Từ khi Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995 đến nay, quan hệ hai nước đã có bước phát triển rất lớn. Giao lưu cấp cao hai nước diễn ra đều đặn, mấy năm gần đây đều tổ chức Đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng, quan hệ kinh tế, thương mại cũng đạt được nhiều thành quả, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại chủ yếu nhất của Việt Nam. Đặc biệt là khi Obama bước vào Nhà Trắng, quyết định quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, chuyển trọng tâm chiến lược và quân sự về phía Đông đến nay, mức độ lôi kéo của Mỹ đối với Việt Nam tăng lên rõ rệt, thấy rõ nhất là giao lưu và hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực quân sự và an ninh không ngừng được tăng cường. Tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm Việt Nam và trạm dừng chân đầu tiên của Leon Panetra là tại quân cảng Cam Ranh, trở thành vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên đến thăm quân cảng này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam đến nay. Vậy quan hệ Mỹ-Việt cuối cùng có thể đi đến đâu? Tác giả cho rằng có thể đánh giá điều này từ một số phương diện dưới đây:

Thứ nhất, việc sâu sắc hóa đột xuất quan hệ quân sự mà hai bên đều có nhu cầu, cũng là ưu tiên được tính toán của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam . Chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Obama có nội dung rất rộng, nhưng tính toán từ góc độ địa chính trị, việc tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực với các nước ASEAN, tiến tới tăng cường quyền chủ đạo đối với các công việc của ASEAN và trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực Đông Nam Á, thực hiện cái gọi là tái cân bằng sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế tại khu vực này, là một mục tiêu chiến lược quan trọng. Mỹ quan tâm cao độ đến các nước ASEAN có tồn tại tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia trọng điểm được Mỹ quan tâm. Dưới khẩu hiệu bảo đảm tự do hàng hải Biển Đông, Mỹ lợi dụng việc Việt Nam muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ thế lực bên ngoài, tăng cường sức mạnh quân sự, bí mật hỗ trợ Việt Nam như là một điểm khởi đầu để can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, mặc dù Việt Nam luôn bày tỏ sẽ tôn trọng nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và “Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên tại Biển Đông”, thông qua hiệp thương và đàm phán, giải quyết ổn thoả tranh chấp trên vùng biển Trung-Việt, nhưng sau khi Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, lại áp dụng các hành động như đẩy nhanh hợp tác với các tập đoàn dầu khí nước ngoài nhằm triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí Biển Đông, lập pháp trong nước và các hoạt động quân sự tại Biển Đông, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, cố ý thực hiện chiếm đóng lâu dài lãnh thổ Biển Đông vốn có của Trung Quốc. Xuất phát từ nhu cầu lợi ích chiến lược chung, hai nước Mỹ và Việt Nam tự tìm đến nhau, đưa vấn đề Biển Đông vào Đối thoại chiến lược song phương thường niên, đồng thời tuyên bố có lập trường chung, ý đồ tạo ra lý do để Mỹ bắt tay với Việt Nam cùng giải quyết vấn đề Biển Đông mặc dù Mỹ là quốc gia ngoài khu vực và không phải nước đương sự. Mỹ dựa vào trang thiết bị quân sự tiên tiến và sức mạnh quân sự siêu cường, dụ dỗ, lôi kéo Việt Nam có không gian hoạt động tương đối lớn trên lĩnh vực quân sự và an ninh, rất có khả năng căn cứ vào tình hình thay đổi và thời cơ có lợi sẽ áp dụng các hành động từng bước.

