PV: Theo ông, ý định thực sự của Trung Quốc đằng sau hoạt động xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn hiện nay trên Biển Đông là gì?

Malcolm Cook - Nhà nghiên cứu cấp cao Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS): Có nhiều yếu tố, song tôi cho rằng có hai yếu tố quan trọng, mà có thể là quan trọng nhất. Một là yếu tố hoàn toàn mang tính quân sự. Căn cứ tàu ngầm răn đe hạt nhân của Trung Quốc hiện đặt tại căn cứ hải quân thuộc đảo Hải Nam, nằm trên Biển Đông. Vì thế, nó có ý nghĩa rất quan trọng với toàn bộ hệ thống phòng thủ của Trung Quốc. Trung Quốc muốn có cảm giác rằng họ kiểm soát vùng biển xung quanh đảo Hải Nam. Nếu nhìn vào hoạt động cải tạo quy mô lớn mới nhất ở các bãi đá trên Biển Đông, đây là những hoạt động mang tính quân sự và cải tạo nhằm mục đích quân sự, chứ không để đánh bắt cá hay nghiên cứu hoặc cứu hộ. Đó là những cơ sở quân sự sẽ giúp Trung Quốc giành được quyền kiểm soát Biển Đông để củng cố năng lực răn đe hạt nhân. Nếu điều đó đúng, Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp. Yếu tố thứ hai, chắc chắn việc Philippines đệ đơn kiện lên trọng tài quốc tế có thể đẩy nhanh chương trình cải tạo lấn biển của Trung Quốc, thậm chí ngay cả khi phán quyết đưa ra không có lợi cho họ, có thể vào năm sau. Tình thế sẽ thay đổi đáng kể vào lúc đó, và vì thế phán quyết sẽ không còn phù hợp nữa. Do vậy, tôi cho rằng yếu tố quân sự là rất mạnh mẽ và chắc chắn vụ kiện của Philippines đã làm tăng tốc hoạt động cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc. Tôi cho rằng dù sao họ cũng sẽ làm, nhưng vụ kiện của Philippines có thể làm họ bẽ mặt và tăng tốc chương trình đó.

Ông Collin Koh – Nhà nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS): Nếu nói về vấn đề cải tạo lấn biển, chúng ta cần phải đề cập đến các bên liên quan trước. Đầu tiên và trước nhất là Trung Quốc, bởi quy mô hoạt động cải tạo của họ là chưa từng có. Chưa từng có trước tiên là ở việc họ huy động các nguồn lực để cải tạo nhiều thực thể cùng một lúc đến vậy, vượt xa so với hoạt động cải tạo đang được thực hiện bởi các bên tranh chấp khác. Nói về việc thực hiện cải tạo như vậy, chúng ta cần phải tự đặt câu hỏi rằng ý định của Trung Quốc là gì, ý định của các bên tranh chấp là gì trước tiên. Có người nói hoạt động cải tạo này cho phép tuyên bố chủ quyền tại đó. Tôi không nghĩ vậy, bởi UNCLOS không công nhận việc lấy đảo nhân tạo để đưa ra tuyên bố chủ quyền. Người ta không thể tuyên bố vùng biển chủ quyền đối với các đảo nhân tạo, theo UNCLOS. Mục đích duy nhất để sử dụng các đảo nhân tạo đó thuần túy chỉ là để nhằm kiểm soát hiệu quả việc thực thi quyền chủ quyền. Vì thế, nhiều khả năng đây là hoạt động bất hợp pháp chính trị. Hoạt động cải tạo phụ thuộc vào bên liên quan là ai và mục đích thực hiện nó là gì. Với Philippines, đó không phải là hoạt động cải tạo mà là hoạt động sửa chữa đảo Pagasa, hay trong trường hợp Việt Nam cũng là hoạt động cải tạo. Trong mọi trường hợp, rất có thể đây đều là những hoạt động củng cố rõ ràng tuyên bố chủ quyền của mình, và để duy trì hiện trạng. Song, trong trường hợp Trung Quốc, tôi cho rằng quy mô của họ lớn hơn nhiều. Nó sẽ cho phép Trung Quốc có vị thế tốt hơn để thực thi quyền kiểm soát đối với Biển Đông. Nếu nhìn lại những tuyên bố trước đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, họ tuyên bố những đảo nhân tạo này cũng phục vụ mục đích dân sự. Song, chúng ta cũng có thể đặt ra vấn đề rằng, nó có thể vì mục đích dân sự song cũng có thể vì mục đích quân sự. Quy mô xây dựng của Trung Quốc ở các đảo đó có thể được sử dụng cho máy bay dân sự, cũng như cho máy bay quân sự, có thể được sử dụng để tàu dân sự cập cảng, song cũng có thể trở thành khu vực hậu cần cho tàu cảnh sát biển và hải quân. Vì thế, hoạt động này có tác động rất lớn. Nếu đánh giá trong trường hợp này, hoạt động cải tạo đó sẽ cho phép Trung Quốc phô diễn sức mạnh tốt hơn ở Biển Đông. Dĩ nhiên, câu hỏi tự đặt ra sau đó là Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo? ADIZ chăng? Có khả năng như vậy. Tôi không nói là Trung Quốc xây đảo với mục đích thiết lập ADIZ, mà ý tôi là hoạt động cải tạo là một lựa chọn cho Trung Quốc để thiết lập ADIZ nếu họ muốn.

