1380902690_00_76a61.jpg

Sau chiến thắng vang dội trước bà Hillary Clinton chỉ một vài giờ, một nguồn tin thân cận của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nói với tờ Diplomat về chính sách châu Á của ông: “Tôi sẽ nói những gì mà tôi đã nói với các nhà ngoại giao: Chúng tôi rất nghiêm túc về những gì chúng tôi đã nói và cũng rất linh hoạt về những việc mà chúng tôi làm”.

Sau khi xem nhẹ những gì mà Trump đã nói và thậm chí không tin vào cơ hội thắng cử của ông thì đến lúc này nhiều người vội vàng nghiên cứu xem lời nói của Trump sẽ chuyển thành hành động ở mức độ như thế nào sau cuộc bầu cử xáo trộn nhất kể từ khi Harry Truman đánh bại Thomas Dewey năm 1948. Không lạ gì khi chính sách châu Á của Trump thu hút sự chú ý rất lớn trong bối cảnh tương lai của chính sách "tái cân bằng" trong nhiệm kỳ Obama đang ở trong tình trạng bấp bênh.

Châu Á tất nhiên là một phần được chú trọng trong chiến dịch tranh cử của Trump, mặc dù các tuyên bố về quan hệ đồng minh của Mỹ và về vũ khí hạt nhân của Trump liên tục được giật tít trên các báo nhiều hơn là việc khu vực này có ảnh hưởng thế nào đối với thế giới quan và chính sách châu Á của ông. Với việc Trump chuẩn bị nhậm chức vào tháng 1/2017 tới, rất cần nghiên cứu kỹ hơn những điều mà ông sẽ làm đối với khu vực này.

Chính sách “nước Mỹ trước tiên”

Chính sách đối ngoại của Trump nếu được thực hiện sẽ khác rất nhiều so với chính sách của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng mức độ chắc chắn của nó chưa rõ ràng. Điều đã chắc chắn là quan điểm của Trump! Điều mà ông nói “nước Mỹ là trước tiên” dựa trên đánh giá về vị trí của Mỹ trên thế giới hiện nay, hiểu theo nghĩa hẹp là lợi ích của Mỹ và cách Mỹ quan hệ với cộng đồng quốc tế. Điều này khác xa với những gì chúng ta thường nghe từ các ứng cử viên Tổng thống Mỹ truyền thống - những người hiếm khi đặt câu hỏi về chủ nghĩa biệt lập và vai trò không thể thiếu của Mỹ đối với thế giới, với các đồng minh và các thỏa thuận thương mại được hình thành từ những cam kết của Mỹ với trật tự thế giới.

Trump có một bài diễn thuyết vào tháng 4/2016 tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia (CNI) theo lời mời của một nhóm các chuyên gia tại thủ đô Washington. Khi đó, Trump cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh là lãng phí, không có đường hướng, không đáng tin cậy và không hiệu quả. Do đó, Trump khẳng định sẽ tập trung hơn vào việc tái xây dựng quân đội và nền kinh tế Mỹ, ngăn chặn sự mở rộng của Hồi giáo theo mô hình mà ông cho là "chính sách đối ngoại mới khôn ngoan của Mỹ". Điều đó đang khiến nhiều người nghi ngại rằng chính sách đối ngoại của Trump là sự nghi ngờ về quan hệ đồng minh, tự do thương mại và là sự hài lòng về chủ nghĩa độc tài tại Nga, Trung Quốc.

Các cố vấn của Trump cho rằng quan điểm của ông thường mang tính châm biếm mặc dù đã có những nỗ lực làm rõ những quan điểm này. Xem xét kỹ lưỡng về tình hình trong và ngoài nước, Trump nói rằng ông không phản đối bản chất của quan hệ đồng minh nhưng phản đối cái giá của nó và các thỏa thuận thương mại cần phải công bằng đối với Mỹ.

