Nước hữu quan có quyền hoạch định vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nhưng không được mở rộng quyền quản lý của mình lên lãnh thổ của Trung Quốc, và càng không có quyền lấy lý do về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa để xâm chiếm các bãi, đảo và vùng biển do Trung Quốc đang quản lý. Trong tình hình phức tạp như hiện nay, Trung Quốc phải có chiến lược phát triển biển, hoạch định và đưa vào lập pháp “Luật biển cơ bản” làm chỗ dựa pháp lý mạnh mẽ cho việc thực hiện các công việc về biển và bảo vệ lợi ích biển đang không ngừng mở rộng, xây dựng cơ chế và đối sách hữu hiệu. Bước sang thế kỷ 21, biển từng bước trở thành vũ đài quan trọng trong đấu tranh chính trị, kinh tế và quân sự trên thế giới, sự phát triển của xã hội loài người phát triển ngày càng lệ thuộc vào biển. Trong bối cảnh đó, lãnh thổ biển có tầm quan trọng hiện thực hết sức to lớn đối với sự tồn tại và phát triển của Trung Quốc, trở thành một trong những tuyến sinh mệnh quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của Trung Quốc trong tương lai. Chiến lược biển là một bộ phận trong chiến lược quốc gia, thực thi chiến lược biển đã trở thành nhận thức chung của các quốc gia biển. Trên bình diện quốc gia, chiến lược biển phải bao gồm đủ các nội dung về bảo vệ quyền và lợi ích biển, đảm bảo an ninh quốc gia, phát triển nguồn tài nguyên biển một cách khoa học, bảo vệ môi trường sinh thái biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển và phát triển biển bền vững v.v... 

Ngay từ những năm 90 thế kỷ trước, Hội nghị công tác biển toàn quốc đã xác định phải “lấy phát triển kinh tế biển làm trung tâm”. Sau đó kinh tế biển luôn phát triển với tốc độ cao hơn tốc độ bình quân của nền kinh tế đất nước. Có thể nói biển đã trở thành một phần sinh lực để nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia. 

Năm 2003 Quốc vụ viện (Chính phủ) đã ban hành “Thông tri về Đề cương quy hoạch phát triển kinh tế biển toàn quốc”. Năm 2005, Quy hoạch 5 năm lần thứ 11 đã công bố kiến nghị liên quan đến kinh tế biển, Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 năm 2010 cũng có kiến nghị về “phương châm trăm chữ” về phát triển kinh tế biển – “Quy hoạch cả trên đất liền và biển, hoạch định và thực thi phương hướng chiến lược phát triển biển, nâng cao năng lực phát triển, kiểm soát và quản lý biển toàn diện. Quy hoạch một cách khoa học các ngành kinh tế biển, phát triển dầu khí biển, vận tải biển, nghề cá biển…, phát triển và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển, tăng cường xây dựng các cảng cá, bảo vệ hải đảo, dải bờ biển và môi trường sinh thái biển. Đảm bảo an ninh đường vận tải biển, bảo vệ quyền và lợi ích biển”. Những phương châm chính sách như vậy đều đánh dấu kinh tế biển đã được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia Trung Quốc, trở thành một bộ phận quan trọng của chiến lược đó. 

Xét về chiến lược lâu dài, kinh tế biển là không gì có thể thay thế được. Xét theo chỉ số tài nguyên tính theo đầu người thì Trung Quốc là nước đất rộng tài nguyên không rộng, nguồn tài nguyên nước ngọt tính theo bình quân đầu người chỉ bằng 1/4 mức trung bình của thế giới. Bước vào thế kỷ 21, trong 45 loại khoáng sản chủ yếu có quan hệ mật thiết với phát triển kinh tế quốc dân, 1/2 số lượng không đạt yêu cầu, nguồn tài nguyên dầu khí trên lục địa đã được xác minh cũng sẽ cạn kiệt trong một vài năm tới; khó khăn về thiếu hụt điện lực vẫn chưa có gì đột phá. 
Biển là kho báu tài nguyên lớn hơn đất liền nhưng chưa được khai thác nhiều. Thông qua phát triển kinh tế biển, thực hiện làm ngọt hóa nước biển và trực tiếp sử dụng nguồn nước biển. Lợi dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, hợp chất băng cháy, nhiều loại kim loại kết hạt dưới đáy biển. Tách các loại tài nguyên chiến lược như urani, nước nặng từ nước biển. Lợi dụng thủy triều và dòng hải lưu để phát điện. Có thể nói, phát triển kinh tế biển là điểm tựa quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu hụt tài nguyên trên đất liền. 
Những năm gần đây, các nước đã tăng cường chiến lược biển, mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước láng giềng về lợi ích biển trở nên gay gắt và phức tạp hơn, ngoài những vấn đề về chủ quyền đối với các bãi, đảo, phân định ranh giới biển, tranh chấp tài nguyên biển và môi trường sinh thái biển, Trung Quốc còn phải đứng trước những thách thức mới về hoạch định đường biên giới thềm lục địa 200 hải lý, an ninh đường biển và các phần tử khủng bố trên biển. Từ đầu năm đến nay, một số nước bên cạnh không ngừng gây hấn, tranh chấp lợi ích biển tăng lên, khiến việc bảo vệ lợi ích biển đặt trước nhiều thách thức hơn. 