Ông Lê Hồng Hiệp – Nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS): Về hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, đây là việc làm đã có tính toán từ trước phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Mục đích đầu tiên là để nhằm hiện thực hóa các yêu sách của mình trên Biển Đông, họ đã tạo ra các thực tế trên thực địa và theo thời gian nó sẽ trở thành điều bình thường. Sự hiện diện của Trung Quốc trên Biển Đông, cụ thể là khu vực Trường Sa, vốn trước đây là khu vực hiện diện của Trung Quốc còn tương đối mỏng và yếu, thì sau những diễn tiến gần đây sẽ thấy sự hiện diện của Trung Quốc được tăng cường và giúp củng cố hơn nữa những yêu sách của Trung Quốc ở trên Biển Đông, cụ thể là khu vực Trường Sa. Thứ hai, như nhiều người đã nói tới là có thể thông qua hành động xây dựng các đảo nhân tạo này, Trung Quốc sẽ có cơ sở để hiện thực hóa các kế hoạch tham vọng của mình trong tương lai nhằm thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở khu vực Trường Sa. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết cụ thể Trung Quốc sẽ chính thức tuyên bố khi nào, nhưng với các diễn biến gần đây, đặc biệt là các cơ sở, các trang thiết bị quân sự mà Trung Quốc sẽ lắp đặt trên các đảo nhân tạo này giúp cho việc tuyên bố thành lập ADIZ sẽ trở nên khả thi hơn. Chúng ta không nên quá bất ngờ nếu trong tương lai gần Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ như vậy. Cũng có ý kiến cho rằng hành động của Trung Quốc nhằm đối phó với việc Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án thường trực trọng tài quốc tế La-hay. Mục đích của Trung Quốc xây dựng các đảo này làm thay đổi nguyên trạng các đảo đá trong khu vực Trường Sa và làm cho việc xác định tính chất, bản chất của các cấu trúc trên các đảo đá này ở trên khu vực Trường Sa sẽ khó khăn hơn đối với các trọng tài.

PV: Như vậy, hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc rất có thể nhằm mục đích thiết lập một ADIZ trên Biển Đông. Quan điểm của ông như thế nào về khả năng này?

Ông William Choong - Nhà nghiên cứu cấp cao Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS): Tôi nghĩ rằng vấn đề Biển Đông giống như người ta để sục điện trong bình nước và nước sẽ sôi âm ỉ. Tôi cho rằng chiến lược Biển Đông của Trung Quốc mà họ đang thực hiện giống như một sục điện và bình nước chính là Biển Đông và những thực thể mà chúng ta thấy ở vùng biển xa này. Trung Quốc đang thúc đẩy chiến lược mà họ gọi là “gặm dần” ở Biển Đông, nơi họ đang tiếp tục cải tạo lấn biển ở 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Và họ đang dần củng cố các thực thể này bằng cách đưa khí tài quân sự ra đó như máy bay, radar, máy phát điện và những khí tài biến các thực thể đó sẵn sàng cho mục đích quân sự. Đây là sự mở rộng logic, vì thế không mấy ngạc nhiên nếu Trung Quốc rốt cuộc sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở 7 thực thể thuộc Trường Sa đó. Song, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không nghĩ đến vấn đề này trong ngắn hạn, trong vài tháng tới, nhưng có thể trong trung hạn, trong 3-5 năm. Và đó sẽ là vấn đề rất quan trọng với các nước trong khu vực.

Malcolm Cook: Nếu anh nhìn lại sự kiện mới đây khi Mỹ cho máy bay bay trên Biển Đông, tàu của Trung Quốc liên quan đến hoạt động cải tạo trên Biển Đông đã liên lạc vô tuyến với máy bay Mỹ, thông báo rằng họ đang ở trong lãnh thổ Trung Quốc. Vì thế, ngay cả khi Bắc Kinh không thông báo về một ADIZ chính thức, tôi cho rằng họ muốn thiết lập một khu vực như vậy trên thực tế và hoạt động cải tạo lấn biển đang tạo ra một đường băng quân sự khoảng 3 km và cơ sở đồn trú cho tàu sân bay. Rõ ràng đây là cơ sở quân sự. Trung Quốc muốn làm điều gì đó với những cơ sở này. Vì thế, ngay cả khi Trung Quốc không chính thức tuyên bố ADIZ ở Biển Đông bởi họ sẽ vấp phải rất nhiều chỉ trích, họ có thể áp đặt một khu vực như vậy mà không thông báo. Đó là một lo ngại.

