Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 14/3 đã kết thúc chuyến công du 5 ngày tới ba nước Seychelles, Mauritius và Sri Lanka. Chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới ba nước thuộc Ấn Độ Dương đã thể hiện tầm quan trọng của khu vực này đối với an ninh Ấn Độ, đồng thời nhằm ngăn chặn sự bao vây của các thế lực thù địch đối với nước này. Nếu Trung Quốc chiếm được ưu thế tại khu vực Ấn Độ Dương thì Ấn Độ sẽ phải từ bỏ tham vọng trở thành nước lớn trong khu vực này và Ấn Độ sẽ chỉ được coi như một thế lực ở tiểu khu vực, không thể vượt ra khỏi khu vực Nam Á, với thách thức Pakistan ở phía Tây và Trung Quốc ở phía Bắc và phía Nam.

Ấn Độ có những lợi thế khi nằm ở một vị trí chiến lược giáp Ấn Độ Dương - con đường vận chuyển năng lượng và hàng hóa hàng đầu của thế giới. Ấn Độ chiếm vị trí trên những tuyến giao thông đường biển (SLOC) quan trọng, gồm cả “con đường Tơ lụa trên biển” đang nổi lên của Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ gặp bế tắc trong tranh chấp biên giới trên bộ với Trung Quốc, trong khi vẫn chưa khai thác được lợi thế về biển. Chính sách ngoại giao của Ấn Độ đã không chú trọng tới khu vực Ấn Độ Dương trong 25 năm qua, kể từ năm 1989, khi nước này do các chính phủ liên minh điều hành. Chuyến thăm vừa rồi của ông Modi là chuyến thăm đầu tiên của một vị Thủ tướng Ấn Độ tới Seychelles trong 34 năm và tới Sri Lanka trong 28 năm.

Sự thờ ơ kéo dài của Ấn Độ đối với các nước Ấn Độ Dương đã tạo lợi thế chiến lược cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã lặng lẽ triển khai các dự án hàng tỷ USD, cùng với những vòng cung thương mại lớn tại khu vực Ấn Độ Dương, tạo thêm sức mạnh cho Trung Quốc đẩy mạnh hành động quyết đoán để chi phối khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.

Ấn Độ Dương có tiềm năng định hình môi trường địa chính trị và cán cân lực lượng tại châu Á và xa hơn nữa. Tuy nhiên, Ấn Độ tự nhận thấy bị chậm chân tại sân sau chiến lược của mình. Trung Quốc đã “cần mẫn” theo đuổi chiến lược xây dựng “chuỗi ngọc trai” khắp Ấn Độ Dương để giành mục tiêu chiến lược và tiếp cận bằng hải quân. Bằng cách điều chỉnh chiến lược “chuỗi ngọc trai” thành dự án “con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, Trung Quốc đã tìm cách che giấu những ý định thực sự của mình. “Con đường tơ lụa” cũng như “chuỗi ngọc trai” được thiết kế để vẽ lại bản đồ địa chính trị của châu Á.

Trung Quốc từ lâu đã sử dụng viện trợ, đầu tư và những đòn bẩy khác, kể cả xây dựng hải cảng, đường bộ, đường sắt, để đẩy các nước ven Ấn Độ Dương xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Chiến lược này sẽ trói buộc các nước với kinh tế, an ninh của Trung Quốc và thuyết phục họ chấp nhận Trung Quốc như một thế lực tốt của châu Á. Tuy nhiên, Trung Quốc đã “pha trộn” lợi ích kinh tế và quân sự của mình tại khu vực Ấn Độ Dương, thể hiện qua vụ hai tàu ngầm của nước này đã cập cảng Colombo hồi mùa Thu năm ngoái. Ý đồ của Trung Quốc là thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực tại Ấn Độ Dương.

Trong bối cảnh thách thức đang nổi lên tại vùng biển “sân sau” của Ấn Độ, Thủ tướng Modi phải xây dựng một chiến lược đáng tin cậy để đối phó. Cuộc “tấn công quyến rũ” của ông Modi vào ba nước khu vực này vừa qua, với những cam kết mới về hợp tác kinh tế, quốc phòng, chỉ mới là sự khởi đầu.

Để ngăn chặn sự bao vây quân sự của Trung Quốc, Ấn Độ cần đẩy mạnh hiện đại hóa hải quân; phải tăng cường sức mạnh của hải quân để ngăn chặn các SLOC của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương và kiềm chế kinh tế Trung Quốc nếu tái xảy ra một cuộc chiến tranh Trung-Ấn. Việc cản trở tàu chở dầu trong thời chiến sẽ là một cú đấm mạnh đối với kinh tế Trung Quốc, mặc dù có thể điều này không thay đổi được kết quả cuộc chiến.

Việc tăng cường khả năng kiểm soát SLOC sẽ cho phép hải quân Ấn Độ chiếm ưu thế trên các tuyến hàng hải chính và góp phần thay đổi cách hành xử của quân đội Trung Quốc dọc biên giới trên bộ. Tranh giành ảnh hưởng lớn tại Ấn Độ Dương là vấn đề then chốt quyết định thành bại trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm tạo một châu Á với Trung Quốc nằm ở trung tâm. Đây là cuộc cạnh tranh mà Ấn Độ không thể để thất bại.

Theo “Hindustan Times” (ngày 12/3)

Vũ Hiền (gt)