Trong tình hình phức tạp như hiện nay, để bảo vệ thiết thực quyền và lợi ích biển, Trung Quốc phải xây dựng chiến lược phát triển biển, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Phải xuất phát từ chiến lược và chính sách phát triển biển để thiết kế, tăng cường xây dựng khả năng bảo vệ chủ quyền biển, xây dựng cơ chế đáp ứng cấp thiết việc bảo vệ chủ quyền biển và xây dựng đề án, đối sách hữu hiệu, bám sát và quan tâm tới các hoạt động của nước bên cạnh, kịp thời, kiên quyết đáp trả các hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước đó. 

I- Hiện trạng phức tạp 

Theo “Công ước Liên hợp quốc về luật biển” (UNCLOS), nước ven biển có quyền hoạch định biên giới thềm lục địa bên ngoài 200 hải lý. Trong số các nước ở cạnh Trung Quốc, Việt Nam, Malaixia, Philíppin, Brunây, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã nộp lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc hồ sơ hoặc những thông tin sơ bộ về ranh giới thềm lục địa của họ, trong đó hồ sơ của Việt Nam và Malaixia về ranh giới thềm lục địa ở vùng phía Nam Biển Đông, hồ sơ của Việt Nam về ranh giới phía Bắc và Trung bộ Biển Đông, cũng như những thông tin sơ bộ đã giao nộp của các nước ở cạnh Trung Quốc đều đã xâm hại nghiêm trọng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc; Hồ sơ của Nhật Bản thông qua xuyên tạc điều khoản hữu quan trong “UNCLOS”, đề xuất chủ trương vô lý về khu vực biển xung quanh đảo san hô Okinotori, xâm chiếm khu vực đáy biển quốc tế vốn là tài sản chung của thế giới. 

Nguồn tài nguyên dầu khí biển của Trung Quốc bị nước láng giềng khai thác triệt để theo lối tranh cướp. Tư liệu cho thấy các nước cạnh Biển Đông như Việt Nam, Philíppin, Malaixia đã hợp tác với hơn 200 công ty phương Tây như Exxon Mobil… khoan thăm dò hơn 1.300 giếng dầu, sản lượng khai thác mỗi năm lên đến 50 triệu tấn dầu. Một số nước bên cạnh đã ngang nhiên cướp đoạt nguồn dầu khí của Trung Quốc, nhưng lại ngang ngược chỉ trích Trung Quốc thăm dò khai thác ở vùng biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc. Đấu tranh pháp lý đã trở thành hình thức đấu tranh mới cho quyền và lợi ích biển. Một số nước bên cạnh coi “đấu tranh pháp lý” là con đường chủ yếu trong việc “bảo vệ quyền lợi trên biển”, thông qua xuyên tạc UNCLOS để tung ra các loại “chứng cứ lịch sử” chứng minh cho cái gọi là chủ quyền và quyền quản lý của họ, nhằm có được lợi ích tối đa mà chỉ phải trả giá tối thiểu. Việt Nam coi việc công kích chủ trương về đường đứt đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông là điểm nắm bắt chủ yếu, đồng thời đã thông qua “Luật biển Việt Nam” vào ngày 21 tháng 6 năm 2012, đưa các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào phạm vi của cái gọi là “chủ quyền” và “phạm vi quản lý” của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Ngày 2 tháng 3 năm 2012 Nhật Bản công bố tên gọi của 39 hòn đảo trong đó có 9 đảo là thuộc đảo Điếu Ngư của Trung Quốc. Gần đây thế lực cánh hữu Nhật Bản còn ra sức đẩy mạnh mưu đồ “mua đảo” của Tôkyô, Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch “quốc hữu hóa” đảo Điếu Ngư. “Dự luật về đường cơ sở lãnh hải” được Philíppin công bố tháng 9 năm 2009 đưa đảo Hoàng Nham và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa cũng như các vùng biển thuộc các đảo đó vào cái gọi là phạm vi quản lý của họ, sau đó lại đổi tên Biển Đông thành “Biển Tây Philíppin”. Mục đích của những việc làm nói trên là nhằm biến những vùng lãnh thổ vốn có của Trung Quốc mà họ đã chiếm được thành “chủ quyền” hợp pháp bằng pháp luật của quốc gia. Việt Nam và Philíppin còn tuyên bố phải đưa tranh chấp Biển Đông ra giải quyết ở Tòa án quốc tế. 

