Từ những năm 80 – 90 thế kỷ trước đến nay, cùng với tình hình chiến lược quốc tế thay đổi và biên giới trên bộ Trung Quốc – Việt Nam được hòa hoãn, trong khi kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển, trọng điểm quan tâm chiến lược của Việt Nam cũng đồng thời chuyển dần từng bước từ đất liền ra ngoài khơi. Việt Nam không những có tranh chấp về các đảo ở Trường Sa với các nước xung quanh, trong đó bao gồm cả Trung Quốc mà còn đẩy mạnh xây dựng hiện đại hóa quân đội, coi đó là biện pháp quan trọng làm chỗ dựa cho sức mạnh chiến lược của mình, đặc biệt là không ngừng xây dựng lực lượng hải quân và không quân. 

I- Tình hình chiến lược thay đi, không ngng điu chnh chiến lược quân s, làm ni rõ đa v ca lc lượng hi quân - không quân 

Sau khi thống nhất đất nước, đặc biệt là từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, trên cơ sở nhận định cơ bản về tình hình quốc tế, Việt Nam từng bước chuyển trọng tâm phát triển đất nước sang xây dựng kinh tế, chiến lược quân sự cũng chuyển sang “phòng vệ tích cực”, thực hiện phương châm chiến lược “thu hẹp trên bộ tiến quân ra biển”, từng bước thu hẹp chiến tuyến trên đất liền, củng cố các đảo đã chiếm được ở Nam Sa, mở rộng phạm vi kiểm soát trên biển; Thu hẹp quy mô lục quân, tăng cường xây dựng lực lượng hải quân - không quân. Coi trọng phát triển biển, bảo vệ tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế, thúc đẩy lợi ích các đảo ở Trường Sa…, trong các phương diện nói trên Việt Nam có tiến triển rõ rệt, được cả thế giới quan tâm. 

Xét trên phương diện địa lý, Việt Nam nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương thuộc Đông Nam Á, phía Bắc dựa vào lục địa, phía Đông giáp Biển Đông, đất nước kéo dài thành một dải hẹp từ Bắc đến Nam, đường bờ biển dài 3.260 km, khoảng cách ăn sâu trong nội địa rất ngắn, chỗ hẹp nhất chỉ có 10 km, địa hình như vậy đã khiến cho công tác phòng vệ trở nên khó khăn. Việt Nam coi trọng phát triển sức mạnh hải quân-không quân, tăng cường xây dựng chiến trường ở các đảo - bãi, có thể mở rộng một cách hữu hiệu khoảng cách phòng ngự của mình, tranh thủ thời gian dự báo phản ứng. “Dựa vào không gian phòng ngự trên biển, làm giảm áp lực phòng vệ trên đất liền tương đối hẹp” đã trở thành tư tưởng an ninh mới của Việt Nam. Đồng thời hải cảng ven biển phía Đông Nam của Việt Nam có vị trí độc đáo, có tầm quan trọng chiến lược, nhiều tuyến hàng hải quốc tế đi qua đây, có thể trở thành cứ điểm để kiểm soát Biển Đông và Eo biển Malắcca. 

Xét từ phương diện kinh tế, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu, thu nhập GDP bình quân đầu người đứng ở phần cuối trong bảng xếp hạng các nước ở Đông Nam Á, tài nguyên dầu khí chủ yếu ở Biển Đông đã trở thành nguồn đảm bảo GDP quan trọng của Việt Nam. Các số liệu cho thấy mỗi năm Việt Nam khai thác khoảng 200 tỉ tấn dầu thô, chiếm gần 30% GDP của nước này, hơn nữa tỉ lệ này đến năm 2020 có thể sẽ tăng lên đến 53%, thậm chí còn cao hơn. Dầu khí ở Biển Đông đã trở thành trụ cột quan trọng và là điểm tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Nếu dầu khí xảy ra vấn đề gì lớn thì kinh tế Việt Nam sẽ có thể rơi vào tình cảnh khó khăn. 

