VN có thể tìm kiếm lợi ích từ sự thù địch Mỹ - Trung đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi Mỹ đang trong chặng đường quay lại châu Á để cân bằng ảnh hưởng với TQ nhưng vẫn có hai điều kiện tiên quyết trước khi VN có thể “đắc lợi”:

(1) Trước hết là sự thù địch Mỹ - Trung mất kiểm soát và Mỹ từ bỏ chiến lược phòng ngừa hiện tại chống TQ. Hiện không có vấn đề lớn đối với điều kiện tiên quyết đầu tiên này. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn là sẽ ngày càng có nhiều biện pháp phòng ngừa chống TQ do quyết tâm của Mỹ muốn duy trì vị thế thống trị tại châu Á. Mỹ chắc chắn không cho phép TQ thay thế vị trí của mình tại khu vực. Trong bối cảnh đó, Washington tất yếu sẽ thực hiện các biện pháp chống TQ.

Vẫn có thể có khả năng quan hệ Mỹ - Trung rơi vào tình trạng không thể kiểm soát nếu Mỹ vẫn tiếp tục chiến lược hiện nay hoặc thậm chí nếu tình hình tổng thể vẫn được kiểm soát nhưng cả hai nước Mỹ - Trung có thể cạnh tranh rất gay gắt.

Giống như nhiều nước ĐNÁ khác, VN có thể sẽ rơi vào cảnh ngộ rất khó khăn khi phải chọn đứng về phía Mỹ hay TQ. VN không có đủ sức mạnh để cân bằng quan hệ với 2 cường quốc này. Điều này không phải là đánh giá quá thấp sức mạnh quốc gia hay sự khôn ngoan của Hà Nội trong việc đóng vai trò cân bằng bởi xét về điều kiện khách quan, so với 2 cường quốc trên, sức mạnh của VN là hạn chế.

(2) Cân bằng cơ bản tương quan sức mạnh giữa Mỹ và Trung tại khu vực này vẫn tiếp diễn trong thời gian dài. Điều kiện tiên quyết thứ 2 này có thể quan trọng hơn. Đánh giá tình hình hiện nay, Mỹ sẽ gặp khó khăn trong cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của TQ đối với khu vực cho dù Mỹ có thể đóng góp lớn thế nào đối với khu vực trong tương lai, chứ chưa tính tới việc có thể Mỹ có kế hoạch đổ nhân lực và tài lực vào khu vực tương đương với TQ.

Rất có thể Mỹ đang thiếu nguồn lực để thực hiện điều này về dài hạn, trong khi TQ đã trở thành cường quốc quân sự, chính trị và kinh tế mạnh nhất tại châu Á.

Là láng giềng gần gũi với TQ, VN sẽ ngày càng cảm thấy khó khăn trong việc cân bằng quan hệ giữa Mỹ và TQ do nhiều yếu tố địa chính trị. Hiện tại TQ đã vượt qua Mỹ tại ĐNÁ. Các nước ĐNÁ vẫn phụ thuộc nặng vào thị trường Mỹ và châu Âu nhưng thị trường TQ đang chứng kiến những thay đổi lớn. Khi tiêu dùng tăng mạnh tại các thị trường nội địa của TQ thì các nước ĐNÁ sẽ phải dựa vào TQ để cân bằng với Mỹ. Về chính trị, sự khác biệt về hệ thống chính trị giữa Việt Nam và Mỹ sẽ là một trong những nhân tố khiến Washington sẽ không thể đóng vai trò quyết định trong trò chơi.

Các nước ĐNÁ cũng có nhiều điểm chung trong việc tìm cách cân bằng quan hệ với Mỹ và TQ. Một số nước có thể kỳ vọng ngày càng tăng vào việc Mỹ tới để cân bằng với cường quốc đang trỗi dậy TQ. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên, lựa chọn tốt nhất hiện nay là tăng cường sức mạnh ĐNÁ để ASEAN có thể đóng vai trò độc lập trong quan hệ Mỹ - Trung.

Chỉ khi nào VN nhận thức được việc hội nhập toàn diện và thực tế với các thành viên ASEAN khác gồm cả tin tưởng chính trị lẫn nhau và chính sách ngoại giao đoàn kết thì Hà Nội mới thực sự có thể có sức mạnh để cân bằng quan hệ với Mỹ và TQ. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ phải tham gia thiện chí trong ASEAN nhiều hơn hiện nay. Nếu ASEAN tiến theo bước đó, ASEAN sẽ trở nên thân thiết với TQ hơn là với Mỹ. Sự tăng trưởng của ASEAN và việc ASEAN trở thành một thực thể độc lập mạnh mẽ sẽ không thể thành hiện thực nếu ASEAN không làm sâu sắc hợp tác trong khuôn khổ ASEAN +1 và ASEAN +3, mà cả hai cơ chế này đều có sự tham gia của TQ.

Theo Global Times

Văn Cường (gt)