Năm ngoái, Philippines đã đệ đơn kiện chống lại những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông lên Tòa án Trọng tài Liên hợp quốc. Trung Quốc “thực sự không được chuẩn bị cho điều đó và đã thực sự bị bối rối bởi vụ kiện này”. Đó là một nước cờ xuất sắc của Chính phủ Philippines. Một chuyên gia phân tích khác của Việt Nam nói rằng động thái này đã đặt Trung Quốc vào thế phòng thủ và là một trong những yếu tố vào năm ngoái đã thúc đẩy Bắc Kinh nhất trí về mặt nguyên tắc đối với việc tổ chức các cuộc thảo luận với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về một bộ quy tắc ứng xử đối với khu vực biển tranh chấp chính - Philippines gọi là Biển Tây Philippines, Việt Nam gọi là Biển Đông, và Trung Quốc gọi là Nam Hải. 

Sự hợp tác bắt đầu phát triển giữa Việt Nam và Philippines là diễn biến mới nhất bắt nguồn từ những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Năm 2009, Trung Quốc đã thúc đẩy cái gọi là đường chín đoạn (còn gọi là đường chữ U, hay đường lưỡi bò - PV), trong đó Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền toàn bộ Biển Đông, khiến 4 quốc gia khác có biên giới trên biển tại vùng biển chiến lược này không có gì khác ngoài những vùng lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý của họ. 

Trong việc theo đuổi các mục tiêu của Bắc Kinh, các tàu hải giám Trung Quốc đã xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, Philippines gọi là Panatag), một bãi đá nằm ở bên trong Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý của Philippines. Trong vụ việc gần đây nhất, Trung Quốc đã cố gắng dùng vòi rồng xua đuổi các tàu đánh cá Philippines đang tiếp cận bãi cạn này. Các tàu của Chính phủ Trung Quốc cũng được cho là đã săn đuổi các tàu Philippines đang cố gắng tiếp tế cho một đơn vị đồn trú của quân đội Philippines ở bãi cạn mà Philippines gọi là Ayungin (Trung Quốc gọi là bãi Nhân Ái, Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây - PV) trên quần đảo Spratly (Trung Quốc gọi là Nam Sa, Việt Nam gọi là Trường Sa – PV). 

Mặt hạn chế trong hành động pháp lý bất ngờ của Philippines là nó khiến cho Philippines trở thành mục tiêu số một của Bắc Kinh, thay thế Việt Nam ở vị trí đối thủ chính của Trung Quốc trong vụ tranh chấp đang tiếp diễn ở Biển Đông. Một chuyên gia về Trung Quốc tại Học viện Quan hệ Quốc tế của Việt Nam giải thích: “Giờ đây họ đang cô lập các bạn, trong khi các mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang quay trở lại trạng thái bình thường”. Mặc dù các nhà lãnh đạo của cả hai nước đang trao đổi các chuyến thăm, nhưng “chúng tôi vẫn cảm thấy sự lạnh nhạt. Xét về mặt các quốc gia ít ủng hộ Trung Quốc nhất trong ASEAN, chúng tôi đứng ở vị trí thứ 9 và các bạn đứng ở vị trí thứ 10. Tuy nhiên, trong cuộc đua dài hơi này, Việt Nam là vấn đề chiến lược chính của Trung Quốc”. 

Được bà Nguyễn Thị Bình – người đứng đầu huyền thoại của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đồng thời là người đã dẫn đầu đoàn đại biểu miền Nam Việt Nam tham dự các cuộc đàm phán tại Paris dẫn tới việc kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam – mời tới Hà Nội để trình bày một loạt bài thuyết trình về chính sách ngoại giao và các vấn đề kinh tế, tôi đã tranh thủ cơ hội để gợi ra những quan điểm của người Việt Nam về các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông. 

Vạch rõ những động cơ của Bắc Kinh 

Người Việt Nam có vị trí rất tốt để phân tích những hành động của Chính phủ Trung Quốc. Việt Nam không chỉ từng chiến đấu với người Trung Quốc trong hàng nghìn năm qua, mà họ còn có những biện pháp đặc biệt tương tự trong việc phân tích những diễn biến chính trị. Điều này là do thực tế rằng các đảng Cộng sản, với một khuynh hướng đi theo chủ nghĩa Lenin nói chung, lãnh đạo ở cả hai nước. Tuy nhiên, hệ tư tưởng được cho là chung giữa họ, bị trói buộc – thực ra là xung đột - trong những lợi ích quốc gia khác nhau. 

