Theo báo The Hindu, với việc rút khỏi hoạt động thăm dò dầu khí tại một lô ở Biển Đông, ÂĐ đã có thể tự giải thoát mình khỏi cuộc tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài 50 năm giữa nhiều bên mà việc tiếp tục sẽ khiến nước này phải trả cái giá cao hơn về mặt ngoại giao so với những lợi ích đạt được về thương mại.

 

Khu vực mà phía ÂĐ mới rút gần đây thuộc vùng đặc quyền kinh tế của VN nhưng cũng vượt qua “đường 9 đoạn” yêu sách của TQ. Một bộ phận trong cộng đồng chiến lược tại ÂĐ cảm thấy chưa thuyết phục nhưng ÂĐ trước sau như một khẳng định việc rút lui - “tạm ngưng hoạt động” - tại lô 128 ba năm sau khi trao trả lô 127 liền kề là do lượng dầu không đủ đáp ứng khoản đầu tư vào hạ tầng cho việc khai thác đưa lên mặt nước.

Trong khoảng 5 năm qua, ÂĐ và VN đã có tranh chấp ngoại giao tay đôi với TQ liên quan tới quyền tìm kiếm hydrocarbon gần một căn cứ nhạy cảm của hải quân TQ nhưng mâu thuẫn đó hiếm khi vượt ngoài tầm kiểm soát.

Sự kiện khiến hai bên tiến gần tới đụng độ nhất được đăng tải trên một tờ báo Anh năm 2011 khi hải quân TQ “chất vấn” về một tàu hải quân của ÂĐ trên đường di chuyển giữa hai cảng của VN. Các nhà ngoại giao ÂĐ phủ nhận vụ việc đó, cho rằng phía TQ có thể đã chất vấn một tàu khác nhưng thông tin đó lại được tiếp nhận bởi tàu INS Airavat của hải quân ÂĐ; sau khi vụ việc được báo cáo lên cấp trên đã gây hiểu nhầm và bị cho rằng đó là thông tin liên lạc giữa các tàu của TQ và ÂĐ.

Hải quân TQ có thể đã có hoặc không truyền tin tới tàu INS Airavat, nhưng không thể phủ nhận TQ đã cảm thấy bất an kể từ năm 2006 khi ÂĐ ký thỏa thuận thăm dò các lô 127 và 128 tại bể Phú Khánh, ngoài khơi bờ biển phía Bắc VN và cũng không xa căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam của TQ.

Năm 2009, khi một công ty có trụ sở tại Hà Lan hợp đồng với ONGC khảo sát tại khu vực, Bắc Kinh đã tránh đối đầu. Tuy cơ quan đại diện của TQ tại Hague đã triệu tập lãnh đạo của công ty đó và yêu cầu chấm dứt hoạt động nhưng sau đó phía TQ đã không tiếp tục phản đối khi ONGC với sự đảm bảo từ Hà Nội đề nghị công ty đó hoàn tất công việc.

Hai năm trước vụ việc trên, ĐSQ/TQ tại New Delhi đã có văn bản phản đối sau khi ÂĐ đưa các thiết bị nặng tới khu vực các lô được giao tại bể Phú Khánh. Sau đó ÂĐ quay sang VN và phía VN đã ra tuyên bố bằng văn bản khẳng định chủ quyền tại khu vực biển tranh chấp đó. Văn bản này được chuyển tới ĐSQ/TQ cùng một công hàm tuyên bố trên cơ sở văn bản của VN, phía TQ không có cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền tại các lô 127 và 128. Phía TQ đã tạm dừng sự việc tại đó.

Tình hình hai năm qua đã có những diễn biến khác. Năm 2010, tranh chấp đã trở thành tâm điểm ngoại giao sau khi Mỹ trở thành quan sát viên của ASEAN mà một nửa trong số 10 thành viên của tổ chức này có tranh chấp về chủ quyền tại các khu vực khác nhau thuộc Biển Đông với TQ. Đồng thời, hầu hết các bên tranh chấp, không chỉ liên quan tới bể Phú Khánh mà cả khu vực quần đảo Trường Sa, bắt đầu tăng cường về mặt quân sự.

