Trong chuyến thăm Việt Nam vào giữa tháng 9 vừa qua, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã đảm bảo với nước chủ nhà rằng Ấn Độ sẽ luôn luôn là người bạn của Việt Nam. 

Trong số 7 thỏa thuận được ký trong chuyến thăm của ông Mukherjee, Việt Nam đã đề nghị Ấn Độ thăm dò dầu khí tại các lô mới ở ngoài khơi của Việt Nam. Ấn Độ đồng ý mở rộng chương trình đào tạo cho quân đội Việt Nam và đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí để cải thiện khả năng tấn công trên biển của hải quân Việt Nam. Bước tăng tốc này trong quan hệ vốn đã sâu sắc giữa hai nước là một phần trong tuyên bố mới của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về chiến lược "Đông tiến" chứ không chỉ là "hướng Đông" như trước đây. Nhu cầu của Ấn Độ trong việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng và chủ trương chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Trung Đông đã khiến nước này xác định sự cần thiết phải đảm bảo tự do hàng hải ở Thái Bình Dương, khu vực sẽ ngày càng có tầm quan trọng với Ấn Độ ở cả khía cạnh vận chuyển lẫn nguồn cung. 

Đối với New Delhi, điểm nổi bật trong chuyến thăm của ông Mukherjee là bản ghi nhớ giữa Tập đoàn OVL của Ấn Độ và Tập đoàn Petro Việt Nam để thăm dò 7 lô mới ở ngoài khơi. Thậm chí nếu chỉ có 3 lô trong số này trở nên khả thi thì chúng cũng đủ để cho thấy sự gia tăng đáng kể trong đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam, mà hiện vẫn đang ở mức chưa tới 1 tỷ USD. Cả hai bên dường như đã sẵn sàng tái khởi động mối quan hệ kinh tế của mình bằng cách tập trung vào lĩnh vực dầu khí và các ngành liên quan như hóa dầu, dệt may, thương mại... 

Bắc Kinh đã phản ứng với những thông tin trên bằng cách tuyên bố rằng họ sẽ không chấp nhận bất kỳ hoạt động thăm dò chung nào giữa Ấn Độ và Việt Nam trong các vùng biển do "Trung Quốc quản lý". Đáp lại, ông Dharmendra Pradhan, Bộ trưởng Dầu mỏ và Khí đốt tự nhiên của Ấn Độ, đã giải thích rằng các lô trên nằm ngoài cái gọi là "đường 9 đoạn" của Trung Quốc và thuộc các vùng biển của Việt Nam. Hơn thế, ông Mukherjee cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận này chỉ là một "hành động thương mại" và không nên lồng ghép vào đó bất cứ sự ám chỉ nào về chính trị, đồng thời chỉ ra rằng Ấn Độ không tham gia các tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông. 

Ấn Độ có thể không tham gia công khai vào các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng trong chuyến thăm của ông Mukherjee, họ đã tăng cường hợp tác quân sự trong khu vực bằng cách cung cấp cho Việt Nam thêm 100 triệu USD tín dụng để mua các thiết bị quân sự quan trọng. Ấn Độ đã đào tạo khoảng 500 thủy thủ Việt Nam để điều hành các tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua của Nga - loại tàu mà hải quân Ấn Độ nắm rất rõ. Trong khi đó, lực lượng không quân Ấn Độ cũng sẵn sàng huấn luyện phi công Việt Nam điều khiển máy bay Su-30 mà Ấn Độ đang có 1 phiên bản. Là một phần của thỏa thuận đào tạo và hợp tác, Ấn Độ cũng sẽ giúp bảo trì các thiết bị có nguồn gốc Nga hiện có ở cả Ấn Độ lẫn Việt Nam. Ấn Độ cũng đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin vốn có tầm quan trọng đối với quân sự. 

Ngoài ra, Ấn Độ đang tiến hành các cuộc đàm phán nghiêm túc nhằm xuất khẩu sang Việt Nam các loại vũ khí mà họ sản xuất được ở trong nước, trong đó có tên lửa hành trình siêu âm tầm ngắn BrahMos và các phương tiện hải quân có thể mang loại tên lửa này. Các loại vũ khí như vậy có thể cho phép hải quân Việt Nam thực hiện chiến lược chống xâm nhập chống lại lực lượng hải quân hùng hậu của Trung Quốc.

Một trong những nhân tố khiến Ấn Độ thắt chặt quan hệ với Việt Nam là hoạt động tăng cường của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương dưới vỏ bọc của cái gọi là Sáng kiến "Con đường tơ lụa trên biển" - một mạng lưới thương mại mà Ấn Độ cho là hàm chứa âm mưu tạo ra một thế trận bao vây Ấn Độ. Để chống lại âm mưu này, Ấn Độ phải tăng cường sức mạnh trên biển và phải vượt ra ngoài Ấn Độ Dương để tiến vào Biển Đông, thông qua các quan hệ đối tác quân sự với những nước như Việt Nam. Theo dự án Mausam của ông Modi - một dự án được xem là một sự đáp trả kế hoạch "Con đường tư lụa trên biển" của Trung Quốc - New Delhi sẽ tạo ra một mạng lưới các mối quan hệ riêng của mình bằng cách đề cao quan hệ văn hóa lâu đời giữa Ấn Độ và các nước ven biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, để trấn an họ rằng Ấn Độ sẽ không bao giờ đe dọa họ như cách Trung Quốc đang làm hiện nay. 

Các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ giờ đây cũng nhận thấy rằng các vùng biển ở Đông Á chính là cửa ngõ để tiếp cận vùng lãnh thổ giàu năng lượng của Nga ở Bắc Cực và các nguồn dự trữ của Bắc Mỹ. Đồng thời, họ chủ trương ngăn chặn Trung Quốc khỏi các nguồn năng lượng ngoài Trung Đông ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Do đó, việc ủng hộ Việt Nam tại Biển Đông là một phần trong những tính toán của Ấn Độ. Hỗ trợ Ấn Độ trong nỗ lực này là Nga, nước muốn Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn dầu khí của họ. Về phần mình, Mỹ cũng muốn Ấn Độ từ bỏ nguồn dầu khí của Trung Đông, khi họ đang nỗ lực vươn lên như một nước xuất khẩu năng lượng lớn. Khi các thỏa thuận về năng lượng và quân sự của Ấn Độ trở nên rõ ràng, Việt Nam đã trở thành một quốc gia quan trọng đối với các cường quốc toàn cầu trong việc tìm tiếng nói chung để kiềm chế Trung Quốc. 

Theo World Politics Review

Văn Cường (gt)