Những năm gần đây, những nước như Mỹ, Nhật ... liên tiếp có những tranh chấp lợi ích chủ quyền cốt lõi với Trung Quốc; an ninh khu vực truyền thống và vấn đề do lịch sử để lại luôn nảy sinh những vấn đề mới, làm cho an ninh chủ quyền của Trung Quốc càng trở nên nổi bật. Thời gian gần đây, cùng với việc xảy ra các sự kiện như tập trận chung Mỹ Hàn, tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, giới lãnh đạo Trung Quốc bao gồm TTg Ôn Gia Bảo, BNG và các Bộ ngành khác đã có phát biểu ở một số diễn đàn về an ninh chủ quyền và lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

 

Thông cáo của Hội nghị TW lần này nêu rõ: Cần giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, phát triển; thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình độc lập tự chủ, kiên trì đi theo con đường hòa bình phát triển, tích cực tham gia hợp tác quốc tế; bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc, cùng các nước trên thế giới xây dựng một thế giới hòa bình lâu dài, cùng phồn vinh và hài hòa.

 

Các học giả cho rằng, đây cũng là lần đầu tiên Hội nghị toàn thể TW ĐCS Trung Quốc công khai đề cập đến “bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc”. Hội nghị cũng đã đề cập “kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình độc lập tự chủ”, “kiên trì bảo vệ an ninh quốc gia”. Hơn nữa, từ Đại hội 16 đến nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy TW Hồ Cẩm Đào và một số lãnh đạo khác cũng đã đề cập vấn đề này ở nhiều diễn đàn khác nhau. Theo quan điểm của Vương Dật Chu - Phó Viện trưởng học viện Quan hệ quốc tế - Đại học Bắc Kinh thì quan niệm về những vấn đề nêu trên là chủ đề luôn được phát triển từ Đại hội 16 đến nay. Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc thì nhiệm vụ của Trung Quốc không chỉ là quản lý tốt đất nước mà còn cần tăng cường ảnh hưởng đối với an ninh ở xung quanh. Một nước yếu hoặc suy tàn thì ngay cả đến an ninh của nước mình cũng không thể bảo đảm được. Tuy nhiên đối với một nước đang lớn mạnh như Trung Quốc thì tầm nhìn càng rộng ra và lợi ích cũng càng lớn hơn.

 

Cao Tổ Quý - Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị thế giới Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Trung Quốc đương đại cũng cho rằng đây là sự diễn đạt về chiến lược đối nội đối ngoại gần đây của đảng cầm quyền Trung Quốc trước những diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, đây cũng là một sự tuyên bố đối với thế giới bên ngoài, sẽ gây ra sự quan tâm cao độ của cộng đồng quốc tế. Về xu thế ngoại giao của Trung Quốc trong thời gian “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12”, Cao Tổ Quý cho rằng môi trường ngoại giao của Trung Quốc đan xen những thách thức, nguy cơ có thể dự báo và khó dự báo. Nguy cơ khó dự báo thì rất nhiều, trong đó ngoài lợi ích về chủ quyền của Trung Quốc, còn có những lĩnh vực khác như tỷ giá hối đoái, quản lý tiền tệ, chuyển đổi phương thức phát triển.

 

Vương Dật Chu thì cho rằng, sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai còn bao gồm vấn đề giao thông năng lượng và tài nguyên ở bên ngoài quốc gia, vì vậy cũng rất dễ dẫn đến sự hiểu lầm của bên ngoài. Tuy nhiên, những vấn đề này không nhất thiết phải dùng vũ lực để giành giật mà phải dùng phương thức vừa cương vừa nhu, để chăm lo cho chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển. Lợi ích chủ quyền của Trung Quốc cũng cần phải hài hòa với trách nhiệm đối với quốc tế và láng giềng xung quanh. Chiến lược phát triển của Trung Quốc cần phải được cộng đồng quốc tế hiểu biết và thông cảm.

Nguồn: Tin tức Vân Nam

Hoàng Trung (gt)

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)