Den Kroolong nhận được tin gây choáng váng trong một cuộc điện thoại lúc 6 giờ sáng tại nhà của ông ở miền Bắc Thái Lan vào một ngày tháng 12/2013. Chiếc thuyền của ông đã biến mất. Là một ngư dân dày dạn kinh nghiệm, ông đã buộc chặt chiếc thuyền ở bờ sông Mekong, cách nhà chỉ vài phút đi xe.

Nhưng lúc đó, một người bạn gọi điện đến nói rằng điều gì đó khác thường đã xảy ra vào đêm trước đó trên con sông, vốn chia cách vùng này của Thái Lan với nước láng giềng Lào. Nó đột nhiên bị những con nước lũ đầy bùn đất, gạch vụn ngốn mất và mực nước đã dâng lên khoảng vài mét. Điều này quả là khác thường bởi vì tháng 12 là tháng mùa khô của khu vực này, khi con sông Mekong thường rất êm ả và mực nước thấp đến nỗi người dân có thể trồng rau dọc bờ sông để bán lấy tiền và lội xuống những bãi biển phủ đầy cát nổi lên trên bờ.

Kroolong, một người ông 53 tuổi đã bắt đầu đánh bắt cá trên sông Mekong từ khi mới 9 tuổi, đã bị choáng váng bởi những gì ông chứng kiến khi đến con sông. Ông nói trong một ngày tháng 4 ẩm thấp khi đưa tôi xuống bờ sông để giải thích điều gì đã xảy ra: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi từng chứng kiến bất cứ điều gì giống như vậy”.

Mọi thứ dọc bờ sông đã bị tàn phá. Những cây cà chua và bắp cải trồng dọc bờ sông đã bị cuốn trôi. Các trại nuôi cá đã bị phá hỏng. Những chiếc thuyền đã bị chìm, bị đập vỡ và, giống như con thuyền của Kroolong, đã bị những dòng nước lũ cuốn đi. Ông và một người bạn đã nhảy xuống một chiếc thuyền khác và đi dọc con sông để xem họ thể tìm được chiếc thuyền bị mất tích hay không, chèo điên cuồng để tránh những cành cây và rác trôi dọc dòng nước xoáy.

Vài giờ sau, họ phát hiện ra rằng những người dân làng sinh sống bên bờ sông thuộc Lào đã vớt được chiếc thuyền của ông. Kroolong nói: “Tôi đã nói với họ, đây là thuyền của tôi. Tôi muốn lấy lại nó”.

Họ nói rằng: “Nếu ông muốn chiếc thuyền đó, ông phải trả 15.000 baht”. Số tiền đó vào khoảng 460 USD, một khoản tiền lớn đối với một người kiếm được khoảng 6 USD/ngày nhờ vào việc bán cá bắt được ở sông. Tin chắc rằng cảnh sát sẽ chẳng giúp ích được gì, Kroolong đã bỏ lại chiếc thuyền cùng với kế sinh nhai của mình.

Ông phải kiếm một công việc là làm bảo vệ ở một bệnh viện gần đó, nơi ông đã dành thời gian để ngẫm nghĩ về lý do tại sao con sông lại đột nhiên biến thành một dòng nước xiết vào ngày hôm đó. Nhìn đăm chiêu vào dòng nước lớn chảy êm ả bên cạnh chúng tôi, ông nói: “Có thể là do mưa ở thượng nguồn phía Bắc. Hoặc có thể là do các con đập của Trung Quốc”.

Những con đập mà Trung Quốc đã xây dựng cách hàng trăm dặm về phía thượng nguồn từ ngôi nhà của Kroolong là điều đã đem tôi đến với Mekong, một trong những đường thủy lớn nhất của thế giới. Con sông này dài đến nỗi nếu nó nằm ở Mỹ, nó sẽ kéo dài từ Los Angeles đến tận New York. Nó bắt đầu từ những đỉnh núi đầy tuyết phủ của cao nguyên Tây Tạng trước khi đổ xuống qua các ngọn núi của tỉnh Vân Nam miền Bắc Trung Quốc đến Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và cuối cùng là Việt Nam, rồi ở đó nó đổ vào Biển Đông. Gần một nửa chiều dài con sông nằm ở Trung Quốc, nước đã bắt đầu xây đập ở Vân Nam hơn 20 năm trước.

