Phiên Khai mạc được bắt đầu bằng bài phát biểu khai mạc của PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao. Tiếp theo đó là phát biểu của ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.

 

 

Phiên 1 với chủ đề Nguồn gốc của Tranh chấp Biển Đông: Khía cạnh Lịch sử sẽ xem xét các hoạt động của các bên tranh chấp và các bên có liên quan trong suốt quá trình lịch sử để truy nguyên nguồn gốc và diễn tiến của các tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp ranh giới biển ở Biển Đông. Yêu sách của các nước ở Biển Đông là gì và có từ khi nào? Đâu là nhân tố thúc đẩy lợi ích của các bên tranh chấp trong vùng lãnh thổ ngoài khơi? Các cường quốc bên ngoài can dự vào Biển Đông như thế nào? Quá trình xây dựng và phát triển của các quốc gia ven biển đã ảnh hưởng đến chính sách Biển Đông của họ ra sao? Các tham vọng biển được phản ánh như thế nào trong sách sử và các toan tính chính trị đằng sau chính sách của các quốc gia liên quan.

 

 Phiên 2: Căng thẳng Biển Đông sẽ Đi Đến đâu?. Năm 2016 chứng kiến một số thay đổi quan trọng đối với nguyên trạng tại khu vực Biển Đông cả về khía cạnh chiến lược và pháp lý. Phiên 2 tập trung đánh giá về tuyên bố và hành động của các bên tranh chấp và các bên liên quan khác. Từ đó, các diễn giả xác định sự tiếp nối cũng như những thay đổi trong chính sách của quốc gia và bản chất của quan hệ quốc tế đã định hình trạng thái hiện tại cũng như sẽ tác động diễn biến trong tương lai. Trên cơ sở đánh giá về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, các diễn giả sẽ dự đoán xu thế vận động của tình hình Biển Đông trong năm 2017 và xa hơn nữa.

 

Phiên 3 với chủ đề Luật pháp Quốc tế và Biển Đông đánh giá tác dụng của luật pháp quốc tế trong việc quản lý và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trong bối cảnh hậu phán quyết của vụ kiện giữa Philippines-Trung Quốc tại Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Phán quyết đã làm hầu hết các nhà quan sát quốc tế ngạc nhiên và đã thay đổi hiện trạng pháp lý ở Biển Đông. Phán quyết sẽ tác động đến tình hình Biển Đông sắp tới ra sao? Các đánh giá của Tòa về bằng chứng, lập luận và kết luận vụ kiện Philippines-Trung Quốc ảnh hưởng đến yêu sách của các bên trực tiếp liên quan cũng như bên yêu sách khác như nào? Phán quyết của Tòa có giúp làm sáng tỏ tình hình, định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan và tạo ra một cơ hội cho hợp tác hay không, và nếu có, thì bằng những cách nào? Ngoài ra, liệu phán quyết có tiếp tục tạo ra các vùng tối về pháp lý mà có thể làm tranh chấp căng thẳng hơn?

 

 

Phiên 4: Kinh tế Chính trị của Biển Đông: Vấn đề và Triển vọng. Phiên 4 tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế và môi trường trọng yếu ở Biển Đông. Một loạt các yếu tố tác động đến nền kinh tế chính trị của Biển Đông, bao gồm sự giảm giá của năng lượng, sự cạn kiệt nguồn cá, và suy thoái môi trường nghiêm trọng do các hoạt động của con người. Những vấn đề này cần được xem xét trong mối liên hệ với kế hoạch phát triển của các nước trong khu vực và chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của các quốc gia, đặc biệt sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Phiên này cũng đánh giá tác động của nhu cầu về cải thiện cơ sở hạ tầng, tiếp cận các nguồn tài nguyên biển, và nghĩa vụ pháp lý về hợp tác bảo vệ môi trường đối với quá trình giải quyết và quản lý các tranh chấp hiện có.