Thứ hai, vị trí chiến lược của Việt Nam quan trọng, là yết hầu hiểm yếu để Mỹ thực hiện chiến lược quân sự châu Á-Thái Bình Dương mới, xây dựng mạng lưới quân sự châu Á-Thái Bình Dương ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy. Hiện nay, quan hệ hai nước Trung-Mỹ cơ bản phát triển ổn định, lành mạnh. Mỹ coi trọng hợp tác, điều hoà với Trung Quốc trong xử lý các vấn đề về quan hệ song phương và các công việc quốc tế, nhưng trong chiến lược lâu dài của Mỹ đối với Trung Quốc, Việt Nam trước sau luôn là lực lượng có thể trông cậy nhằm ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc. Mỹ và Việt Nam không chỉ chú trọng đến câu kết phối hợp trong vấn đề Biển Đông, mà còn chú ý đến sự thay đổi lâu dài của tình hình châu Á-Thái Bình Dương thậm chí toàn cầu, nhằm chuẩn bị tốt cho sự phát triển mới của quan hệ Mỹ-Việt. Hướng đi của quan hệ nước lớn trên thế giới có ảnh hưởng hết sức quan trọng, thậm chí có tính quyết định đối với diễn biến cục diện của khu vực này và cả thế giới. Chỉ cần quan hệ giữa các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga cơ bản ổn định, lành mạnh, độ lệch của quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga mặc dù có lúc thăng trầm, nhưng bình thường sẽ không xuất hiện tình hình cực đoan. Việt Nam có lịch sử hết sức đặc thù trong quan hệ song phương với Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô trước đây. Trong thời gian tương đối dài tới đây, trong cuộc chơi của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga nhằm tìm kiếm lợi ích quốc gia lớn nhất, sẽ là định hướng chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Cuối cùng, mặc dù Mỹ là nước lớn siêu cường duy nhất, quốc lực tổng hợp và sức mạnh quân sự có ưu thế tuyệt đối so với Việt Nam, nhưng muốn Việt Nam phục tùng nghe theo, cam chịu là kẻ đầy tớ trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của mình, e rằng sẽ khó như ý muốn. Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền, Mỹ gây sức ép về một số vấn đề như hình thái ý thức, ủng hộ những người bất đồng chính kiến, đề cập vấn đề dân chủ, nhân quyền nhiều lúc khiến Việt Nam bất mãn, mặc dù có thời điểm chịu nhịn, song về lâu dài Việt Nam khó có thể im hơi lặng tiếng, khoanh tay đứng nhìn. Thứ hai, cuộc Chiến tranh Việt Nam mặc dù đã kết thúc gần 40 năm, nhưng cuộc chiến tranh thảm khốc này đã đem lại cho hai nước Việt-Mỹ những tổn thương to lớn khó có thể xóa bỏ hoàn toàn, vĩnh viễn không thể xóa nhòa. Rất nhiều vấn đề còn sót lại cần được hai bên đối mặt xử lý. Chiến tranh Việt Nam đã để lại những vết đau trong tâm khảm của quân đội cũng như chính phủ hai nước, vẫn là một chướng ngại lớn trong việc làm sâu sắc hóa quan hệ quân đội Mỹ-Việt. Thứ ba, trong nền kinh tế quốc dân Việt Nam, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, tương đối lạc hậu, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân và quốc lực tổng hợp là nhiệm vụ ưu tiên nhất của Việt Nam hiện nay. Là một quốc gia trung bình đang phát triển của châu Á, sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam cần dựa vào các nước châu Á như Trung Quốc, ASEAN và sự giao lưu, hợp tác với Mỹ, Nga và EU. Việt Nam khó có thể không tính đến quan hệ với các quốc gia này, một lòng một dạ chạy theo sự bao bọc của Mỹ. Mặc dù, quân đội Mỹ hiện diện tại khu vực tiền duyên của châu Á-Thái Bình Dương, nhưng là nước nằm cách xa châu Á, khi có vấn đề xảy ra, Mỹ cũng khó lòng có thể giúp đỡ Việt Nam.

Tóm lại, tác giả cho rằng chịu sự thúc đẩy của xu thế thế giới hòa bình và hợp tác, bên cạnh toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển, dư âm của cuộc Chiến tranh Việt Nam dần dần qua đi và hai nước đều có nhu cầu tăng trưởng, việc không ngừng cải thiện quan hệ Mỹ-Việt sẽ là sự kiện mang tính xác suất lớn. Việc sâu sắc hóa quan hệ quân sự song phương Mỹ-Việt, hiện nay dường như đang chạy trên con đường tốc hành, nhưng vì phán đoán chiến lược của hai bên và sự khác nhau về lợi ích quốc gia, nên khó có thể thuận buồm xuôi gió, khó tránh khỏi gợn sóng rồi diễn biến đi chệch quỹ đạo.

Theo Hoàn Cầu Thời báo

Quốc Trung (gt)