Kể từ khi Trung Quốc trở nên gây hấn hơn tại Thái Bình Dương, Ấn Độ - nước vốn có bất đồng lãnh thổ riêng với Trung Quốc tại khu vực Himalayas - đã bắt đầu coi trọng vấn đề tự do hàng hải. Phần lớn hoạt động thương mại đang ngày càng tăng của Ấn Độ với khu vực Đông Á đều qua Biển Đông.

Trong Tuyên bố chung với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Modi đã tái khẳng định điều này, đồng thời khẳng định lại lập trường của Ấn Độ rằng các tranh chấp biển tại Biển Đông phải được giải quyết theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Khẳng định này được đề cập nhiều lần trong tuyên bố chung của Ấn Độ với các đối tác của mình tại Đông Á. Tuy nhiên, điểm mới là Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi đã khẳng định mạnh mẽ lập trường của mình trong Tuyên bố chung với Mỹ. Một trong những di sản của chính sách ngoại giao không liên kết của Ấn Độ là sự miễn cưỡng đề cập tới lợi ích chiến lược chung với Mỹ trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Thủ tướng Modi đang thay đổi tất cả những gì vốn có bằng cách thể hiện lập trường thực dụng và công khai. 

Do hoạt động giao thương, nhất là việc nhập khẩu dầu mỏ phụ thuộc nhiều vào đường biển, Ấn Độ và Mỹ có các lợi ích tương đồng. Điều này thể hiện ở sự hợp tác hải quân mạnh mẽ giữa Mỹ và Ấn Độ kể từ khi New Delhi bắt đầu tiến trình toàn cầu hóa kinh tế trong những năm 90 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, sự hợp tác này dưới thời Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) cầm quyền còn chưa phát huy hết tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Trái lại, Thủ tướng Modi sẵn sàng thăm dò tất cả khả năng này. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama nhất trí tăng cường hợp tác an ninh hàng hải và “nâng cấp” các cuộc tập trận hải quân song phương “Malabar”. Các cuộc tập trận này bắt đầu từ những năm 1990 dưới thời của Chính phủ Quốc đại do Thủ tướng P.V. Narasimha Rao đứng đầu và được Bộ trưởng Quốc phòng Pranab Mukherjee, thời Chính phủ Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) từ năm 2004-2009, thúc đẩy. Tuy nhiên, khi ông A.K. Antony nắm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng năm 2006 thì thái độ của New Delhi về hợp tác an ninh hàng hải với Mỹ trở nên "mập mờ". Bộ trưởng Antony dường như đánh giá thấp về nhu cầu hàng hải của Ấn Độ và có vẻ miễn cưỡng trong việc tăng cường quan hệ với Mỹ. Trong 7 năm ông Antony giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, không chỉ riêng với Mỹ, chính sách ngoại giao hải quân của Ấn Độ với thế giới cũng có nhiều bước thụt lùi. Thủ tướng Modi có thể làm cho Bộ Quốc phòng trở nên nhiệt tình hơn trong việc theo đuổi lợi ích trên biển của Ấn Độ. 

Tuyên bố chung Ấn-Mỹ đề cập tới việc nâng cấp các cuộc tập trận “Malabar”, điều này có nghĩa là New Delhi và Washington sẵn sàng nâng chất lượng của các cuộc tập trận, đồng thời mời các bên thứ ba như Nhật Bản, Úc, Singapore cùng tham gia. Tuyên bố chung cũng đề cập tới việc tăng cường hợp tác công nghệ phục vụ hải quân giữa hai nước. Theo đồn đoán, Mỹ có thể đã sẵn sàng cung cấp một số công nghệ quan trọng cho Ấn Độ chế tạo tàu sân bay tiếp theo. 

Chính sách ngoại giao của Thủ tướng Modi không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hải quân. Phát triển cơ sở hạ tầng xuyên biên giới là một ưu tiên lớn đối với chính phủ của ông. Tuyên bố chung Ấn-Mỹ vừa qua đã nói đến hợp tác trong việc liên kết khu vực Nam Á với các thị trường Đông Á thông qua một “hành lang kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Đề nghị này tương tự như kế hoạch của Trung Quốc xây dựng “con đường tơ lụa” nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đối với Ấn Độ, nước vốn có vẻ lo ngại trước các kế hoạch của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, “hành lang kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” có thể là bước đầu tiên hướng tới việc xây dựng “con đường tơ lụa trên biển” riêng của mình. 

Tiến sỹ Raja Mohan là nhà nghiên cứu đặc biệt tại Quỹ Observer Research Foundation, Delhi và là đồng biên tập tờ The Indian Express. Bài viết được đăng trên The Indian Express.

Văn Cường (gt)