Trong cuộc hội đàm, hai bộ trưởng đã trao đổi quan điểm và nhất trí một số vấn đề chủ yếu xoay quanh vai trò của ASEAN, đồng thời trao đổi về một số vấn đề gây quan tâm cho khu vực và thống nhất con đường xây dựng lòng tin và hòa bình, hợp tác.

Liên quan đến tranh chấp Biển Đông giữa Việt nam - Trung Quốc, điểm khác thường được nhiều nhà quan sát ghi nhận là mặc dù tình hình có vẻ căng thẳng nhưng trong các lĩnh vực khác, kể cả lĩnh vực quốc phòng, quan hệ giữa Việt nam và Trung Quốc vẫn không thấy thay đổi. Giáo sư Ramses Amer, một chuyên gia về Biển Đông tại trường Đại học Stockholm (Thụy Điển), tác giả nhiều công trình nghiên cứu về các vấn đề biên giới, lãnh thổ Việt nam, cũng như về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã có một số đánh giá về vấn đề này như sau:

Việt nam và Trung Quốc đều có những động thái muốn hạn chế tác động của vấn đề Biển Đông trên quan hệ toàn diện song phương. Ví dụ rõ nhất của mong muốn này là sự kiện vài ngày sau các sự cố ở vùng phía nam Biển Đông, hải quân Trung Quốc và Việt nam vẫn tiếp tục chương trình tuần tra hỗn hợp ở Vịnh Bắc Bộ. Bộ Quốc phòng hai bên vẫn tiếp tục gặp nhau vào đầu tháng 6/2011 và có những tuyên bố rất hữu nghị. Chuyến đi Trung Quốc của đặc sứ Việt nam Hồ Xuân Sơn cũng nhằm mục tiêu đó. Điều đáng chú ý là hai bên cũng đồng ý là cần phải kiểm soát làng báo, cần “định hướng dư luận” bởi vì hai chính quyền không muốn rằng dân chúng hai bên bắt đầu coi nhau là kẻ thù.

Giải pháp cho tranh chấp Việt nam và Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, theo Giáo sư Amer, là phải tăng cường các quan hệ cấp lãnh đạo cao nhất, để rồi từ đó vạch hướng đi cho các bộ trưởng và khởi động trở lại các cuộc đàm phán giữa các chuyên gia. Tuy nhiên, vấn đề là chính quyền Bắc Kinh trong thời gian gần đây lại có dấu hiệu coi nhẹ quan hệ với Việt nam. Hơn nữa, từ tháng 10/2010 đến nay, không có một chuyến thăm cao cấp nào giữa hai bên. Việc Thủ Tướng Việt nam đi thăm Trung Quốc mỗi năm ba bốn lần chỉ vô ích nếu chỉ là để đi thăm các hội chợ thương mại. Ngoài ra, đàm phán cấp chuyên gia, theo tôi rất quan trọng, vì trong những năm gần đây, không hề có thảo luận giữa các chuyên gia, mà hai bên chỉ gặp nhau ở cấp Thứ trưởng ngoại giao. Điều đó cũng giải thích vì sao hồ sơ không tiến triển. Theo Giáo sư Amer, chính sách quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông đã đẩy nhiều nước, trong đó có Việt nam, xích lại gần với Mỹ. Để khỏi làm cho tình hình chuyển biến theo chiều hướng đó, Trung Quốc phải thay đổi thái độ đối với Việt nam, cần phải dành cho Việt nam một vị trí quan trọng hơn trong nền ngoại giao của họ. Bên cạnh đó, Giáo sư Amer cho rằng, nguyên nhân khiến căng thẳng Biển Đông khó giải quyết là lập trường đối nghịch hoàn toàn giữa hai bên nên cả hai nước cần phải công nhận rằng mình có những bất đồng quan điểm. Trung Quốc phải thừa nhận là Việt nam có những đòi hỏi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, chứ không thể nhắm mắt, xem đó là điều không tồn tại. Làm sao mà có thể đàm phán với nhau trên một cái gì bị ta coi là không tồn tại.

 

Minh Anh (Tổng hợp)