0809USS.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch tăng 10% ngân sách quốc phòng lên mức 603 tỷ USD thông qua việc cắt giảm ngân sách cho các hoạt động khác, trong đó có hoạt động ngoại giao và viện trợ nước ngoài. Việc tăng chi tiêu quốc phòng là cần thiết bởi đây là công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump và Quốc hội Mỹ cần xem xét một cách khôn ngoan những hậu quả của việc cắt giảm ngân sách cho ngoại giao và viện trợ.

Quân đội Mỹ đang cần một cuộc nâng cấp lớn. Theo Phó Chỉ huy các hoạt động Hải quân, Đô đốc William Moran, Hải quân Mỹ hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu ở các vùng chiến sự. Phó Tham mưu trưởng Lục quân, Đại tướng Daniel Allen, cho biết chỉ 1/3 lực lượng Lục quân sẵn sàng tham chiến ngay lập tức, trong khi Phó Tham mưu trưởng Không quân, Đại tướng Stephen Wilson, tuyên bố chưa tới 50% lực lượng không quân sẵn sàng chiến đấu với kẻ địch. Đây là những con số đáng lo ngại. Tuy nhiên, việc gia tăng ngân sách quốc phòng không thể diễn ra đồng thời với việc cắt giảm viện trợ quốc tế.

Việc cắt giảm ngân sách viện trợ nước ngoài là một chiến lược thiển cận và thiếu hiểu biết về ý nghĩa của nó đối với an ninh quốc gia. Viện trợ nhân đạo hàng năm chỉ tiêu tốn 36,5 tỷ USD, chiếm chưa tới 1% ngân sách quốc gia. Đáng buồn là phần lớn người dân Mỹ lại nghĩ rằng nó chiếm tới 1/4 ngân sách và là nguyên nhân gây tăng nợ công. Ngay cả ngân sách cho Bộ Ngoại giao cũng chỉ khoảng 50 tỷ USD/năm, chưa bằng 1/10 ngân sách quốc phòng hiện tại.

Trong bài phát biểu mới đây trước Quốc hội, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẵn sàng tìm kiếm những người bạn mới, xây dựng những mối quan hệ đối tác mới. Viện trợ nước ngoài chính là công cụ chiến lược để Bộ Ngoại giao sử dụng quyền lực "mềm" một cách hiệu quả và hiện thực hóa tham vọng đó của ông Trump. Khi sử dụng kết hợp với các sức mạnh quốc gia khác, viện trợ nước ngoài có thể giúp Mỹ tiếp cận những khu vực có ý nghĩa chiến lược quan trọng, xây dựng những quan hệ đối tác mạnh mẽ, cùng chia sẻ lợi ích và gánh nặng an ninh, mở rộng ảnh hưởng của Mỹ và ép những quốc gia khác đưa ra những lựa chọn “đúng đắn”. Kế hoạch Marshall ở châu Âu và sự tái thiết của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai chính là những thành quả tiêu biểu từ viện trợ nước ngoài.

Vai trò này của viện trợ nước ngoài đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tướng lĩnh quân đội. Sau khi kế hoạch ban đầu được công bố, 121 tướng 4 sao và 3 sao đã nghỉ hưu công khai kêu gọi Quốc hội duy trì ngân sách cho Bộ Ngoại giao và viện trợ nước ngoài vì ý nghĩa quan trọng của nó đối với an ninh quốc gia. Chính các tướng lĩnh hàng đầu như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, khi còn là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) vào năm 2013 hay cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Đô đốc Michael Mullen (năm 2009) từng thừa nhận Mỹ sẽ phải sử dụng quân đội nhiều hơn nếu ngân sách cho Bộ Ngoại giao không được cung cấp đầy đủ.

Vấn đề ngân sách tài khóa 2018 cần được bàn thảo một cách kỹ càng với sự tham gia của Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, đánh giá kỹ lưỡng việc sử dụng các nguồn lực quốc gia để bảo vệ lợi ích quốc gia. Quốc hội Mỹ cần xem xét và bàn thảo kỹ lưỡng kế hoạch này.           

Tác giả là ông James Cook, Phó Giáo sư về an ninh quốc gia thuộc Đại học Hải chiến Mỹ. Bài viết đăng trên “National Interest”.

Hương Trà (gt)