Những con đập đầu tiên lớn nhưng hoàn toàn không giống với hai con đập khổng lồ, những con đập mới được xây gần đây. Đập Tiểu Loan, được hoàn thành gần 4 năm trước, là một trong những dự án thủy điện lớn nhất của Trung Quốc sau đập Tam Hiệp ở sông Dương Tử, với một bức tường cao gần bằng tháp Eiffel và một hồ có thể chứa 15 tỷ m3 nước. Nó bị lép vế về dung tích hồ chứa, mặc dù không hẳn về chiều cao, so với con đập mới Nọa Trát Độ, con đập có thể chứa 22,7 tỷ m3 nước. Cùng với nhau, hai con đập có thể chứa đủ nước để làm ngập một khu vực có diện tích bằng London xuống sâu 24m nước.

Từ lâu đã có rất nhiều câu chuyện kỳ lạ về ảnh hưởng mà hai con đập này có thể gây ra cho các quốc gia ở phía Nam, nơi mà người dân đã đổ lỗi cho chúng về mọi thứ từ hạn hán cho đến sự sụt giảm lượng cá đánh bắt được. Nhưng những gì xuất hiện trong chuyến thăm của tôi đến sông Mekong, khi tôi đi theo câu chuyện về những cơn lũ đã cuốn đi chiếc thuyền của Den Kroolong, thậm chí còn kỳ lạ hơn – một câu chuyện có tính chất cảnh báo về siêu cường mới nhất của thế giới, và về nguồn nước, một tài nguyên đang phải chịu sức ép ngày càng tăng.

Người ta luôn chiến đấu vì nước. Từ ngữ “đối thủ” xuất phát từ rivalis trong tiếng Latinh, hay ai đó dùng chung một dòng nước với một ai khác. Nhưng ngày nay, xung đột là một mối quan ngại đang nổi lên khi Liên hợp quốc cảnh báo rằng nhu cầu nước sạch đang bỏ xa lượng cung đến 40% trong vòng 16 năm. Điều đó có nghĩa là hợp tác giữa các quốc gia có chung dòng sông thậm chí có thể sẽ trở nên cấp bách hơn. Hợp tác từ lâu đã là điều rất khó khăn dọc sông Mekong, nơi mà các quốc gia đang hồi phục từ những năm tháng xung đột ác liệt. Hiện nay, khoảng cách kinh tế giữa các quốc gia đó dường như mở rộng ra xa hơn.

Một bên là Trung Quốc, người khổng lồ kinh tế, là quê hương của gần 40 dòng sông lớn chạy qua hơn 10 nước láng giềng và có khả năng đáng kinh ngạc trong việc “thuần hóa” các dòng sông của mình. Kể từ những năm 1950, một nhóm nhỏ kỹ sư thủy điện có tay nghề, gồm cả cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Lý Bằng, đã chặn, nắn thẳng và đổi hướng các con sông của nước này như là một phần trong công cuộc thúc đẩy công nghiệp hóa đang tăng tốc đã biến Trung Quốc thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và giúp hơn 500 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Do Trung Quốc chiếm gần 20% dân số của thế giới nhưng lại chỉ có 6% lượng nước ngọt, nước này đôi khi đơn thuần chỉ muốn chuyển nước đến những nơi không có. Do đó, nước này có một kế hoạch to lớn là nắn dòng chảy theo hướng Nam-Bắc để chuyển lượng lớn nước ngọt từ các khu vực ẩm ướt hơn sang các khu vực khô hạn hơn. Đồng thời, cơn khát điện đã biến Trung Quốc trở thành một nước xây đập thủy điện không giống với bất cứ nước nào khác, với ước tính khoảng 22.000 con đập lớn, gần bằng một nửa tổng số đập thủy điện toàn cầu.

Khi các thành phố của nước này nghẹt thở vì những nhà máy điện sử dụng than đá, Trung Quốc thậm chí đã đưa nhiều con đập hơn lên bản vẽ, gồm cả một số đập ở tỉnh Vân Nam, một phần trong nỗ lực kỹ thuật táo bạo khác nhằm truyền tải điện đến các nhà máy đang khát điện cách xa hàng trăm kilomet về phía Đông.