Người Việt Nam diễn giải đường chín đoạn, trong đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông là của Trung Quốc, như thế nào? Điều thú vị là có một loạt quan điểm về việc này. Quan điểm đầu tiên coi đường chín đoạn là đường vạch ra những biên giới trên biển của Trung Quốc và không nhất thiết chiếm hữu các hòn đảo trong khu vực đó. Quan điểm thứ hai về việc diễn giải đường chín đoạn chỉ nói rằng các hòn đảo và những vật ở trên cạn trong khu vực này thuộc về Trung Quốc, khiến cho tình trạng của các vùng nước xung quanh trở nên mơ hồ, nhập nhằng. Quan điểm thứ ba là bản đồ đường chín đoạn khẳng định rằng cả các hòn đảo và những vùng nước xung quanh đều thuộc về Trung Quốc. 

Có một viễn cảnh thứ tư, và mặc dù nó chỉ được đưa ra bởi một số chuyên gia, nhưng quan điểm này khá thú vị. Quan điểm này cho rằng đường chín đoạn là một âm mưu thương lượng hung hăng. Theo một nhà ngoại giao đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu học thuật, người đã có kinh nghiệm thương lượng đầu tiên với Trung Quốc, cách thức của Bắc Kinh trong việc giải quyết các vấn đề lãnh thổ bao gồm những bước sau: “Đầu tiên, hai bên nhất trí về những nguyên tắc định hướng các cuộc thương lượng. Thứ hai, cả hai phía vẽ ra các bản đồ của họ phản ánh những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ riêng của họ, với việc Trung Quốc đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ ở phạm vi xa nhất có thể. Thứ ba, họ so sánh các bản đồ để xác định các khu vực chồng lấn hay các khu vực tranh chấp và các khu vực không tranh chấp. Thứ năm, nếu như có một thỏa thuận được đưa ra, thì họ vẽ ra một bản đồ mới. Cuối cùng là đi tới Liên hợp quốc để luật pháp hóa tấm bản đồ mới.” 

Tuy nhiên, mặc dù có những quan điểm khác nhau về những ý định của Trung Quốc, nhưng người Việt Nam có chung một hoặc hai quan điểm chính: tuyên bố về đường chín đoạn là bất hợp pháp; và do số lượng các bên và những tuyên bố chủ quyền chồng lấn liên quan đến tranh chấp Biển Đông, chỉ có các cuộc thương lượng đa phương mới có thể tạo ra nền tảng cho một giải pháp toàn diện lâu dài. 

Ngoài ra, những cách hiểu khác nhau của họ về các động cơ của Trung Quốc trong việc thúc đẩy những tuyên bố về đường chín đoạn có thể là bất kỳ điều gì, nhưng dường như có một sự đồng thuận chung giữa các quan chức và chuyên gia Việt Nam rằng mục đích chiến lược của Trung Quốc cuối cùng là nhằm khẳng định sự kiểm soát hoàn toàn của họ đối với Biển Đông. Nói cách khác, mục đích của Bắc Kinh là nhằm biến đổi một cách hợp pháp khu vực này thành một tuyến đường thủy nội địa được quản lý bởi các luật nội địa của Trung Quốc. Một vài hành động trong số những động thái của Bắc Kinh là rõ ràng, ví dụ như việc thiết lập thành phố Tam Sa là một đơn vị hành chính trong nước chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ Biển Đông, và việc gần đây Trung Quốc thông qua một luật ngư nghiệp yêu cầu các tàu đánh cá không phải của Trung Quốc phải xin được giấy phép từ Chính phủ Trung Quốc mới được phép đánh bắt cả ở vùng biển này. 

Những động thái khác còn mơ hồ và nhập nhằng hơn, ví dụ như những quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề tự do hàng hải trong khu vực tranh chấp. Sự mơ hồ nhập nhằng phục vụ cho mục đích của Trung Quốc vào một thời điểm khi mà họ vẫn chưa có đủ khả năng đáp ứng được tham vọng của họ. Tuy nhiên, một chuyên gia phân tích người Việt Nam nhận định rằng “rõ ràng là khi Trung Quốc đạt đến điểm đó, điểm mà họ có được sức mạnh để áp đặt tham vọng của mình, thì họ sẽ buộc khu vực này phải tuân theo luật pháp trong nước của Trung Quốc.” 

Theo một học giả, Chính phủ Việt Nam được cho là hoàn toàn ủng hộ vụ kiện pháp lý của Philippines chống lại Trung Quốc ở một cấp độ phi chính thức, nhưng không thể “ủng hộ công khai hoàn toàn vụ kiện này”. Ý nghĩa của hành động này đã được chú ý trong phản ứng mưu mẹo thận trọng đối với một câu hỏi của phóng viên về lập trường của Việt Nam đối với động thái của Philippines, do ông Nguyễn Duy Chiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra: “Lập trường trước sau như một của Việt Nam là tất cả các vấn đề liên quan đến Biển Đông nên được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”. Ông Nguyễn Duy Chiến nói tiếp: “Theo quan điểm của Việt Nam, tất cả các quốc gia đều hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết những tranh chấp theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982”. 