Đồng thời, các nước lớn ngoài khu vực đã lớn tiếng can thiệp và thúc đẩy “khu vực hóa” vấn đề Biển Đông. Mỹ lấy cớ “tự do hàng hải và an ninh hàng hải ở Biển Đông” can thiệp công việc biển ở các nước cạnh Trung Quốc, không ngừng tăng cường quan hệ đồng minh với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Philíppin, kích động các nước ASEAN liên kết đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Mỹ lớn tiếng về chủ trương chiến lược “trở lại châu Á – Thái Bình Dương”, đồng thời vào đầu tháng 6 chính thức tuyên bố sẽ phối hợp bố trí quân sự với các nước này, ra sức tạo dựng “Thế kỷ Thái Bình Dương” của Mỹ. Nhật Bản cũng không chịu im lặng mà tích cực can dự vào công việc Biển Đông, đề nghị thành lập khuôn khổ đa phương để giải quyết tranh chấp, cam kết tăng cường hợp tác với các nước ASEAN trong lĩnh vực an ninh biển. Ấn Độ cũng thông qua phương thức hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông để can dự vấn đề. Việt Nam và Philíppin tăng cường quan hệ với nước lớn ngoài khu vực, không chỉ cố gắng hình thành quan hệ phối hợp đan chéo nhau, mà cũng luôn khuyến khích ASEAN “dựa vào nhau để cùng có lợi”, liên kết đối đầu với Trung Quốc, nhằm đưa vấn đề Biển Đông vào diễn đàn đa phương, muốn “khu vực hóa” và “quốc tế hóa” vấn đề. 

II- Nguyên nhân khiến tranh chấp gia tăng 

Từ đầu thế kỷ mới đến nay, biển trở thành vũ đài quan trọng trong đấu tranh chính trị, kinh tế và quân sự trên thế giới, xã hội loài người phát triển ngày càng lệ thuộc vào biển. An ninh biển liên quan đến an ninh quốc gia. Vì thế, cuộc đấu tranh về biển đã phát triển thành cuộc tranh đoạt chiến lược, trong đó trung tâm là không gian biển và tài nguyên biển, liên quan đến sự tồn tại và phát triển của dân tộc, cuộc đấu giữa bảo vệ và tranh chấp ngày càng gay gắt. 

Chính phủ và dân chúng các nước ngày càng trông chờ vào vai trò và giá trị của lãnh thổ biển trong sự phát triển của nước mình. Chính phủ và chính đảng các nước coi việc củng cố và mở rộng lãnh thổ biển là điều kiện quan trọng để tranh thủ lòng dân, làm tăng vốn liếng chính trị của mình, vì thế các nước, điển hình là Philíppin và Việt Nam đã không ngừng có hành động gây hấn, công khai thách thức chủ quyền lãnh thổ biển của Trung Quốc. 

Trong khi tài nguyên đất liền giảm đi và mức độ khai thác tài nguyên biển tăng lên, ảnh hưởng của biển đối với kinh tế toàn cầu cũng ngày càng tăng thêm. Các nước sẽ ngày càng coi trọng khai thác và sử dụng tài nguyên biển, thông qua mở rộng phạm vi quản lý biển tiến thêm một bước củng cố và mở rộng lợi ích liên quan đến tài nguyên biển. Khu vực Đông Á và Đông Nam Á cạnh Trung Quốc là khu vực phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới. Việc phát triển và sử dụng nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là nguồn dầu khí đã trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế ở Đông Nam Á. Nguồn dầu mỏ của các nước như Malaixia, Philíppin, Việt Nam, Brunây hầu như toàn bộ được sản xuất từ biển. Nguồn dầu khí phong phú của biển chính là nguyên nhân trực tiếp khiến cho các nước cạnh Trung Quốc củng cố “chủ quyền Biển Đông” vững chắc hơn, tăng cường chiếm lĩnh và quản lý các đảo và vùng biển của họ. 

