Sau hơn hai tháng hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) ở Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã quyết định rút giàn khoan khổng lồ này sớm hơn một tháng so với kế hoạch mà Bắc Kinh đã tuyên bố ban đầu. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam hết sức căng thẳng kể từ khi Bắc Kinh triển khai giàn khoan này ở vùng biển Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 cũng có những ảnh hưởng nhất định đến sự thay đổi ở Việt Nam.

Quyết định của Trung Quốc về việc rút một giàn khoan dầu gây nhiều tranh cãi ra khỏi các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông có thể gây trở ngại đối với những nỗ lực của Việt Nam nhằm tìm kiếm những liên minh mới. Chỉ mới cách đây 10 tháng, trong một chuyến thăm Bắc Kinh của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tới Bắc Kinh, ông Phạm Quang Nghị đã được các quan chức cấp cao Trung Quốc chào đón trong khi ca ngợi tầm quan trọng của việc tăng cường củng cố “mối quan hệ truyền thống” với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều thứ đã thay đổi mạnh mẽ kể từ khi đó. Vào ngày 20/7, vị Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - cơ quan quyết sách của Việt Nam – dẫn đầu một đoàn đại biểu đi thăm một bên tham gia quan trọng khác trong khu vực: Đó là Mỹ. Trong một chuyến đi được một chuyên gia quan sát mô tả là “chuyến công du trinh sát” phi chính thức, ông Phạm Quang Nghị muốn đánh giá xem Washington sẵn sàng đi xa đến đâu trong việc giúp Hà Nội ngăn cản một Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt trong các tranh chấp, trong đó có vụ hạ đặt một giàn khoan dầu và vấn đề chủ quyền cũng như tự do hàng hải ở Biển Đông. 

Chuyến công du của ông Phạm Quang Nghị nêu bật những sự lựa chọn khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt kể từ khi Trung Quốc bất ngờ triển khai giàn khoan Hải Dương-981 ở ngay ngưỡng cửa nhà của Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua, gây ra cuộc xung đột tồi tệ nhất giữa hai đồng minh tư tưởng này kể từ khi xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới chớp nhoáng vào năm 1979. Và quyết định của Bắc Kinh về việc rút giàn khoan này vào hôm 15/7 vừa qua đã không chấm dứt được cuộc tranh chấp này. 

Kể từ hồi tháng 5, các chuyên gia phân tích đã nhấn mạnh đến mong muốn đang ngày càng mãnh liệt ở Hà Nội về việc “thoát Trung”, cả về mặt chính trị lẫn mặt kinh tế. Thế nhưng, điều đó sẽ không diễn ra nhanh chóng. Một số người trong chính phủ và công chúng Việt Nam nhìn thấy “trong cái rủi có cái may” đối với cuộc khủng hoảng giàn khoan này: Vụ việc này có thể dẫn đến khả năng hành động nhiều hơn trong việc thúc đẩy các cuộc cải cách kinh tế đã được chờ đợi từ lâu, ví dụ như “kế hoạch chủ lực” của chính phủ trong việc trở thành một quốc gia hiện đại, công nghiệp hóa vào năm 2020. Nó cũng có thể gây nguy hiểm đến sự ủng hộ các thỏa thuận thương mại tự do với các quốc gia phương Tây. Những người ủng hộ những sự thay đổi này lo ngại việc Trung Quốc sớm rút giàn khoan Hải Dương-981 sẽ đồng nghĩa với việc mất đi một “chất xúc tác.” 

Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương-981 đã khoét sâu sự bất đồng ở Việt Nam về việc làm thế nào để cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Liên quan vấn đề này, Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định: “Ở Việt Nam, ngọn lửa đang bùng cháy mãnh liệt nhằm tách khỏi Trung Quốc để hướng sang Mỹ. Tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra, nhưng giờ đây đó là một lực lượng rất rõ ràng”. Cả Giáo sư Carl Thayer và một nguồn tin gần gũi với Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng chuyến công du của ông Phạm Quang Nghị tới Washington không liên quan đến các cuộc gặp cấp cao chính thức, nhưng sẽ tạo ra những cơ hội cho Mỹ và Việt Nam để thăm dò mối quan hệ giữa hai nước. Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh: “Chuyến công du này là một thứ gì đó khác. Nó sẽ tạo ra cơ hội cho Mỹ nắm được quan điểm của những người đang nắm quyền, và tương tự như vậy, chuyến thăm cũng tạo cơ hội cho Việt Nam thấy được những gì mà Mỹ sẽ sẵn sàng thực hiện. Đó là một chuyến đi trinh sát”. 

Sự chia rẽ giữa Trung Quốc và Việt Nam đã bị nới rộng sau khi các cuộc gặp hồi tháng 6 vừa qua giữa các quan chức Việt Nam và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì - quan chức cấp cao nhất phụ trách chính sách đối ngoại của Trung Quốc – thất bại trong việc làm nồng ấm mối quan hệ băng giá giữa hai quốc gia. 