Trong chuyến thăm của mình tới Washington vào tháng 7/2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã công kích tuyên bố đường chín đoạn là “không có cơ sở về mặt pháp lý”. Tuy nhiên, Chủ tịch Trương Tấn Sang vẫn không phát biểu về việc liệu Việt Nam có cùng Philippines thực hiện một vụ kiện chống Trung Quốc tại Liên hợp quốc hay không, mặc dù Chủ tịch Trương Tấn Sang đã nhanh chóng nói thêm rằng là một thành viên của Liên hợp quốc, Philippines “hoàn toàn có thể thực hiện các quyền hợp pháp để tiến hành bất kỳ vụ kiện nào mà họ muốn”. 

Một phần lý do dẫn đến tình trạng thiếu sự ủng hộ rõ ràng hơn có vẻ là vì một phán quyết về vụ kiện này sẽ làm rõ không chỉ những tuyên bố chủ quyền của Philippines và Trung Quốc mà còn làm rõ cả các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, và một số tác động của việc này có thể không phải là những tác động tích cực đối với Hà Nội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mong muốn không chọc giận Trung Quốc vào một thời điểm mà những cuộc trao đổi cấp cao đang đưa các mối quan hệ giữa hai nước trở lại mức bình thường, hoặc ít nhất là một thứ gì đó gần giống như thế. 

Mặc dù Việt Nam đã ngập ngừng trong việc đưa ra sự ủng hộ công khai hoàn toàn đối với vụ kiện pháp lý của Philippines, nhưng nỗ lực này của Manila đang ngầm làm lan tỏa sự khâm phục trong giới chức Việt Nam, với việc một vị Đại sứ đã về hưu gọi vụ kiện đó là hành động “anh hùng quả cảm”. Một lý do chủ chốt khiến hành động của Philippines được yêu mến và khâm phục là nó đã tấn công vào chỗ Trung Quốc không phòng bị và phá hỏng những tính toán thận trọng của Bắc Kinh. Theo một chuyên gia về ngoại giao Trung Quốc, “lý do khiến họ bị phá vỡ kế hoạch là bởi vì họ đã có 5 chiến trường – chính trị, ngoại giao, truyền thông đại chúng, an ninh, quân sự - và giờ đây bạn đã thêm vào một chiến trường thứ sáu: chiến trường pháp lý”. Chuyên gia này tiếp tục nói thêm: “Người Trung Quốc có một câu nói là: Khi lá cờ nằm trong tay bạn, đừng giao lá cờ đó cho người khác” (ở Việt Nam có nghĩa là “cờ đến tay ai người ấy phất”). Nói cách khác, Bắc Kinh cảm nhận được rất nhiều ở mặt trận pháp lý trên biển, nơi các chuyên gia về luật pháp quốc tế sẽ là những người điều khiển. 

Bơi cùng những con cá mập 

Philippines và Việt Nam là những đồng minh tự nhiên trong cuộc đấu tranh chung của họ chống lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành quyền bá chủ khu vực Đông Á. Là các đối tác trong ASEAN, hai nước này chắc chắn sẽ xích lại gần nhau hơn trước sự thể hiện sức mạnh ngày càng trơ tráo của Bắc Kinh khi họ đưa ra yêu sách tuyên bố chủ quyền tới khoảng 80% diện tích Biển Đông. Cả hai nước cũng đã được kéo lại gần Mỹ hơn, tìm cách sử dụng Washington để làm đối trọng với sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam đã chơi quân bài Mỹ một cách khéo léo hơn, dựa vào Philippines để rõ ràng mời chào một sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ ở lãnh thổ và các vùng biển của họ, những điều mà người Việt Nam sẽ không cho phép bản thân họ làm như vậy. 

Từng đánh bại Mỹ trong chiến tranh, người Việt Nam dường như tin tưởng rằng họ có thể đối xử với Mỹ như một đồng minh. Điều này có lẽ là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu sự đánh giá đúng đắn về mối quan hệ khác biệt mà Philippines có với Washington. Manila luôn có một mối quan hệ phụ thuộc vào Mỹ, và một sự hiện diện tăng cường của Mỹ ở Philippines sẽ càng làm tình trạng này gia tăng và trở nên sâu sắc hơn, khiến cho sự phát triển chính trị và kinh tế của nước này phụ thuộc vào mối quan hệ an ninh với Mỹ. Nói tóm lại, Việt Nam có thể bơi chung với “những con cá mập” và sống sót, nhưng Philippines, sau chiến lược cân bằng tương tự, chắc chắn sẽ bị một trong số những con cá mập này nuốt chửng.

Walden Bello, nghị sĩ Philippines, đảng viên của Đảng Hành động Nhân dân của Philippines. Bài viết được đăng trên Asia Times Online.

Trần Quang (gt)