Quy chế về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định trong UNCLOS đã quy định nước ven biển có quyền hoạch định vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, quy chế này được một số nước bên cạnh coi là cơ hội cuối cùng để mở rộng phạm vi vùng biển dưới sự quản lý của họ, có được không gian và nguồn tài nguyên biển trên diện rộng cũng như kiểm soát được không gian và nguồn tài nguyên trên diện rộng đó. Vì thế, bất chấp sự thực và căn cứ pháp lý của Trung Quốc về các quần đảo Hoàng và Trường Sa từ trước đến nay đều vốn là lãnh thổ của Trung Quốc, Philíppin và Việt Nam lật lọng, hoạch định Hoàng, Trường Sa vào phạm vi “quản lý” của họ, nhằm có được nguồn tài nguyên phong phú đang tàng trữ ở Biển Đông. 

Điều cần nói rõ là “Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS)” đã đem lại cho các nước quyền lợi theo luật biển mới để “thiết lập một trật tự pháp luật về biển”, nhưng cũng đồng thời quy định: “Những việc mà UNCLOS chưa quy định, cần phải tiếp tục lấy những quy tắc và nguyên tắc trong luật quốc tế thông thường làm căn cứ chuẩn mực”. Cũng có thể nói, UNCLOS chưa hề phá vỡ trật tự pháp luật biển đã có, cũng không làm tổn hại đến lợi ích biển đã có của các nước. Nước hữu quan có quyền hoạch định vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nhưng không được mở rộng quyền quản lý biển của mình chồng lên lãnh thổ của Trung Quốc, lại càng không có quyền lấy lý do về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo chủ trương của họ để xâm chiếm các bãi, đảo và vùng biển trong phạm vi chủ quyền do Trung Quốc quản lý. 
Mấy năm gần đây, tình hình thế giới có những thay đổi lớn. Cùng với sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, tiếng nói và ảnh hưởng trong các công việc quốc tế tăng lên, thực tế này không tránh khỏi dẫn đến sự quan tâm của nước lớn ngoài khu vực và các nước xung quanh. Xuất phát từ chiến lược toàn cầu của mình, đặc biệt là chiến lược châu Á – Thái Bình Dương, lấy lý do “an ninh hàng hải”, Mỹ đã chuyển trọng tâm chiến lược sang phía Đông, đề ra chiến lược “trở lại châu Á – Thái Bình Dương”, lôi kéo các nước Đông Nam Á cùng đối phó với “mối đe dọa” từ Trung Quốc, kiềm chế Trung Quốc phát triển để giữ địa vị bá chủ trên thế giới. Các nước lớn khác như Nhật Bản, Ấn Độ muốn nhúng tay vào các công việc ở xung quanh Trung Quốc, mở rộng ảnh hưởng của họ ở khu vực, thu được lợi ích về địa chính trị và địa kinh tế. 

III- Bảo vệ chủ quyền hợp lý, hợp pháp 

Trong tình hình phức tạp như hiện nay, để bảo vệ lợi ích biển của Trung Quốc, trước hết phải hoạch định chiến lược phát triển biển, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Trên cơ sở chiến lược và chính sách phát triển biển, Trung Quốc cần có sự thiết kế tầm cao, nâng cao năng lực bảo vệ, xây dựng cơ chế và đối sách đáp ứng cấp thiết để bảo vệ chủ quyền biển hữu hiệu, theo dõi sát mọi hoạt động và xu hướng của các nước lân cận, đáp trả một cách kịp thời, kiên quyết và có hiệu quả các hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước xung quanh. 