PLP có một đường băng dài tại quần đảo Trường Sa, nơi mà các máy bay vận tải quân sự hạng nặng của nước này thường xuyên hạ cánh. Malaysia, VN và Đài Loan cũng xây dựng những đường băng ngắn hơn tại các đảo đang chiếm đóng. Những căng thẳng tất yếu xảy ra bắt đầu được thể hiện qua các tranh cãi giữa ÂĐ và TQ, với những mầm mống có thể ảnh hưởng xấu tới quan hệ song phương vào thời điểm mà hai nước đang có sự hợp tác toàn diện nhất từ trước tới nay.

Ngay từ đầu các nhà ngoại giao ÂĐ đã bảo vệ quan điểm về hợp đồng thăm dò này với 4 lý do: 1) VN luôn khẳng định 2 lô tại bể Phú Khánh thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước này; 2) Mặc dù ÂĐ đã tiến hành khoan thăm dò khí tại Biển Đông từ năm 1988 nhưng TQ chỉ bắt đầu phản đối từ giữa những năm 2000; 3) Với nửa khối lượng thương mại của ÂĐ vận chuyển qua Biển Đông, hợp đồng khoan thăm dò tại 2 lô trên nhấn mạnh quyền tự do tiếp cận của New Delhi; và 4) ÂĐ cần đáp lại TQ trước những hoạt động xây dựng lớn của nước này tại khu vực Kashmir do phía Pak kiểm soát, nơi mà ngay cả LHQ cũng thừa nhận là khu vực tranh chấp.

Nhưng cũng cần nói rằng khi ÂĐ ký hợp đồng thăm dò khí với VN năm 1988, đó là hợp đồng tại 2 lô Lan Tây và Lan Đỏ thuộc bể Nam Côn Sơn, gần với vùng biển Natuna và lãnh hải Indonesia. Còn Phú Khánh nằm về phía Bắc, cách bờ biển VN và đảo Hải Nam - nơi có một căn cứ tàu ngầm lớn của TQ - một khoảng cách gần như nhau.

Về quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, đây là vấn đề mà HQ và NB đã nỗ lực giải quyết trong cả thập kỷ qua. Thậm chí, vấn đề tự do đường biển không liên quan tới việc thăm dò hydrocarbon tại bể Phú Khánh, nơi có vị trí địa lý gần như ngõ cụt về hàng hải, không thuộc tuyến đường vận tải biển.

Mặt khác, TQ có thể nhất quán phản đối bất kỳ hoạt động thương mại nào trong khu vực “đường lưỡi bò” tại Biển Đông, dù có sự bảo đảm của VN hay PLP.

Các nhà quan sát nhận thấy Bắc Kinh bắt đầu tăng cường chú ý kể từ khi VN và ÂĐ quyết tâm tăng cường quan hệ quân sự. ÂĐ đã gia tăng về số lượng đào tạo cho các sỹ quan quân đội VN và gần như không có phái đoàn chính thức nào từ Hà Nội mà không có sự tham gia của các sỹ quan quân đội cấp cao. Đề nghị của VN về việc chuyển giao tên lửa Brahmos vẫn đang được xem xét cùng với các hoạt động tập huấn về tàu ngầm, tập huấn cho phi công chuyển sang lái máy bay chiến đấu Sukhoi-30, hiện đại hóa một cảng biển chiến lược và bán các tàu chiến hạng trung. Do đã trang bị vũ khí cho Pak, TQ không có nhiều lý do để phản đối các hoạt động chuyển giao vũ khí quân sự trên giữa VN và ÂĐ.

Như một quan chức cấp cao ÂĐ đã nhấn mạnh, lợi ích từ việc “tạm ngừng khoan thăm dò tại bể Phú Khánh thuần túy do tính toán kinh tế” có thể lớn hơn niềm vui từ việc khiến TQ phải chịu đựng các chỉ trích ngoại giao về vai trò của mình tại khu vực tranh chấp phía Bắc Kashmir. Tháng 2/2012, hai bên đã nhất trí hợp tác về an ninh hàng hải và hải dương học. Hai bên đều có nhiều lợi ích khi hợp tác trên hai lĩnh vực này. Hợp tác về an ninh hàng hải đã được bắt đầu và ÂĐ chỉ có thể có lợi khi hợp tác cùng TQ khảo sát Ấn Độ Dương, điều mà ÂĐ vẫn chưa thể làm dù đã được phép 15 năm trước đây.

Theo The Hindu

Văn Anh (gt)