Giữa tháng 5 và tháng 7/2014, Trung Quốc đã đơn phương triển khai một giàn khoan khổng lồ tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Động thái này đã dẫn tới một cuộc đối đầu căng thẳng giữa các tàu của chính phủ Trung Quốc và Việt Nam và quan hệ hai nước đã xuống tới mức thấp nhất kể từ năm 1988. Cuộc đối đầu này cũng là một phép thử để biết xem ai sẽ đứng về phía ai trong tranh chấp này. Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều giữ thái độ trung lập, một vài quốc gia đã công khai ủng hộ Việt Nam theo cách này hay cách khác. Trong số các quốc gia ủng hộ, Mỹ và Nhật là hai quốc gia ủng hộ rõ ràng và mạnh mẽ nhất.

Sự khác biệt giữa một bên là Việt Nam, Mỹ, Nhật và một bên là Trung Quốc chính là ranh giới giữa một bên là các quốc gia muốn duy trì hiện trạng và cường quốc xét lại. Nhóm thứ nhất cùng chia sẻ mục tiêu duy trì cán cân quyền lực đã giúp khu vực sống trong hòa bình trong suốt hai thập kỷ qua. Trung Quốc, với một giai đoạn dài tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong ba thập kỷ, có vẻ như đã hạ quyết tâm sử dụng sức mạnh mới của mình để khẳng định yêu sách chủ quyền, yêu sách mà cuối cùng sẽ góp phần tạo nên sự thống trị của họ tại khu vực. Tương lai của an ninh khu vực sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách xử lý vấn đề Biển Đông của Việt Nam, Nhật và Mỹ.

Lợi ích của các bên ở Biển Đông

Người ta thường mô tả vấn đề Biển Đông như là một tranh chấp lãnh thổ xuất phát từ tranh chấp nguồn tài nguyên giữa các quốc gia ven biển. Tuy nhiên đây là một bức tranh không đầy đủ bởi nó không phác họa cho chúng ta thấy bản chất và động cơ của các bên có liên quan. Bên cạnh giá trị kinh tế, Biển Đông có giá trị chiến lược to lớn đối với nhiều quốc gia và ngày càng có giá trị mang tính biểu tượng đối với một số bên tranh chấp.

Trung Quốc yêu sách một khu vực rộng lớn tại Biển Đông như là lãnh thổ và vùng biển của họ với yêu sách đường lưỡi bò mà nước này đơn phương đưa ra, trong khi Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như vùng EEZ và thềm lục địa xung quanh bờ biển đất liền của mình. Biển Đông được cho là sở hữu nguồn hải sản, năng lượng, và khoáng sản dồi dào. Một vài dự đoán nói rằng dự trữ dầu mỏ và khí thiên nhiên tại Biển Đông bằng khoảng 80% nguồn dự trữ của Ả-rập Xê-út. Đóng góp khoảng 10% sản lượng đánh bắt cá hàng năm, Biển Đông cũng là một trong những ngư trường đánh bắt cá lớn nhất của thế giới.

Biển Đông là một trong số các vùng biển nằm trong cái mà những nhà hoạch định và chiến lược của Trung Quốc gọi là “chuỗi đảo đầu tiên”. Với vị trí là con đường tiếp cận dễ dàng tới các trung tâm công nghiệp của đất nước, những vùng biển này có vai trò vô cùng quan trọng cho việc bảo vệ Trung Quốc đại lục trước sự xâm lược đến từ biển. Vai trò của Biển Đông thậm chí còn quan trọng hơn đối với quốc phòng của Việt Nam. Nếu ví Biển Đông như là sân sau của Trung Quốc, đối với Việt Nam, Biển Đông là cửa ngõ của đất nước.

Biển Đông có giá trị chiến lược không chỉ đối với các quốc gia ven biển mà còn cho các cường quốc khu vực và thế giới. Những tuyến đường vận chuyển ngắn nhất nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, những tuyến đường giao thương trên biển (SLOC) đi qua Biển Đông vận chuyển của khoảng 1/3 tổng lượng thương mại và 1/2 lượng dầu và khí của thế giới. Không chỉ các nền kinh tế Đông Nam Á mà cả những nền kinh tế Đông Bắc Á đều phụ thuộc rất nhiều vào những tuyến đường thương mại này. Khoảng 80% lượng nhập khẩu dầu và khí của Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan được vận chuyển qua Biển Đông.

