091001161413_1.jpg

Ở Trung Quốc, các văn phòng và nhà máy đóng cửa, các dịch vụ cơ bản hoạt động ở mức cầm chừng, người dân được phép nghỉ một ngày để chứng kiến một lễ duyệt binh lớn chưa từng có, với sự hiện diện của các vũ khí tối tân và một lực lượng đông đảo quần chúng thấm đầy tinh thần yêu nước. Đây phải chăng là tín hiệu gửi tới chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe? Là một thông điệp gửi cho Mỹ, Nga, Ấn Độ và các quốc gia khác ở Đông Á?

Giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã tồn tại một dạng "Chiến tranh Lạnh" trong những năm qua. Đằng sau những tranh chấp liên quan đến quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư là một tham vọng nhằm đòi lại những phần lãnh thổ mà trước kia, khi bành trướng ở mức cao nhất về đất đai, Trung Quốc đã từng sở hữu. Tuy nhiên, sự gây hấn của Trung Quốc cũng có thể được coi là một chiến lược ngăn ngừa đối với Nhật Bản, khi quốc gia này đang tìm kiếm liên minh ở những đất nước Đông Nam Á trước kia đã từng bị họ xâm chiếm trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ phức tạp hơn. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và theo lý thuyết, có thể trong ngày một ngày hai, Bắc Kinh sẽ khiến cho Washington "bị" phá sản. Tuy nhiên, họ cũng nhanh chóng nhận ra rằng: làm chủ nợ của một siêu cường (đóng vai trò quan trọng về mặt hiện đại hóa công nghệ cho chính Trung Quốc) hoàn toàn không đơn giản.
Có hai yếu tố có thể giúp hiểu rõ hơn về chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong hoàn cảnh này:

Thứ nhất, trong cách nhìn của Bắc Kinh, Mỹ giờ đây trở nên "khó lường" hơn so với giai đoạn đầu của chính quyền George W. Bush. Mỹ đã thất bại trong hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Iraq và chịu trách nhiệm chính trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lớn nhất kể từ sự sụp đổ của Phố Wall năm 1929. Mỹ đang có một tổng thống không muốn trở thành "Sen đầm của thế giới" và chỉ muốn tiến hành chiến tranh với một nửa sức mạnh quân sự của siêu cường mà không cần đến bộ binh. Tổng thống Barack Obama dường như không có tham vọng đế quốc như những người tiền nhiệm, mà muốn tái cấu trúc lại và dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và lãnh đạo một đất nước có ngân sách quân sự lớn hơn tất cả các quốc gia trong Liên hợp quốc cộng lại. Điều hiển nhiên là Trung Quốc đang tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra khi nước Mỹ bỏ phiếu cho một tổng thống mới - người có xu hướng sẽ lại sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề toàn cầu?

Thứ hai là những vấn đề nội tại của Trung Quốc. GDP của Trung Quốc đã tăng liên tục 10% trong nhiều năm qua. Ban lãnh đạo quốc gia đông dân nhất hành tinh này đã thành công trong việc "biến" vài trăm triệu nông dân thành người thành thị, tạo ra một tầng lớp trung lưu mới và rất giàu có, nhưng cùng lúc cũng tạo ra sự đói nghèo, những người giận dữ và bức xúc như giai cấp vô sản thời Mao Trạch Đông. Có thể những gì xảy ra với thị trường tài chính và nền kinh tế Trung Quốc trong những tuần qua không nghiêm trọng như những gì người ta từng tưởng tượng, nhưng sẽ không hề dễ dàng cho Bắc Kinh trong việc tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng, vốn đã bị chững lại, để làm hài lòng những tầng lớp nghèo đói nhất trong xã hội.

Trong trường hợp ấy, thông qua cuộc duyệt binh kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít của nhân dân thế giới diễn ra ở Quảng trường Thiên An Môn, khái niệm "chủ nghĩa dân tộc" đã được các nhà lãnh đạo Bắc Kinh sử dụng như một thứ vũ khí hữu hiệu nhất.

Bài viết của bình luận Sergio Romano trên tờ nhật báo lớn nhất Italy "Corriere della Sera" số ra ngày 1/9.

Vũ Hiền (gt)