Sau khi ngày 6/9, Văn phòng Báo chí Quốc Vụ viện TQ công bố “Sách trắng về Phát triển hòa bình TQ năm 2011”, nhấn mạnh cam kết về con đường phát triển hòa bình, gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng TQ không tìm kiếm bá quyền và sẽ là đối tác đáng tin cậy trong việc theo đuổi hòa bình và phát triển thế giới.

Cựu Đại sứ TQ tại Mỹ Zhou Wenzhong nhận định sách trắng được công bố trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có những biến động lớn. “Điều này đòi hỏi TQ phải thể hiện và phát triển mô hình phát triển hòa bình, mở rộng ảnh hưởng và cho thế giới thấy được sự chân thành và thiện chí của TQ với thế giới. Sách trắng cũng nêu rõ những quan ngại của những ai khi đặt câu hỏi về ý đồ chiến lược của TQ thực tế”.

Ông Meng Xiangqing, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Quốc phòng TQ cho rằng TQ đã nỗ lực rất lớn kể từ khi phát hành sách trắng năm 2005. “GDP TQ đã vượt Nhật Bản và vị thế quốc tế của TQ đã tăng lên mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, TQ cần nói với thế giới một cách thẳng thắn rằng những gì mà TQ đang thực hiện con đường phát triển và cần cho biết điều đó có ý nghĩa thế nào với TQ và thế giới. Đây là lần đầu tiên TQ tuyên bố rõ ràng về 6 lợi ích cốt lõi của TQ. Trong vòng 20 năm qua, TQ chưa có định nghĩa rõ ràng nào về lợi ích quốc gia xét về khía cạnh chính trị và giới học giả. “Đã đến lúc cần nói với nhân dân TQ và thế giới biết đường giới hạn cuối cùng của TQ là gì và điều này rất quan trọng bởi không một lợi ích cốt lõi nào có thể bị thỏa hiệp”.

Phó Hiệu trưởng Trường nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh Wang Yizhou cho biết sách trắng cũng nhằm thống nhất những suy nghĩ trong nước khi có một số luận điệu trong nước yêu cầu TQ cần cứng rắn hơn trên trường quốc tế. Sách trắng sẽ thông báo với công chúng rằng TQ sẽ tiếp tục khiêm nhường và cẩn trọng trong chính sách ngoại giao.

Về khái niệm “lợi ích cốt lõi” trong chính sách đối ngoại Trung Quốc:

Đáng chú ý, ngoài các nội dung trình bày về việc Trung Quốc kiên trì đi con đường phát triển hòa bình; kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập, tự chủ; kiên trì chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự; không xưng bá, không tranh bá… “Sách trắng” năm nay lần đầu tiên làm rõ nội hàm khái niệm “lợi ích cốt lõi” của TQ.

Trong chương về “Chính sách đối ngoại”, “Sách trắng” nêu rõ 6 vấn đề lợi ích cốt lõi bao gồm: Chủ quyền quốc gia; an ninh quốc gia; toàn vẹn lãnh thổ; thống nhất quốc gia; chế độ chính trị và cục diện ổn định xã hội mà Hiến pháp TQ đã quy định; những đảm bảo cơ bản cho phát triển bền vững kinh tế xã hội. Đây là lần đầu tiên chính phủ TQ chính thức ra một văn kiện trong đó xác định và giới hạn rõ nội hàm vấn đề “lợi ích cốt lõi”. Đồng thời, cũng là lần đầu tiên vấn đề “cục diện ổn định xã hội” được đưa vào phạm vi này.

Theo giới phân tích, việc coi “ổn định xã hội” là “lợi ích cốt lõi” cho thấy TQ muốn cảnh báo một số quốc gia và tổ chức bên ngoài không nên mượn vấn đề nhân quyền, pháp trị, tôn giáo để gây áp lực cho TQ.