Theo Phó Giáo sư Edmund Malesky, một chuyên gia về kinh tế chính trị thuộc Đại học Duke ở bang North Carolina của Mỹ, các cuộc gặp với ông Dương Khiết Trì đã khiến nhiều người ở Hà Nội thất vọng, đồng thời cho thấy Việt Nam phải di chuyển sang một hướng khác. Phó Giáo sư Malesky, người đã và đang làm việc trong một dự án của Chính phủ Việt Nam liên quan đến Trung Quốc, nói trước khi giàn khoan Hải Dương-981 được rút đi, rằng “một nhóm các nhà hoạch định chính sách, gồm những người đang thúc đẩy việc tăng cường mối quan hệ với phương Tây, giờ đây đang ở một vị thế vững mạnh hơn”. Theo chuyên gia này, Việt Nam đã đe dọa theo đuổi các hành động pháp lý nhằm đáp lại các hành xử gần đây của Trung Quốc. 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, một cựu Đại sứ và là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, nói rằng các nhà hoạch định chính sách ở Hà Nội đang cân nhắc hai lựa chọn pháp lý. Họ có thể thách thức những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông tại Tòa án Công lý Quốc tế, như Philippines đã làm. Hoặc họ cũng có thể quyết định tìm kiếm sự phân xử của trọng tài quốc tế, một lựa chọn nhanh chóng hơn, cũng sẽ gây ra ít tác động hơn. 

Nhiều chuyên gia phân tích đã cảnh báo rằng những hậu quả đối với tăng trưởng của Việt Nam có thể sẽ rất tai hại nếu như Trung Quốc lựa chọn biện pháp trả đũa về mặt kinh tế. Đến nay Trung Quốc vẫn chưa áp đặt sự trừng phạt nào. Tuy nhiên, có tin nói rằng lượng hàng nông nghiệp mà Trung Quốc nhập khẩu của Việt Nam đã sụt giảm. Trung Quốc đã cấm các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước tham gia đấu thầu những hợp đồng mới ở Việt Nam. Và số lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam cũng giảm 29,5% trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 vừa qua. Cùng với nhiều quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Theo các số liệu từ hải quan Việt Nam, trong năm ngoái, Việt Nam đã nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 36,95 tỷ USD từ Trung Quốc, tương đương 28% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam. Cũng trong năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 13,3 tỷ USD sang Trung Quốc – tương đương 10% tổng giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam. 

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam hiện đang tìm kiếm các biện pháp để giảm bớt sự phụ thuộc như vậy. Phó Giáo sư Malesky nói rằng một số chuyên gia nghiên cứu ở Việt Nam đang nghiên cứu những tác động có thể xảy ra nếu như mối quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc xấu đi. Ông Malesky nhấn mạnh: “Đó là một dấu hiệu khá tốt đẹp, rằng Việt Nam đang chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra”. Trong khi đó, bà Tôn Nữ Thị Ninh nói rằng những ý kiến của công chúng cũng đã buộc Chính phủ Việt Nam phải cố gắng tìm cách điều chỉnh lại chính sách thương mại của họ. Bà Tôn Nữ Thị Ninh nêu rõ: “Chính phủ giờ đây đang công nhận điều này; công chúng nói chúng tôi quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Dĩ nhiên chúng tôi cần có các mối quan hệ tốt nhất có thể với nước láng giềng lớn hơn. Chúng tôi là người thực tế”. Mặc dù vậy, bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng đặt câu hỏi: “Tuy nhiên, vấn đề là, để làm được điều đó, trong bối cảnh trước một nước Trung Quốc quyết liệt, điều gì sẽ là tốt nhất” cho Việt Nam. 

Bà Tôn Nữ Thị ninh cho biết nhiều người ở Việt Nam tin rằng Việt Nam nên gửi đi một thông điệp kép tới Trung Quốc, rằng “Việt Nam cam kết thực hiện hòa bình và duy trì các mối quan hệ lành mạnh với Trung Quốc”. Tuy nhiên, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, “chúng tôi đồng thời cũng nên gửi đi một thông điệp rằng kinh tế và các lợi ích khác không thể quan trọng hơn những nguyên tắc về chủ quyền lãnh thổ, độc lập dân tộc và sự tôn trọng lẫn nhau”. 

Theo Phó Giáo sư Malesky, đối với những người ủng hộ các mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn với phương Tây, cuộc khủng hoảng với Trung Quốc đã trở thành một điều có lợi, dẫn đến sự quan tâm nhiều hơn tới việc thúc đẩy các cuộc thương lượng do Mỹ dẫn đầu về thỏa thuận thương mại tự do TPP.

