Chuyến thăm của bà Swaraj đã thể hiện quyết tâm của Ấn Độ trong việc đẩy mạnh và thực hiện chính sách “hướng Đông”. Sau khi giữ chức Ngoại trưởng, bà Swaraj đã tới thăm Singapore và Myanmar trong tháng 8. Với Việt Nam, ngoài những lĩnh vực khác, Ấn Độ đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và dầu mỏ. Về phần mình, Việt Nam đã bày tỏ nguyện vọng muốn Ấn Độ tham gia đầu tư lớn hơn.

Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam cần bạn bè không chỉ Ấn Độ, mà cả các nước khác như Nhật Bản, Philippines và một số thành viên khác trong khối ASEAN. Có khoảng gần một chục nước trong khu vực có tranh chấp trên Biển Đông và bất đồng về vấn đề này đang tạo “mầm mống” cho cuộc xung đột tiềm tàng. Mặc dù không có tranh chấp ở khu vực này, song Ấn Độ có lợi ích kinh tế tại khu vực Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. 

Trước đây, Việt Nam đã trao cho công ty khai thác dầu-khí ngoài khơi OVL của Ấn Độ 5 lô dầu-khí để thăm dò, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. OVL kết luận ít có giá trị thương mại tại lô 128 và đã từ bỏ năm 2012, song Việt Nam thuyết phục Ấn Độ thăm dò thêm. Hợp đồng này hết hạn trong năm 2014 nhưng đã được gia hạn. Dù vẫn không tìm thấy nhiều giá trị thương mại, song Ấn Độ vẫn quyết định ở lại bởi New Delhi tin có các lợi ích chiến lược tại Biển Đông. Trên nguyên tắc, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và tiếp cận tài nguyên trên Biển Đông. Điều này cũng tạo cơ hội cho Ấn Độ mở rộng sự hiện diện của hải quân nước này ra ngoài khu vực Ấn Độ Dương và sự có mặt của tàu hải quân sẽ tạo điều kiện cho hải quân Ấn Độ kiểm soát tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc. Bởi lý do này, Việt Nam sẵn sàng đón tiếp tàu hải quân của Ấn Độ ghé thăm hữu nghị bất cứ lúc nào. Có vẻ do những cân nhắc chiến lược, ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Swaraj, Việt Nam đã gia hạn hợp đồng thăm dò hai lô dầu cho Ấn Độ thêm một năm nữa. Về phần mình, Ấn Độ tái khẳng định vị trí tiếp tục là một “cổ đông thương mại” trong một khu vực mà tranh chấp lãnh thổ đã bùng lên giữa Việt Nam và Philippines với Trung Quốc. Chuyến thăm của bà Swaraj cũng nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee tới Việt Nam vào giữa tháng 9. 

Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông, chuyến thăm của Ngoại trưởng Swaraj là hướng đi đúng trong chiến lược can dự của Ấn Độ vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm tạo dựng sự đồng thuận để duy trì hòa bình và trật tự trong khu vực. Chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông cũng tương tự như chiến lược của họ tại Depsang và Demchok thuộc khu vực Ladakh của Ấn Độ (giáp Trung Quốc).

Việt Nam ngày nay có nhiều bạn bè hơn trước đây. Ngoài Ấn Độ, Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ gần gũi với Nhật Bản. Tokyo đã đồng ý cấp cho Việt Nam 6 chiếc tàu đã qua sử dụng để giúp nước này tăng cường khả năng tuần tra và giám sát trên Biển Đông. Việt Nam cũng mong muốn mua tên lửa Brahmos từ Ấn Độ và New Delhi không cần do dự trong việc ký hiệp định này để Việt Nam trở thành khách hàng đầu tiên mua tên lửa Brahmos. Trước sự quyết đoán của Trung Quốc, Ấn Độ có vai trò trong việc tăng cường khả năng quân sự của Việt Nam nhằm chống lại những mối đe dọa tiềm tàng. Trước đây, Ấn Độ đã đồng ý cấp cho Việt Nam khoản tín dụng 100 triệu USD để mua 4 tàu tuần tra ngoài khơi. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mukherjeee vào giữa tháng 9, dự kiến thỏa thuận này sẽ được chính thức hóa và một số thỏa thuận trong lĩnh vực quốc phòng sẽ được ký kết. Mặc dù khoản tín dụng 100 triệu USD là nhỏ, nhưng nó gửi một thông điệp lớn tới Bắc Kinh, vốn coi Đông Nam Á là khu vực ảnh hưởng của họ. 

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dự kiến sẽ thăm Ấn Độ trong tháng 10/2014. Nếu chuyến thăm được thực hiện thì ba nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tới thăm Ấn Độ trong vòng 12 tháng. Điều này khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Ấn Độ. Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam đang tiến từ quan hệ chính trị đơn thuần tới mối quan hệ đối tác kinh tế và an ninh toàn diện trong những năm tới. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ hiện đã đạt 8 tỷ USD, dự kiến sẽ lên mức 12 tỷ USD vào năm 2016 và 20 tỷ vào năm 2020. Việt Nam ở vị trí lý tưởng để trở thành cửa ngõ kinh tế cho chiến lược hợp tác của Ấn Độ với ASEAN. 

Đăng bài viết của Tiến sĩ Rajaram Panda đăng trên mạng tin của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc ở Chennai (CCCS) của Ấn Độ.

Duy Anh (gt)