Tàu đổ bộ INS Airavat của hải quân Ấn Độ tại quân cảng Nha Trang. Ảnh: PetroTimes

Báo "Thái Dương" (Hồng Công) ngày 20/9 đăng bài của tác giả Bành Hải Văn cho biết quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Ấn Độ vẫn cương quyết khai thác dầu khí ở Biển Đông. Mục đích của chính sách Hướng Đông, ủng hộ Việt Nam của Ấn Độ là nhằm chống lại việc Trung Quốc ủng hộ Pakixtan ở Nam Á.

Theo Bành Hải Văn, do Trung Quốc kiên định ủng hộ Pakixtan, làm cho Ấn Độ rơi vào tình trạng dù chiếm thế thượng phong trong các cuộc chiến tranh với Pakixtan, nhưng vẫn không thể nào giành được thắng lợi cuối cùng. Đồng thời, cuộc chạy đua vũ trang với Pakixtan, đã gây hệ lụy xấu tới sự nghiệp phát triển kinh tế của Ấn Độ. Do vậy, trong mắt của Niu Đêli, Trung Quốc là kẻ thù lớn nhất đối với việc xưng bá ở khu vực Nam Á của Ấn Độ.

Hơn nữa, việc Trung Quốc xây dựng cảng biển ở Băngla Đét, Xri Lanca, càng làm cho Ấn Độ tức giận nên Ấn Độ luôn mong muốn dùng chính cách mà Trung Quốc đối phó với mình để đối phó với Trung Quốc. Ấn Độ đề ra chính sách Hướng Đông là muốn liên kết với các nước Đông Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc để phối hợp đối phó với Bắc Kinh.

Tranh chấp Biển Đông được Ấn Độ cho là một cơ hội tốt để đối phó với Trung Quốc. Chính vì thế mấy năm gần đây, Ấn Độ nhanh chóng mở rộng quan hệ quân sự với Việt Nam, giúp Việt Nam huấn luyện nhân viên tác chiến tàu ngầm và chuẩn bị bán cho Việt Nam tên lửa chống hạm có tốc độ siêu âm Bramos. Ngoài ra, Ấn Độ thỉnh thoảng còn cử tàu chiến tới Biển Đông, tiến hành tập luyện chung với hải quân Việt Nam. Để đáp trả, Việt Nam chuẩn bị để cho hải quân Ấn Độ đồn trú lâu dài ở cảng Nha Trang. Có thể nói mức độ hợp tác quân sự song phương sâu rộng giữa Ấn Độ và Việt Nam đã vượt mức quan hệ thông thường giữa các quốc gia.

Trung Quốc và Pakixtan có mối quan hệ đồng minh chiến lược toàn diện. Cho dù chính trường Pakixtan xáo động như thế nào, cho dù đảng nào lên cầm quyền ở Pakixtan, quan hệ giữa nước này với Trung Quốc vẫn "vững như bàn thạch". Sở dĩ có được điều này là do hai nước có sự gắn bó tương đối mật thiết trong quan hệ quân sự song phương. Ấn Độ cũng muốn bắt chước làm theo, xây dựng quan hệ hợp tác quân sự mạnh mẽ và có hiệu quả với Việt Nam. Trong con mắt của Ấn Độ, chỉ cần Trung Quốc tiếp tục ủng hộ Pakixtan, Ấn Độ cũng sẽ luôn ủng hộ Việt Nam chống Trung Quốc.

Bành Hải Văn cho rằng hiện nay việc Ấn Độ tiến hành khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp tại Biển Đông chỉ là mới bắt đầu, có thể không lâu sau Mỹ, Nhật Bản cũng sẽ tham gia. Tới lúc đó, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ đưa ra được đối sách hiệu quả nào để biến Biển Đông trở thành biển hợp tác, biển hòa bình. Theo Bành Hải Văn, chính sự mềm yếu của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã khiến các nước lớn ngoài khu vực liên tục can dự vào Biển Đông.

Theo Thái Dương

Tiến Anh (gt)