Sau chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Trung Quốc vào tháng 11/2014, giới truyền thông đã dồn hầu hết sự quan tâm của mình về các thảo luận liên quan đến khí hậu mà quên đi những sáng kiến khác. Một trong số đó, ít được nhắc đến hơn nhưng sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai, là việc hai nước đã chính thức thông qua một loạt các quy tắc trên biển được quốc tế công nhận, được gọi là “các hành vi ứng xử an toàn đối với các vụ va chạm trên biển và trên không” (behavior for safety of air and maritime encounters). Những nguyên tắc này nhắc lại các thoả thuận mà Mỹ và Hải quân Trung Quốc đã cam kết thực hiện trước đó, và giúp ngăn ngừa gia tăng căng thẳng ngoài ý muốn với Trung Quốc ở vùng biển quốc tế bằng cách thực hiện các hoạt động chung trong tương lai, đặc biệt là trong nỗ lực chống cướp biển ở Biển Đông.

Mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc dường như đều đã ngầm hiểu rằng việc để xảy ra chiến tranh giữa hai nước sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho cả hai bên, vùng biển vốn thường được xem như một quả bom nổ chậm và những tính toán sai lầm trên biển sẽ mang đến những hậu quả chiến lược sâu rộng. Việc hiểu sai ý định của đối phương hay một hành động hung hăng quá mức của một viên chỉ huy đơn vị có thể cản trở các hợp tác mà cả hai quốc gia đang hướng tới và có thể dẫn đến một sự leo thang căng thẳng mà cả hai bên đều không mong đợi. Thay vì tiếp tục thực hiện các biện pháp với mục đích thử và thăm dò Hải quân Trung Quốc, đã đến lúc hai bên cần phối hợp hành động với nhau.

Tại sao chúng ta cần đến các quy tắc trên biển?

Với các tham vọng ở khu vực ngày càng tăng dần theo sức mạnh kinh tế, việc Hải quân Trung Quốc tìm cách phát triển nguồn lực và tăng cường ảnh hưởng là điều khá tự nhiên. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một khả năng là Trung Quốc có thể lạm dụng những nguồn lực hải quân của mình để chống lại các nước láng giềng và Mỹ. Là một cường quốc đang trỗi dậy, việc Trung Quốc thể hiện sức mạnh hải quân và mở rộng ảnh hưởng có thể dẫn tới những đối đầu ngày càng nguy hiểm. Một số ví dụ tiêu biểu cho các chạm trán nguy hiểm trên biển giữa hai nước trong vòng 15 năm trở lại đây bao gồm: 

-   Tháng 4/2011: Máy bay chiến đấu Trung Quốc can thiệp và va chạm với máy bay EP-3 của hải quân Mỹ.

-   Tháng 3/2009: Một tàu cá Trung Quốc tiến sát tàu do thám USNS Impeccable của hải quân Mỹ (khoảng cách 25 feet).

-   Tháng 11/2013: Một tàu Trung Quốc lao vào tàu của hải quân Mỹ buộc tàu này phải đổi hướng để tránh va chạm.

-   Tháng 3/2014: Phóng viên đài BBC chứng kiến hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc cố gắng ngăn cản việc tiếp tế của Philippines tại một bãi cạn tranh chấp.

-   Tháng 8/2014: Một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã thực hiện nhiều cú vượt nguy hiểm ở cự ly gần (khoảng cách 100 feet) với máy bay do thám P-8 của Hải quân Mỹ, ở vị trí khoảng 100 dặm ngoài khơi bờ biển Trung Quốc.

Mở rộng hoạt động trên biển với Trung Quốc

Hải quân Mỹ đã hợp tác với Trung Quốc để ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra trước hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Bắc Kinh. Hải quân Mỹ xây dựng và thuyết phục Trung Quốc tham gia vào “Bộ Quy tắc ứng xử đối với những vụ đụng độ bất ngờ trên biển” (CUES) được quốc tế công nhận. Được ký vào tháng 4/2014 tại Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương lần thứ 14 được tổ chức tại Thanh Đảo, Trung Quốc, CUES cho phép lực lượng hải quân liên lạc để trao đổi kế hoạch và mục đích với nhau tốt hơn. Nó cũng đưa ra một bộ nguyên tắc chung nhằm ngăn chặn việc gia tăng căng thẳng đối với việc va chạm tàu chiến ở vùng biển quốc tế. Các nguyên tắc được thống nhất này là công cụ hữu ích nhằm ngăn chặn các đối đầu không mong muốn trên biển.

Nỗ lực của hải quân Mỹ không phải chỉ dừng lại ở các thoả thuận mang tính hành chính. Nó còn cho thấy mong muốn trong việc tạo ra cân bằng giữa một bên là căng thăng vốn có giữa Mỹ và sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc và một bên là mong muốn chia sẻ gánh nặng bảo vệ an ninh toàn cầu với Trung Quốc. Để đạt được cân bằng và nâng cao vai trò tích cực của Trung Quốc trên biển, hải quân Mỹ đang mở rộng các hoạt động hợp tác với hải quân Trung Quốc, bao gồm cả việc mời nước này tham dự tập trận “Vành đai Thái Bình Dương 2014” (RIMPAC) cùng 21 quốc gia khác. Đây là cuộc tập trận hải quân lớn nhất trên toàn thế giới. Nỗ lực gần đây nhất của hải quân Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc là việc cử tàu khu trục USS Sterett tham gia diễn tập chống cướp biển với tàu chiến Trung Quốc tại Vịnh Aden.