Walid Phares, cố vấn chính sách đối ngoại trong chiến dịch của Trump, đã nói rằng hai mối quan tâm chính của Trump là khủng bố trong bối cảnh lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) nổi dậy và chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân khi cả Iran và Triều Tiên đều đặt ra những thách thức cho Mỹ. Hai vấn đề này đều nằm trong số ưu tiên cao nhất của bất kỳ vị tổng thống Mỹ nào. Với sự tôn trọng dành cho thiện chí phối hợp với các quốc gia độc tài như Nga và Trung Quốc, Trump liên tục khẳng định điều này không dựa trên hệ tư tưởng của ông mà đơn giản vì ông coi thách thức do Hồi giáo gây ra còn quan trọng và khẩn thiết hơn.

Ủng hộ quan điểm này của Trump, hồi tháng 4/2016 Phares viết trên tờ Fox News rằng chính sách mềm mỏng đối với Moskva và Bắc Kinh chỉ đơn giản là sản phẩm của một thực tế rằng Trump coi chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo là mối đe dọa ngay lập tức và nghiêm trọng hơn và Trump cần có sự hỗ trợ từ cả các đối thủ của Mỹ để giải quyết thách thức này. Phares viết: “Trump rõ ràng mong muốn giảm thiểu căng thẳng trong quan hệ với Nga và Trung Quốc, từ đó có thể tập trung nhiều hơn vào kẻ thù chung, chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo”. Phares cũng tuyên bố rằng Trump sẽ không ngần ngại sử dụng “đòn bẩy kinh tế” - có nghĩa là các biện pháp trừng phạt - để gây áp lực buộc Trung Quốc ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Ý nghĩa đối với chính sách châu Á của Mỹ

Với những điều đã biết và chưa biết về quan điểm của Trump, ý nghĩa của chúng đối với chính sách châu Á của Mỹ là như thế nào? Những tuyên bố là tiêu điểm của báo chí có vẻ như chỉ ra rằng Trump sẽ rời xa bốn trụ cột của chính sách "tái cân bằng" của Obama: Xây dựng quan hệ đồng minh và đối tác, củng cố các thể chế khu vực, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.

Đồng minh và đối tác

Với sự tôn trọng dành cho các đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á, Trump đã thể hiện một cách tiếp cận hẹp, có qua có lại và chia sẻ gánh nặng nhiều hơn. Nói một cách công bằng, Obama cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm trong chính sách "tái cân bằng" hướng tới châu Á nhưng ông có quan điểm quốc tế rộng mở và tự do hơn. Giải pháp của Obama không chỉ củng cố quan hệ đồng minh mà còn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện nhằm khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của các quốc gia đang nổi và đã nổi trong việc giải quyết các thách thức khu vực, toàn cầu. Nếu Trump thực hiện những gì ông đã nói, ông sẽ đánh giá lại về các đồng minh hiệp ước cốt yếu của Mỹ và đòi hỏi họ đóng góp nhiều hơn. Trên thực tế điều này có ý nghĩa như thế nào?

Trong bài diễn văn tại CNI hồi tháng 4/2016, Trump đã nói cụ thể hơn rằng ông kêu gọi một cuộc gặp với NATO và các đồng minh châu Á để thảo luận việc cân bằng các cam kết tài chính cũng như điều chỉnh những chiến lược mới để giải quyết các vấn đề chung. Tuy vậy có tín hiệu cho thấy Trump có thể đồng ý với một số điều chỉnh về chia sẻ gánh nặng giữa các đồng minh. Ví dụ như trong bài phát biểu ngày 15/8/2016 về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, ông cho rằng Mỹ có thể phối hợp chặt chẽ hơn với NATO trong vấn đề này. NATO cũng đã thể hiện thiện chí thay đổi bằng việc lập ra một nhóm làm việc đặc trách các mối đe dọa khủng bố.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ đồng minh nào của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi quan điểm "chia sẻ gánh nặng" của Trump và tác động đối với từng nước ra sao. Trump có thể sẽ tập trung vào Nhật Bản và Hàn Quốc - những nơi có phần lớn quân đội của Mỹ đóng tại châu Á. Australia là một thái cực khác bởi Canberra sẵn sàng ủng hộ sự hiện diện quân sự của Mỹ. Trump phản ứng thế nào đối với một đồng minh sẵn sàng nhận phần gánh nặng lớn hơn vẫn còn ở phía trước. Đối với các đồng minh thuộc Đông Nam Á thì càng khó để biết hơn. Một mối quan hệ dễ được chú ý là quan hệ Mỹ-Philippines khi Tổng thống Duterte đã nói rằng Philippines không nhận được gì nhiều từ Mỹ và sẽ cắt bỏ một số nội dung trong quan hệ quốc phòng. Vì thế, có thể Trump sẽ dùng mối quan hệ lạnh nhạt của Philippines với Mỹ và mối quan hệ nồng ấm hơn của Trung Quốc với Mỹ để minh chứng cho chính sách đối ngoại thất bại của Obama.

