Hỏi: Tại sao Trung Quốc không trỗi dậy hòa bình? 

Trả lời: Các nước có sức mạnh thực sự thường muốn thống trị khu vực để loại bỏ các mối đe dọa ở sân sau. Vì vậy, nếu Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn, quốc gia này sẽ thống trị châu Á giống như vị trí của Mỹ ở Tây Bán cầu. Trung Quốc sẽ cố gắng đẩy nước Mỹ càng xa khu vực châu Á - Thái Bình Dương càng tốt cũng như thống trị các nước láng giềng. Điều này không có nghĩa Trung Quốc sẽ chinh phục tất cả các nước trong khu vực nhưng sẽ ở vào vị trí “người đứng đầu”. Trong khi đó, Mỹ và các nước láng giềng Trung Quốc - những nước không muốn Trung Quốc trở thành quốc gia bá quyền khu vực, sẽ đi đến hợp tác để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Xung đột lợi ích sẽ dẫn đến cạnh tranh an ninh căng thẳng bao gồm khả năng xảy ra chiến tranh.

Có hai lý do để bi quan. Thứ nhất, Trung Quốc rõ ràng là một cường quốc xét lại, muốn lấy lại Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư, thống trị Biển Đông cũng như đang tranh chấp biên giới với Ấn Độ và Bhutan. Trung Quốc có động cơ mạnh mẽ khi sử dụng sức mạnh quân sự để thay đổi hiện trạng theo cách họ muốn. Thứ hai, liên quan đến chủ nghĩa dân tộc, người Trung Quốc có ý nghĩ sâu sắc rằng họ từng là nạn nhân của các cường quốc trong quá khứ, trong đó đặc biệt có Nhật Bản và Mỹ. Chủ nghĩa dân tộc ảnh hưởng rất lớn tới người Trung Quốc. Vì vậy, nếu có một cuộc khủng hoảng xảy ra trên đường phố, chủ nghĩa dân tộc sẽ “thêm dầu vào lửa” và thổi bùng xung đột. 

Hỏi: Trung Quốc có cách tiếp cận ra sao trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng liên quan đến Đài Loan, quần đảo Điếu Ngư, Biển Đông, biên giới với Ấn Độ và Bhutan? 

Trả lời: Trong thập kỷ qua, các cuộc khủng hoảng liên quan đến Trung Quốc đều được bắt đầu với một trong số các nước láng giềng. Trung Quốc đã phản ứng thái quá trong các trường hợp để khiêu khích, nhưng các hành động khiêu khích ban đầu lại đến từ nước láng giềng. Đó là do các nước láng giềng có động cơ gây ra rắc rối và cố gắng giải quyết vấn đề ngay mà không đợi tới 20-30 năm sau, khi Trung Quốc chắc chắn mạnh hơn rất nhiều và có vị trí tốt hơn để tuyên bố các điều khoản của một thỏa thuận cuối cùng. Theo quan điểm của Trung Quốc, chiến lược thông minh là chờ đợi. Do vậy, quốc gia này đã không phản ứng quá mức đối với các cuộc khủng hoảng trong 10 năm qua. Trung Quốc cho rằng tốt hơn cả là lên giọng hùng biện, tỏ ra ít hiếu chiến và chờ tới khi có đủ sức mạnh để ra lệnh các điều khoản của thỏa thuận. 

Hỏi: Tại sao trong cuốn “Bi kịch của các cường quốc”, ông cho rằng nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc sẽ lớn hơn so với Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh? 

Trả lời: Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến giữa Mỹ và Liên Xô khó xảy ra vì trung tâm xung đột nằm ở giữa châu Âu mà phương Tây gọi là Mặt trận trung ương. Liên Xô và các đồng minh tuy có số lượng lớn các sư đoàn thiết giáp, sư đoàn cơ giới và vũ khí hạt nhân nhưng Mỹ và các đồng minh cũng có kho vũ khí hạt nhân. Nếu xung đột xảy ra ở châu Âu, đó sẽ là chiến tranh thế giới thứ 3 với vũ khí hạt nhân. Không ai muốn điều đó, chiến tranh càng thảm khốc, người ta càng không muốn nó xảy ra. Tình hình hiện nay ở châu Á lại khác do không có mặt trận trung tâm ở châu Á. Tình huống xung đột có thể xảy ra ở Đài Loan, hoặc trên Biển Đông. Đây sẽ là cuộc chiến tranh nhỏ, không phải chiến tranh thế giới thứ ba với vũ khí hạt nhân. Đó là lý do nhiều khả năng chiến tranh sẽ xảy ra. 

Hỏi: Trung Quốc đang nổi lên sẽ có những bước đi như thế nào? 

Trả lời: Trước hết, một cường quốc thường cố gắng thiết lập quyền bá chủ trong khu vực; sau đó, bắt đầu vươn ra trường quốc tế và hành động như một siêu cường. Siêu cường là nước có khả năng xây dựng sức mạnh quân sự tại khu vực khác, như Mỹ ngày nay. Trung Quốc hiện nay là quốc gia mạnh nhưng có rất ít khả năng triển khai sức mạnh ra bên ngoài châu Á. Vì vậy, trước hết, Trung Quốc đang cố gắng thiết lập bá chủ khu vực châu Á - đạt vị trí có sức mạnh hơn nhiều so với tất cả các nước khác trong khu vực và đẩy Mỹ ra khỏi châu Á một cách hiệu quả. Một khi hoàn tất điều này, Trung Quốc sẽ bắt đầu nghĩ đến việc triển khai sức mạnh trên toàn cầu. 

