Việt Nam cần phải ký TPP, một kế hoạch thương mại toàn diện do Mỹ hậu thuẫn. Thỏa thuận này sẽ cho phép nền kinh tế Việt Nam hội nhập đầy đủ với phần còn lại của thế giới công nghiệp hóa, và nó sẽ mang lại triển vọng cho tiến trình dân chủ hóa hơn ở trong nước. Quan trọng không kém, TPP với sự tham gia của 12 quốc gia Thái Bình Dương mà không có sự tham gia của Trung Quốc, sẽ sắp xếp lại các mối quan hệ địa chính trị trong khu vực và giúp ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông - một sự đóng góp quan trọng vào chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á.

Việt Nam có đường bờ biển dài gần 3.500 km, tiếp giáp với Biển Đông, một vùng biển quan trọng đối với thương mại quốc tế. Có khoảng 1/3 lượng dầu thô của thế giới và hơn một nửa khí đốt tự nhiên đi qua vùng biển này trong năm 2013. Tuyến đường này cũng là lối đi ngắn nhất từ Tây Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương, một hành lang được ưa chuộng của hải quân nhiều nước, trong đó có Mỹ. Nhưng Việt Nam sẽ không thể đóng vai trò địa chính trị quan trọng đó nếu như nước này không phát triển đầy đủ về kinh tế và tự do hóa chính trị lớn hơn. Và việc thực thi các yêu cầu của TPP - các hiệp định thương mại tự do, giảm sự tham gia của nhà nước vào nền kinh tế, minh bạch hơn - sẽ giúp ích cho Việt Nam trên con đường đó.

Sau nhiều năm biệt lập kinh tế, Việt Nam đã có những tiến bộ ấn tượng sau năm 1986, khi nước này bắt đầu mở cửa với thế giới bên ngoài. Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới trong giai đoạn 1990-2010. Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, và kể từ đó đã ký kết nhiều thỏa thuận thương mại quan trọng. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, cà phê lớn thứ 2 thế giới vào năm 2013. Năm ngoái, Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng đầu của ASEAN tới thị trường Mỹ, vượt cả Thái Lan và Malaysia.

Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu phát triển, và Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu thô và các ngành công nghiệp giá trị thấp và đòi hỏi nhiều lao động. Việt Nam hiện đối mặt với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tăng trưởng GDP đã chậm lại đáng kể những năm gần đây. Việt Nam hiện đứng cuối trong số các ứng cử viên TPP xét về mức độ phát triển kinh tế, với GDP bình quân đầu người khoảng 1.910 USD so với mức 6.600 USD của Peru, nước đứng ở vị trí thấp thứ hai.

TPP sẽ mang lại lộ trình cho giai đoạn hai của sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 2/2015 trích dẫn TPP cũng như một số thỏa thuận thương mại khác: "Những thỏa thuận này đòi hỏi chúng ta phải mở cửa hơn nữa. Vì thế, thị trường của chúng ta phải trở nên năng động và hiệu quả hơn". Ví dụ, TPP đồng nghĩa với việc giảm đáng kể các hàng rào thuế quan nhập khẩu cho sản phẩm may mặc Việt Nam đi vào các thị trường các nước thành viên khác của TPP, và nó sẽ gia tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm đó so với các sản phẩm tương tự từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan. Nhưng nguyên tắc xuất xứ của TPP cũng đòi hỏi chất liệu sử dụng để sản xuất sản phẩm đó phải được sản xuất ở trong nước. Điều này sẽ buộc Việt Nam phải phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và mở rộng các cơ sở sản xuất giúp Việt Nam trở nên ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, vốn đang là nhà cung cấp phần lớn các nguyên liệu cho ngành may mặc của Việt Nam.

TPP cũng đòi hỏi các thành viên phải thực thi các yêu cầu về nghiệp đoàn lao động tự do, quyền sở hữu trí tuệ và sự minh bạch về các nguyên tắc, điều luật cũng như trong thực thi. Có lẽ, quan trọng nhất đối với Việt Nam là kỳ vọng rằng các chính phủ của các quốc gia thành viên TPP sẽ không chấp nhận đối xử ưu đãi với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc cho phép họ gây ra sự lũng đoạn thương mại. Điều này có nghĩa sẽ giảm đáng kể vai trò của các doanh nghiệp đó tại Việt Nam.

Các DNNN tại Việt Nam đã thống lĩnh các ngành quan trọng của nền kinh tế, như ngân hàng thương mại, sản xuất năng lượng và vận tải - và thường có rất nhiều ảnh hưởng cũng như tham nhũng. Hạn chế ảnh hưởng của họ nhiều khả năng sẽ châm ngòi cho sự đối đầu với một số thành viên cao cấp của đảng với những lợi ích tài chính và ý thức hệ tại các DNNN. Nhưng Chính phủ Việt Nam giờ đây có vẻ như quyết tâm thực hiện, một phần là bởi sự không hiệu quả của các doanh nghiệp này.

Điều này có nghĩa là hiện nay chỉ có một số ít trở ngại nội địa trên con đường gia nhập TPP của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã nhất trí cho phép thành lập các nghiệp đoàn lao động độc lập tại các nhà máy; nỗ lực tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, trả tự do cho nhiều nhà hoạt động và giảm việc bắt giữ các nhân vật bất đồng chính kiến. Việt Nam cũng đã thực thi quyền sở hữu trí tuệ, với việc cảnh sát thường xuyên khám xét các cơ sở vi phạm luật bản quyền.

Trở ngại lớn duy nhất hiện nay đối với Việt Nam là sự phá rối từ Trung Quốc. Bắc Kinh đang nỗ lực đối trọng với sự cân bằng chiến lược của Mỹ tại châu Á - được gọi là chính sách “xoay trục” của Chính quyền Tổng thống Obama - bằng cách thúc đẩy khu thương mại tự do của riêng mình, đưa ra một khái niệm "Giấc mộng châu Á-Thái Bình Dương", thành lập ngân hàng đầu tư khu vực và đổ hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Bắc Kinh cũng đang tăng cường gây sức ép để Việt Nam không tham gia TPP, giống như trước kia khi Việt Nam ký thỏa thuận gia nhập WTO và ký thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ.

Vì một loạt lý do chiến lược, kinh tế, chính trị, Việt Nam không thể không tham gia TPP. Nhưng việc tham gia cũng sẽ đòi hỏi phải có những điều chỉnh cơ cấu khó khăn, và việc đối phó với áp lực đến từ Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng. Việt Nam cần, và xứng đáng với, tất cả sự ủng hộ mà nước này có thể có được từ Mỹ. Nó hoàn toàn là một nỗ lực phối hợp để chống lại tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.

Theo "New York Times" (ngày 6/4)

 

Mỹ Anh (gt)