Hợp tác chống cướp biển

Diễn tập chống cướp biển là một bước tiến dài hướng đến việc thể hiện các quy chuẩn ứng xử toàn cầu đối với tàu biển bằng việc hiện thực hóa các công cụ chiến thuật như CUES. Diễn tập song phương là bước hợp lý tiếp theo để tiến tới các hoạt động chung thực chất với Trung Quốc và diễn tập chống cướp biển là công cụ hoàn hảo cho các hoạt động này.

Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động chống cướp biển ngoài khơi Somalia kể từ năm 2008. Các nỗ lực toàn cầu nhằm chống cướp biển ở Somalia dường như đang thành công khi báo cáo của Phòng Thương Mại thuộc Văn phòng Hàng hải Quốc tế cho thấy số vụ cướp ở Somalia đã giảm từ 139 trong năm 2010 xuống còn 3 trong năm 2014. Ngược lại, trong cùng khoảng thời gian này, số vụ cướp biển ở Đông Nam Á lại tăng từ 70 lên đến 141 vụ. Với việc số vụ cướp biển tăng ở sân sau của Trung Quốc, nơi có những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, Mỹ nên mở rộng nỗ lực chống cướp biển của mình đến Biển Đông. Đó không nên là một hành động đơn phương mà nên phối hợp với Hải quân Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực. Tổ chức chống cướp biển có thể được cơ cấu tương tự như Lực lượng Đặc biệt 151, một cơ chế hợp tác đa quốc gia gồm 30 nước đã thành công trong việc ngăn chặn cướp biển ngoài khơi Somalia. Một tổ chức đa phương ở Biển Đông có thể bao gồm các quốc gia như Malaysia, Việt Nam, Singapore và Indonesia với chế độ lãnh đạo luân phiên theo nhiệm kỳ 6 tháng.

Việc thực hiện các hoạt động chống cướp biển thực sự với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích rất lớn ở nhiều cấp độ. Đầu tiên, nó tạo ra một lực lượng chống cướp biển hùng mạnh ở khu vực điểm nóng tăng trưởng cướp biển nhanh nhất thế giới. Thứ hai, nó tạo cơ hội cho Mỹ phát triển quan hệ quân sự tốt hơn với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Cuối cùng, nó sẽ tận mắt chỉ cho Trung Quốc thấy cách hành xử của một cường quốc hải quân mạnh trên thế giới. Quan trọng nhất, nó sẽ khiến hải quân Trung Quốc khó có thể cưỡng lại việc đóng một vai trò lớn hơn trong việc thực thi các tiêu chuẩn ứng xử toàn cầu. Những quan điểm cứng rắn trong nội bộ hải quân Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chống lại việc thực thi các hoạt động này với Mỹ, cho rằng việc hợp tác như vậy sẽ hợp thức hoá sự hiện diện của Mỹ ở khu vực. Tuy nhiên, lợi ích lớn hơn đối với thương mại toàn cầu và an ninh khu vực vượt xa những lo lắng này và có thể làm giảm hình ảnh đối địch của Mỹ.

Liệu còn tồn tại những thách thức nào khác đối với hoạt động chống cướp biển chung với Trung Quốc và các nước ASEAN khác hay không? Đương nhiên là có. Tuy nhiên, luôn có cách để làm giảm các thách thức này. Hải quân Mỹ và Trung Quốc đã cho thấy rằng họ có thể phối hợp với các nước ASEAN như trong tập trận RIMPAC. Việc cướp biển ở khu vực chỉ tập trung chủ yếu ở các nút giao thông cổ chai và các tuyến đường giữa các đảo ở Indonesia và Malaysia cho phép thiết lập các ranh giới hoạt động cho liên minh nói trên mà vẫn tránh đụng vào các tranh chấp lãnh thổ. Mở rộng hợp tác sang các hoạt động chống cướp biển là một biện pháp với chi phí kỹ thuật thấp để xây dựng quan hệ ở khu vực, chống lại kẻ thù chung là cướp biển và chắc chắn sẽ có đủ không gian để mở rộng cho các quốc gia khác trong khu vực tham gia như Úc và Nhật Bản.

Sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Châu Á với mục đích chống cướp biển, bằng việc sử dụng tàu tốc độ nhanh mới nhất của lực lượng này như tàu chiến đấu ven bờ, tàu cao tốc sẽ mang lại những lợi ích chiến lược quan trọng mà không phải để lại một dấu ấn quá lớn. Trong năm nay, quan hệ Mỹ và Trung Quốc đã có những tiến triển trong vấn đề thương mại và khí hậu. Và với việc các thoả thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Obama và ông Tập đã mở ra những cơ hội cho việc ngăn ngừa căng thẳng trong tương lai, hai nước còn có thể làm nhiều hơn thế nữa.

Đại tá Robert N Hein là Sỹ quan Tác chiến trên biển. Ông từng chỉ huy tàu USS Gettysburg (CG64) và USS Nitze (DDG-94). Hiện nay, ông là chuyên gia hải quân ở Viện Brookings. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang War on the Rocks.

Tuấn Việt (dịch)

Minh Ngọc (hiệu đính)