Chuyến thăm Nhật Bản của ông Modi bắt đầu từ thành phố Kyoto của Nhật Bản, được cho là động thái mang tính tinh thần mà tiếp theo đó sẽ là các chuyến thăm của các vị lãnh đạo ở New Dehli tới Australia, Việt Nam và Mỹ, các quốc gia nằm ven Thái Bình Dương. 

Người hiện thực hóa “mô hình ngoại giao toàn cầu” là Thủ tướng Shinzo Abe. Chính sách ngoại giao của ông Abe là tạo dựng tầm bao quát toàn cầu nhằm thúc đẩy lợi ích kinh tế của Nhật Bản mà nội hàm sâu xa của chính sách đối ngoại đó chính là việc ông Abe triển khai chính sách đối ngoại “viễn giao cận công” - theo cách gọi của người Trung Quốc. Ý nghĩa của chính sách “viễn giao cận công” là tăng cường sức mạnh nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra xung đột với quốc gia láng giềng đồng thời liên kết chặt chẽ với các nước ở xa nhằm chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp. 

Do bề ngoài tỏ ra là nhà lãnh đạo “không liên kết”, Thủ tướng Modi vừa cố gắng hạn chế tối đa cách thể hiện thân Nhật vừa thận trọng trong phát ngôn để tránh hiểu lầm đối với Trung Quốc. Đối với cuộc gặp 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước mà Nhật Bản đề nghị từ sớm, tuyên bố chung của hai nước cũng chỉ dừng lại ở góc độ “xem xét biện pháp tăng cường đối thoại”. 

Mặc dù Thủ tướng Modi đại diện cho phe dân tộc chủ nghĩa nhưng dường như ông không thể xem nhẹ ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc đối với Ấn Độ. Nhật Bản và Ấn Độ vẫn tránh việc có thể tạo dựng một hình thức quan hệ “bán đồng minh” (đồng minh một nửa) mà chỉ đưa ra tuyên bố chung dưới dạng “đối tác chiến lược đặc biệt” nhằm tăng cường liên kết song phương. 

Ngay sau khi về nước, Thủ tướng Modi lập tức đón Thủ tướng Úc Tony Abbott tại New Dehli, dự kiến thăm Canberra vào tháng 11/2014 và lên kế hoạch tổ chức cuộc tập trận hải quân chung lần đầu tiên giữa hai nước vào năm sau. 

Về phần mình, trong chuyến thăm Úc, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định quan hệ Nhật-Úclà mối quan hệ đặc biệt, giống như một quốc gia "bán đồng minh". Trước quan điểm của Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản trong vấn đề lịch sử, Thủ tướng Abbott coi đó như một quân bài mà Bắc Kinh sử dụng để phê phán Tokyo. Ông lên tiếng phản đối: “Chúng ta cần phải đánh giá một cách công bằng hành động của Nhật Bản trong hiện tại mà không phải câu chuyện 70 năm trước họ ra sao”. 

Trong bài phát biểu ở Tokyo, Thủ tướng Modi cũng ám chỉ Trung Quốc khi cho rằng “chủ nghĩa bành trướng có thể được coi là đã xuất hiện từ thế kỷ 18” và đưa ra lời cảnh báo rằng giờ đây “có quốc gia đang xâm lược một quốc gia khác. Họ đang xâm lấn biển đảo và chiếm quốc gia khác”. Với tuyên bố này, ông Modi dường như đang đưa ra cảnh báo đối với Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang sắp có chuyến thăm Ấn Độ. Báo Anh “The Economist” dự báo rằng “có lẽ đây sẽ chẳng phải là một chuyến thăm hữu hảo”. 

Thật vậy, Thủ tướng Modi đang mời Thủ tướng lưu vong của Tây Tạng Lobsang Sangay sang Ấn Độ, trùng với thời điểm ông Tập Cận Bình thăm Ấn Độ trong khi Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee thực hiện chuyến thăm Việt Nam. Trong khi đó, dưới thời Chính phủ Atal Bihari Vajpayee trước đây, cũng thuộc phe dân tộc chủ nghĩa của ông Modi, khi một lãnh đạo Trung Quốc tới thăm Ấn Độ, New Dehli cũng tiến hành đồng thời một vụ thử tên lửa bình thường như không có chuyện gì xảy ra. 

Ở Đông Nam Á, Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo và lực lượng hải quân nước này đang được hải quân Ấn Độ, hiện cũng đang sử dụng loại tàu ngầm trên, huấn luyện kỹ năng. Công ty dầu lửa quốc doanh Ấn Độ đang thăm dò dầu khí ở Việt Nam tại các giếng dầu nằm trong vùng biển mà Trung Quốc và Việt Nam đang tranh chấp. 

Tháng 9/2014, Thủ tướng Modi cũng thực hiện chuyến thăm Mỹ nhằm hâm nóng mối quan hệ Mỹ-Ấn bị lạnh giá dưới chính quyền tiền nhiệm Manmohan Singh. Rõ ràng, vành đai Nhật-Mỹ-Úc-Ấn giờ đây đang ngày càng siết chặt, hình thành nên “chuỗi kim cương bảo đảm an ninh” ở châu Á mà Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng trong diễn văn bằng tiếng Anh khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai. Các quốc gia ở ven bờ Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… nhiều khả năng sẽ tham gia chuỗi liên kết này. Điều này sẽ khiến cho Trung Quốc - nước chuẩn bị tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương - không khỏi ôm nỗi thất vọng tràn trề. 

Theo “Sankei”

Lê Sơn (gt)