Trong khi các quốc gia có liên quan với vấn đề Biển Đông đều chia sẻ lợi ích lớn lao đối với các tuyến đường biển của Biển Đông, các cường quốc với tham vọng bá quyền như Mỹ và Trung Quốc còn có thêm một mối quan tâm khác xuất phát từ giá trị chiến lược của những tuyến đường biển này. Với vị trí như một nút thắt cổ chai trên tuyến đường huyết mạch của Châu Á và cũng là một trong những con đường huyết mạch của thế giới, việc kiểm soát quyền tiếp cận tới Biển Đông là điều kiện tiên quyết cho sự bá chủ trên biển tại khu vực phía Tây Thái Bình Dương, và nhờ đó sẽ trở thành một trụ cột quan trọng cho vị thế bá chủ khu vực tại Đông Á.

Bên cạnh giá trị chiến lược và kinh tế, Biển Đông cũng có giá trị biểu tượng to lớn đối với Trung Quốc và Việt Nam. Các cuộc xung đột và tầm quan trọng của khu vực đã biến đây trở thành một biểu tượng quan trọng cho bản sắc của cả hai quốc gia. Ví dụ, Việt Nam đã tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của họ trong bản hiến pháp mới vào năm 2013.

Chiến lược của Việt Nam

Việt Nam không sử dụng duy nhất một chiến lược nào để xử lý vấn đề Biển Đông. Thay vào đó, Việt Nam theo đuổi rất nhiều cách tiếp cận khác nhau, từ sử dụng sức mạnh cứng cho tới sức mạnh mềm. Ít nhất chúng ta có thể nhận ra được bảy chiến lược khác nhau.

Ở mức độ cứng rắn nhất, Việt Nam cố gắng tăng cường sự hiện diện và các lực lượng của mình, cả dân sự và phi quân sự, ở Biển Đông. Trong “cuộc tranh giành quần đảo Trường Sa” năm 1988, khi mà cả Bắc Kinh và Hà Nội đều đấu tranh để giữ quyền kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam đã thiết lập các đơn vị đồn trú quân sự thường xuyên tại 11 thực thể đất liền tại quần đảo này, tăng quyền kiểm soát của mình từ 10 lên đến 21 thực thể đất liền. Từ năm 1989 đến 1991, Việt Nam chiếm đóng sáu bãi cạn trong vùng thềm lục địa của mình ở phía tây nam của quần đảo Trường Sa bằng cách xây dựng các công trình với cột cao kiên cố và vận hành chúng bằng các đơn vị đồn trú. Chậm mà chắc, Việt Nam tiếp tục củng cố và tăng cường sự hiện diện tại những khu vực này với nhiều hơn số lượng binh lính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và lực lượng dân sự. Từ năm 2007, Việt Nam bắt đầu đưa người dân tới cư trú lâu dài tại đảo lớn nhất do nước này kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Năm 2012 Việt Nam quyết định thành lập lực lượng kiểm ngư và coi họ như lực lượng thứ ba, sau hải quân và cảnh sát biển, với nhiệm vụ tuần tra xung quanh vùng biển của họ, và trong năm 2014, sau cuộc khủng hoảng giàn khoan, lực lượng này đã được trang bị vũ khí hạng nhẹ. Để xây dựng một lực lượng có khả năng răn đe ở mức tối thiểu trên biển, Việt Nam đã tiếp tục hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân. Một quân cờ quan trọng trong lực lượng răn đe đó là hạm đội tàu ngầm gồm sáu tàu lớp Kilo.