PV: Vậy trong trường hợp Trung Quốc thực sự thiết lập một ADIZ trên Biển Đông, các nước ASEAN và Mỹ, Nhật Bản sẽ phản ứng như thế nào?

William Choong: Nếu Trung Quốc xúc tiến kế hoạch lập ADIZ ở Trường Sa, nó sẽ gây tác động rất lớn đến việc các nước ASEAN nhìn nhận mình thế nào trong khu vực, tác động rất lớn đến Mỹ, Nhật Bản về vấn đề Biển Đông. Và tôi cho rằng vẫn chỉ đang là giả định về phương thức cụ thể mà Trung Quốc sẽ áp đặt ADIZ cũng như liệu Trung Quốc có cho phép các máy bay đơn thuần bay qua ADIZ đó hay từ Biển Đông hướng đến Trung Quốc hay không. Vì thế, chúng ta sẽ không thể biết được những chi tiết này cho đến khi Trung Quốc thông báo về ADIZ đó. Song, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ phải đánh giá tác động của hành động như vậy một cách rất cẩn trọng, trong bối cảnh họ đã gây ra rất nhiều quan ngại trong khu vực liên quan đến hành động cải tạo lấn biển của họ ở Trường Sa.

Malcolm Cook: Cuối năm 2013, Trung Quốc đã khiến tất cả bất ngờ khi đơn phương thông báo thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông, rằng mọi người sẽ phải thông báo cho họ trước khi bay qua và phải được phép. Mỹ đã rất nhanh chóng điều máy bay B52 bay qua và Trung Quốc đã chẳng làm gì. Tôi cho rằng điều này chính xác là những gì Mỹ muốn thể hiện rằng quan điểm tự do hàng hải của họ, vốn khác biệt với Trung Quốc, vẫn sẽ được duy trì ở Biển Đông. Và tôi cho rằng Trung Quốc sẽ chỉ “vui vẻ” bắt nạt các nước nhỏ hơn như Việt Nam hay Philippines. Đến nay họ chưa sẵn sàng thách thức trực tiếp Mỹ. Tôi cho rằng có rất nhiều lý do để tin rằng Mỹ sẽ kiểm tra sự tự do hàng hải ở Biển Đông và người Trung Quốc sẽ chỉ phản đối chứ không tìm cách ngăn chặn Mỹ.

Collin Koh: Có thể nhìn vào những gì xảy ra ở biển Hoa Đông sau khi Trung Quốc thông báo thiết lập một ADIZ tại đây vào tháng 11/2013, Nhật Bản và Mỹ cho máy bay bay qua vùng ADIZ này, chứng minh rằng họ không công nhận ADIZ đó và không muốn hoạt động của họ tại đây bị ADIZ đó kiềm chế. Họ muốn chứng minh rằng bất chấp Trung Quốc làm gì, họ vẫn sẽ bay qua khu vực đó. Và không ai ngăn họ cả. Tôi cho rằng sẽ có phản ứng tương tự ở Biển Đông với Mỹ, khi máy bay P-8 tiếp tục tuần tra ở khu vực này. Tôi cũng cho rằng có khả năng Nhật Bản sẽ cùng Mỹ tuần tra chung trên Biển Đông. Họ sẽ để máy bay bay qua khu vực đó. Song, với ASEAN, tôi cho rằng sẽ không có phản ứng lớn từ ASEAN. Tôi cho rằng không quốc gia ASEAN nào muốn một cuộc đối đầu rõ ràng, thậm chí ngay cả Manila với những tuyên bố mạnh mẽ nhất nhằm vào Trung Quốc. Tôi không cho rằng Manila muốn rủi ro đối đầu với Trung Quốc và trong mọi trường hợp, Manila sẽ rất khó để thách thức Trung Quốc. Trung Quốc thiết lập ADIZ bởi Philippines không có năng lực cần thiết để làm vậy. Và với những nước không có tranh chấp, như Singapore, tôi không cho rằng điều đó là một vấn đề. Singapore sẽ tiếp tục tuần tra quân sự ở Biển Đông. Đó là lý do tại sao tình thế ở Biển Đông là rất phức tạp để Trung Quốc thiết lập ADIZ, dù cho họ có khả năng như vậy. Song, những gì Trung Quốc làm hiện nay là trên những đảo đó xây dựng đường băng, khi họ cần thực hiện chủ quyền họ sẽ thực hiện nó. Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh vật lý, họ có thể thực hiện ADIZ nếu muốn. Câu hỏi tự đặt ra tiếp theo là ý chí để thực hiện nó. Hiện nay họ có ý định làm điều đó. Nếu họ có động lực áp đặt ADIZ, họ cần biết rằng nó sẽ khiêu khích một loạt phản ứng từ những quốc gia không có tranh chấp và có tranh chấp. Nó có khả năng tách biệt Trung Quốc với một số quốc gia ASEAN và có khả năng cho Mỹ và Nhật Bản một lý do hợp lý để can dự vào Biển Đông. Vì thế, tôi cho rằng đây là những lý do chiến lược mà Trung Quốc cần quan tâm.