Mối quan tâm cuối cùng là việc Trump sẽ quan hệ với Trung Quốc - một quốc gia nằm ngoài mạng lưới đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á - như thế nào. Mặc dù, nhiều người cho rằng ông sẽ lấy lòng Bắc Kinh nhưng có nhiều tín hiệu từ các cố vấn của ông cho thấy có thể Trump sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm, vừa phối hợp vừa cân bằng. Trong một bài viết được đăng trên tạp chí Foreign Policy vào ngày 7/11/2016, hai cố vấn của Trump là Alexander Gray và Peter Navarro đã khái quát cách tiếp cận trong chính sách châu Á của Trump. Cách tiếp cận này được hình thành dựa trên mối liên hệ về lợi ích giữa kinh tế và nền quân sự mạnh hơn, đồng thời xoay quanh những đánh giá về sự quyết đoán ngày càng lớn và các hành động liều lĩnh của Trung Quốc trong khu vực. Bài viết đã nêu bật chính sách với Trung Quốc theo hướng diều hâu hơn nhiều so với những chính sách mà Mỹ đưa ra trong những năm gần đây, đồng thời cũng không quên chỉ trích Chính quyền Obama đã thất bại trong việc đối phó với chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như thất bại trong chính sách với hai đồng minh Đông Nam Á là Thái Lan và Philippines.

Thể chế khu vực

Về thể chế khu vực và chủ nghĩa đa phương nói chung, có rất ít tín hiệu thể hiện quan điểm của Trump. Giả sử rằng nếu Trump có rất ít sự kiên nhẫn dành cho các đồng minh thì ông cũng không dành chút chú ý nào tới các thể chế đa phương do ASEAN dẫn dắt, một sự đối lập hoàn toàn đối với Chính quyền Obama - đã dành nhiều thời gian, sự chú ý, nguồn lực cho các thiết chế này. Cũng không thiếu những bài phát biểu hay tuyên bố của Trump ủng hộ quan điểm chống chủ nghĩa đa phương. Ví dụ như việc Trump phát biểu tại một cuộc gặp mặt (chỉ sau bài phát biểu của Tổng thống Obama tại Đại hội đồng Liên hợp quốc một ngày) rằng không giống với giới lãnh đạo chính trị tham nhũng luôn cổ xúy chủ nghĩa toàn cầu nhằm phục vụ những lý do cá nhân, ông sẽ tập trung vào những gì là tốt nhất cho nước Mỹ. Trump nhấn mạnh: "Tôi không chạy đua để trở thành tổng thống của cả thế giới. Tôi chạy đua để trở thành Tổng thống Mỹ và đó là điều tôi quan tâm".