Thứ hai, nhanh chóng hoạch định và cho ra đời luật biển cơ bản của Trung Quốc. Trước mắt, hệ thống pháp luật cơ bản về biển của Trung Quốc đã sơ bộ được xây dựng, phát huy vai trò đảm bảo hữu hiệu, tích cực trong phát triển sự nghiệp biển, nhưng tính toàn cục và tính tổng thể chưa mạnh, không thể dùng làm chỗ dựa pháp lý mạnh mẽ để thực hiện các công việc về biển và bảo vệ lợi ích biển đang không ngừng mở rộng. Xét tính chất nghiêm trọng trong tình hình bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc hiện nay, cần phải đẩy nhanh tiến trình hoạch định và đưa “Luật biển cơ bản” vào lập pháp, tăng cường phối hợp bằng hình thức lập pháp từ tầm cao, thống nhất phối hợp quản lý, nâng cao ý thức biển của toàn dân, thể hiện khả năng quản lý hữu hiệu; Thông qua hoạch định “luật biển cơ bản” cũng có thể công khai thể hiện chủ trương chính sách của Trung Quốc thêm một bước, chiếm lĩnh đỉnh cao về chế độ pháp luật bằng luật trong nước nhằm tham gia tốt hơn các công việc biển quốc tế. 

Thứ ba, tăng cường kiểm soát, quản lý các bãi, đảo đang tranh chấp và vùng biển đang quản lý. Đối với các bãi đảo và vùng biển mà Trung Quốc quản lý, trên cơ sở xác định rõ chủ quyền, tích cực áp dụng biện pháp quản lý hành chính và thi hành pháp luật bảo vệ chủ quyền, tăng cường quản lý thực tế và kiểm soát hữu hiệu. 

Thứ tư, sử dụng triệt để chứng cứ lịch sử, tăng cường đấu tranh pháp lý. Trung Quốc có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định có chủ quyền đối với các đảo mà Trung Quốc chủ trương và vùng biển mà Trung Quốc quản lý, và cũng được rất nhiều người trên thế giới công nhận, cần phải vận dụng tích cực và hợp lý các công cụ pháp luật để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển. 

Thứ năm, đẩy nhanh tiến trình khai thác tài nguyên ở vùng biển tranh chấp. Trên cơ sở “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, tích cực tìm kiếm những khu vực và phương thức khai thác chung với nước lân cận; chủ động lên kế hoạch, đẩy mạnh và tiến hành nghiêm túc việc đấu thầu các lô dầu khí mà Trung Quốc vừa công bố. 

Thứ sáu, thúc đẩy hợp tác hai bờ. Rất nhiều vấn đề và thách thức về lợi ích biển mà Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay liên quan đến lợi ích chung giữa hai bờ eo biển. Trên cơ sở giao lưu và hợp tác, hai bờ cần phải hợp lực bảo vệ lợi ích biển của dân tộc Trung Hoa. 

V- Bảo vệ quyền và lợi ích biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm 

Hiện nay tiến trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới đang tiếp tục đi vào chiều sâu, hợp tác kinh tế giữa các nước đang tiếp tục diễn ra mạnh, mức độ lệ thuộc nhau sâu sắc hơn. Biển là không gian và là nhân tố kết nối quan trọng trong khu vực, có vai trò không thể thay thế được đối với sự tồn tại và phát triển của nhân loại, kinh tế biển đã trở thành đường hướng và nội dung quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, nhưng đồng thời phát triển biển bền vững và việc sử dụng biển đang đứng trước thách thức chưa từng có như, môi trường biển đang xấu đi, hệ thống sinh thái biển đang thoái hóa, thiên tai biển do biến đổi khí hậu gây nên…. Để đối phó với những thách thức trên, chúng ta không thể đơn thuần tác chiến đơn lẻ, mà phải đi sâu hợp tác, cùng phát triển mới là con đường hữu hiệu. Chúng ta hy vọng thông qua mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, tiếp tục thực hiện tinh thần của hội nghị các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ tổ chức quốc tế, tiếp tục khai thác tiềm năng biển trong các phương diện như bảo vệ môi trường sinh thái, đối phó biến đổi khí hậu, bảo vệ an ninh lương thực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…, làm sâu sắc thêm quá trình hợp tác thực tế và xây dựng khả năng hợp tác trong các lĩnh vực liên quan, nâng cao khả năng đóng góp của Trung Quốc trong phát triển biển ở khu vực. 

Hiện nay Trung Quốc đã đảm nhận thành lập trung tâm và cơ quan đại diện tại Trung Quốc của các tổ chức và cơ quan quốc tế như Ủy ban Hải dương học giữa Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức khí tượng thế giới, Học viện hải dương quốc tế, liên quan đến các lĩnh vực phát triển bền vững của hải dương, đánh giá công tác giám sát biển thông qua máy móc thiết bị, hải dương học và khí hậu… đó là những việc làm quan trọng của Trung Quốc trong việc tham gia tích cực các công việc quốc tế, đảm nhận nghĩa vụ quốc tế, đẩy mạnh hợp tác, cùng phát triển. Trung Quốc sẽ tận dụng triệt để những bình diện nói trên, tăng cường hợp tác khu vực với các nước và khu vực khác, đảm bảo an ninh sinh thái, thúc đẩy kinh tế biển phát triển bền vững, nâng cao khả năng phát triển biển và quản lý biển toàn diện. 