PV: Lập trường chính thức của Singapore về tranh chấp trên Biển Đông là như thế nào?

Collin Koh: Lập trường của Singapore là rất nhất quán. Singapore không có tranh chấp. Singapore không về phe nào trong tranh chấp này. Đây là một vấn đề luật pháp và chính trị phức tạp mà tôi không cho rằng Singapore muốn chọn phe. Chính sách nhất quán của Singapore là hợp tác và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Singapore hiện đang ở vị trí tốt để làm như vậy. Singapore không phải bên tranh chấp, vẫn là một nước trung lập, song những gì mà chính sách của Singapore có thể mang lại là hạn chế. Điều này thúc đẩy lập trường không chọn phe hiện nay, bởi Singapore dựa vào ASEAN. ASEAN là một dấu mốc nền tảng trong chính sách đối ngoại của Singapore. Vậy quan điểm của Singapore về việc giải quyết tranh chấp này như thế nào? Vấn đề quan trọng nhất với Singapore là tự do hàng hải, mà xét trên khía cạnh này không mấy khác biệt với việc Nhật Bản nhìn nhận về Biển Đông cũng như không hoàn toàn cấp tiến hơn cách người Mỹ nhìn nhận về Biển Đông, thậm chí, với các nước không có tranh chấp khác nhưng phụ thuộc vào tuyến đường vận tải hàng hải qua Biển Đông. Vì vậy, vị thế của Singapore là duy nhất. Họ là thành viên ASEAN, họ có quan hệ chặt chẽ với Mỹ, với Trung Quốc, họ không chọn phe, và có những lý do và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông. Vì thế, tất cả các yếu tố này tạo ra vị trí ở giữa cho Singapore. Chúng tôi không chọn phe, không tuyên bố chủ quyền và chỉ quan tâm đến tự do hàng hải. Đó là lập trường của Singapore và tôi không cho rằng nó sẽ thay đổi trong tương lai gần.

PV: Vậy nếu trong trường hợp tranh chấp hiện nay leo thang đến mức làm gián đoạn tuyến vận tải biển qua Biển Đông, Singapore sẽ phản ứng ra sao?

Collin Koh: Dĩ nhiên có kịch bản như vậy, rất có khả năng xảy ra xung đột giữa các nước có tranh chấp. Nếu xảy ra một cuộc xung đột, tôi cho rằng rất có khả năng nó sẽ nhanh chóng xuống thang, bởi Trung Quốc không muốn mạo hiểm làm gián đoạn tuyến vận tải biển bởi như thế sẽ có thêm nhiều bên tham gia vào cuộc xung đột này. Đó là một kịch bản. Có một kịch bản khác, như anh nói, Trung Quốc thực sự làm gì đó gián đoạn tuyến vận tải biển. Tôi cho rằng lập trường của Singapore vẫn là ngoại giao. Song, tôi không cho rằng nó chỉ đơn thuần là biện pháp ngoại giao như mọi người nhìn nhận. Ngoại giao cũng có nghĩa là quyết đoán thể hiện trách nhiệm của mình. Ngoại giao không có nghĩa chỉ là đưa ra những tuyên bố, hay tham gia thảo luận. Còn có một loại ngoại giao khác. Đó là “ngoại giao chiến hạm”. Theo đó, người ta có thể thấy Singapore đưa tàu chiến tuần tra khu vực, để chứng tỏ rằng chúng tôi kiên quyết bảo vệ tự do hàng hải chứ không phải giúp đỡ bất kỳ quốc gia có tranh chấp hoặc không có tranh chấp nào. Và tàu chiến Singapore sẽ vẫn ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông. Đó là phản ứng trong thời bình. Song, ở thời chiến thì mọi chuyện hoàn toàn khác biệt, chúng ta sẽ thấy Singapore có những hoạt động mạnh mẽ hơn. Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là một thời bình với mức độ căng thẳng thấp, chủ yếu các bên phô diễn sức mạnh với sự hậu thuẫn của hoạt động ngoại giao.