Câu hỏi quan trọng là mức độ mà Trump và chính quyền của ông thực sự tiếp cận với những thỏa thuận đa phương như thế nào. Sẽ khó có thể thấy Trump bỏ qua tất cả các thiết chế đa phương, dù có hay không có sự giúp đỡ từ đội ngũ cố vấn, thì ông cũng sẽ nhận ra rằng một số thiết chế đó sẽ giúp ông thúc đẩy mục tiêu của mình như việc chống khủng bố. Trong một số dịp, Trump đã thể hiện thiện chí sử dụng chủ nghĩa đa phương một cách có chọn lọc để phục vụ lợi ích của Mỹ. Trong bài phát biểu về Hồi giáo cực đoan hồi tháng 8/2016, Trump nói sẽ kêu gọi một cuộc thảo luận quốc tế - diễn đàn mà Mỹ có thể phối hợp với các nước đồng minh và bạn bè ở Trung Đông như Israel, Jordan và Ai Cập - để giải quyết mối đe dọa từ Hồi giáo cực đoan.

Điều còn chưa rõ là việc sử dụng chủ nghĩa đa phương có được mở rộng sang lĩnh vực kinh tế hay không. Liệu ông có coi các diễn đàn như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) hay hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Mỹ-ASEAN có đủ quan trọng để ông tham gia hay không vẫn là một câu hỏi mở. Một mặt các quốc gia Đông Nam Á và khối ASEAN là những thành phần rất quan trọng để giải quyết những thách thức mà Trump coi là quan trọng như khủng bố và an ninh hàng hải. Mặt khác, cũng có thể Trump sẽ thúc đẩy sự phối hợp với một số quốc gia có chọn lọc theo mô hình song phương thông qua các thể chế mà Mỹ lãnh đạo như Liên minh toàn cầu chống IS, hơn là tham gia một nhóm lớn mà hành động chậm. Cũng có một sự lựa chọn khác là Trump có thể không tham gia trực tiếp mà cử một quan chức nào đó tham gia, thể hiện việc Mỹ giảm sự quan tâm nhưng không xóa bỏ hoàn toàn vai trò của Mỹ.

Thỏa thuận kinh tế

Trump đã nói nhiều về trụ cột thứ ba của chính sách châu Á là các thỏa thuận kinh tế, trong đó thỏa thuận mà ông nhắc đến nhiều hơn cả là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dựa vào việc phản đối TPP thì rất khó để Trump thay đổi quan điểm về vấn đề này. Việc Trump thắng cử đã đặt dấu chấm hết cho khả năng thông qua TPP trong thời gian chuyển giao hậu bầu cử bởi đảng Cộng hòa có rất ít động cơ để tổ chức một cuộc bỏ phiếu và chống đối lại vị tổng thống đắc cử. Nhưng điều đó không có nghĩa là Trump chống lại tất cả các thỏa thuận thương mại. Trump và các cố vấn đã nói rằng ông có thể cởi mở với "những thỏa thuận thương mại tốt cho nước Mỹ". Nếu họ thực sự nghiêm túc về vấn đề này thì đây có thể là một điểm quan trọng. Hơn cả những thỏa thuận song phương như thỏa thuận đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc, một số phần trong TPP - một tập hợp của những thỏa thuận song phương - có thể được thực hiện. Flynn, cố vấn của Trump, đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Nikkei Asian Review trong suốt chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 10/2016 rằng dù Trump tin vào tự do thương mại nhưng ông cho rằng thỏa thuận song phương tốt hơn thỏa thuận đa phương do Mỹ có thể chủ động hơn trong việc bãi bỏ bất cứ thỏa thuận song phương nào.

Một điều nữa chưa chắc chắn là Trump sẽ thực hiện kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico hay tái đàm phán các thỏa thuận thương mại đã tồn tại như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) thế nào. Những lời lẽ cứng rắn về thương mại là rất phổ biến trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhưng các ứng cử viên hiếm khi làm theo những lời lẽ đã nói khi tranh cử. Những tác động đáng sợ từ chính sách của Trump đối với nền kinh tế Mỹ cho thấy những chính sách đó khó mà thực sự được thi hành. Một nghiên cứu của tổ chức Peterson về kinh tế quốc tế, có trụ sở ở Washington D.C, phát hiện ra rằng nếu áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc và Mexico thì Mỹ có thể rơi vào suy thoái và mất 5 triệu việc làm. Trump cũng đề cập ít hơn về các câu hỏi lớn hơn đòi hỏi sự chú ý trong phạm vi kinh tế của chính sách châu Á, chẳng hạn như việc Mỹ làm thế nào để can dự với các nhân tố khu vực, khi sức mạnh của Trung Quốc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giành ảnh hưởng kinh tế sang hướng có lợi cho nước này.