Nhưng ở hạ lưu con sông là 5 quốc gia Đông Nam Á có tình trạng đói nghèo và thất nghiệp vẫn lan tràn và đầu tư của Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng. Sông Mekong là một nhà máy cá khổng lồ và cũng như một máy tưới nước cho mùa màng đóng vai trò là đường huyết mạch kinh tế cho hàng chục triệu người dân ở các nước này. Người dân ở đây tiêu thụ khoảng 46 kg cá một năm, gần gấp đôi mức trung bình của toàn cầu. Một nửa sản lượng gạo của Việt Nam đến từ vùng châu thổ sông Mekong.

Đó là lý do tại sao các con đập của Trung Quốc được xem là có liên quan đến mối quan ngại như vậy. Ngay cả các con đập có quy mô trung bình cũng tạo ra những vấn đề được ghi chép lại rõ ràng về một con sông. Chúng ngăn không cho cá di trú đến các khu vực đẻ trứng và, bằng việc xả nước xối xả, rửa trôi lòng sông và phá vỡ các mô hình nuôi cá. Các con đập cũng chặn phù sa giàu dinh dưỡng cần thiết để giữ cho các vùng châu thổ ở hạ lưu được màu mỡ và ngăn cho chúng không bị xói mòn. Nhiều năm tháng xung đột ở dọc con sông Mekong đã khiến khó có thể thu thập được các hồ sơ ghi chép dài hạn mà có thể giúp tính toán tác động từ các con đập của Trung Quốc, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ đánh bắt cá và số lượng các loài sinh vật đã sụt giảm ở nhiều phần của con sông này kể từ năm 2007.

Sự phụ thuộc của các nước ở vùng hạ lưu sông Mekong vào con sông này có thể tăng lên khi một số nước bắt đầu xây dựng các đập thủy điện của riêng họ, mà sẽ dựa vào các dòng chảy có thể dự đoán được từ tỉnh Vân Nam.

Các chuyên gia chiến lược quốc tế cho rằng tất cả tạo thành một tình trạng đáng lo ngại ở một khu vực mà hiện giờ đang phải đối phó với những căng thẳng mới khi Trung Quốc và các nước lân cận đưa ra các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Đông. Ông Richard Cronin thuộc Trung tâm Stinson, một nhóm tư vấn chiến lược về an ninh quốc tế ở Washington DC nói rằng: “Tôi cho rằng Biển Đông là một mối đe dọa dài hạn hơn đối với hòa bình và ổn định ở khu vực này”.

Ông nói nếu Trung Quốc không thể xả đủ nước trong mùa khô, hầu hết các đập mới ở hạ lưu sẽ phải vật lộn để sản xuất điện vào thời điểm đó của năm. Và tính đến sự thiếu hụt nước của chính Trung Quốc, có khả năng Bắc Kinh có thể quyết định ưu tiên nước hơn sản xuất năng lượng và giữ lại một phần dòng chảy để sử dụng.

Tình hình càng trầm trọng hơn bởi sự miễn cưỡng khó hiểu của Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin về các con đập. Theo một số viện sỹ mà tôi đã trò chuyện, các học giả Trung Quốc nghiên cứu về các con đập ở Vân Nam coi các dữ liệu của họ như là một bí mật quốc gia. Các nhà báo đưa tin cho các tờ báo nước ngoài đã bị ngăn cản khi cố gắng quan sát các con đập. Một nhà báo từng cố gắng quan sát đập Tiểu Loan hồi năm 2010 đã nói với tôi rằng thậm chí cả người Trung Quốc cũng phải xuất trình giấy tờ căn cước trước khi được phép đến gần địa điểm này.

Peter Gleick, một chuyên gia về xung đột nước toàn cầu điều hành Viện Thái Bình Dương ở California, một nhóm tư vấn chiến lược về môi trường với cơ sở dữ liệu về các cuộc xung đột vì nước từ 5000 năm nay nói rằng Trung Quốc cũng miễn cưỡng trong việc thương lượng để sử dụng các con sông của nước này. Thế giới có nhiều ví dụ về các quốc gia đưa ra các hiệp ước và thỏa thuận để quản lý các đường thủy chung. Ông nói: “Nhưng ở sông Mekong, chúng ta có một tình trạng mà ở đó một bên có lịch sử hành động đơn phương rất mạnh mẽ”. Trung Quốc là một trong số chỉ 3 nước bỏ phiếu chống lại hiệp ước của Liên hợp quốc năm 1997 về quản lý các dòng sông quốc tế chung và không bao giờ đồng ý đàm phán quản lý chung đối với sông Mekong.

