Tại một khu vực nằm cách thủ đô Manila của Philippines gần 600 km về phía Tây Nam, các công nhân đang xây dựng một con đường nhằm nối khu vực đất liền Luzon với Vịnh Oyster trên tỉnh đảo Palawan. Hòn đảo nguyên sơ này là một điểm đến du lịch lớn, nhưng dự án làm đường này không nhằm mục đích thu hút khách du lịch nước ngoài mà nhằm biến Vịnh Oyster thành thứ mà các quan chức Philippines đang đề cập đến như là một “tiểu Subic”. 

Giống như Vịnh Subic – nằm ở phía Bắc Manila và từng là nơi có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương – Vịnh Oyster là một vịnh nhỏ và kín đáo, có một cảng nước sâu tự nhiên có khả năng chứa các con tàu lớn, trong đó có cả tàu chiến. Không giống như Vịnh Subic, Vịnh Oyster nhìn trực tiếp ra Biển Đông, nằm ở vị trí chiến lược cách điểm nóng tranh chấp lãnh hải và giàu tiềm năng dầu khí ở quần đảo Spratly (Trường Sa) khoảng 150 km. 

Chính phủ của Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã phân bổ khoảng 500 triệu peso (12 triệu USD) cho hoạt động xây dựng hệ thống đường sá và cơ sở hạ tầng ở Vịnh Oyster, với các cầu tàu, xưởng cạn và các xưởng sửa chữa tàu cũng nằm trên bản vẽ. Hoạt động xây dựng cảng hải quân, một phần của chiến dịch hiện đại hóa rộng rãi Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP), dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016, trùng với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ tổng thống 6 năm của ông Aquino. 

Khi những căng thẳng trên biển bùng phát với Trung Quốc, Tổng thống Aquino đã ủng hộ một chương trình hiện đại hóa quân đội đất nước trị giá 1,8 tỷ USD, trong đó có các kế hoạch nhằm tăng cường khả năng phòng thủ chống tấn công từ bên ngoài thông qua các căn cứ không quân và hải quân mới ở Vịnh Subic. Trong khi đó, Chính phủ Philippines cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận chiến lược song phương với Washington . Nếu đạt được thỏa thuận này, nó sẽ cho phép Mỹ triển khai ở Philippines một số lượng lớn hơn các lực lượng an ninh về cơ bản là luân phiên nhau, trong đó có một căn cứ quân sự ở Vịnh Oyster. Đến nay Washington đã cam kết cung cấp tài chính có giới hạn cho dự án này trích từ nguồn vốn dự phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ. 

Việc Manila phát triển Vịnh Oyster một phần là do hoạt động giao thông hàng hải ở Subic gia tăng, đặc biệt là khi nhiều tàu chiến Mỹ hơn ra vào và neo đậu tại các cầu tàu của vịnh này. Theo Cơ quan Quản lý Đô thị Vịnh Subic (SBMA), từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay đã có 72 tàu chiến và tàu ngầm ghé thăm Vịnh Subic. Con số này trong năm 2012 là 88 tàu hải quân Mỹ, 54 tàu trong năm 2011 và 51 tàu trong năm 2010. Những con số này không tính các con tàu ghé thăm Manila và các cảng khác ngoài Subic . 

Nhiều hoạt động hải quân hơn chắc chắn sẽ diễn ra nếu như Manila và Washington - đồng minh chiến lược của nhau theo Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 (MDT) và Hiệp định thăm viếng quân sự (VFA) năm 1991, nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng thông qua một thỏa thuận khung mới hiện đang trong quá trình thương lượng. Các cuộc đàm phán gần đây đã bị đình trệ do các chi tiết khác nhau, trong đó có vấn đề về quyền sở hữu các thiết bị radar hải quân được đề xuất, nhưng Manila vẫn dự kiến phát triển Vịnh Oyster bất kể có đạt được một thỏa thuận chiến lược mới với Mỹ hay không. 

Người ta cho rằng hải quân Philippines cần nhiều không gian ở các căn cứ quân sự hơn để lấy chỗ cho các phương tiện mua mới, trong đó có 2 tàu chiến tân trang được Manila mua từ Mỹ gần đây. Mới đây, Philippines đã mở các gói thầu mua các tàu khu trục mới trị giá 18 tỷ peso. Nỗ lực này đã thu hút sự quan tâm của 11 nhà cung cấp triển vọng từ Italy, Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước khác. Được trang bị tên lửa và ngư lôi, các tàu khu trục này sẽ tăng viện thêm cho 2 tàu chiến mua từ Mỹ hiện đang tuần tra ở Biển Đông. 

Manila cũng đã công bố kế hoạch mua 5 tàu tuần tra từ Pháp với tổng trị giá khoảng 116 triệu USD, cũng như các tàu hải quân đa dụng từ Hàn Quốc. Những con tàu này sẽ hỗ trợ cho hạm đội 10 tàu tuần tra hiện đại, mỗi chiếc nặng 1.000 tấn, mà Nhật Bản đã cam kết trợ giúp tăng cường năng lực hải quân của Philippines . 

Chính phủ của Tổng thống Aquino cũng đang tìm mua 1 tàu ngầm để cho phép lực lượng hải quân nước này có khả năng tuần tra tại các vùng lãnh hải Manila đã tuyên bố chủ quyền mà không bị hải quân nước khác phát hiện. Người phát ngôn hải quân Philippines đã tuyên bố trong một phát biểu gần đây: “Khi có 1 chiếc tàu ngầm, chúng ta sẽ có khả năng theo dấu những kẻ vi phạm luật lãnh hải của chúng ta mà không bị họ chú ý.” 

