Chiến hạm Mỹ đến thăm Việt Nam, cùng với hải quân Việt Nam diễn tập chung theo các nội dung về hàng hải, lặn nước và cứu hộ trên biển. Bởi thời gian diễn tập được lựa chọn trong lúc vấn đề Biển Đông căng thẳng nên động cơ diễn tập được các giới quan tâm rộng rãi. Việc Mỹ tích cực diễn tập quân sự ở Biển Đông là không loại trừ mục đích phong tỏa hải quân Trung Quốc. Từ năm 2010 đến nay, hiện tượng Mỹ trinh sát Trung Quốc bằng hải quân và không quân không ngừng tăng lên, diễn tập quân sự ở Biển Đông và vùng biển xung quanh Biển Đông diễn ra thường xuyên. Từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay, chỉ trong vòng một tháng Mỹ đã đạo diễn và tham gia 4 lần diễn tập quân sự. Trên thực tế, từ năm 2009 khi tuyên bố trở lại Đông Nam Á đến nay Mỹ đã lần lượt đề xướng Kế hoạch hợp tác hạ lưu sông Mê Công, tổ chức hai lần Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN, tích cực hoạch định “Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương”, tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á, mở rộng mức độ can dự trong hợp tác Đông Á nhằm điều chỉnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương, gây tranh cãi, phân tán ở khu vực xung quanh Trung Quốc, ảnh hưởng đến sự quan tâm của các nước đối với Trung Quốc, làm cho môi trường phát triển của Trung Quốc xấu đi, Trung Quốc phát triển chậm lại. 

Ngoài ra, diễn tập quân sự Mỹ-Việt không loại trừ ý đồ lôi kéo Việt Nam đi theo quỹ đạo của Mỹ. Xét từ địa vị chiến lược quan trọng của Việt Nam thì Việt Nam cùng với Bắc Triều Tiên như hai “trợ thủ đắc lực” của Trung Quốc ở Đông Á, Mỹ muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam để Việt Nam có thể là mặt trận tiền duyên ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc xuống phía Nam, lợi dụng vị thế đang lên của Việt Nam trong khối ASEAN như một chặng chuyển tiếp can thiệp vấn đề Biển Đông, tham gia hợp tác Đông Á là nhằm mục đích cuối cùng kiềm chế Trung Quốc. 

Đối với Việt Nam, diễn tập quân sự chung Mỹ-Việt có hai tác dụng, một mặt tăng cường hợp tác quân sự giúp làm sâu sắc thêm quan hệ Mỹ-Việt. Những năm gần đây, quan hệ của Việt Nam với Mỹ trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, văn hóa, giáo dục ngày càng không thỏa mãn đòi hỏi hợp tác với Mỹ hơn nữa của Việt Nam nên hợp tác về phương diện quân sự và an ninh trở thành lĩnh vực mới. Mỹ có dụng ý giúp huấn luyện quân sự cho Việt Nam, Việt Nam cũng muốn đưa sĩ quan sang Mỹ học tập. Mặt khác, hợp tác quân sự Mỹ-Việt sẽ giúp nâng cao “nội lực” của Việt Nam, củng cố thêm lá bài trong đàm phán với Trung Quốc. Những năm gần đây, Việt Nam luôn tuân thủ chiến lược cân bằng nước lớn, gần với phương Tây để cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam tự cho rằng hợp tác quân sự với Mỹ sẽ làm cho mình “được giá” hơn, trong đàm phán với Trung Quốc sẽ có lợi hơn. 

Mỹ và Việt Nam mặc dù vẫn có phần bảo thủ trong việc phát triển quan hệ song phương, khó có thể nhanh chóng phát triển thành quan hệ đối tác chiến lược nhưng diễn tập quân sự chung với Mỹ cũng không có lợi cho việc giải quyết tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Từ tháng 7/2010, khi công khai tuyên bố can thiệp vấn đề Biển Đông đến nay, Mỹ có ý đồ đẩy mạnh, làm cho vấn đề Biển Đông phức tạp hóa và quốc tế hóa thêm một bước. Hợp tác với Mỹ, Việt Nam và Philíppin có sự “can đảm” hơn nên các cuộc diễn tập quân sự to nhỏ cũng diễn ra thường xuyên hơn dưới các danh nghĩa chính trị và ngoại giao. Mặc dù Mỹ và Việt Nam đều nhấn mạnh diễn tập là một phần giao lưu quân sự thông thường, rằng kế hoạch đã được xác định từ trước khi vấn đề Biển Đông nóng lên trong năm nay, và cũng chỉ giới hạn trong các nội dung huấn luyện phi chiến đấu, không bắn đạn thật, nhưng thực tế lại không như vậy sau hai lần Việt Nam chỉ trích Trung Quốc gây trở ngại cho công tác thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của họ cũng như trong thời điểm quan hệ Trung-Việt căng thẳng. Vì vậy, diễn tập dễ được hiểu là hỗ trợ cho lập trường của Việt Nam . 

Một loạt cuộc diễn tập quân sự của Mỹ ở khu vực xung quanh Trung Quốc là muốn chứng rỏ rằng quân đội Mỹ vẫn là “lực lượng trên biển đáng gờm ở khu vực này”, rằng Mỹ vẫn phải tiếp tục thiết lập hoặc vẫn giữ quan hệ quân sự chặt chẽ với các nước Đông Nam Á, nhưng hành động của Mỹ như vậy sẽ không có lợi cho việc tăng cường quan hệ an ninh Trung-Mỹ. Viên sĩ quan chỉ huy cuộc diễn tập mới đây của Mỹ, Thiếu tướng hải quân Tom Carney nói: “Nước Mỹ đã có quân đội đóng ở Tây Thái Bình Dương và khu vực Biển Đông từ 50 – 60 năm nay, thậm chí từ trước Chiến tranh thế giới thứ Hai. Mỹ không có ý định rút khỏi đây, mà vẫn phải duy trì lực lượng quân sự ở khu vực này giống như trước đây”. Thái độ cứng rắn của Mỹ như vậy rất dễ gây tổn hại đến quan hệ an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Ngoài ra, một loạt cuộc diễn tập quân sự của Mỹ cũng dẫn đến tình trạng chạy đua vũ trang mới ở khu vực. Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Xtốckhôm (Thụy Điển), trong bản Báo cáo về tình hình chi phí quân sự quốc tế năm 2010 cho biết trong vòng 5 năm từ năm 2005 – 2009 các nước Đông Nam Á đã nhập khẩu một khối lượng vũ khí tăng gấp đôi, trong đó Malaixia tăng 722%, Xinhgapo tăng 146%, Inđônêxia tăng 84%. Năm 2009, tiền mua vũ khí của Việt Nam lên đến 3 tỉ USD, gấp bốn lần so với dự toán ngân sách quốc phòng hàng năm. Các cuộc diễn tập của Mỹ dễ làm tăng thêm một bước cuộc chạy đua vũ trang, cũng tạo ra tình trạng bất ổn mới ở khu vực này. 

  Theo Báo “Hải dương Trung Quốc”

 Vũ Hiền (gt)