Hỏi: Trong cuốn sách trên, ông đề cập đến vịnh Persian và Tây bán cầu sẽ là hai khu vực có giá trị chiến lược đặc biệt đối với Bắc Kinh, tại sao? 

Trả lời: Liên quan đến Tây bán cầu, Trung Quốc có quyền lợi trong việc đảm bảo Mỹ phải tập trung vào sân sau (của Mỹ). Hầu hết người Mỹ không bao giờ suy nghĩ về lý do tại sao Mỹ được tự do đi khắp nơi trên thế giới, “nhúng mũi” vào công việc của người khác. Đó là vì Mỹ không phải đối mặt với mối đe dọa an ninh nào ở Tây bán cầu. Canada , Mexico , Guatemala , Brazil … không phải là mối đe dọa đối với Mỹ. Do vậy, Mỹ tự do “dạo chơi” ở các khu vực khác trên thế giới. Nếu Trung Quốc muốn chấm dứt điều này, họ có quyền lợi trong việc gây rắc rối ở Tây bán cầu, buộc Mỹ phải tập trung vào sân nhà và ít có khả năng chú ý đến châu Á. Cùng cách lập luận này, chắc chắn châu Á có các nước có thể thu hút sự chú ý và buộc phải quan tâm khiến Bắc Kinh không còn tự “đe dọa” Tây bán cầu. Vịnh Persian quan trọng đối với Trung Quốc vì là nơi cung cấp lượng dầu lửa lớn và ngày càng tăng. Trung Quốc sẽ xem vịnh Persian như một khu vực chiến lược ngày càng quan trọng. Tất nhiên, Mỹ không thích ý tưởng Trung Quốc có ảnh hưởng ở vịnh Persian giống như Liên Xô trước đây. Đó là lý do sẽ có một cuộc cạnh tranh an ninh nghiêm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vịnh Persian. 

Hỏi: Có phải trong trường hợp Iran , Trung Quốc đã có được nhiều dầu lửa bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ? 

Trả lời: Đúng vậy. Sự cạnh tranh Trung - Mỹ liên quan đến Iran đã bắt đầu. Cho tới gần đây, chính sách trừng phạt của Mỹ đã đẩy Iran vào “vòng tay” của Trung Quốc. Nếu Mỹ tiếp tục cứng rắn, Iran sẽ cố gắng tìm đồng minh như Trung Quốc, nước cũng đang tìm kiếm đồng minh ở vịnh Persian. Cuộc “hôn nhân” về mặt lợi ích giữa Tehran và Bắc Kinh sẽ không có lợi cho Mỹ. Đó là lý do để Mỹ cải thiện quan hệ với Iran . 

Hỏi: Năm 2012 Mỹ đã chuyển một phần trọng tâm chiến lược sang hướng Đông thông qua chính sách “xoay trục sang châu Á”. Theo ông, đó có phải là cách tiếp cận tốt? 

Trả lời: Trước hết, tôi cho rằng lý do chính khiến Washington “xoay trục sang châu Á” không phải vì Trung Quốc mà vì các đồng minh của Mỹ ở châu Á đã nghĩ rằng Mỹ là đối tác không đáng tin cậy. Điều này đặc biệt đúng đối với Nhật Bản và Hàn Quốc. Cả hai đều rất lo ngại về sự nổi lên của Trung Quốc và Triều Tiên. Bình Nhưỡng và Bắc Kinh có vũ khí hạt nhân nhưng Hàn Quốc và Nhật Bản thì không. Họ phụ thuộc vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ. Người dân ở Seoul và Tokyo theo dõi chặt chẽ về cách cư xử của Mỹ trên trường quốc tế và mức độ quan trọng của châu Á trong đánh giá của các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Có thể hiểu người Hàn Quốc và Nhật Bản không tự tin vào Mỹ khi quan sát cách ứng phó của Mỹ kể từ sự kiện ngày 11/9/2001. Mỹ bị Trung Đông ám ảnh và đã hành xử theo cách “thiếu thông minh”. Tuy nhiên, với chiến lược “xoay trục sang châu Á”, Mỹ đã gửi tín hiệu rõ ràng tới các đồng minh rằng cho dù những gì đã xảy ra ở Trung Đông, Mỹ sẽ có mặt ở châu Á vì họ.

Hỏi: Vậy Trung Quốc nên được xem là đối tác hay đối thủ? 

Trả lời: Mỹ cần phải bắt đầu xây dựng một chiến lược ngăn chặn và đây là những gì họ đang làm. Bên cạnh đó, độc lập với Mỹ, các nước láng giềng Trung Quốc đang bắt đầu hợp tác với nhau theo cách chưa từng làm trong quá khứ. Ví dụ, trong vòng 5 năm qua, hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Nhật Bản đã có tiến triển. Thế giới đã có thể chứng kiến những động thái liên minh cân bằng đang diễn ra. Mỹ buộc phải bắt đầu cân bằng vào lúc này trong khi rất thận trọng để không gây ra một cuộc chiến tranh. Cho đến nay, Chính quyền Tổng thống Obama đã làm điều này rất tốt, phản ứng ở mức vừa phải. Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đạt được sức mạnh quân sự mà có thể gây ra rắc rối đáng kể ở châu Á. Do đó, Mỹ không phải có quá nhiều hành động quân sự tại thời điểm này. Tuy nhiên, các tài sản quân sự sẽ được chuyển sang châu Á từ từ, đều đặn và Mỹ sẽ phải làm việc với các đồng minh để cùng nhau thành lập một liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Theo Canadian International Council

Trần Quang (gt)