Điều này có nghĩa rằng việc có được thông tin đúng lúc về lượng nước mà Trung Quốc đang giữ hoặc đang xả ra từ các con đập khổng lồ của nước này là rất khó khăn, điều đã nhanh chóng trở nên rõ ràng từ một nỗ lực nhằm tìm ra điều gì đã thực gì gây ra cơn lũ hồi tháng 12 ở sông Mekong.


Địa điểm ở miền Bắc Thái Lan nơi con thuyền của Kroolong đã biến mất hồi tháng 12 là tỉnh Bueng Kan, nằm ở quá khúc giữa con sông Mekong. Phải mất một chuyến bay từ Bangkok và 3 giờ đồng hồ lái xe mới tới được đây, và nó không hoàn toàn giống như những gì mà tôi đã trông đợi từ một con sông dường như luôn có chút gì đó thần thoại, một bối cảnh đầy ám ảnh đối với cuộc chiến tranh Việt Nam, và là nhà của các loài sinh vật ngoại lai chẳng hạn như cá trê khổng lồ sông Mekong, loài cá có thể nặng bằng một nửa con bò.

Đó là thời điểm giữa ban ngày. Sức nóng khiến người ta không thể chịu đựng nổi. Những con kiến có nhát cắn đau buốt đã tấn công mắt cá chân của tôi. Không có dấu hiệu nào của các khu rừng hay những con cá trê khổng lồ, chỉ có những người dân làng Thái Lan âm thầm tìm chỗ trú cái nắng như búa bổ dưới bất kỳ bóng râm nào có thể kiếm được khi con sông lớn màu nâu chảy ngang qua, ngăn cách chúng tôi khoảng vài kilomet với những ngọn đồi của Lào ở phía bờ bên kia.

Không phải mất nhiều thời gian để gặp được thêm những người bị ảnh hưởng bởi “hành vi” kỳ lạ của dòng sông Mekong hồi tháng 12 và hầu hết những người này gần như chẳng nghi ngờ chút gì về nguyên nhân. Ở ngay chỗ con thuyền của Kroolong biến mất, Ladda T-horkham, một bà lão trông có vẻ mệt mỏi, đã trồng một vụ cà chua, tỏi và hành lá ở bờ sông trước khi nước dâng lên. Một nửa số hoa màu của bà đã bị cuốn trôi và mặc dù bà đã cố gắng trồng thêm nhưng, đã quá muộn để có thể trồng được một vụ mùa mới. Bà nói những thương lái từng mua của bà cũng không tới nữa, buộc bà phải đạp xe để tự mình bán số rau trồng được.

Khi chúng tôi gặp bà ở một ngôi nhà gần đó, bà nói rằng bà nghĩ mình biết điều gì đã xảy ra: “Tôi nghe được rằng họ xả nước từ các con đập của Trung Quốc”.

Tiếp tục lái xe một vài giờ xuôi xuống hạ lưu, một vệt được tạo thành bởi những cành cây và gạch vụn cao quá mép nước vẫn đánh dấu mức nước mà sông Mekong đạt được vào tháng 12. Ở đó, một vài ngư dân nói rằng họ đã mất những chiếc lưới đánh cá và các động cơ trong cơn lũ mà họ cho rằng do một vụ xả nước từ các con đập của Trung Quốc gây ra. Rut Nuamnuan nói: “Tôi sẽ chẳng bận tâm lắm nhưng đáng lẽ họ phải cảnh báo trước cho chúng tôi”, anh cũng nói thêm rằng trận lũ dâng lên khiến anh tổn thất 3000 baht và mất thu nhập sau khi động cơ và thuyền của anh bị hư hại.

Theo tổ chức Hướng tới Phục hồi Sinh thái và Liên minh Khu vực, một nhóm môi trường của Thái Lan đã dành nhiều tuần để phỏng vấn những người dân làng về sự cố này, chỉ tính riêng 4 tỉnh của Thái Lan, trận lụt bất ngờ hồi tháng 12 đã gây thiệt hại ít nhất là 7 triệu baht, hay khoảng 220.000 USD. Tổng thiệt hại dọc con sông này chắc chắn còn lớn hơn nhưng thậm chí đó còn là một sự phản ánh yếu ớt về mức độ cuộc sống của người dân đã bị tác động như thế nào bởi một sự việc mà đồng giám đốc của nhóm này, Srisuwan Kuankachorn, nghi ngờ có liên quan đến các con đập.