Vài năm gần đây, trong ngôn ngữ ngoại giao của TQ thường xuyên xuất hiện cụm từ “lợi ích cốt lõi”, tuy nhiên khái niệm này chưa được hệ thống hóa, cách đề cập thường gặp nhất là để chỉ các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng… Đầu năm 2010, theo truyền thông nước ngoài đưa tin, TQ lần đầu tiên đề cập vấn đề Biển Đông như một trong những “lợi ích cốt lõi” của mình, khiến cho Mỹ, Nhật và các nước láng giềng không khỏi quan ngại. Điều này đã làm cho ngoại giao TQ từng rơi vào thế bị động.

Tháng 12/2010, Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc có bài viết tựa đề “Kiên trì đi con đường phát triển hòa bình”, trong đó lần đầu tiên trình bày một cách có hệ thống về khái niệm lợi ích cốt lõi của TQ. Theo ông Đới Bỉnh Quốc, “lợi ích cốt lõi” được hiểu là: (i) Một là thể chế chính trị và ổn định chính trị quốc gia, tức là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ XHCN và con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc; (ii) Hai là an ninh chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước; (iii) Ba là những đảm bảo cơ bản cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế xã hội. Đây là những vấn đề lợi ích không được phép xâm phạm hay phá hoại.

So với phát biểu trên của Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc, “Sách trắng” lần này đã trình bày một cách hoàn thiện và quy phạm hơn về vấn đề lợi ích cốt lõi của TQ. Cơ bản có thể phân thành 3 phạm trù:

(1) Một là chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Tức là chủ quyền lãnh thổ quốc gia không thể bị xâm phạm, xâm lược hay đe dọa; sự nghiệp thống nhất đất nước tất yếu phải hoàn thành; không cho phép các hành động chia cắt đất nước, cụ thể là trong vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng.

(2) Hai là an ninh quốc gia, chế độ chính trị và cục diện ổn định xã hội theo Hiến pháp TQ đã quy định. Tức là không cho phép bên ngoài đe dọa hoặc xâm phạm tới chế độ chính trị mà TQ đã lựa chọn phù hợp với tình hình TQ.

(3) Ba là những đảm bảo cơ bản cho sự phát triển bền vững của kinh tế xã hội, an ninh tiền tệ, ổn định kinh tế v.v…

Giáo sư Chu Phong, Viện Quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh bày tỏ, “lợi ích cốt lõi” trong ngôn ngữ ngoại giao của TQ có một hàm nghĩa đặc thù. Vấn đề mà TQ xem là lợi ích cốt lõi, nhấn mạnh TQ có quyền bảo lưu toàn bộ quyền lựa chọn chính sách, bao gồm cả việc lựa chọn biện pháp vũ lực để giải quyết vấn đề. Việc TQ tuyên bố và nhấn mạnh những vấn đề “lợi ích cốt lõi” trong chính sách ngoại giao, là đặc chỉ những phạm vi trong quan hệ đối ngoại mà trong đó TQ tuyệt đối sẽ không nhượng bộ, không cho phép tranh cãi, không cho phép can thiệp, ví dụ như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương. Tuy nhiên, ông Chu Phong cũng nhấn mạnh, không thể mang nguyên tắc cơ bản về lợi ích cốt lõi quốc gia gom chung với “lợi ích cốt lõi” trong thực tiễn quan hệ đối ngoại, càng không thể mang những vấn đề tranh chấp trong quan hệ quốc tế của Trung Quốc mở rộng thành “lợi ích cốt lõi”. “Quan niệm về lợi ích cốt lõi” là nguyên tắc cơ bản chỉ đạo việc nhận thức và định nghĩa lợi ích quốc gia; còn “cách nói về lợi ích cốt lõi” là phản ứng đặc định trong chính sách ngoại giao đối với những vấn đề cụ thể và xác định, là thực tiễn của “quan niệm về lợi ích cốt lõi” trong chính sách ngoại giao. Nếu như trùm chiếc mũ “lợi ích cốt lõi” lên tất cả những vấn đề trong chính sách đối ngoại thì chỉ làm cho khái niệm “lợi ích cốt lõi” bị suy yếu./.

Nguyên Việt Tổng hợp theo Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa xã, Trung Quốc nhật báo, Thượng Hải nhật báo, Đông Phương buổi sáng