Dân chủ và nhân quyền

Trụ cột thứ tư trong chính sách châu Á đáng để quan tâm là dân chủ và nhân quyền. Trước hết, quan điểm của Trump không chỉ chưa rõ ràng mà còn mâu thuẫn. Ông vừa cố gắng vẽ nên một sự đối lập giữa chế độ dân chủ và độc tài như thời Chiến tranh Lạnh, vừa muốn có cơ hội theo đuổi mối quan hệ tốt hơn với các quốc gia độc tài như Nga và Trung Quốc. Dù thế nào thì cách hiểu hạn hẹp của Trump về lợi ích của Mỹ cho thấy ông sẽ dành ít sự quan tâm tới việc thúc đẩy giá trị Mỹ hơn so với Chính quyền Obama - luôn theo đuổi chính sách mềm mỏng. Chính Trump đã nói rằng ông không hứng thú lắm với việc truyền bá "một giá trị toàn cầu mà không phải ai cũng muốn", ông sẽ phối hợp với các đồng minh để "khôi phục lại các giá trị và thể chế phương Tây".

Việc ông sẽ làm thế nào vẫn là một điều khó hiểu. Nhưng thực tế là ông đã được bầu làm tổng thống mặc dù có những phát ngôn bài ngoại, không ủng hộ phụ nữ, bảo thủ trong chiến dịch tranh cử, cũng như quan hệ quá mức thân thiết với các thể chế độc tài. Điều đó có thể sẽ giảm đi những nỗ lực của Chính quyền Trump trong việc khôi phục lại giá trị và thể chế phương Tây.

Những điều chưa biết

Khi xem xét chính sách của Trump, chúng ta cần nhớ rằng còn một số điều chưa chắc chắn mà có thể tác động đến việc định hình chính sách đối ngoại của ông, trong đó có chính sách đối với châu Á.

Thứ nhất, như đã được đề cập nhiều lần ở trên, chúng ta không chắc về mức độ mà Trump thực sự sẽ thực hiện theo những quan điểm mà ông đã bày tỏ. Một vài quan điểm của ông đã có từ lâu - khi ông còn chưa bao giờ làm trong Chính phủ và một số quan điểm cá nhân khi ông còn là một doanh nhân, một ngôi sao truyền hình - có thể được phát triển khi ông nhậm chức. Trump cũng đã thể hiện xu hướng thay đổi về một số vấn đề và đó thường là sự khác biệt giữa những điều ông nói hay những điều cố vấn của ông giải thích về điều ông nói.

Thứ hai, chúng ta không biết quan điểm thực sự của Trump được chuyển biến thành chính sách như thế nào. Không giống Hillary Clinton, chính sách của bà đã được biết tới, các cố vấn chính sách của Trump nhìn chung không nổi tiếng, thậm chí cả Phares và Flynn cũng vậy. Ngoài tính cách cá nhân, chúng ta cũng không biết chính xác Trump sẽ lựa chọn và hành động theo những lời khuyên thế nào. Dựa vào những điều mà chúng ta biết về Trump, ông không đọc nhiều và thường phớt lờ những lời khuyên. Khi được hỏi trên chương trình "Buổi sáng với Joe" của đài truyền hình MSNBC hồi tháng 3/2016 về việc ai là người được ông lựa chọn để cố vấn về chính sách đối ngoại, Trump trả lời ông sẽ là cố vấn của chính mình vì ông có cái gọi là "bản năng tốt". Mối quan hệ kỳ quặc giữa Trump và các cố vấn trong suốt kỳ bầu cử đã cho thấy kể cả nếu ông có lắng nghe lời khuyên đi chăng nữa thì việc thực hiện cũng còn lâu mới mạch lạc.

