Ngày 5/10 tới, ông Obama dự kiến sẽ bắt đầu chuyến công du bốn nước châu Á kéo dài 1 tuần. Song việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa từ ngày 1/10 có thể sẽ buộc ông phải hoãn lại chuyến đi này. Theo kế hoạch, ông Obama sẽ dừng chân ở Manila và điều này được coi là dấu hiệu rõ nét về sự ủng hộ của Mỹ đối với Philippies cho dù Washington tuyên bố đứng trung lập trong các tranh chấp trên Biển Đông.

Việc tái xây dựng quan hệ với Philippines, bao gồm việc hỗ trợ nước này tăng cường khả năng quân sự, là một phần quan trọng trong chiến lược tái cân bằng trọng tâm của Mỹ ở châu Á vốn đang được xem như một nỗ lực nhằm kiểm soát sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã khởi động một chương trình hiện đại hóa trị giá 1,8 tỷ USD và khôi phục các kế hoạch xây dựng các căn cứ không quân và hải quân mới ở Vịnh Subic, vốn là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Đông Nam Á trước khi bị đóng cửa năm 1992.

Phó Đô đốc Joseph Rostum O. Pea, tư lệnh Hải quân phía Tây của Philippines, bình luận về việc biến Vịnh Oyster, cách thủ đô Manila 550km về phía Tây Nam, thành một căn cứ hải quân chính: "Nó sẽ là một Subic nhỏ". Theo Phó Đô đốc, việc có một hải cảng ở khu vực này trong tương lai sẽ mở rộng tầm hoạt động cho 2 tàu khu trục nhỏ của hải quân Philippines - vốn là 2 tàu tuần tra ven biển của Mỹ - tại vùng quần đảo Trường Sa ở phía Nam Biển Đông. Kế hoạch phát triển đã có từ lâu này được Tổng thống Aquino khôi phục sau khi Mỹ tặng hai chiếc tàu này, giờ là hai tàu lớn nhất của Hải quân Philippines, vào năm 2011 và 2012.

Vịnh Oyster cách Trường Sa khoảng 160 km. Patrick Cronin, chuyên gia an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Washington, nói: "Ở Manila, các nhà lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lời tung hô về tinh thần hợp tác mới và bắt đầu các hành động cụ thể nhằm củng cố năng lực quốc phòng của Philippines". Nỗ lực này sẽ bao gồm việc xây dựng một căn cứ lâu dài cho hai tàu chiến lớn của Philippines. Nó cũng có nghĩa là phải tìm các khu vực chiến lược để Mỹ có thể luân phiên đưa quân, tàu và máy bay tới, và làm sao để dễ tới được các khu vực mà Bắc Kinh đang tuyên bố chủ quyền. Theo Cronin: "Vịnh Oyster có lẽ là lựa chọn thích hợp nhất".
Trung Quốc đang ngày một quyết đoán trong các tranh chấp Biển Đông - một trong những vấn đề an ninh gây đau đầu nhất ở châu Á. Ngày 3/9, Philippines cáo buộc Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng 1 công trình mới tại khu vực bãi cạn trên Biển Đông, vi phạm Tuyên bố Ứng xử của Các bên trên Biển Đông (DoC) - một thỏa thuận xây dựng niềm tin không bắt buộc về cách ứng xử trên biển được Trung Quốc và 10 nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký năm 2002.

Những căng thẳng lãnh hải này tạo nên một bối cảnh không đơn giản cho chuyến công du châu Á của ông Obama, trong đó có bao gồm việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, nơi ông dự định sẽ thúc giục Trung Quốc và các nước Đông Nam Á giải quyết những bất đồng trong vấn đề Biển Đông. Những nỗ lực làm dịu căng thẳng bằng việc chấp thuận Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC) ràng buộc giữa các nước ASEAN và Trung Quốc tiến triển với một tốc độ hết sức chậm và không có hy vọng sẽ có bước đột phá lớn nào tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Brunei mà ông Obama sẽ tham dự.

Bộ quy tắc được đề xuất sẽ không đụng chạm tới những tuyên bố chủ quyền của các nước, song sẽ đặt ra các nguyên tắc hoạt động của các tàu thuyền nhằm giảm nguy cơ hiểu nhầm dẫn đến xung đột. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 8 nói rằng Trung Quốc "không vội" ký CoC. Các cuộc đàm phán giữa các quan chức Trung Quốc và ASEAN tại Bắc Kinh hồi cuối tháng 9 chưa đi được đến đâu.
Một nhà ngoại giao cấp cao Philippines đề nghị giấu tên cho biết việc Trung Quốc trì hoãn ký CoC khiến Manila càng quyết tâm củng cố quân đội của mình. Ông này nói:

"Tất nhiên, chúng tôi muốn có giải pháp hòa bình để giải quyết tranh cãi. Tuy nhiên, chúng tôi muốn có sức mạnh có thể khiến các nước khác phải suy nghĩ kỹ trước khi họ làm điều gì đó ngu xuẩn ở khu vực tranh chấp này".

Các quan chức Mỹ và Philippines ở Manila đang thảo luận một thỏa thuận khung nhằm cải thiện khả năng bảo vệ đường ranh giới trên biển của Philippines và tăng số lượng tàu, máy bay và quân đội Mỹ đang tạm thời đóng ở đây. Hai bên hy vọng sẽ hoàn thiện thỏa thuận trước chuyến thăm ông Obama, song một quan chức quân sự cấp cao Philippines giấu tên cho biết điều này xem ra chưa chắc đã làm được. Ông nói: "Vẫn còn một số vấn đề pháp lý phải tháo gỡ".

Là thuộc địa cũ của Mỹ, Philippines hiện vẫn nước đôi về sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ. Ông Aquino đã cam kết sẽ triệt để nâng cao năng lực quốc phòng của Philippines trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ năm 2016. Điều đó cần có sự giúp đỡ của Mỹ, và giới phân tích cho rằng việc Mỹ chuyển trục sang châu Á có thể cho phép ông có đạt được mục đích với những điều khoản cân bằng hơn.

Theo Phó Đô đốc Pea, việc nâng cấp Vịnh Oyster ban đầu có chi phí dự kiến khoảng 500 triệu peso (11,5 triệu USD), và sẽ hoàn thành vào năm 2016. Còn 1 số quan chức khác cho rằng việc chuyển Vịnh Oyster thành một căn cứ quân sự sẽ phải tốn hơn nhiều.

Theo Cronin, những hạn chế ngân sách hiện tại ngăn cản Mỹ xây dựng các căn cứ mới, mặc dù tiền để xây dựng Vịnh Oyster có thể lấy từ ngân sách khẩn cấp nhằm hỗ trợ các cuộc diễn tập và hợp tác quân sự.

Theo Reuters

Thuỳ Anh (gt)