 

Phiên 5: An ninh, Chính trị và Ngoại giao. Do Biển Đông đã trở thành địa bàn trọng điểm cho các cường quốc cạnh tranh quyền lực, việc nghiên cứu chính sách chiến lược của các cường quốc có liên quan và quan hệ giữa họ là đặc biệt quan trọng. Phiên 5 tìm hiểu các nhân tố định hình chiến lược biển của các cường quốc và nhận thức của họ đối với chiến lược của nhau. Mục tiêu của các cường quốc này là gì, để bảo đảm an ninh hay gia tăng sức mạnh? Liệu các nước có nhận thức sai lệch về ý đồ của nhau hay rơi vào tình thế lưỡng nan về mặt an ninh? Trước khả năng căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng ở Biển Đông, cần phải nghiên cứu sâu hơn về cách thức ASEAN đã xử lý các vấn đề biển và tác động trở lại của nền chính trị Biển Đông đến vai trò của ASEAN trong chính trị quốc tế ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương.


 

Với chủ đề Tương tác và Phối hợp trên Biển, Phiên 6 tập trung đánh giá sự tương tác và phối hợp giữa các lực lượng khác nhau hoạt động ở Biển Đông, bao gồm hải quân, không quân và các lực lượng thực thi pháp luật của các quốc gia yêu sách và các quốc gia sử dụng biển. Diễn giả sẽ thảo luận các vấn đề pháp luật và thực tiễn liên quan, cụ thể là Bộ Quy tắc Tham chiến (ROE), cũng như cách thức để tránh xung đột, quản lý các sự cố và thúc đẩy chia sẻ thông tin và hợp tác trong việc đối phó với các mối đe dọa trên biển. Các diễn giả cũng xem xét những ý tưởng và đề xuất về biện pháp thiết thực cho các bên liên quan tránh va chạm và kiểm soát các sự cố có thể xảy ra giữa các tàu và máy bay trên biển.

 

Phiên 7: Cơ chế Quản lý Căng thẳng ở Biển Đông. Hiện nay đã có một số cơ chế tại chỗ để quản lý những căng thẳng trên Biển Đông. Mặc dù phần nào giúp ngăn chặn căng thẳng leo thang thành xung đột, hầu hết các các chế này có chức năng chồng chéo. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn tồn tại những khoảng trống pháp lý, và rằng một số thể chế toàn cầu và khu vực vẫn chưa phát huy hết tác dụng. Đồng thời, chưa có tổng hợp, đánh giá đầy đủ về các thông lệ quốc tế áp dụng đối với vùng biển nửa kín và khả năng áp dụng đối với Biển Đông. Phiên 7 tập trung đánh giá hiện trạng, hiệu lực của các cơ chế an ninh khu vực trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Các học giả không chỉ cố gắng xác định những thách thức và những khoảng trống mà còn thảo luận các phương cách tốt nhất để sử dụng các thể chế khu vực và toàn cầu hiện có cho việc quản lý vùng biển nửa kín này. Đồng thời, các học giả cũng bàn luận về những cách thức, phương tiện mới có tính khả thi hơn để giảm căng thẳng và kiếm soát hiệu ứng lan tỏa sang các lĩnh vực khác.

 

Phiên 8 (Phiên đặc biệt): Thúc đẩy Hợp tác ở Biển Đông. Phiên gồm 2 phần. Phần đầu dành cho các đại diện của Nhóm Lãnh đạo trẻ trình bày quan điểm về cách thức thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông. Từ năm 2015, Hội thảo Biển Đông  thường niên khởi động Chương trình Lãnh đảo trẻ thu hút nhiều học giả trẻ, nghiên cứu sinh Tiến sĩ từ nhiều đất nước đến và thảo luận cách thức để thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông. Chương trình Lãnh đạo trẻ có hai mục tiêu chính: (i) tập hợp quan điểm của các học giả trẻ về cách thức quản lý tranh chấp ở Biển Đông; (ii) thu hút và xây dựng đam mê nghiên cứu của thế hệ học giả mới về tranh chấp tại Biển Đông. Đại diện Nhóm Lãnh đạo trẻ cũng sẽ trình bày thảo luận và quan điểm của nhóm về cách thức quản lý tranh chấp và thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông. Phần thứ hai là thảo luận tự do.

 

 

Nghiên cứu Biển Đông