Trong hai ngày 27-28 tháng 11 năm 2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đã tổ chức Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 9 với chủ đề: “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”.

Hội thảo đã thu hút được gần 200 đại biểu tham dự Hội thảo, trong đó có gần 90 học giả quốc tế, 70 học giả và đại biểu Việt Nam, 20 đại diện từ 17 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và 60 phóng viên thuộc 35 hãng tin trong và ngoài nước tham dự hội thảo.

Diễn ra trong bối cảnh nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng trong khu vực như Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị Cấp cao ASEAN, Cấp cao Đông Á và các hội nghị liên quan vừa được tổ chức, Hội thảo Quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông đem đến cơ hội để các học giả Việt Nam và quốc tế đánh giá kỹ về tình hình Biển Đông trong năm qua từ nhiều góc độ, phân tích và thảo luận các biện pháp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và thúc đẩy hợp tác. Với gần 30 bài tham luận sẽ được các đại biểu trình bày trong hai ngày, Hội thảo chia thành 07 phiên: (1) Đánh giá diễn biến trên Biển Đông; (2) Quan hệ quốc tế và trật tự dựa trên pháp lý trên Biển Đông; (3) Cân bằng quân sự và bán quân sự ở Biển Đông; (4) Các hoạt động trên biển: Nguồn gốc của xung đột hay lĩnh vực để hợp tác; (5) Các khía cạnh pháp lý trên Biển Đông; (6) Các sáng kiến thúc đẩy phát triển bền vững và hợp tác; (7) Bộ Quy tắc Ứng xử (COC): Nội dung và tiến trình.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) cho rằng Biển Đông vẫn là "một trong những bài toán khó hiểu, khó lường đối với giới nghiên cứu và học giả quốc tế" và "điểm nóng hội tụ" của nhiều lớp mâu thuẫn, cạnh tranh địa chiến lược của thế giới.” Cũng trong phiên khai mạc, Thẩm phán Vladimir Vladimirovich Golitsyn (Nguyên Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật biển/ ITLOS) đã có bài phát biểu quan trọng từ xa về vai trò của Tòa án và Trọng tài trong các tranh chấp biển cũng như các đóng góp cùng những thách thức của Tòa án Quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp biển.

Phiên Khai mạc

Với chủ đề "Đánh giá diễn biến trên Biển Đông", Phiên 1 sẽ cập nhập những diễn biến gần đây ở Biển Đông và phân tích những khía cạnh khác nhau trong khu vực, nghiên cứu tìm ra nguyên nhân, xác định sự thay đổi trong cách tiếp cận của các bên. Các diễn giả trình bày sẽ đánh giá những diễn biến, phân tích sự thay đổi quan trọng về chính sách và những tác động đối với vấn đề Biển Đông hiện nay.

 Phiên 1

Khi căng thẳng gia tăng, Biển Đông trở thành vũ đài cạnh tranh giữa các cường quốc và các bên liên quan chính với mong muốn, cách tiếp cận khác nhau về quy tắc và luật chơi. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có nhận thức chung về cách thức kiểm soát căng thẳng cũng như đối phó với những vấn đề nổi cộm ở Biển Đông.  Phiên 2 với chủ đề "Quan hệ Quốc tế và Trật tự dựa trên Pháp lý trên Biển Đông" sẽ phân tích tầm nhìn đối với trật tự ở Biển Đông của các quốc gia chính cũng như mối quan hệ giữa các quốc gia này. Một nhiệm vụ cấp bách hiện nay đối với các nước phụ thuộc và sử dụng tuyến đường biển chiến lược ở Biển Đông là phải hiểu được lợi ích và mối quan tâm của nhau, cần phải đối thoại với các quốc gia ven biển về quy định, quy tắc thực hiện các hoạt động ở Biển Đông để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực.