Việt Nam biết rõ rằng họ không thể chỉ dựa vào lực lượng quân sự để ngăn chặn Trung Quốc. Chiến lược để bù đắp cho sự thiếu hụt này đó là lôi kéo sự tham gia của những bên thứ ba hùng mạnh. Tuy nhiên Việt Nam chỉ áp dụng chiến lược này cho ngành công nghiệp dầu mỏ và khí tại Biển Đông. Có lẽ Hà Nội cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho các công ty lớn của các cường quốc khai thác các lô dầu khí chồng lấn với yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, đây là cách mà họ đã vận dụng cho đến nay đối với trường hợp ExxonMobil của Mỹ, ONGC của Ấn Độ, và Gazprom của Nga. Giới hạn mà Việt Nam đặt ra cho việc theo đuổi chính sách này là điều rất đáng chú ý: Việt Nam đã nhiều lần cam kết rằng họ sẽ không liên minh với bất kỳ một quốc gia nào khác để chống lại một bên thứ ba, chính là một tuyên bố “được mã hóa” nhằm trấn an Trung Quốc về chính sách không-liên-minhcủa Việt Nam.

Thay vì thành lập liên minh với các cường quốc đang là đối tác, Việt Nam chú trọng hơn vào việc quốc tế hóa tranh chấp để tạo lợi ích đan xen và ngăn chặn Trung Quốc. Trong suốt thập niên 1990 và 2000, nỗ lực của Việt Nam trong việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông khá khiêm tốn. Tuy nhiên, để đáp trả lại sự cứng rắn của Trung Quốc ở khu vực kể từ năm 2008, Việt Nam đã chủ động hơn và quyết tâm đưa vấn đề này trở thành mối quan tâm của thế giới và tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác bên ngoài. Ví dụ, các hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông đã trở thành “một ngành công nghiệp” phát triển mạnh tại Việt Nam kể từ năm 2009. Hà Nội cũng cố gắng đưa Biển Đông trở thành một vấn đề trong nghị trình thảo luận – như là công cụ tuyên truyền, trong các tuyên bố chung – tại các cuộc đối thoại với hầu hết chính phủ của các quốc gia nước ngoài. Bắt đầu từ các hội nghị ARF và ASEAN, giờ đây các diễn đàn quốc tế như EAS, APEC, UN, và ASEM đã trở thành đấu trường ngoại giao cho Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông.

Nỗ lực của Việt Nam trong việc quốc tế hóa và đa phương hóa vấn đề Biển Đông không ảnh hưởng tới kênh đối thoại song phương với Trung Quốc. Không chỉ tận dụng mọi kênh có thể để đối thoại với Trung Quốc, Việt Nam còn tự hào vì có thể duy trì những kênh đối thoại này. Bên cạnh kênh chính phủ với chính phủ, Việt Nam cũng chú trọng vun đắp quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản và quân đội hai nước để có một “kênh tiếp cận đặc biệt” với Trung Quốc. Sự độc đáo của mối quan hệ giữa đảng với đảng và giữa quân đội với quân đội của Việt Nam và Trung Quốc dựa vào thực tế rằng cả hai đều chú trọng vào sợi dây ý thức hệ và, đặc biệt là đối với giới quân đội, mối quan tâm chung của họ là chống lại phương Tây. Liên quan đến việc đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ, Việt Nam chấp nhận cách tiếp cận song phương cho quần đảo Hoàng Sa trong khi đó kiên trì cách tiếp cận đa phương cho quần đảo Trường Sa, họ lập luận rằng tranh chấp này có bản chất đa phương cho nên cần phải đàm phán đa phương.