Ông nói đáng lo hơn là thực tế rằng Trung Quốc đã chẳng nói gì công khai về trận lụt này. Ông nói: “Đó là một mớ hỗn độn. Trung Quốc sẽ phải học cách có trách nhiệm và minh bạch hơn trong cách mà nước này cư xử với các nước láng giềng của mình nếu Trung Quốc muốn được xem là một siêu cường văn minh”.

Những người đáng lẽ phải biết rõ nhất những gì đã xảy ra là các quan chức trong Ủy hội sông Mekong (MRC), một tổ chức được thành lập vào năm 1995 để phối hợp sử dụng chung dòng sông này. Văn phòng điều hành của tổ chức này nằm trong một tòa nhà lớn bên bờ sông Mekong ở Viêng Chăn, thủ đô thanh bình của Lào, một trong số ít những nước cộng sản còn lại trên thế giới.

Phải mất một chuyến xe nhiều giờ đồng hồ để tới được đó, sau đó là một chuyến đi ngắn trên một chiếc xe buýt chật kín khách du lịch đi qua một cây cầu bắc qua con sông giữa Thái Lan và Lào. Ở đây, con sông Mekong trông thật hùng vĩ. Lúc chiều tà, mọi người ngồi bên bờ sông và ngắm nhìn mặt trời khi nó biến thành một vòng tròn màu đỏ tươi chiếu ánh sáng xuống khúc sông này trước khi chìm khuất khỏi tầm mắt.

Tuy nhiên, trong tầm nhìn từ tòa nhà ủy ban, ký ức về những gì đã xảy ra hồi tháng 12 vẫn còn rõ rệt. Tôi đã gặp một cặp vợ chồng, Davon và Soonton Chanthabouly, trong một túp lều gỗ đơn sơ bên bờ sông, nơi họ mới trồng một vụ lạc trị giá khoảng 350.000 kíp (chỉ hơn 40 USD) trước khi nước sông dâng lên. Davon nói: “Chẳng có gì giống như vậy từng xảy ra trước đây”, cô còn nói thêm rằng cô không buồn bực về số tiền bị mất bằng việc phải mất gần một tuần để trồng vụ lạc này.

Bên trong chính Ủy hội sông Mekong, Hans Guttman, chuyên gia phát triển người Thụy Điển giữ chức vụ giám đốc điều hành kể từ năm 2011, cũng bối rối như Chanthabouly về những gì đã xảy ra. Ông nói khi chúng tôi ngồi trong văn phòng lớn của ông nhìn ra sông Mekong với các quan chức cấp cao của ủy hội: “Tôi vào văn phòng và tự hỏi tại sao lại có một cái hồ ở phía trước nó”. Simon Krohn, cố vấn kỹ thuật quốc tế của ủy hội này nói: “Nó giống như một cơn lũ quét vậy”.

Trong vòng 50 năm, người ta chưa từng chứng kiến con sông dâng lên đột ngột như vậy ở thời điểm đó trong năm và, giống như những người dân làng ở miền Bắc Thái Lan, ý nghĩ đầu tiên của Guttman là hướng sang Trung Quốc. Ông nói rằng: “Chúng tôi đã tiếp tục làm việc để xem liệu đó có phải là một vụ xả nước từ các con đập của Trung Quốc hay không”.
Tuy nhiên, khi trận lũ xảy ra, các hình ảnh từ vệ tinh đã cho thấy rằng đã có những trận mưa xối xả ở miền Bắc Trung Quốc và Bắc Lào, một số khu vực ở đó còn có lượng mưa hơn 120 mm chỉ trong vòng 2 ngày.

Do đó, ủy hội này đã thực hiện một phân tích sơ bộ về cơn mưa đã gây ra trận lụt bất thường, chứ không phải nước được xả ra từ các con đập của Trung Quốc. Nhưng ủy hội này cũng vẫn muốn biết chuyện gì đã xảy ra tại các con đập và việc tìm hiểu quả là điều khó khăn.

