Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói về “sự giao thoa của hai đại dương, nơi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương được coi như một vùng biển chiến lược” thì điều đó vẫn dựa trên sự hiểu biết về thực tế địa-chính trị hơn là thực tế địa lý. Trong khi còn có những tranh luận về ranh giới chính xác của khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, có sự nhìn nhận chung rằng đây là một khu vực tam giác nối hai đại dương. Khu vực tam giác này được xác định bao gồm Nhật Bản ở phía Bắc, Australia ở phía Đông Nam và Ấn Độ ở phía Tây Nam. Phần lớn khu vực Đông Nam Á nằm giữa tam giác này và trở thành trung tâm cực kỳ quan trọng của khu vực. 

Về mặt lịch sử, đã có kết luận rằng Đông Nam Á nằm giữa hai nền văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Quốc. Nhà sử học Đông Nam Á Reginald LeMay đã mô tả khu vực này như một bức “rèm tre” có thể thay đổi trước ảnh hưởng về văn hóa của Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi hai nền văn minh lớn này ảnh hưởng đến khu vực trước khi bị thực dân xâm chiếm, thậm chí cả ngày nay, thì sự can dự của các thế lực lớn trong khu vực vẫn là vấn đề quan trọng. Các nước trong khu vực đứng trước cả nguy cơ lẫn cơ hội liên kết nhiều hơn với những thế lực này. 

Vị trí trung tâm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã tạo nên cách thức để các nước ASEAN quan hệ với các nước lớn. ASEAN luôn coi sự can dự của các nước lớn như một “thước đo” tầm quan trọng của họ. Tuy nhiên, sự nổi lên của Trung Quốc và phản ứng của riêng từng nước đối với Bắc Kinh làm thay đổi quan điểm này, đặc biệt ở mức độ song phương. Trong bối cảnh này, tình hình căng thẳng tại Biển Đông trở thành vấn đề chính.

Để thực hiện lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN, các thành viên ASEAN cần đoàn kết, gắn kết và tự mình vượt qua thách thức. Trong hai năm qua, đã có những nỗ lực nhằm phục hồi khối đoàn kết ASEAN, đặc biệt sau sự chia rẽ của Khối tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 2012 liên quan đến bất đồng về vấn đề Biển Đông. Sự khác biệt lập trường giữa các nước ASEAN liên quan đến Trung Quốc đe dọa sự đồng thuận, vốn là yếu tố quan trọng đối với ASEAN. 

Thành công về kinh tế của khu vực này vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy vai trò trung tâm của họ trong khu vực. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN khởi xưởng, sẽ đưa Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đứng dưới một “chiếc ô chung” và sẽ tạo nên bước tiến quan trọng trong liên kết kinh tế khu vực. RCEP là yếu tố quan trọng để giữ vai trò trung tâm của ASEAN khi các thành viên Hiệp hội này tìm cách liên kết với nhau và với các đối tác đối thoại trong lĩnh vực kinh tế. 

Cuối cùng, trong khi tự coi mình như một mắt xích kết nối với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thông qua Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)..., ASEAN phải nhìn xa hơn những sáng kiến ban đầu. Trong khi những sáng kiến này tìm cách xây dựng lòng tin, ASEAN vẫn còn thiếu những sáng kiến về “ngoại giao phòng ngừa” và giải pháp khi mâu thuẫn nảy sinh. Vị trí trung tâm của ASEAN có thể được củng cố hơn nếu khối có thể giải quyết và tăng cường những khía cạnh hợp tác này. 

Tác giả Shankari Sundararaman là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thuộc trường Đại học Tổng hợp Jawaharlal Nehru ở New Delhi. Bài viết đăng trên “IPCS” (ngày 20/10)

Vũ Hiền (gt)