tapcanbinh-1.jpg

Năm 2013, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã nói với các sinh viên Trung Quốc rằng con gái ông đang học tiếng Trung. Khi đó, có ý kiến cho rằng đây rõ ràng là nỗ lực của cá nhân ông Osborne nhằm xoa dịu mối quan hệ vốn khá căng thẳng giữa Anh và Trung Quốc. Hai năm sau, tiết lộ nói trên cũng như nỗ lực kiên trì theo đuổi một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc của Bộ trưởng Osborne đã thành công, giúp thu hút hàng tỷ bảng đầu tư vào Anh trong giai đoạn mà Trung Quốc gọi là “thời gian vàng” của mối quan hệ song phương.

Tuần tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến công du tới London. Mục đích chính của chuyến công du này sẽ là tìm kiếm một mối quan hệ thân thiết hơn với Anh. Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh nhận định chuyến công du tới nước Anh của Chủ tịch Tập Cận Bình (diễn ra từ ngày 19-23/10) sẽ đánh dấu một mốc mới trong quan hệ Trung-Anh. Ông chia sẻ với tạp chí "The Diplomat": “'Thời gian vàng' trong quan hệ Trung-Anh đã bắt đầu".

Khác với thông lệ là thường đến thăm nhiều nước trong một chuyến công du kéo dài, lần này Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ chỉ đến thăm mỗi nước Anh. Đây được coi là một dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng của ông đối với xứ sở sương mù. Mặc dù hai bên sẽ nhấn mạnh đến mối quan hệ song phương "nồng ấm", song giới chuyên gia cảnh báo rằng lãnh đạo của hai nước sẽ không đạt được vấn đề gì cụ thể ngoài những lời nói suông. Trong khi đó, tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ kết thúc bằng một tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ phát hành nợ chính phủ bằng đồng nhân dân tệ tại Lodon. Nếu điều này thực sự diễn ra, London sẽ là trung tâm tài chính đầu tiên nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc cung cấp các khoản nợ do chính phủ Trung Quốc đứng tên.

Có thể thấy rõ một điều là quan hệ của Anh với Trung Quốc đã được cải thiện rõ rệt. Tháng trước, Bộ trưởng Osborne đã tới thăm Trung Quốc và khi ra về, ông mang theo những lời cam kết đầu tư từ phía Trung Quốc cũng như sự đột phá trong quan hệ song phương. Tháng này, trong một bài phát biểu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Osborne đã nhấn mạnh rằng Anh sẽ bị mất rất nhiều việc làm nếu cắt đứt quan hệ với nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng ông Osborne đang coi việc cải thiện quan hệ với Bắc Kinh là một “ý tưởng lớn” nhằm giúp ông vươn lên vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền khi Thủ tướng David Cameron mãn nhiệm trước năm 2020.

Sau chuyến công du Trung Quốc hồi tháng trước, Bộ trưởng Osborne và những người đồng nghiệp của ông trong chính phủ đã công bố những thành công của chuyến công du, bao gồm các thỏa thuận kinh tế và các chương trình xã hội, trong đó có một chương trình rất quan trọng đối với ông là tăng cường dạy tiếng Trung tại các trường học ở Anh.

Tại cuộc họp thường niên của đảng Bảo thủ diễn ra hồi đầu tháng 10, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói rằng chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng 10 và chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 11 cho thấy “Anh đang mở cửa kinh doanh với cả thế giới”. Tuy nhiên, một số nhà chỉ trích lo sợ rằng ông Osborne đang cho đi quá nhiều. Rod Wye, thuộc Chương trình châu Á của Viện chính sách độc lập Chatham House, nói: "Trung Quốc sẽ không vung tiền đầu tư một cách vô điều kiện. Chắc chắn, họ sẽ đỏi hỏi phải có một sự đền đáp nhất định xứng đáng với những khoản đầu tư mà họ bỏ ra... cả về kinh tế lẫn chính trị”.

Theo “Reuters

Hương Trà (gt)