - vốn cũng có thể trở thành các "tham số kinh tế" trong tương lai. Israel cần phải nhận thức rằng việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo sẽ không đưa nước này tiến gần hơn tới việc khai thác những nguồn cung như vậy trong tương lai. Điều này không có nghĩa Israel nên từ bỏ kế hoạch xây đảo nhân tạo mà nên cân nhắc sự tham gia của người Palestines trước khi xây dựng hòn đảo. Không giống như kế hoạch rút quân của Israrel khỏi Dải Gaza vào năm 2005, bất kỳ tiến trình nào ở đây cũng không thể tiến hành đơn phương.

Trên khía cạnh yêu sách lịch sử vốn đã củng cố cho cuộc xung đột Israel-Palestines, phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay có nhiều điểm liên quan đến vấn đề này. Khi nói đến các cuộc tranh luận chính trị của Israel về tương lai của khu Bờ Tây, phe cánh hữu nước này nhấn mạnh thực tế rằng các khu vực có liên quan bao gồm khu vực mang tính lịch sử Judea và Samaria (khu Bờ Tây), nơi độc lập chính trị và kinh tế của người Do Thái được xây dựng trong nhiều thế kỷ, với lịch sử gần 3.000 năm. Trái lại, các cơ quan về tư pháp và chính trị của Liên hợp quốc, đã lựa chọn xem xét khu Bờ Tây chặt chẽ về mặt pháp lý, tước đi bất kỳ mối quan hệ lịch sử nào, mà coi nó như một mảnh đất bị chiếm đóng của bên tham chiến.

Phán quyết của Tòa Trọng tài đã chỉ ra rằng vai trò pháp lý của yếu tố lịch sử nên được nhìn nhận. Các thẩm phán của Tòa Trọng tài đã kết luận rằng Trung Quốc không có bất kỳ yêu sách lịch sử chính đáng nào ở Biển Đông bởi những lý lẽ Bắc Kinh đưa ra đã phủ nhận Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia. Nói cách khác, quyền lịch sử tồn tại nhưng không thể phủ nhận luật pháp theo thỏa thuận của các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Và nếu được hiểu đúng thì phán quyết Biển Đông nói trên có thể là một trong những phán quyết rộng hơn và có đóng góp mang tính lịch sử cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestines.

Tác giả Solon Solomon thuộc Trường Luật (King's College London Dickson Poon) đồng thời là cựu thành viên Ban các vấn đề quốc tế và hiến pháp của Quốc hội Israel. Bài viết đăng trên tờ "Straits Times".

Mỹ Anh (gt)