Các quan chức của ủy hội không thể chỉ đơn giản nhấc máy lên và gọi cho những người điều hành các con đập của tỉnh Vân Nam. Họ có thể thu thập thông tin tại các cuộc gặp gỡ đặc biệt với các quan chức Trung Quốc nhưng đường dây thông tin liên lạc đã được thiết lập đòi hỏi họ phải đưa ra một đề nghị chính thức với Bắc Kinh thông qua đại diện của Trung Quốc ở một cơ quan có trụ sở ở Bangkok gọi là UNESCAP, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc, nhánh phát triển khu vực của Liên hợp quốc.
Chuyện sẽ khác nếu Trung Quốc là một thành viên của Ủy hội sông Mekong, điều người ta có thể nghĩ là sẽ như vậy, do 44% con sông nằm ở Trung Quốc. Nhưng chỉ có Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam là các thành viên đầy đủ. Nếu Trung Quốc tham gia, nước này sẽ phải chia sẻ thông tin về việc quản lý con sông.

Thay vào đó, Trung Quốc là một “đối tác đối thoại” đưa ra các dữ liệu trong mùa mưa, để giúp các nước ở hạ lưu giải quyết lũ lụt, chứ không phải trong mùa khô ngoại trừ trong các trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như đợt hạn hán năm 2010 đã làm dấy lên những lời buộc tội đầy giận dữ rằng Trung Quốc đã tích trữ nước để bơm vào đập Tiểu Loan mới được hoàn thành gần đây. Cuối cùng, Bắc Kinh đã công bố các số liệu trong năm đó cho thấy rằng tỉnh Vân Nam cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, dẫn đến việc các quan chức của Ủy hội sông Mekong kết luận rằng các con đập đã không làm trầm trọng thêm vấn đề.

Nhưng những trận lũ lụt gây thiệt hại trong mùa khô, giống như những trận lũ trong tháng 12, là một hiện tượng mới, hiện tượng mà một số quan chức cho rằng có thể là một phần trong “sự bình thường mới” đối với con sông, có thể có các mức nước thấp trong mùa mưa và các mức cao hơn trong mùa khô khi Trung Quốc tích trữ và xả nước cho các con đập.
Guttman nói rằng lần đầu tiên ông đề cập đến trận lũ lụt với Trung Quốc thông qua UNESCAP là vào tháng 1 và ông vẫn đang chờ đợi một phản hồi chính thức khi chúng tôi gặp nhau vào tháng 4. Tuy nhiên, sau đó, ông đã cố gắng để hiểu được một sự kỳ lạ khác trên sông Mekong xảy ra vào tháng 2. Mức nước đã bất ngờ giảm xuống 1 mét ở một số khúc sông, một lần nữa không được cảnh báo, và sau đó tăng nhanh lên mức cao hơn nhiều so với các mức từng được ghi nhận trong thời điểm đó của năm.

Lần này, đã có không có trận mưa nào và MRC kết luận rằng người ta có thể đổ lỗi cho các con đập. Guttman nói: “Suy đoán của chúng tôi là đã có sự tạm dừng nào đó ở khâu sản xuất điện, hoặc quá trình hoạt động con đập bị tạm dừng vì một số lý do. Đã có một số lời tuyên bố được đưa ra trên Facebook rằng cần phải sửa chữa ở đâu đó nhưng chúng tôi có những khó khăn trong việc tìm hiểu nó”.

Một phái đoàn các quan chức Trung Quốc đến thăm các văn phòng của MRC ở Phnom Penh hồi tháng 3 đã cung cấp các số liệu cho thấy không có vụ xả nước lớn bất thường nào từ các con đập của Trung Quốc trong tháng 12 và các dữ liệu khác cho thấy rằng trận lụt bị gây ra bởi lượng mưa rất cao. Ủy hội này cho biết tuy vậy họ đã không đưa ra lời giải thích nào cho những biến động bất thường trong tháng 2.

Ủy hội này sau đó đã gửi một bức thư thông qua UNESCAP vào tháng 5, chính thức tìm kiếm thông tin về cả những sự thay đổi trong tháng 12 lẫn tháng 2 nhưng phản ứng của Bắc Kinh đối với việc đó tỏ ra thậm chí còn khó hiểu hơn.