Thứ ba, cũng như bất cứ Tổng thống Mỹ nào, Trump sẽ phải đối mặt với những khó khăn khi chuyển từ chính sách sang thực tế, trong giải quyết các vấn đề nội bộ cũng như các thách thức khu vực và toàn cầu. Về đối nội, nếu Trump và Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm quyền quyết định thúc đẩy quá nhiều các chính sách gây chia rẽ một cách quá nhanh chóng - từ xóa bỏ Luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA) tới chỉ định thẩm phán Tòa án tối cao - thì ông có thể chọc tức các nhóm chính trị gia, kích động chủ nghĩa phá rối trong nhánh lập pháp và cuối cùng để mất Quốc hội vào năm 2018 như những gì Obama đã gặp phải hồi đầu nhiệm kỳ thứ nhất bởi các hành động vượt quá giới hạn.

Nếu như Trump dành quá nhiều thời gian, công sức, nguồn lực chính trị cho đối nội thì sẽ không còn chỗ cho việc thực hiện những chính sách đối ngoại khác biệt mà có thể có tác động tới châu Á. Trump có thể phải giao lại việc thực hiện chính sách đối ngoại cho các cố vấn cấp cao, những người có thể làm giảm nhẹ xu hướng cực đoan của ông, dẫn tới một sự liên tục về chính sách châu Á như nhiều người kỳ vọng. Hoặc Trump có thể đâm đầu vào những thách thức toàn cầu và khu vực, những điều có thể khiến ông thay đổi quan điểm ban đầu, thậm chí là thay đổi lớn.

Một mặt, trong cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan, nếu Trump cuối cùng lại sa lầy tại Trung Đông thì một lần nữa chúng ta lại thấy sự chú ý của Mỹ xa rời khỏi khu vực châu Á và tập trung vào chống khủng bố hay chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Mặt khác, nếu cơn ác mộng xảy ra và Trump bắt đầu có những bước đi quyết liệt làm giảm sự hiện diện quân sự và tầm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ tại châu Á thì chúng ta sẽ thấy các đối thủ của Mỹ thế chân vào chỗ trống của Mỹ tại khu vực. Vị tổng thống Mỹ cuối cùng đã cố gắng thi hành chính sách không can dự triệt để giống Trump là Jimmy Carter, người đã kêu gọi rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc và Philippines sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Cuối cùng thì Carter cũng phải thay đổi quyết định bởi sự phản đối trong nước cũng như sự gia tăng các mối đe dọa toàn cầu và khu vực, trong đó có Liên Xô. Chúng ta cũng có thể thấy điều tương tự xảy ra trong một vài năm tới.

Tất cả những điều này kết thúc thế nào, các cố vấn của Trump sẽ phản ứng thế nào với hàng loạt các yêu cầu. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và các nhà quan sát sẽ sục sôi tìm kiếm câu trả lời về việc Chính quyền Trump có thể sẽ làm gì ở châu Á, nhưng có thể chúng ta sẽ không thể tìm ra câu trả lời cho tới năm 2017. Trump sẽ nhậm chức vào tháng 1/2017, sau đó các quan chức, cố vấn sẽ có hàng loạt các cuộc điều trần phê chuẩn và chúng ta sẽ dần định hình được chính sách của Chính quyền Trump khi các chuyến thăm của Tổng thống được dàn xếp và các cuộc gặp với các đồng minh chủ chốt, các đối tác được tổ chức. Cố vấn của Trump nói với tờ Diplomat: “Đây mới chỉ là giai đoạn đầu, sẽ phải mất một thời gian nữa như thông lệ, trước khi có những kế hoạch cụ thể”.

Tác giả Prashanth Parameswaran là chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương, các vấn đề an ninh châu Á và Đông Nam Á. Bài viết đăng trên “Tạp chí Diplomat” (ngày 10/11)

Mỹ Anh (gt)