Xét theo tình hình chính trị quốc tế, lực lượng hải quân-không quân lớn mạnh sẽ là con bài quan trọng để Việt Nam có được địa vị bá quyền khu vực, nâng cao ảnh hưởng quốc tế của mình. Khác với các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa, trong khi phát triển kinh tế, việc thế lực phương Tây chia rẽ, diễn biến hòa bình lật đổ cũng đồng thời là đối tượng mà Việt Nam phải đề phòng như một trọng điểm. Sau khi thống nhất, Việt Nam luôn mưu tìm địa vị bá quyền ở khu vực bán đảo Trung Nam (tên gọi khác của “bán đảo Đông Dương” theo cách gọi của người Trung Quốc, nghĩa là bán đảo phía Nam Trung Quốc, bao gồm Việt Nam, Lào, tỉnh Vân Nam-Trung Quốc, Campuchia, Mianma, Thái Lan và phần phía Tây Malaixia). Những năm trước đây Việt Nam xâm nhập Campuchia, hiện nay tranh giành các đảo ở Biển Đông, kiểm soát khu vực biển, tất cả đều là những bước đi thực tế của Việt Nam nhằm thực hiện giấc mộng nước lớn, vì thế tất yếu đã khiến Việt Nam đẩy nhanh nhịp độ xây dựng lực lượng hải quân-không quân, giành được tiếng nói có trọng lượng ở khu vực bằng thực lực quân sự nhất định. 

II- Chú trọng nhập vũ khí trang thiết bị kỹ thuật cao, nâng cao hiệu quả tác chiến của hải quân-không quân 

Để đáp ứng đòi hỏi trong tình hình mới, Việt Nam đã điều chỉnh thể chế biên chế quân đội, quy mô lục quân giảm mạnh, binh chủng kỹ thuật cao được tăng cường. Hải quân-không quân được hỗ trợ, xác định rõ mục tiêu xây dựng hiện đại hóa. Quân đội Việt Nam đã lần lượt xây dựng “Kế hoạch phát triển vũ khí trang thiết bị hải quân năm 2000” và “Kế hoạch phát triển hải quân thế kỷ 21”, mở rộng chi phí quân sự cho hải quân, trong khi mở rộng nghiên cứu và mua sắm vũ khí trang thiết bị cũng đồng thời xây dựng và mở rộng quân cảng quan trọng ở Trung Nam Bộ. Quy hoạch xây dựng hải quân trung hạn và dài hạn ở Việt Nam đã xác định rõ yêu cầu đến trước năm 2010 sẽ từng bước thải loại trang thiết bị cũ, tăng thêm số lượng tàu chiến đời mới, coi trọng phát triển tàu ngầm và bộ đội không quân; Đến trước năm 2020 sẽ sơ bộ hoàn thành xây dựng thể chế binh lực phòng vệ cơ bản ở Biển Đông; Đến trước năm 2050 có khả năng tác chiến độc lập ở biển xa. 

Bắt đầu từ cuối năm 2009 lãnh đạo cấp cao quân đội và Chính phủ Việt Nam đã mua tàu ngầm, máy bay chiến đấu và tên lửa của Nga và Ixraen, tập trung xây dựng hệ thống phòng không cảnh báo. Tháng 4/2009, Việt Nam tuyên bố đặt mua 6 chiếc tàu ngầm lớp KILO cải tiến của Nga, tổng giá trị khoảng 1,8 tỉ USD, chiếc đầu tiên dự kiến sẽ bàn giao vào năm 2012. Việc mua bán này đã khiến hải quân Việt Nam có sự thay đổi về chất trong quá trình phát triển, khả năng tác chiến sẽ được nâng cao mạnh mẽ. Việt Nam đã đặt mua của Nga hai chiếc tàu hộ vệ Gepard với tổng giá trị 350 triệu USD, đồng thời còn có kế hoạch tự lắp ráp hai tàu cùng loại. Tàu hộ vệ Gepard cho đến nay là loại tàu chiến mặt nước có hỏa lực mạnh nhất của hải quân Việt Nam, lượng giãn nước là 2.090 tấn, có tính năng tàng hình nhất định, trang bị vũ khí có hệ thống tên lửa chống hạm “Uranus”, hệ thống tên lửa phòng không "Palm", pháo 76 ly và ngư lôi chống tàu ngầm, đồng thời tàu này còn có thể chở một máy bay trực thăng Ka-28. Lần đầu tiên hải quân Việt Nam đã có lực lượng không quân trên tàu chiến hải quân. 