Ở mức độ mềm mỏng hơn, kiềm chế và tự tiết chế để trấn an Trung Quốc cũng là một quân cờ quan trọng trong cách tiếp cận của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông. Các lãnh đạo chính trị và các nhà chiến lược quân sự của Hà Nội lý giải rằng Trung Quốc, nhận thức rõ về sức mạnh vượt trội của mình, sẽ chớp lấy thời khắc mà Việt Nam để bản thân mình bị kích động dẫn đến leo thang căng thẳng và áp đảo Việt Nam. Tuy nhiên, với Hà Nội, kiềm chế và tự tiết chế không chỉ là một chiến thuật để tránh bị kích động; đó là một cách tiếp cận có hệ thống dựa trên niềm tin rằng họ có thể thuyết phục Bắc Kinh về mong muốn hòa bình của Việt Nam. Ví dụ, Hà Nội đã cố làm dịu đi phần ký ức của người dân về các cuộc xung đột quân sự của Việt Nam với Trung Quốc Cộng sản, cả ở biên giới trên bộ và lẫn ở Biển Đông trong những năm 1970 và 1980. Để làm yên lòng Trung Quốc, Hà Nội cũng tự mình đặt ra giới hạn cho các hành động của họ. Một ví dụ đó là chính sách “ba không” của Việt Nam, theo đó Việt Nam cam kết không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không cho phép bất cứ căn cứ quân sự nước ngoài nào đặt trên lãnh thổ của mình, và không lập đồng minh với bất cứ quốc gia nào để chống lại một bên thứ ba.

Mềm mỏng hơn kiềm chế, thể hiện sự tôn trọng cũng là một thành tố quan trọngtrong chiến lược của Việt Nam đối với Trung Quốc. Nhiều lãnh đạo Việt Nam và các nhà chiến lược của Việt Nam lập luận rằng việc kết hợp giữa sự phản kháng và sự tôn trọng là chìa khóa để Việt Nam có thể tồn tại dưới cái bóng của Trung Quốc trong hàng ngàn năm qua. Sự tôn trọng đã cho thấy Việt Nam hiểu sức mạnh của mình ở vị trí thấp hơn so với Trung Quốc trong hệ thống các quốc gia, và Hà Nội sẽ tiếp tục thể hiện sự tôn trọng với Bắc Kinh. Hai ví dụ tiêu biểu gần đây đó là chuyến thăm tới Trung Quốc của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh ngay sau cuộc khủng hoảng giàn khoan. Ông Minh đã đến thăm Nam Ninh, Trung Quốc nhân dịp hội chợ thương mại trước khi thăm Mỹ vào tháng 9/2014. Trong tháng 10, ông Thanh cũng dẫn đầu một phái đoàn gồm 13 quan chức cấp cao tới Trung Quốc, trước thời điểm diễn ra chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ lâu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Việt Nam.

Mặc dù có chuẩn bị cho một phương án dự phòng trong trường hợp xảy ra đụng độ quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Việt Nam cũng hy vọng rằng sợi dây ý thức hệ sẽ giúp hai nước tránh được điều tồi tệ nhất và sẽ giúp cô lập, khu biệt hóa, và xử lý xung đột. Với cơ sở dựa trên sự đoàn kết giữa hai chế độ cộng sản, chiến lược này có được sự ủng hộ mạnh mẽ trong giới lãnh đạo quân đội và những người bảo thủ trong Đảng Cộng sản. Dòng quan điểm này được Đại tướng Lê Văn Dũng, người khi đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, đề cập một cách hết sức rõ ràng. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12/2009, ông Dũng nói rằng: “Liên quan tới vấn đề với Trung Quốc trên Biển Đông, chúng tôi đang cố gắng hết sức có thể để giải quyết vấn đề này, và trong tương lai gần chúng tôi sẽ thảo luận, đàm phán, và phân định biên giới biển với người bạn của mình. Do đó tình hình sẽ dần được ổn định và chúng tôi sẽ vẫn tăng cường quan hệ với Trung Quốc để cùng đương đầu với kẻ thù chung.” Cho dù việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong vấn đề Biển Đông, với minh chứng tiêu biểu là việc họ triển khai giàn khoan HYSY 981 trong vùng biển Việt Nam hồi mùa hè năm 2014, đã làm xói mòn đáng kể lòng tin của Việt Nam dành cho Trung Quốc, tuy nhiên giới lãnh đạo quân đội tại Hà Nội vẫn tiếp tục dựa vào sự đoàn kết như là một chiến lược để xử lý quan hệ với Bắc Kinh và vấn đề Biển Đông.

