Có những thông tin cho ra rằng Ấn Độ đang lên kế hoạch  rút khỏi dự án khai thác dầu chung với Việt Nam tại Biển Đông. Mặc dù vẫn chưa có thông báo chính thức nào được đưa ra về điều này, nhưng các quan chức Ấn Độ cho rằng lô dầu khí 128 sẽ không đem lại những kết quả như mong muốn, vì vậy việc rút lui chỉ mang tính thương mại.

Vào thời điểm Biển Đông đang là trọng tâm khủng hoảng khu vực tại Đông Á, quyết định của Ấn Độ sẽ gây ra những tác động còn vượt xa hơn cả vấn đề đơn thuần mang tính kỹ thuật trong khai thác hydrocarbon.

Thậm chí có thể sẽ không có nhiều dầu trong dự án khai thác này, nhưng cách mà Ấn Độ tuyên bố chắc chắn sẽ được giải thích rằng Ấn Độ không có đủ can đảm để thách thức Trung Quốc trong sân sau của nước này. Hà Nội cho rằng quyết định của New Delhi bị ảnh hưởng bởi áp lực từ Trung Quốc.

Chỉ vào hồi năm ngoái, New Delhi đã khẳng định về quyền của mình tại những vùng biển quốc tế của Biển Đông, đánh đi tín hiệu về viêc làm sâu sắc thêm mối quan hệ của mình đối với Việt Nam. Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ đã làm mất mặt Trung Quốc khi giải thích rõ ràng rằng Công ty dầu khí ONGC Videsh sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi khai thác khí ga tự nhiên và dầu tại 2 lô của Việt Nam tại Biển Đông.

Việc yêu cầu các quốc gia “bên ngoài khu vực” tránh xa Biển Đông, Trung Quốc đã kín đáo nhắc nhở Ấn Độ rằng việc khai thác các Lô 127 và 128 cần phải có sự cho phép của Bắc Kinh, và nếu như không được sự cho phép từ Trung Quốc, hoạt động của OVL bị xem như là bất hợp pháp.

Trong khi đó, Việt Nam đã nhấn mạnh đến Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc 1982 để đưa ra yêu sách về quyền chủ quyền của mình đối với hai lô đang được khai thác. Ấn Độ đã quyết định ủng hộ những yêu sách của Việt Nam và lờ đi sự phản đối của Trung Quốc.

Động thái mạnh bạo của Ấn Độ nhằm mục đích khẳng định những quyền lợi hợp pháp của Ấn Độ trong  vùng biển quốc tế tại Biển Đông cũng như nhằm thắt chặt mối quan hệ với Việt Nam. Cả hai động thái này đều khiến Trung Quốc lo ngại vì nước này luôn nghi ngờ về sự can dự ngày càng tăng của Ấn Độ vào Đông Á.

Quyết định khai thác hydrocarbon của Ấn Độ với Việt Nam được thực hiện ngay sau khi một chiếc tàu chiến Trung Quốc không rõ nguồn gốc đã yêu cầu tàu chiến chiến đổ bộ INS Airavat của Ấn Độ khai báo danh tính và giải thích về sự hiện diện của mình tại Biển Đông ngay khi tàu này rời khỏi vùng biển của Việt Nam.

Tàu Ấn Độ lúc này đang thực hiện lộ trình thăm cảng Việt Nam và đang trong vùng biển quốc tế. Mặc dù Hải quân Ấn Độ đã ngay lập tức bác bỏ việc tàu chiến Trung Quốc đã đối đầu với tàu nước này như tờ Thời báo Tài Chính của Anh đã đưa tin, nhưng lại không hoàn toàn bác bỏ sự thực cơ bản của bài báo.

Trung Quốc đã đụng độ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines trong những tháng gần đây về các vấn đề liên quan đến khai thác dầu khí và nguồn khoáng sán biển tại Hoa Đông và Biển Đông.