Có một cách là các quan chức của Ủy hội sông Mekong phải cân nhắc đến Facebook để thu được các đầu mối về các con đập của Trung Quốc, nhưng có vẻ sẽ là điều kỳ lạ nếu một quốc gia độc lập và tương đối giàu có như Thái Lan lại gặp phải khó khăn đến vậy trong việc thu thập thông tin. Để tìm hiểu, tôi đã bắt một chuyến bay đến Bangkok, thành phố vốn ở trong tình trạng căng thẳng từ cuộc khủng hoảng chính trị đã biến thành một cuộc đảo chính quân sự vài tuần sau đó.

Người biểu tình và các trạm kiểm soát quân đội làm tắc nghẹt các tuyến phố xung quanh thành phố nhưng tình hình lại êm ả bên trong Cục quản lý tài nguyên nước của nước này, nơi Cục trưởng Chaiporn Siripornpibul đang ngồi trong một văn phòng được bao quanh bởi các đồ thị và biểu đồ biểu thị hoạt động kỳ lạ của sông Mekong.

Các hồ sơ ghi chép của ông cũng cho thấy đã có những trận mưa cực lớn trước khi nước sông dâng lên trong tháng 12. Nhưng phải chăng trận mưa xối xả hơn bao giờ hết như vậy đã khiến cho nước sông dâng cao nhanh chóng như trong tháng 12? Ông nói: “Không giống như vậy”, và nói thêm rằng ông vẫn nghĩ là trận mưa, chứ không phải do các con đập của Trung Quốc, đã gây ra trận lũ lụt trong tháng đó.

Ông đã yêu cầu Ủy hội sông Mekong xem liệu họ có thể có được thêm thông tin từ Trung Quốc về những sự thay đổi bất thường về các mức nước của con sông, và vẫn chờ đợi để nghe được phản hồi. Phải chăng ông không thể chỉ thực hiện một cuộc gọi sang Trung Quốc và tự mình thu thập thông tin? Ông nói, với một nụ cười hối lỗi: “À, đó không phải là điều dễ dàng”.

Theo Brahma Chellaney, một giáo sư người Ấn Độ đã viết rất nhiều về mối đe dọa đối với sự ổn định trong khu vực gây ra bởi cái ông gọi là “uy thế về nước” của Trung Quốc, các quan chức ở các nước hạ nguồn Mekong đôi khi miễn cưỡng chỉ trích các con đập của Trung Quốc. Ông nói: “Các quốc gia ở Đông Nam Á, họ đều là những nước nhỏ. Họ sợ hãi đến nỗi không thể nói về Trung Quốc”.

Về vấn đề này, dường như vẫn có thể tìm ra những câu trả lời bằng một chuyến bay dài 5 tiếng đến Bắc Kinh, nơi tập đoàn Hoa Năng, công ty do nhà nước sở hữu đứng đằng sau các đập Tiểu Loan và Nọa Trát Độ, đặt trụ sở chính. Thành phố này được bao phủ trong một bầu không khí đầy khói bụi, một dấu hiệu của tình trạng ô nhiễm nhà máy than đang thúc đẩy Trung Quốc có được nhiều năng lượng hơn từ các đập thủy điện không khói. Một phát ngôn viên tại công ty Hoa Năng chuyển những câu hỏi về hoạt động của các con đập ở Vân Nam cho Bộ Tài nguyên nước, nói rằng đó là cơ quan quyết định lượng nước được xả ra từ các dự án.

Bộ này nói rằng họ không thể sắp xếp lịch trống cho bất cứ ai trong tuần tôi ở Bắc Kinh. Nhưng sau đó bộ này đã gửi một số tài liệu về các đập nước, gồm cả một bài phát biểu hồi tháng 4 của một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài nguyên nước, người cho biết Trung Quốc chỉ sử dụng 7-8% tiềm năng thủy điện của các con sông xuyên biên giới của nước này, ít hơn rất nhiều so với ở các con sông trong nước, hay thực tế là ở những con sông lớn tại các nước khác. Nước này cũng thực hiện các đánh giá kỹ lưỡng về tác động môi trường đối với các đập thủy điện của mình để đảm bảo rằng chúng “an toàn cho sinh thái và thân thiện với môi trường, không gây ra các ảnh hưởng đáng kể đối với các nước láng giềng".

