Maritime_Strategy_cover.jpg

Tờ "Chính trị Thế giới" (Mỹ) đã dẫn lời mở đầu của báo cáo này, trong đó có đoạn viết: “Các cuộc xung đột trong tương lai sẽ diễn ra bất ngờ hơn, kéo dài hơn và trên những chiến trường ác liệt hơn nhiều về mặt kỹ thuật. Chúng sẽ kéo theo những hậu quả lớn ở bên trong biên giới nước Mỹ”. Báo cáo chỉ ra những mục tiêu tiềm tàng trong các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ - gồm 4 nước là Nga, Iran, Triều Tiên và Trung Quốc. Trong số này, ba nước có vũ khí hạt nhân (trừ Iran), trong đó Nga và Trung Quốc có số lượng (loại vũ khí này) lớn thứ hai và thứ ba, chỉ sau Mỹ. 

Cuộc chiến tranh hạt nhân cũng được đề cập trong chiến lược của Lầu Năm Góc. Báo cáo của Lầu Năm Góc phân chia các nước trên thế giới thành hai loại: “Phần lớn các nước - trong đó có Mỹ và các đồng minh - ủng hộ những thể chế và tiến trình ngăn ngừa các cuộc xung đột, tôn trọng chủ quyền và nhân quyền. Trái lại, một số nước mưu toan xem xét lại các khía cạnh chủ chốt của trật tự quốc tế và hành động theo cách đe dọa những lợi ích về an ninh quốc gia của chúng ta (Mỹ)”.

Lầu Năm Góc chia thế giới thành hai phe: những nước phục tùng Mỹ - một cường quốc thống trị thế giới - và những nước bằng cách nào đó dám chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Nga không tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng và sẵn sàng sử dụng vũ lực để đạt được mục đích của mình. Trong khi đó, Iran theo đuổi việc sở hữu các công nghệ hạt nhân, các hệ thống phóng tên lửa và là một Nhà nước ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Khác với hai nước trên, Triều Tiên đe dọa các nước láng giềng bằng cách mưu toan sở hữu vũ khí hạt nhân và các hệ thống tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, những hành động của Trung Quốc đang làm gia tăng tình hình căng thẳng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Mặc dù thừa nhận rằng không một nước nào muốn xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, nhưng báo cáo của Lầu Năm Góc lại cho rằng nhiều nước vẫn đang đe dọa an ninh của Mỹ. Báo cáo nhấn mạnh một cách gián tiếp nội dung của các “nguy cơ” này, đó là dù Mỹ là nước hùng mạnh nhất thế giới, có lợi thế duy nhất về công nghệ, năng lượng, về liên minh, quan hệ đối tác và dân số, song những lợi thế này đang bị thách thức. Lầu Năm Góc so sánh giữa nền hòa bình, dân chủ, nhân quyền… với cái mà họ gọi là “một trật tự quốc tế tuân theo những qui tắc dưới sự lãnh đạo của Mỹ”. Các nhà lãnh đạo Mỹ nhận thức sâu sắc rằng quyền lực của họ đang bị suy giảm tương đối trước sức mạnh của các đối thủ, nhất là Trung Quốc, và ưu thế quân sự của Mỹ đang bị đe dọa bởi sự suy giảm vị thế kinh tế, và sự gia tăng đối kháng xã hội khiến cho việc duy trì các cuộc can thiệp quân sự bên kia bờ Đại Tây Dương khó khăn hơn. "Chiến lược Quân sự Quốc gia" năm 2015 của Mỹ khẳng định Mỹ ủng hộ sự phát triển của Trung Quốc và khuyến khích nước này trở thành một đối tác trong việc đảm bảo an ninh quốc tế, nhưng văn bản này lại đề cập tới chiến lược của Mỹ nhằm bao vây Trung Quốc về quân sự và kinh tế. Báo cáo viết: “Chúng ta (Mỹ) sẽ tiến lên với chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ sẽ tăng cường liên minh với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan. Chúng ta cũng làm sâu sắc thêm mối quan hệ về an ninh với Ấn Độ và phát triển quan hệ đối tác với New Zealand, Singapore, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Bangladesh”. 

Báo cáo trên nhận định rằng các chiến dịch quân sự của Mỹ trong thập niên qua đều nhằm vào “các mạng lưới cực đoan bạo lực” hay REV, từ mới của Lầu Năm Góc chỉ các nhóm khủng bố bao gồm tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS), al-Qaeda, Taliban ở Afghanistan và các nhóm Hồi giáo khác ở khắp Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, theo báo cáo, giờ đây và trong tương lai nhất định, Mỹ phải quan tâm hơn đến những thách thức từ phía các chủ thể nhà nước, các cuộc xung đột tương lai giữa các nhà nước với nhau bởi nó là những cuộc xung đột không lường trước được và rất khó để chế ngự. 

Thùy Anh (gt)