Dù phần lớn những mục tiêu dễ nhất trong hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước đã được giải quyết, song các vấn đề gây tranh cãi như việc tiếp cận thị trường, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, và tài sản trí tuệ vẫn đang được các bên thương thảo nhằm hoàn tất thỏa thuận tại vòng đàm phán chính thức diễn ra ở Singapore vào tháng 12 tới.

Bất chấp thực tế rằng chưa có bất kỳ đột phá lớn nào đạt được trong vòng thương thảo mới nhất vào đầu tháng 10/2013, song các nhà đàm phán nhìn chung vẫn lạc quan khi đề cập đến triển vọng kết thúc đàm phán TPP vào cuối năm nay. Trong tuyên bố đưa ra bên lề hội nghị APEC ở Bali (Indonesia), lãnh đạo các nước TPP đã nêu bật “những tiến triển đáng kể” trong các lĩnh vực, cam kết giải quyết tất cả các vấn đề tồn đọng vào cuối năm. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên cảnh báo “không ai trong chúng tôi ở đây đồng ý ký một thỏa thuận tồi tệ chỉ để đáp ứng thời hạn chót. Quan điểm chung rằng đây là thỏa thuận tham vọng song có thể đạt được”.

Tham vọng có thể chỉ là một hành động nói tránh về những thách thức còn tồn đọng. Với thời hạn chót trước mắt, các hội nghị hòa giải có thể được tổ chức giữa nhiều quốc gia quan trọng để giải quyết những điểm mấu chốt. Hội nghị trong tuần trước đã tập trung vào quy định xuất xứ, trong khi các cuộc đàm phán trong tuần qua và tuần tới sẽ tập trung vào vai trò của doanh nghiệp nhà nước và mua sắm công của chính phủ. Đây là những vấn đề gây quan ngại lớn nhất với những nước như Malaysia và Việt Nam, khi họ bày tỏ nghi ngại ngày càng tăng trong các vòng đàm phán gần đây. 

Quy định xuất xứ chặt chẽ hơn theo TPP, yêu cầu các bên phải tuân thủ một quy định (theo đó, mọi sản phẩm ngay từ đầu phải được sản xuất bởi các nước trong TPP), đang gây quan ngại đặc biệt với Việt Nam, khi mà 75% nguyên liệu thô ngành dệt may trong nước có xuất xứ từ nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại về cách tiếp cận của TPP với doanh nghiệp nhà nước (ước tính chiếm tới 40% GDP) mà cũng đang được Malaysia chia sẻ. Theo Kuala Lumpur, cách tiếp cận này sẽ cản trở chính sách mua sắm công hiện ưu đãi các doanh nghiêp nhà nước Malaysia.

Bên cạnh các cuộc đàm phán kể trên, Mỹ và Nhật Bản cũng đang đàm phán song phương bên lề khi hai nền kinh tế lớn nhất của thỏa thuận thương mại tương lai này tìm cách đạt được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Sau cuộc gặp gần đây nhất, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ra thông báo rằng các cuộc đàm phán “đã đạt được một số tiến triển, dù vấn đề quan trọng vẫn còn tồn đọng, đặc biệt trong lĩnh vực ôtô”. Trong khi đó, sự phản đối một số lĩnh vực trong TPP vẫn là rất lớn ở Nhật Bản. Một bài xã luận mới đây đăng trên "Thời báo Nhật Bản" cảnh báo chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe cần “thực thi nghĩa vụ với dư luận bằng cách công bố thông tin tối đa để tăng tính minh bạch trong đàm phán” trước khi dẫn thống kê chi tiết về hoài nghi của dư luận đối với các vấn đề về thuế quan nông sản, tài sản trí tuệ và an toàn thực phẩm của TPP.

Dư luận sẽ theo dõi sát sao khi các bộ trưởng TPP nhóm họp bên lề một hội nghị của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) diễn ra ở Bali bắt đầu từ ngày 3/12 và tại Singapore vào ngày 7/12 trong vòng đàm phán chính thức tiếp theo. Tuy nhiên, thành công hay thất bại của 7 hội nghị diễn ra trong thời gian một tháng (từ ngày 28/10-24/11) sẽ được coi là động lực chính để đảm bảo rằng triển vọng kết thúc đàm phán TPP trước cuối năm nay sẽ là khả thi.

Theo "The Diplomat"

Thùy Anh (gt)