Trong vấn đề Biển Đông, dựa theo ý tưởng tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi và cùng thắng lợi, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc đã soạn thảo “Kế hoạch về khuôn khổ hợp tác quốc tế Biển Đông và vùng biển xung quanh Biển Đông (2011 – 2015)”, sơ bộ thành lập cơ chế và mặt bằng hợp tác giữa các chính phủ và giữa các bộ ngành, đã nâng cao độ tin cậy lẫn nhau về chính trị với các nước cạnh Biển Đông, thúc đẩy phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị. Tháng 11 năm 2007, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc và Bộ Hải dương và Ngư nghiệp Inđônêxia đã ký kết “Bản ghi nhớ” trong lĩnh vực biển giữa hai bộ ngành, có tên là “Bản ghi nhớ” trong lĩnh vực biển Trung Quốc – Inđônêxia”; tháng 4 năm 2011 hai bên lại ký kết “Bản ghi nhớ”, thành lập Trung tâm nghiên cứu hỗn hợp về hải dương và khí hậu giữa Trung Quốc và Inđônêxia, văn phòng đặt tại Giacácta, đã thành lập hai trạm quan trắc ở Băngđung và Natuna của Inđônêxia; tháng 3 năm 2012. Trong thời gian Tổng thống Inđônêxia Susilo Bambang ở thăm Trung Quốc, nguyên thủ hai nước đã chứng kiến lễ ký kết văn kiện “Về việc nghiên cứu mở rộng Trung tâm phát triển hải dương và khí hậu Trung Quốc – Inđônêxia”, nâng cấp Trung tâm Trung Quốc – Inđônêxia thành Trung tâm nghiên cứu cấp nhà nước. Tháng 6 năm 2009, Trung Quốc và Bộ Khoa học công nghệ sáng tạo Malaixia đã ký kết Hiệp định hợp tác khoa học công nghệ biển giữa hai chính phủ. Tháng 12 năm 2011, trong thời gian Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình ở thăm Thái Lan, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc và Bộ Tài nguyên thiên nhiên và môi trường Thái Lan ký kết “Bản ghi nhớ” hợp tác trong lĩnh vực biển Trung Quốc – Thái Lan”; Tháng 4 năm 2012 Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đi thăm Trung Quốc, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc và Bộ tài nguyên thiên nhiên và môi trường Thái Lan cùng ký kết bản “Kế hoạch thành lập Phòng thực nghiệm hỗn hợp khí hậu và sinh thái biển Trung Quốc – Thái Lan”. Tích cực triển khai hợp tác song phương, xây dựng mô hình mẫu về hợp tác cùng có lợi. Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc đã lần lượt tổ chức hội nghị của Ủy ban hợp tác hỗn hợp trong lĩnh vực biển đầu tiên với Bộ Hải dương và nghề cá của Inđônêxia, Bộ Khoa học công nghệ sáng tạo Malaixia, Bộ Tài nguyên thiên nhiên và môi trường Thái Lan, tổ chức thành công bốn hội thảo về khoa học công nghệ biển với Inđônêxia, một hội thảo về khoa học công nghệ biển với Malaixia, ba hội thảo về khoa học công nghệ biển với Thái Lan, thúc đẩy giao lưu hợp tác song phương giữa các ngành quản lý biển, giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học và các nhà khoa học. Trong khi đó Trung Quốc cũng đồng thời triển khai các hoạt động xây dựng và đào tạo bồi dưỡng năng lực với nhiều hình thức đa dạng. Thông qua các hình thức như cùng cử chuyên gia sang công tác lâu dài tại các cơ quan nghiên cứu khoa học của phía bên kia, tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng chung, đào tạo học vị, hội thảo v.v... gây ảnh hưởng đối với các chuyên gia, học giả và học sinh sang học tại Trung Quốc, thắt chặt quan hệ hợp tác, nâng cao độ tin cậy lẫn nhau, đặt cơ sở tốt đẹp cho hợp tác đi vào chiều sâu./. 

Theo Tạp chí “Trung Quốc ngày nay” (ngày 8/2012)

Lê Sơn (gt)