Một tài liệu khác nói rằng các con đập của sông Mekong làm lợi cho các nước ở hạ lưu bởi vì “quy định khoa học” của họ về con sông này đồng nghĩa với lưu lượng của nó có thể được giảm xuống 30% trong mùa mưa, khi lũ lụt là một vấn đề, và tăng lên tới 70% trong mùa khô, để giúp đỡ trong các điều kiện khô hạn. Bộ này cho biết việc này đã ngăn chặn được tình trạng hạn hán ở các nước hạ lưu trong năm 2013. Tài liệu nói rằng do đó không những các con đập là có lợi, mà mọi người cũng không nên đổ lỗi cho chúng về bất kỳ vấn đề nào ở hạ lưu bởi vì chỉ có 13,5% lượng nước chảy vào sông Mekong bắt nguồn từ Trung Quốc.

Theo các chuyên gia về sông Mekong như Milton Osborne thuộc nhóm nghiên cứu của Viện Lowy của Australia, điều này hoàn toàn là “lời nói bậy” sai lạc. Ông này nói rằng trong suốt mùa khô, đến 40% lượng nước của con sông này cho đến tận phía Nam của Viêng Chăn đến từ Trung Quốc.

Nhưng điều gì trong trận lụt kỳ lạ hồi tháng 12 ở sông Mekong đã gây ra thiệt hại lớn đến vậy ở hạ lưu? Bộ Tài nguyên nước đã gửi một phản hồi riêng biệt về việc này, nói rằng trận lụt này chắc chắn là do những cơn mưa xối xả và không phải là do các con đập, vốn hoạt động một cách bình thường. Cơ sở lập luận này đã được truyền đạt một cách “toàn diện và hiệu quả” đến Ủy hội sông Mekong, lưu ý rằng phái đoàn đã thảo luận về sự việc này với ủy hội trong tháng 3. Về những sự thay đổi kỳ lạ của dòng sông trong tháng 2, một quan chức của bộ đã nói rằng sẽ mất thời gian để đưa ra câu trả lời và tốt nhất là thảo luận về vấn đề này sau.

Khi bài viết này được chuẩn bị để xuất bản, tôi đã yêu cầu ủy hội này cung cấp các số liệu về những sự thay đổi bất thường trong tháng 12 và tháng 2 nếu họ có nghe được thêm bất kỳ điều gì về yêu cầu chính thức của ủy hội trong tháng 5 muốn có có số liệu về sự thay đổi bất thường hồi tháng 12 và tháng 2. Một phát ngôn viên đã nói: “Trung Quốc cho rằng yêu cầu này nên được đưa ra thảo luận chính thức” vào cuối tháng 8 khi MRC dự định gặp gỡ với các quan chức Trung Quốc ở Phnom Penh.

Vậy phải tin vào điều gì? Làm thế nào mà ủy hội này vẫn có thể đợi chờ thông tin trong tháng 7 về những sự việc đã xảy ra hơn 5 tháng trước đó? Liệu tất cả có thể là một sự hiểu lầm, một trường hợp đơn giản là thông tin sai lệch? Quả là thú vị khi nghĩ rằng có thể là như vậy, ngoại trừ một điều. Liên quan đến một trong số những tuyên bố của mình, bộ này đã nói: “Các kênh đối thoại và thông tin liên lạc hiện nay của Trung Quốc với ủy hội là thông suốt, thực tế và hiệu quả cao”. Nếu có một điều chắc chắn thì đó là những sự liên lạc của Trung Quốc về các con đập của nước này là hoàn toàn không hiệu quả, chứ chưa nói đến việc thông suốt.

Điều này từ lâu đã gây bối rối cho các chuyên gia theo dõi chặt chẽ công việc xây dựng đập của Trung Quốc. Giáo sư Darrin Magee, một học giả Mỹ đã dành nhiều năm để nghiên cứu các con đập của Trung Quốc, nói: “Tôi là người cuối cùng người ta sẽ đến để tìm một nhân vật đả kích Trung Quốc. Nhưng trong trường hợp này họ cần một người quan hệ công chúng mới. Không có sự giải thích hợp lý nào cho việc không chia sẻ một số dữ liệu nếu quả thực những con đập này hầu như không gây ra tác động gì như họ tuyên bố”.

Việc chia sẻ đó dường như sẽ không sớm có được, do những gì vừa mới xảy ra ở sông Mekong. Và chính điều này, hơn bất cứ thứ gì khác, là điều biến các con đập của Trung Quốc trở thành một mối lo ngại cho tương lai của dòng sông này và cho hàng triệu người phụ thuộc vào nó.

Theo Financial Times

Trần Quang (gt)