Phiên 2

Trong hơn một thập kỷ qua, Biển Đông ngày càng thu hút hoạt động của rất nhiều máy bay và tàu chiến, điều đó càng làm tăng nguy cơ đụng độ và va chạm. Với chủ đề “Cân bằng quân sự và bán quân sự ở Biển Đông”, Phiên 3 sẽ phân tích quá trình phát triển, triển khai cũng như hoạt động khác liên quan đến các lực lượng quân sự và bán quân sự ở Biển Đông. Các diễn giả sẽ trình bày tương quan lực lượng hải quân và bán quân sự, rủi ro và mối đe dọa đối với hoạt động đi lại trên biển, an ninh và ổn định ở Biển Đông, đồng thời kiến nghị phương thức thu hẹp “vùng xám” và thúc đẩy phi quân sự hóa.

Phiên 3

Phiên 4, “Các hoạt động trên biển: Nguồn gốc của xung đột hay lĩnh vực để hợp tác”, đánh giá hàng loạt hoạt động mà các bên ở Biển Đông theo đuổi thực hiện. Các diễn giả phân tích những lập luận chính về vấn đề thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, đánh bắt cá, đi lại trên biển, chống cướp biển, hoạt động và huấn luyện chống cướp biển. Qua phân tích các bên liên quan, quan điểm và động lực, phiên 4 đánh giá về khả năng leo thang và xung đột, đồng thời đề xuất những lĩnh vực có thể thúc đẩy hợp tác.

Phiên 4

Với chủ đề “Các khía cạnh pháp lý trên Biển Đông”, Phiên 5 tập trung vào khía cạnh pháp lý ở Biển Đông và những vấn đề pháp lý mới nổi lên đang có vai trò hết sức quan trọng đối với trật tự quốc tế ở Biển Đông. Các diễn giả sẽ phân tích một số khía cạnh quan trọng về mặt pháp lý trong vấn đề Biển Đông như bảo vệ môi trường biển, ngăn ngừa sự cố trên biển, việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực cũng như nhìn nhận lại về phán quyết tòa trọng tài Biển Đông.

Phiên 5

Tập trung phân tích khía cạnh kinh tế chính trị trong vấn đề Biển Đông là chủ đề của Phiên 6: Các sáng kiến thúc đẩy phát triển bền vững và hợp tác. Khi tranh chấp và căng thẳng gia tăng, phát triển thương mại, hợp tác kinh tế cũng như tác động của các vấn đề này về quản lý và giải quyết tranh chấp là mối quan tâm chính. Tương tự, việc phát triển bền vững cả ở cấp độ quốc gia và khu vực là mối quan tâm rất lớn của khu vực. Theo đó, các diễn giả sẽ tập trung thảo luận về các sáng kiến, hoạt động có tác động đến những vấn đề tồn tại ở khu vực Biển Đông và quốc tế.

Phiên 6

Phiên 7: Thảo luận: Bộ Quy tắc Ứng xử (COC): Nội dung và tiến trình. Phiên đặc biệt này sẽ thảo luận tiến trình và khó khăn đối với việc hình thành Bộ Quy tắc Ứng Xử ở Biển Đông. Trung Quốc và ASEAN đã đạt được bộ khung COC, giai đoạn tiếp theo về nội dung thiết lập những quy định, quy tắc cũng như cơ chế giám sát, nghiên cứu và thực hiện là điều rất quan trọng.

Phiên 7

Phát biểu tại Phiên bế mạc, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định: Hội thảo đã thảo luận sâu sắc và có giá trị về nhiều khía cạnh ở Biển Đông, góp phần đạt được những nhận thức chung về mục tiêu hướng tới một vùng biển “thông minh”. Vấn đề Biển Đông còn nhiều diễn biến khó lường, vì vậy, cần ý chí chính trị chung, lòng tin, cơ chế hiện hành dựa trên luật pháp quốc tế và một cách tiếp cận dung hoà, sáng tạo để vượt qua những thách thức, khó khăn và thúc đẩy hợp tác, hoà bình và ổn định của khu vực.

Phiên Bế mạc

Sau 2 ngày làm việc, Hội thảo quốc tế lần thứ 9 về Biển đã kết thúc tốt đẹp. Diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất, Hội thảo đã thảo luận sâu sắc và có giá trị về nhiều khía cạnh ở Biển Đông, góp phần đạt được những nhận thức chung về mục tiêu hướng tới một vùng biển “thông minh”, thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình, ổn định khu vực.

 

Nghiên cứu Biển Đông