Khu vực này vốn nằm dưới sự bảo trợ về những lợi ích chung của Mỹ trong hàng thập kỷ, giúp cho Trung Quốc nổi lên trở thành một cường quốc kinh tế như ngày nay. Giờ đây nước này lại muốn có một hệ thống mới – một hệ thống mà chỉ phục vụ cho Bắc Kinh và không thực hiện việc cung cấp hàng hóa công và các nguồn tài nguyên chung.

Với những động thái của mình tại Biển Đông, Trung Quốc cũng đang thách thức những yêu sách của Trung Quốc.

Nếu như việc thể hiện quyết tâm theo đuổi khai thác dầu chung với Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, đã giúp Ấn Độ tăng cường mối quan hệ với Việt Nam và khẳng định với các quốc gia khác biết rằng Ấn Độ là quốc gia đáng tin cậy trong khu vực, thì tuyên bố rút lui khỏi dự án không chỉ làm Hà Nội thất vọng, mà còn đưa đến nghi vấn về toàn bộ ý tưởng của Ấn Độ về một đối thủ cân bằng khu vực tại Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Các quốc gia nhỏ bé hơn tại Đông và Đông Nam Á đang hướng về New Delhi trong việc tìm kiếm sự kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trừ khi kiểm soát một cách cẩn trọng, nếu không uy tín của Ấn Độ sẽ bị nghi ngờ.

Để khôi phục lại sự hủy hoại về uy tín của minh qua sự thay đổi đột ngột này, Ấn Độ nên giải thích rõ ràng với Hà Nội rằng, dù quyết định này có thể nào, thì Ấn Độ sẽ vẫn tiếp tục tăng cường mối quan hệ chiến lược với Việt Nam. Cuối cùng thì cả hai quốc gia đều có những lợi ích trong việc đảm bảo an ninh tuyến đường biển, cũng như chia sẽ những mối quan ngại về sự thâm nhập của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương và Biển Đông.

Vì Biển Đông trở thành điểm nóng, nên Hà Nội đang muốn sự can dự của Mỹ, một đối thủ cũ trước đây, và Mỹ cũng đang hối thúc Ấn Độ “không chỉ hướng Đông mà cần phải can dự cũng như hành động tại đây”

Sự đoàn kết giữa các cường quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông là điều cần thiết nhằm buộc Trung Quốc phải giảm bớt đi  quan điểm theo chủ nghĩa tối đa hóa về vấn đề này.

Trung Quốc quá lớn và quá mạnh buộc các quốc gia khu vực phải lưu tâm. Nhưng các quốc gia lân cận của Trung Quốc giờ đang nỗ lực mở rộng không gian chiến lược của mình bằng việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cường quốc khu vực và toàn cầu.

Các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực giờ đang hướng về phía Ấn Độ với mong muốn Ấn Độ hành động như đối trọng cân bằng trong bối cảnh khi mà ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng và sự suy giảm được dự đoán trước của Mỹ tại khu vực trong tương lai gần, trong khi các quốc gia lớn hơn lại xem Ấn Độ như cỗ máy hấp dẫn cho sự tăng trưởng khu vực.

Để xứng đáng với toàn bộ tiềm năng của mình và để đáp ứng những kỳ vọng của khu vực, Ấn Độ phải làm nhiều điều mang tính thuyết phục hơn để nổi lên như một đối tác chiến lược tin cậy trong khu vực.

Thật là nguy hiểm cho các mối quan hệ quốc tế khi phải chấp nhận quan điểm cho rằng Ấn Độ có thể bị dọa nạt dẫn đến phải phục tùng. Nếu như Trung Quốc có thể hoạt động trong sân sau của Ấn Độ và mở rộng ảnh hưởng một cách có hệ thống, thì chẳng có lý do gì Ấn Độ lại cảm thấy thiếu tự tin về việc hoạt động trong những khu vực mà Trung Quốc xem là khu vực ảnh hưởng của mình.

Sự thiếu tự tin của Ấn Độ trong chính sách đối ngoại giải thích cho nguyên nhân  rằng mặc dù đã theo đuổi chính sách “hướng Đông” trong hai thập kỷ, nhưng nước này vẫn chỉ là một chủ thể bên lề trong địa chính trị Đông Á.

Theo Rediff

Văn Cường (gt)