Sự lưỡng lự của Seoul trong việc đồng ý cho Mỹ lắp đặt hệ thống này đã dẫn tới cuộc tranh luận tại Hàn Quốc và tiếp đến là việc lên tiếng phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc đối với kế hoạch này. Bắc Kinh công khai "nhắc" Seoul rằng, Trung Quốc chứ không phải Mỹ, là đối tác thương mại chính của Hàn Quốc và rằng việc cho phép lắp đặt một hệ thống như vậy có thể khiến Seoul phải trả giá cả về kinh tế và chính trị. Đáp lại, Hàn Quốc tuyên bố rằng quyết định có triển khai THAAD hay không sẽ dựa trên lợi ích quốc gia của chính họ chứ không phải do sức ép từ Trung Quốc.

Theo "Stratfor", việc công khai phản đối mạnh mẽ THAAD là "sự thổi phồng" vì hệ thống này chỉ có tác dụng chống các tên lửa tấn công Hàn Quốc. Tuy vậy, Bắc Kinh có mối quan ngại lớn hơn khi cho rằng việc triển khai một hệ thống như vậy được xem là bước khởi đầu cho việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tiếp theo trên lục địa châu Á, làm suy yếu khả năng răn đe bằng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực. Trung Quốc vẫn công khai tuyên bố một chính sách ngoại giao không can thiệp và những bình luận của Bắc Kinh trên đây đã dẫn tới phản ứng tiêu cực từ Seoul.

Bắc Kinh vốn đã và đang sử dụng tầm ảnh hưởng kinh tế của mình để "nhắc nhở" các quốc gia láng giềng phải duy trì mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc, tránh các hành động như hợp tác trong cơ chế quốc phòng với Mỹ. Trung Quốc thậm chí đã tìm cách lợi dụng sự chia rẽ chính trị nội bộ của Hàn Quốc để khuấy động một cuộc tranh cãi ở Seoul về mối quan hệ quốc phòng với Washington. Bắc Kinh cũng lợi dụng sự thiếu lòng tin bấy lâu nay giữa Hàn Quốc với Nhật Bản để ngăn chặn sự hợp tác tay ba Mỹ-Nhật-Hàn. 
Điểm đáng chú ý là những sức ép trước đây của Trung Quốc đối với Hàn Quốc đều được thực hiện kín đáo hơn so với việc công khai phản ứng mạnh trong vụ bố trí hệ thống THAAD này. Xét bản chất của những bình luận này cũng như phản ứng sau đó, lập trường công khai của Bắc Kinh có thể phản ánh mối quan ngại sâu sắc hơn. Bề ngoài, Trung Quốc lập luận rằng việc bố trí THAAD và hệ thống radar kèm theo là vi phạm lợi ích của Trung Quốc vì tầm bao quát của nó vượt qua cả Triều Tiên. Thực tế cho thấy nhận định này là không chính xác. THAAD được thiết kế cho việc phòng thủ cuối cùng, tức là chỉ có tác dụng chống tên lửa đạn đạo đang hướng tới mục tiêu. Về mặt kỹ thuật, THAAD chỉ có thể được sử dụng để chống lại Trung Quốc nếu nước này bắn tên lửa vào Hàn Quốc hoặc bất kỳ nơi nào khác mà THAAD được triển khai. 

Tuy nhiên, vấn đề đối với Trung Quốc không phải vì hệ thống THAAD mà vì mối lo ngại lớn hơn đến việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là trên lục địa châu Á. Dù trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, cộng đồng quốc tế ít quan tâm đến cân bằng sức mạnh vũ khí hạt nhân. Nhưng thực tế lại cho thấy an ninh chiến lược vẫn là yếu tố quan trọng của an ninh quốc gia. Khi Trung Quốc đang phải đối mặt với 3 đối thủ có vũ khí hạt nhân lớn là Nga, Ấn Độ và Mỹ thì việc duy trì một lực lượng sử dụng vũ khí hạt nhân mạnh là đặc biệt cần thiết. Trung Quốc là cường quốc hạt nhân nhưng sở hữu các phương tiện triển khai vũ khí hạt nhân tương đối yếu so với các cường quốc khác, chủ yếu là dựa trên việc triển khai đầu đạn hạt nhân bằng phương tiện trên mặt đất và trên các hạm đồi tàu ngầm

Bên cạnh đó, việc duy trì sự răn đe bằng vũ khí hạt nhân mạnh có thể tác động đến những tính toán can thiệp quân sự của Mỹ khi khủng hoảng quân sự xảy ra ở châu Á. Phòng thủ tên lửa đạn đạo là nguồn gốc căng thẳng căn bản giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Mỹ và Liên Xô sợ rằng nếu một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hữu hiệu được phát triển, lực lượng hạt nhân của đối phương sẽ bị vô hiệu hóa. Bắc Kinh đang củng cố vị thế ở Thái Bình Dương của mình, đặc biệt ở các vùng biển Đông và Nam Trung Quốc, nhằm tăng "cái giá phải trả" nếu Mỹ can thiệp. 

Nếu Trung Quốc có khả năng làm cho đối thủ thấy được chi phí cho sự can thiệp cao hơn lợi ích thu được, thì nước này không cần phải tham gia các hoạt động quân sự để có được những nhượng bộ chính trị trong khu vực. Một động thái của Mỹ nhằm chống lại hoặc làm suy yếu khả năng hạt nhân của Trung Quốc thông qua các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo là cách để Mỹ mở rộng các lựa chọn quân sự của mình đối với Trung Quốc.

Trong suốt thời gian Chiến tranh lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đã tránh xung đột vũ trang trực tiếp. Ấn độ và Pakistan tuy đã có những va chạm tại biên giới hai nước nhưng cũng không dẫn đến xung đột lớn. Mỹ cũng đã hết sức lưỡng lự can dự vào các hành động quân sự tại Afghanistan và một số nơi ở Trung Đông, nhưng họ đã tránh can dự vào Bắc Triều Tiên. Mỹ cũng không trực tiếp can thiệp vào các xung đột ở Georgia hay Ukraine nhằm chống lại Nga hay các lực lượng được hỗ trợ bởi Nga. Ở mức cơ bản nhất thì mô hình Chiến tranh lạnh vẫn được duy trì. Khái niệm này cho thấy việc sở hữu sức mạnh hạt nhân buộc các đối thủ phải tính toán lại mức độ rủi ro khi can dự trực tiếp, ngay cả thời điểm hậu chiến tranh lạnh, do đó sức mạnh hạt nhân sẽ vẫn là một nhân tố quan trọng trong tính toán chiến lược

Việc Trung Quốc công khai phản đối triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc tức là không ủng hộ chiến lược mở rộng khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ nhằm vào Bắc Kinh. Động thái này của Mỹ cũng dẫn tới suy đoán về khả năng nổ ra cuộc xung đột thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai nhưng thời gian và địa điểm do Washington lựa chọn chứ không phải Trung Quốc.

Theo mạng tin Stratfor

Thùy Anh (gt)