Không một chiến lược nào trong số những chiến lược mà Việt Nam theo đuổi được phát huy hết sức mạnh, và mức độ cũng như quy mô áp dụng của từng chiến lược cũng được Việt Nam áp dụng khác nhau theo thời gian. Hầu hết thời gian trong khoảng từ năm 1990 đến 2008, Việt Nam gần như không có động thái quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Những chiến lược nổi bật nhất được sử dụng trong giai đoạn này là tăng cường sự hiện diện và củng cố các lực lượng một cách từ từ, không gây ồn ào, cùng với đó là thực hiện kiềm chế, tự tiết chế, và sử dụng nhân tố đoàn kết. Căng thẳng gia tăng từ năm 2009 đã thay đổi mức độ và quy mô áp dụng các chiến lược của Việt Nam, với sự tập trung giờ đây được hướng vào chiến lược tăng cường sự hiện diện và củng cố các lực lượng, và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Nhìn chung, cách tiếp cận của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông kết hợp cả sự răn đe và sự trấn an. Cho dù có giúp ổn định tình hình, tuy nhiên cách tiếp cận “phòng ngừa” này cũng có những vấn đề riêng của nó: kết hợp giữa răn đe và trấn an sẽ làm xói mòn sự tin tưởng dành cho cả hai chiến lược này. Với việc căng thẳng gia tăng trong một vài năm qua, chiến lược phòng ngừa trở nên không hiệu quả, tạo ra ngày càng nhiều sự không hài lòng về chính sách này.

Cam kết của Mỹ

Với lợi ích to lớn của mình ở khu vực, Mỹ có vai trò nổi bật trong số những quốc gia bên ngoài có liên quan tới vấn đề Biển Đông. Từ năm 2010, các lãnh đạo của Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng Washington có “lợi ích quốc gia to lớn” đối với tự do hàng hải và “lợi ích lớn” trong việc tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, dựa trên luật pháp. Cả nền kinh tế Mỹ, sức mạnh toàn cầu của Mỹ và vị thế bá chủ khu vực của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương dù ít dù nhiều đều phụ thuộc vào các tuyến đường biển đi qua Biển Đông.

Trên thực tế, tác động tới từ một cuộc bao vây phong tỏa Biển Đông đối với nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ lớn, tuy nhiên đây không hẳn đã là một thảm họa. Vấn đề tuy trừu tượng nhưng quan trọng hơn chính là vai trò của Biển Đông đối với sức mạnh toàn cầu của Mỹ. Sức mạnh bá chủ trên biển của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, trong đó Biển Đông là một phần rất quan trọng, là chìa khóa cho vị thế bá chủ khu vực của Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng chính là trụ cột quan trọng giữ vững cho trật tự thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo. Dù tầm quan trọng như vậy, song mối liên hệ của Biển Đông đối với lợi ích của Mỹ không biểu hiện một cách trực tiếp, rõ ràng và dễ thấy. Thực tế này khiến chúng ta khó thuyết phục công luận Mỹ về tầm quan trọng của Biển Đông đối với lợi ích của họ.

Cam kết của Mỹ tại Biển Đông bị hạn chế bởi Mỹ đang cần phải có một “khoảng nghỉ” sau hai cuộc chiến tranh tốn kém và một cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề. Trung Quốc đã tận dụng khoảng trống quyền lực ảo này, tăng cường các hành động mang hơi hướng chủ nghĩa xét lại ở khu vực. Tuy nhiên, với việc người Mỹ ngày càng nhận thức rõ ràng hơn những hành động theo trường phái chủ nghĩa xét lại này, cam kết của Mỹ đối với khu vực có thể lại một lần nữa được tăng cường.

Vai trò của Nhật

Mối quan tâm của Nhật tại Biển Đông xuất phát chủ yếu từ sự phụ thuộc của họ vào các tuyến đường biển tại đây và mong muốn duy trì trật tự khu vực do Mỹ đứng đầu. Nếu Trung Quốc chiếm ưu thế tại điểm nút cổ chai này, nước này sẽ có thể nắm quyền kiểm soát 60% nguồn cung năng lượng của Nhật, và họ nhiều khả năng sẽ thay thế Mỹ trở thành người bảo trợ và đứng đầu của một trật tự khu vực mới. Một trật tự khu vực mới do Trung Quốc lãnh đạo, so với trật tự hiện thời do Mỹ đứng đầu, chắc chắn sẽ có ít sự tự do hơn và sẽ không có lợi cho Nhật. Do đó, Nhật cũng chia sẻ với cả Việt Nam và Mỹ lợi ích rõ ràng trong việc duy trì hiện trạng tại khu vực. Vậy, Nhật có thể đóng vai trò gì trong việc duy trì ổn định tại Biển Đông?