Theo dõi Trung Quốc 

Sự phát triển của Vịnh Oyster có thể phục vụ việc chống lại Trung Quốc, nước trong những năm gần đây đã thể hiện một lập trường quyết liệt hơn trong những vùng lãnh hải mà họ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Những vùng lãnh hải đó bao gồm cả bãi cạn Scarborough, nơi các tàu Trung Quốc và Philippines đã đối đầu nhau trong cuộc khủng hoảng căng thẳng kéo dài 1 tháng vào giữa năm 2012. Quanh khoảng thời gian đó, các lực lượng biệt kích Mỹ và Philippines đã tiến hành một cuộc tập trận tấn công đổ bộ bằng đường biển ở gần Vịnh Oyster như một phần của các cuộc tập trận chung thường niên mang tên Vai Kề Vai giữa quân đội hai nước. Trong khi một số quan chức Philippines lưỡng lự về việc các tàu Mỹ có quyền tiếp cận căn cứ mới hay không, những người khác nói rằng Mỹ đang xây dựng những tiền đồn chỉ huy tiên tiến ở Palawan để giám sát Biển Đông. 

Tuy nhiên, sự phản đối ở trong nước đối với việc phát triển Vịnh Oyster có thể làm phức tạp những ý định chiến lược của Chính phủ Philippines đối với khu vực này. Các nhóm bảo vệ môi trường đã bày tỏ những sự phản đối mạnh mẽ đối với kế hoạch phát triển Vịnh Oyster, tuyên bố rằng hoạt động hải quân dày đặc sẽ không tránh khỏi việc dẫn đến tình trạng ô nhiễm và phá hủy nơi trú ẩn của các loài sinh vật biển trong khu vực nguyên sơ này. 

Một số người đã chỉ ra trường hợp tàu quét mìn USS Guardian của hải quân Mỹ, con tàu đã bị mắc cạn tại vỉa đá ngầm Tubbataha – một di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận – ở gần Palawan, và phá hủy khoảng 2.300 m 2 các rặng san hô cao 10 m vào hồi tháng 1 năm nay. Mỹ vẫn chưa trả 60 triệu peso tiền phạt mà Chính phủ Philippines yêu cầu. Những người chỉ trích nói rằng đây là một số tiền phạt rẻ mạt so với những thiệt hại nghiêm trọng mà con tàu của hải quân Mỹ đã gây ra cho những rặng san hô có giá trị sinh thái cao trong khu vực này. 
Mạng lưới vì môi trường của Nhân dân Kalikasan, một tổ chức địa phương, đã nói trong một thông cáo: “Việc xây dựng sắp diễn ra liên quan đến một căn cứ ở Vịnh Oyster, nơi nằm trong một khu vực biển được bảo vệ, dường như là tội ác tiếp theo mà Mỹ muốn thúc đẩy.” Nhóm này cũng tuyên bố Mỹ vẫn chưa dọn sạch rác thải độc hại và hoàn thành việc phục hồi các căn cứ quân sự cũ của họ ở Subic và Clark đã bị đóng cửa vào năm 1992. 

Các nhóm hoạt động địa phương khác cảnh báo rằng một ngày khi tỉnh dậy, người dân Palawan sẽ phát hiện ra rằng toàn bộ tỉnh đảo này đã bị biến thành một căn cứ quân sự của Mỹ thực sự, tương tự như khu phức hợp quân sự ngổn ngang của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản. Pamalakaya, một nhóm cánh tả địa phương, đã đe dọa chống lại dự án phát triển Vịnh Oyster. Nhóm này tuyên bố trong một thông cáo: “Chúng tôi sẽ chiến đấu với trò nhạo báng lớn này đối với chủ quyền Philippines ở trong quốc hội và trên đường phố, trong bất kỳ tòa án hay diễn đàn nào thích hợp, và trong cả tòa án ý kiến của công chúng”. 

Theo các tin tức báo chí, những kế hoạch đang được tiến hành nhằm mục đích đồn trú 50-60 lính thủy đánh bộ Mỹ như là một biệt đội tinh nhuệ và hiện đại tập trung ở Biển Đông. Cũng có tin nói rằng Mỹ muốn chuyển đổi khu dự trữ hải dương Philippines rộng 246 ha ở Palawan, đặc biệt là Mũi Brooke, và các khu vực lân cận thành các căn cứ chỉ huy hoạt động hải quân chung Mỹ-Philippines. Có tin cho rằng những căn cứ này sẽ được lắp đặt các hệ thống radar công suất lớn ở các khu vực chiến lược khắp Palawan và hướng ra Biển Đông. 

Các hệ thống radar, được thiết kế đặc biệt để giám sát các hoạt động của hải quân Trung Quốc là một phần trong kế hoạch của Philippines nhằm cho phép các lực lượng, tàu chiến và máy bay quân sự của Mỹ dễ dàng tiếp cận một số lượng lớn các doanh trại và căn cứ quân sự của Philippines. Mặc dù luật pháp Philippines cấm việc thành lập các căn cứ quân sự nước ngoài lâu dài ở nước này, nhưng Mỹ đã tìm thấy kẽ hở trong luật pháp Philippines bằng cách “gánh thêm” các doanh trại và cơ sở riêng của Philippines để tránh sự cấm đoán và thúc đẩy lợi ích địa chính trị của họ trong việc đối phó với Trung Quốc.

Theo Asia Times Online

Trần Quang (gt)