Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc này, ngày 13/5, NFN/BNG Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói: “ Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982. Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm. Bộ ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc để phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc”.

Theo hãng tin Đức DPA, ngày 16/5, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng, tuyên bố rằng ngư dân Việt Nam không lo sợ và sẽ ra khơi như bình thường. Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Thường vụ Hội nghề Cá Việt Nam phát biểu: “Chính phủ Việt Nam có đủ bằng chứng tuyên bố với thế giới và đã gửi văn bản lên Liên Hiệp quốc rằng Việt Nam có đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên phía Trung Quốc lại nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của họ và ra lệnh cấm ra khơi. Việt Nam đã phản đối hành động này, bởi vì họ chỉ có thể cấm ở vùng biển thuộc chủ quyền của họ thôi, còn ở những vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì Việt Nam đề nghị rút lại lệnh cấm và ngư dân Việt Nam cũng như những năm trước đây vẫn đi biển bình thường tại những vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền. Đương nhiên khi có chủ quyền thì bên cạnh ngư dân có lực lượng an ninh ven biển lực lượng hải quân và bản thân ngư dân đã có những kiến thức để tự bảo vệ”.

Trong khi đó, Theo mạng tin tức Trạm Giang ngày 6/5, Tàu ngư chính Lôi Châu 44261 của Trung Quốc đi tuần tra vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ ngày 5 - 25/5.

Về vấn đề này, Đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc nêu rõ việc tàu ngư chính Lôi Châu của Trung Quốc đi tuần tra vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây khó khăn cho các hoạt động đánh bắt bình thường của ngư dân Việt Nam tại ngư trường quen thuộc của mình, làm phức tạp thêm tình hình trên biển.

 Bình luận phía Trung Quốc

Hãng thông tấn thân Bắc Kinh đặt ở Hong Kong, vừa có bài của Trương Trạch Dân, chuyên gia Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, nói năm 2011 "lời nói và việc làm của Việt Nam trong chủ đề Biển Đông đã không theo thông lệ mọi năm mà tập trung hơn vào việc phản công Trung Quốc trên khía cạnh pháp lý". Ông nhận xét rằng chính sách ngoại giao và chiến lược Biển Đông của Việt Nam đang trở nên "có hệ thống hơn và thuần thục hơn, ngày càng gây áp lực ngoại giao cho Trung Quốc".

Trong một diễn biến liên quan, Tân Hoa Xã ngày 15/5 trích thông báo của Hãng China Mobile cho biết tín hiệu viễn thông di động của họ được mở rộng để cung ứng dịch vụ tại quần đảo Trường Sa. Theo đó, vùng phủ sóng mở rộng của China Mobile giúp cho binh lính đồn trú tại các đảo cũng như ngư dân và thương thuyền trong khu vực có thể thông tin liên lạc được. Mục tiêu của việc mở rộng vùng phủ sóng của China Mobile cũng được nói nhằm mục đích phòng chống bão và cứu hộ.

Nhận định của Đại sứ Mỹ tại ASEAN

Đại sứ Mỹ tại ASEAN, ông David Carden ngày 16/5 nhận định: “Một vụ xung đột vũ trang có Mỹ can thiệp, hầu như khó có khả năng xảy ra tại khu vực tranh chấp quần đảo Trường Sa ở Biển Đông”. Ông David Carden nhấn mạnh rằng các quốc gia tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông cần thành lập một cơ chế khu vực mạnh để giải quyết những tranh chấp. Ông cũng nói thêm, cần có sự tham dự của các nước khác để hỗ trợ, như Mỹ chẳng hạn.

Tổng hợp tin tức thế giới

TT (gt)

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.