III- Mở rộng ngoại giao quân sự, đẩy mạnh giao lưu quân sự với các cường quốc 

Những năm gần đây ngoại giao quân sự Việt Nam đã thể hiện đặc điểm “đa dạng hóa, toàn phương vị”, coi trọng giao lưu quân sự với các nước lớn và các nước xung quanh. Ngày 8/8/2010, tàu sân bay USS George Washington lần đầu tiên đi vào vùng biển Đà Nẵng, cùng với hải quân Việt Nam triển khai một loạt hoạt động giao lưu và diễn tập cứu hộ liên hợp trên biển. Sau khi Obama lên nắm quyền, trọng tâm chiến lược của Mỹ chuyển sang châu Á-Thái Bình Dương. Vốn là nước đang muốn gấp rút tìm kiếm cơ hội xây dựng căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, Mỹ đã tiến hành đàm phán với Việt Nam về việc thuê Cảng Cam Ranh. Quan hệ giữa quân đội Việt Nam và quân đội Nga cũng được củng cố sâu sắc hơn, hợp tác quân sự rộng rãi hơn. Trang mạng của Quỹ Jamestown cho biết năm 2009 Việt Nam trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga, Nga cũng là nước có vai trò không nhỏ đối với trình độ hiện đại hóa trang thiết bị vũ khí của Việt Nam. Ngày 27/11/2005, tàu tuần dương mang tên lửa Varyag của Nga đến thăm Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, đánh dấu giao lưu giữa hai quân đội bước lên một nấc thang mới. Đồng thời, Nga cũng tỏ cho thấy rất muốn trở lại Vịnh Cam Ranh. 

Xuất phát từ những tính toán chiến lược của mình, hiện nay cả Mỹ và Nga cùng nhắm đến Vịnh Cam Ranh được coi là hòn ngọc quý hiếm ở khu vực Đông Nam Á. Chính sách ngoại giao của Việt Nam cũng linh hoạt và thực tế hơn, không tiếp tục “nghiêng hẳn về một phía”, xử lý thế nào về tình huống này là vấn đề vẫn còn phải tính toán kỹ lưỡng lâu dài. Có thể thấy Vịnh Cam Ranh đã trở thành một lá bài để Chính phủ Việt Nam lựa chọn giữa Mỹ và Nga.

Xét biểu hiện của Chính phủ và hải quân-không quân Việt Nam gần đây, nước này rất muốn phát huy vai trò chủ đạo trong tình hình Biển Đông hiện nay. Tăng cường thực lực hải quân-không quân và lợi dụng ưu thế địa lý để có được quyền kiểm soát một phần Biển Đông đã trở thành con đường lý tưởng để Việt Nam có được con bài trong đàm phán. Việt Nam tích cực cùng với các nước xung quanh cân bằng với Trung Quốc là muốn nhờ đó để làm yếu đi ưu thế tổng thể của Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải nhượng bộ. Đồng thời Chính phủ Việt Nam cũng tự biết rõ có lực lượng quân sự của Mỹ và Nga xen vào chắc chắn tình hình khu vực sẽ căng thẳng hơn, nhưng Việt Nam lại muốn có được lợi ích từ Mỹ và Nga để nhờ đó kiềm chế Trung Quốc./.

Theo Chuyên mục Quân sự-Mạng Tân Hoa

Lê Sơn (gt)