Tuy nhiên, động thái mang tính chất hợp tác của Trung Quốc trong việc rút giàn khoan Hải Dương-981 có thể ngăn cản những nỗ lực này. Liên quan vấn đề này, Giáo sư Carl Thayer nhận định: “Những hành động của Trung Quốc đã thực sự gây khó khăn cho Việt Nam. Việt Nam sẽ kiềm chế việc theo đuổi một vụ kiện pháp lý để ngăn chặn sự xuống cấp về mặt ngoại giao. Những hành động của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo ở Việt Nam, những người ủng hộ việc tiến gần hơn tới Mỹ và Nhật Bản”. Giáo sư Carl Thayer cho rằng sự thay đổi phương hướng khéo léo của Trung Quốc cũng sẽ vô hiệu hóa ở một mức độ nào đó bất kỳ nỗ lực nào có thể có nhằm tạo ra một vấn đề nằm ngoài sự quyết liệt của Trung Quốc, tại Diễn đàn Khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng tới - sự kiện sẽ được tổ chức ở Myanmar. 

Tuy nhiên, bà Tôn Nữ Thị Ninh nói rằng việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 sẽ có ít tác dụng trong việc hàn gắn các mối quan hệ song phương. Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói rõ: “Kinh nghiệm trong quá khứ đã dạy chúng tôi rằng những hành vi của Trung Quốc thường không phù hợp, và thậm chí là đôi khi còn đi ngược lại với những lời nói của họ”. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và công ty dầu mỏ điều hành giàn khoan Hải Dương-981, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nói rằng họ rút giàn khoan Hải Dương-981 là do những nhiệm vụ thăm dò ban đầu đã được hoàn thành. Các học giả Trung Quốc cũng phủ nhận rằng quyết định rút giàn khoan này là kết quả của bất kỳ sức ép ngoại giao nào từ Việt Nam hoặc Mỹ, quốc gia mà Thượng viện của họ đã thông qua một nghị quyết vào hôm 10/7, trong đó lên án hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo ông Khang Lâm, một chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải (một viện nghiên cứu quốc gia của Trung Quốc), việc rút giàn khoan Hải Dương-981 chỉ là tạm thời. Với việc phát hiện một “lượng lớn” trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khả dĩ, ông Khang Lâm cho rằng mặc dù Trung Quốc chưa sẵn sàng tiến hành các hoạt động thương mại ở vùng biển mà giàn khoan Hải Dương-981 vừa khoan thăm dò, nhưng cuối cùng thì những giàn khoan dầu của Trung Quốc cũng có thể sẽ quay trở lại vùng biển này. Chuyên gia Khang Lâm nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ phải cố gắng để quen với việc này”. 

Theo các chuyên gia phân tích, ngay cả trong trường hợp Việt Nam quyết định tiếp tục các nỗ lực nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc kinh tế của mình vào Trung Quốc, thì thách thức lớn nhất nằm ở việc tìm ra một nguồn nguyên liệu thay thế để “tiếp liệu” cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Nguyễn Hà, Giám đốc Quản lý chi nhánh Việt Nam của Tập đoàn Bower châu Á (Bower Group Asia) cho biết trong số hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm ngoái, 33% là nguyên liệu và các thiết bị quan trọng đối với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Giám đốc Nguyễn Hà nhấn mạnh: “Kim ngạch xuất khẩu sẽ sụt giảm, trong khi các nhà sản xuất trong nước sẽ có một thời gian khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu nhập khẩu thay thế nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc”. 

Nếu như các cuộc thương lượng TPP thành công, thỏa thuận thương mại tự do khu vực này cũng sẽ buộc Việt Nam phải tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất khác. Theo thỏa thuận này, chỉ có các sản phẩm được sản xuất từ những nguyên liệu được cung cấp bởi các nước thành viên TPP mới có thể được hưởng mức thuế quan thấp nhất khi được xuất khẩu tới các nước thành viên thỏa thuận. Trung Quốc không phải là một bên tham gia các cuộc đàm phán này. Về TPP, Giám đốc Nguyễn Hà nhận định: “Đây thực sự là một cơ hội cho Việt Nam để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, và là điều mà Việt Nam không nên bỏ lỡ”. 

Khi khu vực ngày càng cảnh giác với thái độ quyết liệt của Trung Quốc, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc của mình vào quốc gia láng giềng này. Tuy nhiên, một số người vẫn duy trì thái độ hoài nghi về việc liệu những nỗ lực này có đạt được thành công hay không. Giáo sư Nick Bisley, một chuyên gia về các mối quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe ở Australia nhận định: “Khả năng thoát ra khỏi quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc là điều khó khăn hơn so với việc di chuyển vào trong quỹ đạo của Mỹ về mặt chính trị. Tuy nhiên, lợi ích của việc xây dựng các mối quan hệ với Mỹ không lớn như họ nghĩ, và tôi cho là nguy cơ của việc duy trì sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc không lớn như nhiều người nghĩ”./. 

Theo “SCMP” (ngày 17/7)

Vũ Hiền (gt)