images(5).jpeg

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã dành thời gian để "phân tích sâu hơn về viện trợ nước ngoài" trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất cắt giảm kinh phí cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ. Mặc dù đề xuất cắt giảm này như một “hành động phá hoại” đầy sáng tạo mà một số người đánh giá, song các mối lo ngại còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là ông Tillerson đang có cơ hội bác bỏ quan điểm về viện trợ nước ngoài và biến việc chuyển đổi quyền lực mềm này trở thành một công cụ thông minh đầy quyền lực phục vụ cho kinh tế và an ninh quốc gia. Sự chuyển đổi này bắt đầu từ thời Tổng thống George W. Bush, người đã đưa ra các sáng kiến đầy tham vọng chống AIDS, sốt rét, buôn bán người, đảm bảo an ninh lương thực, giữ gìn hòa bình trên toàn cầu, chống tham nhũng, kinh doanh và giáo dục cho phụ nữ. Bằng cách này, ông Bush đã biến đổi phương thức hình thành, sử dụng và cung cấp viện trợ nước ngoài.

Thay vì mở rộng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), ông Bush đã sáng lập Tổ chức Thách thức Thiên niên kỷ (MCC), nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách viện trợ cho các nước có hành động cụ thể để giải quyết nạn tham nhũng, đầu tư cho y tế và giáo dục cho người dân, đồng thời thúc đẩy tự do kinh tế. Kết quả là, MCC đã phát triển mạnh mẽ, đẩy nhanh sự thay đổi ở các quốc gia được viện trợ, đồng thời khuyến khích sự thay đổi (còn gọi là "hiệu ứng MCC") ở những quốc gia khác mong muốn đủ điều kiện để tiếp cận nguồn viện trợ này. Nhắm tới đại dịch AIDS, ông đã đưa ra Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống về Phòng chống AIDS (PEPFAR). Cách tiếp cận này đã ngăn ngừa được 11,5 triệu ca nhiễm mới, tiết kiệm được 200 tỷ USD chi phí điều trị, đồng thời gia tăng Quỹ Phòng chống HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét trên toàn cầu.

Hơn nữa, viện trợ nước ngoài vẫn chiếm dưới 1% ngân sách của Mỹ, trong khi ngân sách trợ giúp kinh tế và phát triển chỉ chiếm 2/3 trong con số 1% này. Tổng thống và phe cánh tả đã khiến đại đa số người dân Mỹ lầm tưởng rằng khoản ngân sách viện trợ nước ngoài này chiếm đến 25-30% tổng ngân sách quốc gia của Mỹ. Kết quả là, những lực lượng đưa ông Trump vào Nhà Trắng đã thành công trong việc biến viện trợ nước ngoài thành một trò chơi “kẻ được người mất”, một sự lựa chọn giữa những đứa trẻ ở Nam Dakota của Mỹ và những đứa trẻ ở Nam Sudan. Mặc dù ông Trump đã tuyên bố sẽ làm cho nước Mỹ trở nên nổi bật, nhưng dấu ấn của một quốc gia vĩ đại không phải là lựa chọn giữa những đứa trẻ trong nước và đứa trẻ ở nước ngoài mà phải làm sao để tốt cho cả hai.

Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi Mỹ phải có một cách tiếp cận vừa nhân ái vừa cứng rắn. Mặc dù Tổng thống Bush đã đi tiên phong trong việc này, song sự nhìn nhận mới mẻ của Ngoại trưởng Tillerson lại được hoan nghênh, vì các thể chế của thời đại Bush đang cần cải cách sâu hơn. Những cải cách này nên chuyển thành một chiến lược thông minh đầy sức mạnh tập trung vào việc tăng cường khả năng quốc gia, chứ không phải chỉ là tạo ra chúng.

Cuối cùng, cũng giống như việc ông Trump gây áp lực đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi yêu cầu chia sẻ trách nhiệm một cách bình đẳng, gánh nặng về phát triển thế giới nên được chia sẻ cho các nước thuộc nhóm các nền kinh tế lớn và mới nổi (G-20). Nhóm này bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (BRIC), chiếm 1/3 Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) toàn cầu và có thể đóng góp, hỗ trợ phát triển thế giới như Mỹ.

Nếu các nước này muốn gặt hái những phần thưởng trong hệ thống quốc tế thì họ cũng phải chịu gánh nặng từ hệ thống đó. Điều này có nghĩa là họ cần trở thành những nhà tài trợ có trách nhiệm, dựa trên luật lệ và sự minh bạch. Hơn nữa, bởi không có sự phát triển nào mà không cần đến an ninh nên họ cũng phải chịu một phần lớn chi phí cho việc gìn giữ hòa bình trên toàn cầu. Nói một cách đơn giản, nếu Trung Quốc muốn sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của châu Phi, thì chúng ta nên nhấn mạnh rằng họ và những quốc gia khác phải có trách nhiệm cùng chia sẻ trách nhiệm.

"Nước Mỹ trên hết" cần đi theo hướng chấm dứt suy nghĩ coi viện trợ nước ngoài là trò chơi “kẻ được người mất” nhờ vào việc giảm thiểu các chương trình không quan trọng và tận dụng nguồn vốn tư nhân cùng với nguồn lực từ G20 để tạo ra các quỹ đầu tư địa phương và toàn cầu mới. Những người theo chủ nghĩa biệt lập và bài ngoại cần ý thức được rằng những người di cư sẽ thoát khỏi đói nghèo và bệnh tật trong khu vực biên giới của họ trước khi phải tìm kiếm nơi ẩn náu trong biên giới của Mỹ. Viện trợ nước ngoài là cách tiếp cận mạnh mẽ, một giải pháp thay thế, tiết kiệm chi phí cho quân đội để đảm bảo hòa bình và ổn định trên toàn cầu. Như Tướng James Mattis nói trước khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: "Nếu ngài (ông Trump) không tài trợ cho Bộ Ngoại giao thì tôi cần phải mua thêm nhiều đạn dược".

Tác giả là Gary Edson, nguyên Phó Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush. Bài viết đăng trên trang “National Interest”.

Anh Thư (gt)