Tháng 11/2014, tòa án Philippines đã kết tội 9 ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm rùa biển gần Bãi Trăng Khuyết. Manila khẳng định vụ việc xảy ra trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của mình. Do vậy, các ngư dân Trung Quốc bị phạt 102.000 USD/người hoặc phải chịu án tù đến tháng 5/2015. Điều đáng nói là Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn này. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã khá kín tiếng trước việc bắt giữ, xét xử và kết án của Philippines bất chấp thực tế giới lãnh đạo Trung Quốc từng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc bảo vệ lợi ích ở Biển Đông của mình.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Philippines đã "xâm phạm chủ quyền" của Trung Quốc khi tiến hành vụ bắt giữ và yêu cầu Philippines phóng thích các ngư dân và tàu thuyền của họ. Tuy nhiên, Bắc Kinh không công khai đưa ra các hình thức gây áp lực ngoại giao nào khác với Manila. Phản ứng này đã  hoàn toàn trái ngược với hành động của Bắc Kinh trong vụ việc tương tự hồi năm 2010, khi tàu tuần duyên Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku và truy tố người này. Bắc Kinh đã đình chỉ mọi trao đổi cấp cao và ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản cho đến khi viên thuyền trưởng nói trên được thả.
Thay vào đó, Trung Quốc chỉ gây áp lực với cộng đồng người Hoa ở Palawan, yêu cầu không hợp tác với giới chức Philippines, khiến tòa án sở tại gặp khó khăn khi tìm thông dịch viên. Ngoài ra, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cũng từ chối cấp "Chứng nhận khó khăn" - điều kiện cần để các bị cáo được chỉ định luật sư nhà nước bào chữa - nhằm trì hoãn phiên tòa.

Cách tiếp cận này là rất khác so với lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trước Nhật Bản năm 2010. Phản ứng của Trung Quốc sau khi các ngư dân trên bị kết tội, càng củng cố thêm nhận định rằng Bắc Kinh "đang đấu dịu" trong vụ việc này.

Vấn đề là tại sao? Dường như giới chức Trung Quốc "cảm thấy" an toàn hơn khi cho rằng việc thể hiện lập trường bớt cứng rắn sẽ không kích động mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc ở trong nước.

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác nữa. Sự kiện nhỏ này cho thấy Trung Quốc có thể đang thay đổi giọng điệu của mình ở Biển Đông. Có thể do 4 lý do sau: Trước tiên, nhiều người trong giới lãnh đạo Trung Quốc có thể "ngầm thừa nhận" tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông - vốn mập mờ ở nhiều khía cạnh - có nhiều điểm yếu. Bắc Kinh thừa hiểu, theo luật pháp quốc tế, sẽ là không thực tế khi đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển nằm trong cái gọi là "Đường đứt khúc 9 đoạn", bất chấp lợi ích của các nước láng giềng Đông Nam Á. Thứ hai, sự việc nhỏ như vậy xảy ra rất thường xuyên trên Biển Đông. Thứ ba, Philippines đã đệ đơn kiện lên tòa án quốc tế về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Dù không chính thức thừa nhận tiến trình pháp lí này, song Bắc Kinh không muốn gây thêm căng thẳng, điều có thể tác động đến vụ kiện đó. Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là khiến tòa án quốc tế từ bỏ vụ kiện. Bắc Kinh có thể lo ngại rằng một cách tiếp cận "lớn tiếng và vụng về" trong vụ ngư dân bị bắt giữ sẽ chỉ có lợi cho Manila. Cuối cùng, Trung Quốc đang tìm cách hàn gắn quan hệ với các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau nhiều năm căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Trung Quốc đã đề xuất nhiều sáng kiến, như "Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21", nỗ lực kiến tạo một "thập kỉ kim cương" trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN trong 10 năm tới, và tuyên bố năm 2015 là "Năm hợp tác trên biển giữa Trung Quốc và ASEAN".

Bắc Kinh không muốn lạc bước trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc không xác định rõ ràng tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông, phần lớn do "sự mơ hồ" của “đường đứt khúc 9 đoạn" bởi có nhiều cách hiểu về đường ranh giới này. Tuy nhiên, quan điểm phổ biến nhất là Trung Quốc muốn toàn bộ chủ quyền đối với các thực thể bên trong và có "chủ quyền từ lâu" đối với các vùng biển bên trong "đường đứt khúc 9 đoạn". Tuy nhiên, Trung Quốc đang gặp phải tình thế "tiến thoái lưỡng nan" ở Biển Đông. Nếu thực hiện tuyên bố chủ quyền một cách mạnh mẽ, Bắc Kinh có nguy cơ phá hỏng quan hệ với các nước láng giềng, ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực. Tuy nhiên, nếu không làm vậy, Trung Quốc sẽ thể hiện sự thiếu nhất quán trong việc phản đối hành động bắt giữ các ngư dân Trung Quốc khi họ thể hiện “quyền từ lâu" của mình gần Bãi Trăng Khuyết.

Bài viết của Lim Kheng Swee và Li Mingjiang trên trang mạng Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS)

Duy Anh (gt)