Tại cuộc hội thảo quốc tế do Học viện nghiên cứu quốc phòng quốc gia của Mỹ và trường Đại học Thammasat của Thái Lan đồng tổ chức, các nhà hoạch định chính sách của hai nước đã cho thấy cả Thái Lan và Mỹ đang muốn điều chỉnh và làm mới lại các chiến lược chung của hai bên nhằm khôi phục lại liên minh giữa hai nước khi trọng tâm của Oasinhtơn đang hướng nhiều hơn về khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo tờ "Bưu điện Băngcốc" số cuối tuần trước, phía Mỹ đã ủy nhiệm cho giáo sư Catharin Dalpino, nguyên là một nhà ngoại giao và hiện là Trưởng khoa Quan hệ quốc tế trường Simmon, thăm dò các khả năng làm thế nào để hiện đại hóa và củng cố quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Thái Lan.

Bà Dalpino đã trình bày các ý tưởng của mình tại hội thảo trên rằng hai bên cần tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao, thiết lập đối thoại song phương về sự tác động của việc Trung Quốc trỗi dậy, phát triển sân bay quân sự U-tapao thành trung tâm khu vực về cứu trợ thảm họa và nhân đạo, mở rộng thành viên tham gia cuộc tập trận quân sự chung hàng năm mang tên Hổ mang vàng và tự do hóa hơn nữa quan hệ thương mại song phương cũng như khu vực.

Bà Dalpino cũng cho biết giữa lúc sự cân bằng chiến lược trở lại của Mỹ được mở rộng hơn đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sự thay đổi nhanh chóng của môi trường an ninh khu vực châu Á, việc làm mới liên minh Mỹ-Thái sẽ là nhân tố then chốt trong việc Mỹ can dự vào khu vực này.

Liên minh Mỹ-Thái, được coi là mối quan hệ chiến lược lâu năm nhất của Mỹ tại châu Á, tỏ ra rất chậm chạp trong việc thích ứng với các thách thức của thế kỷ 21. Nhưng hai bên sẽ có cơ hội mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới sau khi cùng cam kết làm hồi sinh liên minh này.

Bước chuyển tiếp của liên minh này từ khuôn khổ Chiến tranh Lạnh trong kỷ nguyên Chiến tranh Việt Nam sang giai đoạn uyển chuyển hơn đã vấp phải khó khăn trong những năm gần đây do sự thiếu quan tâm từ cả hai phía, do quan điểm khác biệt trong nhận thức về mối đe dọa và do mục tiêu mở rộng quan hệ chính trị, kinh tế và an ninh của hai nước trong khu vực này.

Cuộc chiến tại Ápganixtan và Irắc đã đưa quan hệ hợp tác an ninh Mỹ-Thái vượt khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi việc gia tăng các mối đe dọa an ninh phi truyền thống sau Chiến tranh Lạnh - gồm cả chủ nghĩa khủng bố - lại mở rộng cơ sở của liên minh này. Chủ nghĩa khu vực của châu Á, đặc biệt là của ASEAN, cho phép liên minh này hướng vào khu vực nhiều hơn, vì vậy, cần có thêm đối thoại thường xuyên giữa cả hai bên nhằm đẩy mạnh tiến trình củng cố liên minh.

Quan hệ liên minh với Thái Lan rất khác so với các đối tác khác của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia hay Philíppin vì nó không xuất phát từ một thỏa thuận yêu cầu cập nhật và chính thức hóa và khi Thái Lan không còn có yếu tố căn bản của Chiến tranh Lạnh trong thời gian liên minh được kiểm nghiệm, liên minh Thái-Mỹ đã trở nên mang tính toàn cầu và chuyển sang các lĩnh vực liên quan tới an ninh phi truyền thống.

Cuộc tập trận Hổ mang vàng là một cánh cửa ngoại giao đưa các quan sát viên khu vực vào tiến trình này, trong đó không thực hiện các mục tiêu của hiệp ước nhưng lại thực hiện các hoạt động trợ giúp nhân đạo.

Ngoài ra, làm cách nào tốt nhất để nối Hổ mang vàng với các cơ chế khu vực khác như Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng các đối tác đối thoại còn là một vấn đề để ngỏ cần phải thăm dò.

Khi gợi ý cả hai bên cần tăng cường các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, bà Dalpino cho rằng không thể tưởng tượng rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama, được mời tới Hội nghị thượng đỉnh Phnôm Pênh vào tháng 11, lại không đi thăm Thái Lan.

Vụ trưởng Vụ Mỹ và Thái Bình Dương của Thái Lan, Chirachai Pankrasin, cho biết Băngcốc hoan nghênh sự trở lại cân bằng của Mỹ vì tin rằng nó sẽ đóng góp cho sự ổn định của khu vực. Năm tới, hai nước sẽ kỷ niệm 180 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương và chào đón việc đẩy mạnh thương mại cũng như đầu tư vào Thái Lan cung khu vực ASEAN. Vị trí chiến lược của Thái Lan, với sự phát triển cảng biển nước sâu Dawei (ở Mianma) được gắn với bờ biển phía Đông (tại Thái Lan), sẽ tạo ra một sự kết nối tốt cho toàn khu vực ASEAN.

Ông Kavi Chongkittavorn, một chuyên gia tại Học viện an ninh và nghiên cứu quốc tế, nhận xét Thái Lan nên phác thảo một ranh giới rõ ràng trong liên minh với Mỹ tương tự như cách mà Ôxtrâylia đã làm. Việc sử dụng sân bay hải quân U-tapao phải được giám sát một cách rõ ràng. Nếu đúng nó được sử dụng cho các mục đích nhân đạo thì rất tốt.

Tướng Surasit Thanadtang, Giám đốc trung tâm nghiên cứu chiến lược, cho biết Thái Lan muốn nhìn thấy Mỹ mở rộng vai trò đa phương của họ, đặc biệt là tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các diễn đàn cứu trợ thảm họa và nhân đạo.

Ông Daniel Unger của trường đại học Northern Illinois thì nói Mỹ đang bị các nhóm quan chức cao cấp mới nổi tại Thái Lan coi là thiếu nhiệt tình. Hai bên cần thăm dò các cách thức mà cả Mỹ và Thái Lan có thể phối hợp hiệu quả như chống chủ nghĩa khủng bố và các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Tuy nhiên, Thái Lan có thể chưa phải là đối tác có ảnh hưởng của Mỹ về địa chính trị sau Ápganixtan và sau Irắc so với Ấn Độ, Việt Nam hay Xinhgapo. Ông Unger tỏ ra nghi ngờ về việc làm thế nào Thái Lan có thể tái lập được vai trò lãnh đạo trong ASEAN, trừ phi họ có một tầm nhìn được chia sẻ về những gì cần thiết cho vấn đề chính trị nội bộ.

Theo ông Chulacheep Chinwanno của trường Thammasat, Thái Lan nên tiếp tục nuôi dưỡng quan hệ hợp tác quốc phòng song phương với cả Trung Quốc và Mỹ, trong khi vẫn tiếp tục tục các cơ chế khu vực như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN.

Theo Bangkok Post

Trần Thanh (gt)