Một tàu ngầm hạt nhân của PLAN tham gia hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập PLAN tại Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 23/4/2009. (Ảnh Reuters)

 

Việc Trung Quốc triển khai tàu ngầm hạt nhân - có thể là tàu ngầm 093 lớp Thương - như một phần của đội tuần tra hai tàu nhằm chống cướp biển và một tàu hậu cần đang hoạt động ngoài Vịnh Aden đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với lực lượng Hải quân Ấn Độ. Tác động của một động thái mang ý nghĩa chiến lược như vậy thường là rất lớn khi các nhà phân tích thử giải mã lý do thực sự đằng sau việc triển khai hoạt động như vậy trong khu vực. 

Tàu ngầm không thích hợp để đối phó với hải tặc hay cướp biển. Những tên cướp biển Somali được biết đến khi sử dụng các tàu nhỏ riêng lẻ hoặc sử dụng nhiều thuyền nhỏ được thả ra từ một tàu lớn gần đó để tấn công. Điều này khiến cho phạm vi hoạt động của cướp biển rất rộng. Kiểu tấn công này sẽ rất khó để tàu ngầm vốn có tốc độ di chuyển chậm có thể truy đuổi và tấn công bằng ngư lôi từ dưới nước. Điều đó chứng tỏ tàu ngầm sẽ vô dụng trong các hoạt động chống cướp biển. Ngoài ra, trong một khu vực mà phạm vi hoạt động của cướp biển là không đáng kể, lực lượng hải quân một số nước đang thu hẹp quy mô hiện diện thì Trung Quốc lại tăng cường sức mạnh tuần tra. 

Trung Quốc đã triển khai hoạt động chống cướp biển một cách độc lập, chủ yếu ở khu vực Vịnh Aden từ năm 2008 như một phần của các hoạt động quân sự khác ngoài chiến tranh (MOOTW) và với vỏ bọc bề ngoài là vì lợi ích chung. Kể từ khi các cuộc tuần tra như vậy đòi hỏi phải có sự phối hợp, Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ hơn với lực lượng Hải quân Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cho dù họ vẫn tiến hành các hoạt động độc lập. 

Tuy nhiên, việc triển khai các tàu ngầm hạt nhân từ ngày 13/12/2014 đến ngày 14/2/2015 với các đội tàu nhỏ thuộc binh chủng 18 từ Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc (PLAN) là đáng chú ý và đặt ra những nghi ngờ về mục đích thực sự của Trung Quốc. Hải quân Ấn Độ cho rằng Trung Quốc có thể đã tiến hành nghiên cứu thủy văn ở bờ biển phía Tây Ấn Độ khi mà một tàu có khả năng nghiên cứu độ sâu (lập bản đồ độ sâu đáy biển) đã tham gia hoạt động cùng lực lượng đặc nhiệm của PLAN. Tuy nhiên, Hải quân Ấn Độ cũng thừa nhận đã không phát hiện được các tàu Trung Quốc ở vùng biển Ấn Độ. Do đó, các lý do của việc Trung Quốc triển khai tàu ngầm tại khu vực đã được các nhà phân tích làm rõ: 

Thứ nhất, Trung Quốc triển khai các tàu dưới vỏ bọc của các cuộc tuần tra chống hải tặc nhằm tăng cường sự hiện diện và hoạt động tại các vùng biển xa và ở khu vực "sân sau" quan trọng chiến lược của Ấn Độ. Ngoài ra, việc Trung Quốc có thể hợp tác hải quân với Nhật Bản và Ấn Độ cũng cho phép Bắc Kinh đánh giá được thực lực của lực lượng hải quân các nước này. 

Thứ hai, việc triển khai các tàu ngầm cũng đã gửi một thông điệp chiến lược, đặc biệt là đối với các cơ quan an ninh Ấn Độ khi đang tranh luận về ý nghĩa chiến lược của Hải quân Trung Quốc đột nhập Khu vực Ấn Độ Dương (IOR). Rõ ràng, PLAN có khả năng tác chiến và vươn tới các vùng "nước xanh", hoạt động ở tầm xa hàng nghìn dặm từ căn cứ của họ. 

Thứ ba, các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc như tàu ngầm lớp Hạ trước đó đã bị hạn chế về khả năng hoạt động, thậm chí trong một thời gian ngắn ở các vùng biển gần. Các tàu ngầm lớp mới như Thương và Tấn đã có công nghệ cao hơn và việc triển khai lần này đã chứng minh điều đó. Do đó, Trung Quốc đã tái khẳng định sức mạnh của họ trong việc tạo ra các nền tảng công nghệ cao, cùng với khả năng phô diễn sức mạnh và quản lý các vùng "nước xanh" ở các vùng biển xa. 

Thứ tư, hoạt động thường xuyên ở khu vực Ấn Độ Dương sẽ cho phép Trung Quốc nắm được các điều kiện thủy văn trong khu vực, tạo thuận lợi cho việc tăng cường triển khai các hoạt động trên biển. 

Thứ năm, trong khi lực lượng hải quân các nước trong khu vực đang giảm sự hiện diện trong các cuộc tuần tra chống cướp biển vì gánh nặng tài chính và sự sụt giảm mạnh về số lượng các vụ tấn công của cướp biển trong khu vực, Trung Quốc đã không chỉ duy trì sức mạnh của mình mà còn tăng sự hiện diện vào cùng một thời điểm. Điều này có thể tạo cho các tàu thuyền, tàu ngầm và phi hành đoàn một "cảm giác được duy trì liên tục" ở khu vực và chuẩn bị tư thế sẵn sàng triển khai hoạt động thường xuyên tại khu vực này trong tương lai gần. 

Do đó, không phải không có cơ sở khi cho rằng Vịnh Bengal và Biển Arập có thể trở thành căn cứ hoạt động thường xuyên của các tàu ngầm Trung Quốc, theo đó chúng có thể nằm chờ tại các nút thắt hoặc các cảng bên ngoài Ấn Độ để hoạt động chống lại các hạm đội Hải quân Ấn Độ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Rõ ràng, Ấn Độ có một người hàng xóm hàng hải mới có khả năng hoạt động gần bờ biển Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương, nhưng Ấn Độ đang phớt lờ mối đe dọa tiềm ẩn này.

Tiến sĩ PK Ghosh, cựu đồng chủ tịch Nhóm nghiên cứu quốc tế CSCAP về tăng cường hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương và hiện là nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu các Nhà quan sát Ấn Độ (ORF). Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Văn Cường (gt)