Theo tác giả, giới chuyên gia cho rằng cuộc tranh chấp ở Biển Đông là nguy hiểm và khó dự đoán nhất trong khu vực, đồng thời họ đề xuất Ôxtrâylia nên linh hoạt hơn trong việc hỗ trợ tìm ra giải pháp "hạ nhiệt" điểm nóng này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ôxtrâylia Bob Carr đã phản đối ý kiến trên. Trả lời phỏng vấn Đài Ôxtrâylia, ông Bob Carr nói: “Tôi không nghĩ Ôxtrâylia nên đóng vai trò trung gian trong giải quyết các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Tôi không nói rằng Biển Đông không mang lại lợi ích cho chúng ta, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên giữ vững chính sách mà chúng ta đã có, đó là không ủng hộ bất cứ bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền và cho họ thấy chúng ta muốn vấn đề được giải quyết, vì chúng ta có quyền lợi trong đó”. 

Ông Michael Wesley khẳng định ông không tán thành việc Ôxtrâylia đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp vì điều đó sẽ khó giúp Ôxtrâylia đóng vai trò tích cực trong việc tìm ra giải pháp cho khu vực. Tuy nhiên, dường như Ôxtrâylia đang tiếp cận một cách quá mờ nhạt đối với một điểm nóng trong khu vực, đặc biệt là sau khi Canbơrơ đã có những đóng góp và thành tựu lớn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libi, Xyri - những nơi có ít ảnh hưởng hơn đối với Ôxtrâylia - trong vài năm gần đây. 

Ngoại trưởng B. Carr nhấn mạnh: “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông là rất hữu dụng và đó là lý do tại sao Ôxtrâylia rất quan tâm đến những việc ASEAN đã và đang làm để có một Bộ quy tắc ứng xử của ASEAN trong các tranh chấp ở Biển Đông”. Về khía cạnh này, ông Wesley cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử của ASEAN là một phần của vấn đề. Bắc Kinh từ chối thỏa thuận với bất kỳ bên tranh chấp nào ở Đông Nam Á, trừ phi những nước này từ bỏ việc tìm kiếm lập trường chung. Nếu tăng sức ép với Trung Quốc nhằm buộc nước này chấp thuận Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, việc làm đó sẽ chỉ càng khiến cho Bắc Kinh thêm hiếu chiến.

Nghiêm trọng hơn, nhiều khả năng sự ủng hộ của Mỹ đối với nỗ lực thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông của ASEAN sẽ khiến Oasinhtơn thêm khó khăn khi ngồi vào bàn thương lượng với Bắc Kinh. Bằng cách thêm tên mình vào lập trường ASEAN-Mỹ trong vấn đề này, Ôxtrâylia chẳng đóng góp được gì vào việc giải quyết tranh chấp, và có thể còn đẩy căng thẳng lên cao hơn. 

Tuy nhiên, trong quá khứ, Ôxtrâylia đã đóng vai trò quan trọng trong việc mở đường cho những tranh cãi trong khu vực và trên toàn cầu. Một ví dụ là vấn đề Việt Nam và Campuchia trước đây, khi đó Việt Nam và Liên Xô ở một bên, ASEAN, Trung Quốc và Mỹ ở một bên. Thời điểm đó, Ngoại trưởng Bill Hayden hiểu rằng đây là vấn đề quan trọng đối với Ôxtrâylia, ngay cả khi Canbơrơ không có liên can trực tiếp. Những nỗ lực của ông khi đưa Việt Nam và ASEAN lại gần nhau đã bị ASEAN và Trung Quốc lúc đó chỉ trích, nhưng cuối cùng vấn đề đã được giải quyết. Rồi việc Ôxtrâylia huy động Nhóm Cairns là một biện pháp sáng tạo và hiệu quả khi thúc đẩy Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vượt qua những bế tắc để hướng tới giải pháp của Vòng đàm phán Urugoay.

Tóm lại, Ôxtrâylia đã có nhiều kinh nghiệm ngoại giao nên hiểu rằng vấn đề không phải là đứng về bên nào hay liệu có nên can dự vào vấn đề của người khác hay không, mà vấn đề là ở chỗ phải sáng tạo khi động lực hiện tại không còn, và phải hỗ trợ để tìm ra giải pháp.

Theo Lowy Institute

Tiến Tiệp (gt)