Thứ nhất, Nhật và Mỹ, với lý do kể trên, không phù hợp với vai trò là một bên hòa giải chân thành cho tranh chấp. Bên hòa giải chân thành cần phải được tất cả các bên trong tranh chấp tin tưởng, và Nhật sẽ khó có thể được Trung Quốc đặt niềm tin, đặc biệt là khi họ đang có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Hoa Đông.

Thứ hai, Nhật cũng không thể đóng vai trò như là một lực lượng răn đe từ bên ngoài. Không có vũ khí hạt nhân và có lẽ, còn phụ thuộc hơn vào Trung Quốc về mặt kinh tế, nhìn chung Nhật không có khả năng răn đe Trung Quốc.

Do đó, chỉ còn vai trò cân bằng là thích hợp nhất đối với Nhật. Nhật sẵn sàng ủng hộ Việt Nam đương đầu với Trung Quốc, với minh chứng là việc Tokyo cung cấp các tàu cảnh sát biển, có ý nghĩa như mộtmón quà dành cho phía Việt Nam trong cuộc khủng hoảng giàn khoan với Trung Quốc mới diễn ra. Nhưng liệu Nhật, ngay cả khi hợp tác cùng Việt Nam, có khả năng cân bằng với Trung Quốc hay không? Đây là một câu hỏi thú vị mà có lẽ sẽ phải nghiên cứu thêm, tuy nhiên chỉ cần nhìn vào sức mạnh tổng hợp về quân sự và kinh tế của hai nước, chúng ta có thể thấy được rằng họ sẽ không thể cân bằng với Trung Quốc. Trung Quốc sở hữu nhiều lợi thế chủ chốt so với Nhật và Việt Nam, rõ ràng nhất là vũ khí nguyên tử và vị trí trung tâm của nước này trong nền kinh tế Châu Á.

Vai trò hiệu quả nhất của Nhật tại Biển Đông đó là làm chất xúc tác cho quan hệ hợp tác giữa Mỹ, Việt Nam, Philippines và các nước khác cùng chia sẻ lợi ích trong việc duy trì hiện trạng. Chỉ một liên hiệp các quốc gia do Mỹ đứng đầu mới có thể cân bằng với sức mạnh Trung Quốc tại khu vực. Với những lợi ích quan trọng của họ tại Biển Đông – và giới tinh hoa của họ cũng hiểu được những lợi ích này – Nhật nhiều khả năng sẽ sẵn sàng đóng một vai trò như vậy. Tuy nhiên ở đây có một vấn đề cần phải tính toán về người lãnh đạo của liên hiệp này: với khoảng cách địa lý và tâm lý xa xôi với Biển Đông, Mỹ sẽ là nước ít sẵn sàng nhất trong số các quốc gia trong liên hiệp. Đây sẽ là một nhân tố để khiến cho liên hiệp này không thực hiện những hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng, tuy nhiên nó cũng sẽ là nhân tố khiến Trung Quốc đánh giá thấp quyết tâm của các đối thủ của mình và trở nên khiêu khích một cách đáng nguy hiểm.

Điều này, ngược lại cho thấy một kỷ nguyên bất ổn định và căng thẳng mới tại Biển Đông, với mỗi một bên liên quan lại có một vai trò riêng của họ.

Alexander L. Vuving là Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương, Honolulu. Quan điểm được thể hiện trong bài viết là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Mỹ, và Chính phủ Mỹ. Bài viết của được đăng lần đầu tiên trên trang The Diplomat.

Người dịch: Quang Tiệp

Hiệu đính: Minh Ngọc